Siêu âm đánh giá thận ứ nước

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Quang Đức - Bác sĩ Y học hạt nhân - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Bác sĩ có hơn 12 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Chẩn đoán hình ảnh.

Thận ứ nước là hậu quả của tình trạng tắc đường dẫn nước tiểu bên trong hoặc bên ngoài thận. Nếu không phát hiện, điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn tới suy giảm chức năng thận, làm tổn thương các tế bào thận. Siêu âm thận là phương pháp hữu hiệu để chẩn đoán thận ứ nước.

1. Thận ứ nước là gì?

Thận có vai trò lọc các chất độc hại cho cơ thể. Mỗi ngày có một lượng máu lớn đi qua 2 thận và những thành phần không cần thiết trong máu sẽ được thận lọc, thải qua hệ thống đài bể thận.

Thận ứ nước (tiếng Anh là Hydronephrosis) là tình trạng thận bị tổn thương biểu hiện ở việc thận bị giãn nở hoặc sưng to lên do ứ đọng, tắc nghẽn nước tiểu lại bên trong. Tình trạng ứ nước ở thận có thể xảy ra ở 1 hoặc cả 2 bên thận. Thận ứ nước gây tổn thương cấu trúc tế bào, suy giảm chức năng thận. Nếu phát hiện bệnh sớm thì người bệnh có thể được can thiệp, xử lý hiệu quả. Tuy nhiên, nếu để triệu chứng thận ứ nước kéo dài nhiều tuần hoặc nhiều tháng thì có thể gây ra những triệu chứng trầm trọng hơn, trở thành thận ứ nước mạn tính, có thể dẫn đến suy thận.

Thận ứ nước có nguy cơ gặp cả ở trẻ em và người lớn. Tuy nhiên, những người mắc bệnh ung thư tử cung, sỏi thận, phì đại tuyến tiền liệt,... có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Ngoài ra, nguyên nhân gây bệnh có thể là do hẹp niệu đạo, hẹp lỗ niệu đạo, trào ngược bàng quang, ung thư bàng quang, ung thư đại tràng,... Bên cạnh đó, thói quen ăn uống, sinh hoạt không tốt như uống nhiều rượu bia, ngủ nghỉ không đủ giấc, lạm dụng thuốc bổ thận,... cũng có thể gây thận ứ nước.

Sỏi thận
Người bệnh sỏi thận tăng nguy cơ mắc bệnh thận ứ nước

2. Bệnh thận ứ nước có triệu chứng như thế nào?

2.1. Biểu hiện thận ứ nước cấp tính

  • Đau bụng hoặc đau vùng thắt lưng, đau khởi phát từ sườn hoặc hông lưng, lan tới vùng bẹn;
  • Buồn nôn, nôn và vã mồ hôi;
  • Có thể tiểu ra máu, tiểu buốt và tiểu rắt;
  • Đau từng cơn, đau dữ dội.

2.2. Biểu hiện thận ứ nước mãn tính

  • Thận giãn to từ từ trong thời gian dài, có thể không gây triệu chứng;
  • Khi có khối u ở tiểu khung hoặc bàng quang gây chèn ép thì có thể dẫn tới triệu chứng suy thận như mệt mỏi, buồn nôn, nôn, rối loạn nhịp tim, rối loạn các chất điện giải natri, kali, canxi,...
Rối loạn nhịp tim là một trong những tai biến do đặt nội khí quản
Thận ứ nước mãn tính có thể gây rối loạn nhịp tim

3. Siêu âm đánh giá thận ứ nước

Siêu âm là kỹ thuật sử dụng sóng âm nhằm tạo ra hình ảnh về kích thước, cấu trúc, các dấu hiệu bệnh lý của thận. Siêu âm có giá trị cao trong chẩn đoán thận ứ nước, không xâm lấn, không gây đau, có độ chính xác cao và an toàn cho bệnh nhân.

Chẩn đoán thận ứ nước qua siêu âm thận dựa trên 2 đặc điểm chính là: Tình trạng giãn của hệ thống đài - bể thận và tình trạng teo nhu mô thận. Cụ thể, các dấu hiệu theo phân độ bệnh như sau:

  • Độ 0: Không có tình trạng giãn;
  • Độ I: Có sự giãn nhẹ của bể thận và đài thận không giãn, không bị teo nhu mô thận;
  • Độ II: Có sự giãn nhẹ của bể thận và đài thận nhưng cấu trúc đài - bể thận vẫn được bảo tồn, không bị teo nhu mô thận;
  • Độ III: Thấy dấu hiệu giãn đài - bể thận; dấu hiệu tù của phễu và dẹt của nhú thận, mỏng vỏ nhẹ;
  • Độ IV: Đài, bể thận giãn lớn (giống như quả bóng), mất ranh giới giữa đài - bể thận, teo thận với hình ảnh vỏ thận mỏng.

Ngoài siêu âm, người bệnh còn có thể thực hiện các phương pháp chẩn đoán khác như xét nghiệm nước tiểu (phát hiện máu, vi khuẩn gây nhiễm khuẩn hoặc các tế bào ung thư); chụp cắt lớp (thận bị ứ nước và có sỏi).

Xét nghiệm nước tiểu
Xét nghiệm nước tiểu cũng chó phép đánh giá thận ứ nước

4. Đánh giá mức độ nguy hiểm của thận ứ nước theo các cấp độ

Các cấp độ nguy hiểm của bệnh thận ứ nước như sau:

  • Cấp độ 1: Là giai đoạn nhẹ nhất, chưa cần điều trị, chỉ cần theo dõi và kiểm tra định kỳ 3 tháng/lần. Dựa vào kết quả theo dõi, bác sĩ có thể đánh giá chức năng thận, phân tích nước tiểu hoặc dấu hiệu bệnh để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp;
  • Cấp độ 2: Bể thận giãn 10 - 15mm. Người bệnh có triệu chứng đau mạn sườn và hông cả ngày, có thể đi kèm tình trạng tiểu liên tục gấp 1,5 - 2 lần so với bình thường;
  • Cấp độ 3: Là giai đoạn nặng, bể thận giãn quá 15mm, đài thận và bể thận bị giãn thành nang lớn. Người bệnh có biểu hiện mệt mỏi do cơ thể bị tích nước, cần điều trị ngay để tránh những biến chứng nguy hiểm tới tính mạng;
  • Giai đoạn 4: Là tình trạng thận ứ nước nặng nhất, thận bị tổn thương 75 - 90%. Bệnh nhân có biểu hiện mặt mũi và tay chân sưng phù, tiểu ra máu, cần được phẫu thuật ngay lập tức. Ở giai đoạn này, bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như tăng huyết áp đột ngột, sỏi thận, suy thận, nhiễm trùng thận, thậm chí vỡ thận,...
suy thận
Thận ứ nước ở giai đoạn 4 có thể gây suy thận

5. Điều trị thận ứ nước

Việc điều trị bệnh thận ứ nước chủ yếu dựa trên nguyên nhân gây bệnh. Trường hợp thận ứ nước nặng hoặc có nhiễm khuẩn cần được chuyển lưu nước tiểu trước rồi mới đánh giá chức năng thận trước khi quyết định phẫu thuật. Các lựa chọn điều trị theo nguyên nhân gồm:

  • Hẹp khúc nối bể thận - niệu quản: Tùy mức độ tắc nghẽn để lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp. Với trường hợp thận ứ nước nhẹ, chức năng thận chưa thay đổi nhiều thì thường điều trị bảo tồn, không phẫu thuật nhưng cần thường xuyên theo dõi tình trạng bệnh. Trong trường hợp thận ứ nước nhiều, chức năng thận suy giảm nhiều thì cần thực hiện phẫu thuật (chủ yếu là phẫu thuật nội soi);
  • Sỏi tiết niệu: Bao gồm sỏi niệu quản và sỏi bể thận. Với trường hợp có sỏi nhỏ, thận không ứ nước hoặc ứ nước nhẹ thì có thể điều trị nội khoa bằng thuốc. Với trường hợp sỏi lớn, gây đau nhiều vùng hông lưng, ít đáp ứng với thuốc giảm đau hoặc gây suy giảm chức năng thận thì cần phẫu thuật. Các phương pháp phẫu thuật chủ yếu là tán sỏi ngoài cơ thể, nội soi tán sỏi thận qua da, nội soi niệu quản tán sỏi laser hoặc phẫu thuật nội soi lấy sỏi.

Phương pháp phẫu thuật nội soi thường được áp dụng vì không gây vết mổ hoặc vết mổ nhỏ, đau ít, mất máu ít, ít gây tổn thương các tạng trong ổ bụng, chi phí điều trị hợp lý, thời gian hồi phục nhanh và thời gian nằm viện ngắn.

Phẫu thuật nội soi
Phẫu thuật nội soi được ứng dụng phổ biến trong điều trị thận ứ nước

Một số biện pháp phòng ngừa thận ứ nước gồm: Uống nhiều nước, sống chung thủy một vợ một chồng, không quan hệ tình dục bừa bãi, vệ sinh cá nhân sạch sẽ,... phòng tránh nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiết niệu.

Thận ứ nước là bệnh lý có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Siêu âm đánh giá thận ứ nước là phương pháp chẩn đoán bệnh hữu hiệu và an toàn, không xâm lấn. Khi được chẩn đoán xác định bệnh, người dùng cần thực hiện đúng lời khuyên của bác sĩ trong sinh hoạt, điều trị để đẩy lùi bệnh tật.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

21.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan