Điều trị bệnh bạch sản niêm mạc miệng

Bạch sản niêm mạc miệng là tình trạng xuất hiện những mảng trắng hoặc xám trong khoang miệng. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có nguy cơ tiến triển thành ung thư và gây nguy hiểm đến tính mạng cho người bệnh.

1. Bạch sản niêm mạc miệng là bệnh gì?

Bệnh bạch sản niêm mạc miệng hay còn gọi là bệnh bạch sản là tình trạng xuất hiện những mảng trắng hoặc xám trong khoang miệng, thường ở phần mặt trên hay mặt dưới của lưỡi. Bệnh lý này thường không gây hại, nhưng nếu nghiêm trọng có thể dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng, đặc biệt là ung thư.

Nhiều bệnh nhân nhầm lẫn bạch sản miệng với tưa miệng. Tưa là một dạng nhiễm nấm ở miệng, thường mềm hơn so với bạch sản và có thể dễ chảy máu hơn. Hầu hết các trường hợp nhập viện để điều trị bệnh bạch sản niêm mạc miệng đều ở giai đoạn muộn, bệnh thường chuyển sang giai đoạn tiền ung thư hoặc ung thư. Nguy cơ phát triển thành ung thư từ bạch sản sẽ phụ thuộc vào kích thước, hình dạng và sự xuất hiện của các tế bào bất thường. Có hai dạng bạch sản chính bao gồm:

  • Đồng nhất: Một mảng mỏng có màu chủ yếu là màu trắng, có thể có bề mặt nhẵn, nhăn hay có gờ, đồng nhất trong suốt.
  • Không đồng nhất: Một mảng có hình dạng bất thường, chủ yếu là màu trắng hoặc trắng và đỏ, có thể phẳng hoặc bề mặt sần sùi, đôi khi có vết loét.

2. Triệu chứng bạch sản niêm mạc miệng

Người bị bệnh bạch sản niêm vùng miệng sẽ có những vết loét đặc trưng trong khoang miệng. Những vết loét này có thể khác nhau về hình dáng, kích thước. Nhìn chung, bệnh nhân thường có một số đặc điểm đặc trưng như sau:

  • Xuất hiện vết loét có màu trắng và xám không thể rửa sạch được.
  • Những mảng loét có kết cấu không đều, có thể phẳng hoặc dày lên, cứng và phát triển khoảng từ vài tuần đến vài tháng.
  • Các vết loét thường không gây đau đớn, nhưng bệnh nhân có thể nhạy cảm khi ăn đồ cay nóng hay gặp các kích thích.
  • Với bạch sản dạng lông, triệu chứng thường gặp là xuất hiện lông, có những mảng trắng mờ dạng nếp gấp hoặc đường lằn ở hai bên đầu lưỡi.
  • Một số trường hợp xuất hiện đốm đỏ, đây có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư, do vậy cần hỏi ý kiến bác sĩ khi thấy hiện tượng này.

3. Nguyên nhân gây nên bạch sản niêm mạc miệng

Cho đến nay, nguyên nhân của bạch sản niêm mạc miệng vẫn chưa được xác định chính xác, tuy nhiên hút hoặc nhai thuốc lá được coi là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh bạch sản. Ngoài ra, có một số nguyên nhân khác như:

  • Có chấn thương bên trong má, chẳng hạn như vết cắn.
  • Răng mọc không đều.
  • Có răng giả, nguy hiểm là nếu răng giả lắp không đúng cách.
  • Cơ thể đang bị viêm nhiễm.

Bên cạnh đó, một dạng bệnh bạch sản đặc biệt liên quan tới việc nhiễm virus:

  • Bạch sản dạng mụn cóc tăng sinh (còn gọi là u nhú hóa): Đây là dạng bạch sản miệng hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm. Các nghiên cứu cho thấy nó có liên quan chặt chẽ với sự hiện diện của virus Epstein-Barr, một loại virus herpes. Gần như tất cả các trường hợp bạch sản dạng mụn cóc tăng sinh sẽ trở thành ung thư tại một số vị trí khác nhau. Bệnh thường được chẩn đoán muộn và có tỷ lệ tái phát khá cao.

Bạch sản lông ở miệng: Nguyên nhân là do virus Epstein-Barr gây ra. Những bệnh nhân có hệ thống miễn dịch yếu, chẳng hạn như người nhiễm HIV/AIDS có thể phát triển chứng bạch sản lông ở miệng. Bệnh nhân có các mảng lông màu trắng, thường có các nếp gấp nên trông giống như tóc mọc ra khỏi các nếp gấp. Những đốm này chủ yếu xuất hiện trên lưỡi, nhưng cũng có thể được tìm thấy ở các bộ phận khác của miệng. Bạch sản lông ở miệng không trở thành ung thư, nhưng nếu mắc bệnh, bệnh nhân nên đi khám và trao đổi với bác sĩ về việc kiểm tra HIV/AIDS .

4. Điều trị bệnh bạch sản niêm mạc miệng

Mục tiêu chính trong điều trị bạch sản niêm mạc miệng là ngăn ngừa nó trở thành ung thư. Việc điều trị có thể giúp loại bỏ các tổn thương, nhưng nhiều bệnh nhân vẫn bị tái phát. Sau đây là các biện pháp chính trong điều trị bạch sản niêm mạc miệng:

4.1 Điều trị bằng thuốc và các chất bổ sung

  • Ngừng sử dụng thuốc lá và rượu bia.
  • Nên ăn một chế độ ăn có nhiều trái cây và rau quả.
  • Sử dụng retinoids đường uống có thể giúp giảm các tổn thương, nhưng cần lưu ý đến các tác dụng phụ. Dùng các chất bổ sung vitamin A và beta-carotene đường uống có thể giúp làm sạch các mảng trắng, nhưng chúng sẽ xuất hiện trở lại sau khi ngừng sử dụng. Các chất bổ sung isotretinoin đã được phát hiện là có hiệu quả hơn beta-carotene trong việc phòng ngừa những thay đổi của ung thư.
  • Điều trị các yếu tố liên quan đến răng miệng như răng hô, mắc cài răng, bề mặt hàm răng giả có dấu hiệu bất thường càng sớm càng tốt.
  • Đối với bệnh bạch sản dạng lông ở miệng, việc sử dụng thuốc kháng virus thường sẽ làm các mảng bám biến mất. Bác sĩ có thể sẽ đề nghị bệnh nhân thoa thuốc lên các mảng bám. Thuốc mỡ bôi có chứa axit retinoic cũng có thể được sử dụng để làm giảm kích thước vết loét.

4.2 Điều trị ngoại khoa

  • Phẫu thuật: Phương pháp này giúp loại bỏ các mảng tổn thương, tuy nhiên vẫn có 10 – 20% khả năng các tổn thương sẽ tái phát và 3 – 12% có nguy cơ phát triển thành ung thư ở những vùng được điều trị.
  • Laser: Loại bỏ các tổn thương bằng tia laser.
  • Liệu pháp quang động: Sử dụng thuốc điều trị ung thư được kích hoạt bằng ánh sáng.
  • Phương pháp áp lạnh: Sử dụng phương pháp đông lạnh để loại bỏ những tổn thương ở miệng.
  • Đốt điện: Sử dụng kim đốt nóng bằng điện hoặc dụng cụ khác để loại bỏ các tổn thương.

5. Cách phòng ngừa bệnh bạch sản niêm mạc miệng

Bạch sản niêm mạc miệng có thể được phòng ngừa bằng cách áp dụng các biện pháp sau:

  • Bỏ thuốc lá: Tránh tất cả các sản phẩm thuốc lá và hỏi bác sĩ về các phương pháp giúp bỏ thuốc lá. Nếu bạn bè hoặc thành viên trong gia đình tiếp tục hút thuốc hoặc nhai thuốc lá, nên khuyến khích họ kiểm tra răng miệng thường xuyên vì bệnh ung thư miệng thường không gây đau cho đến khi có những dấu hiệu rõ ràng.
  • Hạn chế sử dụng rượu: Rượu là yếu tố có thể gây ra bệnh bạch sản và ung thư miệng. Sử dụng đồng thời rượu và thuốc lá có thể giúp các hóa chất độc hại trong thuốc lá xâm nhập vào các mô trong miệng dễ dàng hơn.
  • Đi khám nha khoa định kỳ: Việc thăm khám nha khoa thường xuyên giúp kịp thời phát hiện các vấn đề về răng miệng.
  • Ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi: Rau củ quả có chứa nhiều vitamin và các chất oxy hóa giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh bạch sản.

Bài viết đã cung cấp thông tin về nguyên nhân, triệu chứng cũng như cách phòng ngừa và điều trị bệnh bạch sản niêm mạc miệng. Nếu đang có những dấu hiệu nghi ngờ bệnh bạch sản, bệnh nhân nên đến ngay cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan