Nguyên nhân gây suy tuyến yên

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Thị Duyên - Bác sĩ Thận - Nội tiết - Khoa Khám bệnh & Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Suy tuyến yên là tình trạng suy giảm hormone tuyến yên dưới mức bình thường. Đây là tình trạng tuyến yên bị suy giảm chức năng dẫn đến thiếu hụt hormone và hậu quả cuối cùng dẫn đến suy một loạt các tuyến nội tiết khác như suy tuyến thượng thận, suy tuyến giáp, suy tuyến sinh dục, bệnh đái tháo nhạt vv...

1. Suy tuyến yên là gì?

Suy tuyến yên là tình trạng tuyến yên không hoạt động kém mức bình thường làm suy giảm lượng hormone tuyến yên được sản xuất và không đáp ứng nhu cầu của cơ thể.

Tuyến yên nằm ở vị trí vùng dưới đồi là cơ quan nội tiết rất quan trọng chỉ đạo hoạt động các tuyến nội tiết khác như tuyến giáp và tuyến thượng thận cũng như các cơ quan sinh dục sản xuất hormone.

Tuyến yên có chức năng quan trọng là điều chỉnh các quá trình trao đổi chất trong cơ thể duy trì như là huyết áp, nước, chức năng tình dục, stress. Khi bị suy tuyến yên hậu quả suy các tuyến nội tiết khác như tuyến giáp, tuyến thượng thận và tuyến sinh dục không hoạt động bình thường gây một loạt rối loạn các hoạt động trong cơ thể.

2. Nguyên nhân dẫn đến suy tuyến yên

hội chứng Sheehan
Hội chứng Sheehan có thể gây ra tình trạng nhồi máu tuyến yên

Suy tuyến yên được chia thành 2 nhóm dựa vào nguyên nhân là suy tuyến yên nguyên phát do tại tuyến yên và suy tuyến yên thứ phát do các rối loạn vùng dưới đồi gây ra.

Nguyên nhân gây suy tuyến yên nguyên phát:

  • Khối u: Các tổn thương khối u làm choán chỗ như adenoma tuyến yên, nang tuyến yên, ung thư di căn chèn ép làm giảm kích thước, dẫn đến giảm áp lực và suy giảm chức năng của tuyến yên.
  • Nhồi máu tuyến yên: Nhồi máu tuyến yên do hội chứng Sheehan xuất hiện sau sinh làm suy tuyến yên hoặc do suy mạch máu. Xuất huyết tuyến yên gây sốc dẫn đến trụy tuyến yên.
  • Các quá trình viêm, nhiễm trùng, áp xe: Viêm màng não do vi khuẩn, lao, nấm, sốt rét, áp xe tuyến yên, Sarcoidosis, ... gây suy tuyến yên toàn bộ.
  • Gen: Liên quan đến các yếu tố dịch mã và biệt hóa tế bào. Suy tuyến yên bẩm sinh kèm theo hội chứng gián đoạn cuống tuyến yên do đột biến gen.
  • Các rối loạn thâm nhiễm: Bệnh nhiễm sắt, Bệnh mô bào Langerhans.
  • Điều trị: Thuốc điều trị miễn dịch gây suy tuyến yên, phẫu thuật thường ảnh hưởng đến chức năng tuyến yên và xạ trị sau phẫu thuật.
  • Rối loạn chức năng tự miễn dịch: Viêm tuyến yên lymphocytic thường gặp ở giai đoạn hậu sản gây phì đại và phá hủy tuyến yên.
Nguyên nhân gây suy giảm hormone tuyến yên
Nguyên nhân gây suy giảm hormone tuyến yên

Nguyên nhân gây suy tuyến yên thứ phát:

  • Khối u: U lành vùng hạ đồi, u xương sọ, u ác tính di căn từ phổi, ngực.
  • Điều trị: Xạ trị khối u làm ảnh hưởng đến vùng hạ đồi do bức xạ dẫn đến rối loạn hormone tuyến yên hoặc thiếu hụt tuyến yên thứ phát.
  • Tổn thương xâm nhập: Các quá trình viêm như viêm mô tế bào Sarcoidosis, Langerhan gây thiếu hụt, giảm hormone tuyến yên.
  • Nhiễm trùng: Viêm màng não do lao, virus, nấm candida, suy giảm miễn dịch như HIV, ...
  • Chấn thương não: Chấn thương sọ não làm tổn thương nền sọ gây thiếu hụt hormone tuyến yên.

3. Triệu chứng lâm sàng của suy tuyến yên

Biểu hiện suy tuyến yên trên lâm sàng rất đa dạng là triệu chứng của suy tuyến nội tiết khác như là tuyến giáp, tuyến thượng thận, tuyến sinh dục.

  • Mệt mỏi, chán ăn, cơ yếu, chán ăn, nôn, buồn nôn, tụt huyết áp, sắc tố da giảm. Đây là biểu hiện của suy vỏ thượng thận, nặng có thể gây sốt cao, hạ đường huyết, trụy mạch, hôn mê.
  • Da khô vàng, tóc khô rụng và dễ gãy, chậm chạp, uể oải, tụt huyết áp, tim đập chậm, giọng khàn, rối loạn tiêu hóa, táo bón, đây là biểu hiện của suy giáp.
  • Rối loạn nội tiết tố do suy tuyến yên làm ảnh hưởng đến sự phát triển ở tuổi dậy thì như tinh hoàn, dương vật nhỏ, da mỏng, nhiều nếp nhăn, khối cơ giảm, mất râu, loãng xương, ham muốn tình dục giảm, liệt dương, vô sinh nam (ở nam giới); dậy thì muộn, tuyến vú không phát triển, mất kinh, vô sinh nữ, rụng lông ở nách và cơ quan sinh dục, loãng xương (ở nữ giới).
  • Thiếu hormone prolactin ở phụ nữ sau sinh làm giảm hoặc không tiết sữa, tuyến vú teo nhỏ, ...
  • Thiếu hormone tăng trưởng GH do suy tuyến yên gây chậm mọc răng, chậm phát triển, chậm dậy thì ở trẻ, khả năng ghi nhớ và tập trung kém, thường xuyên bị hạ đường huyết và nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao.
Rối loạn nội tiết tố nữ
Rối loạn nội tiết tố do suy tuyến yên có thể gây vô sinh ở nữ giới
  • Toàn thân có thể có biểu hiện từ sụt cân, gầy, cơ thể chậm chạp, hay quên đến mất các phản ứng và nặng có thể bị ảo giác như tâm thần phân liệt.
  • Tùy vào nguyên nhân gây giảm hormone tuyến yên sẽ có biểu hiện đặc trưng khác nhau như mất khứu giác, liệt dây thần kinh, ... do u tuyến yên; hội chứng cường giáp, hội chứng Cushing, to các viễn cực, giảm hoặc mất tiết sữa, ... do u tuyến yên tiết hormone; sạm da do Wilson, ...

4. Chẩn đoán và điều trị suy tuyến yên

Chẩn đoán suy tuyến yên dựa vào:

  • Thăm khám có các triệu chứng lâm sàng như trên.
  • Xét nghiệm máu và nước tiểu để định lượng hormone của tuyến yên.
  • Chụp MRI tuyến yên để kiểm tra, đánh giá tuyến yên khi đang điều trị bằng liệu pháp thay thế hormone.

Điều trị suy tuyến yên chủ yếu dựa vào nguyên nhân gây bệnh, gồm các phương pháp:

  • Uống thuốc thay thế hormone.
  • Phẫu thuật được chỉ định trong trường hợp mô gần não ảnh hưởng đến tuyến yên hoặc tuyến yên phát triển không bình thường.
Chụp cộng hưởng từ (MRI) giúp phát hiện và chấn đoán bệnh u tuyến yên chính xác
Chụp MRI tuyến yên giúp chẩn đoán suy tuyến yên

Có nhiều nguyên nhân gây suy tuyến yên, trong đó được chia ra làm 2 loại chính là nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến tuyến yên và do vùng dưới đồi gây ra. Vì thế để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe, khi có các dấu hiệu suy tuyến yên thì bạn nên đến các cơ sở y tế để thăm khám sức khỏe, sớm phát hiện tình trạng bệnh lý để có hướng điều trị kịp thời, hiệu quả.

Kiểm tra sức khỏe tổng quát định kỳ giúp sớm phát hiện ra các vấn đề về sức khỏe ngay trong giai đoạn đầu. Điều này đặc biệt có ý nghĩa quan trọng đối với căn bệnh ung thư.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan