Biểu hiện da của người bị tiểu đường

Bệnh tiểu đường là bệnh rối loạn nội tiết phổ biến nhất, ảnh hưởng đến 8,3% dân số . Các rối loạn về da của người bị tiểu đường chiếm 79,2% trong tổng số người mắc bệnh tiểu đường. Những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 có nhiều nguy cơ phát triển các biểu hiện trên da hơn những người mắc bệnh tiểu đường loại 1. Bệnh ngoài da có thể xuất hiện như dấu hiệu đầu tiên của bệnh tiểu đường hoặc có thể phát triển bất cứ lúc nào trong quá trình bệnh. Vậy các biểu hiện da của người bị tiểu đường là gì, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1. Các biểu hiện da của người bị tiểu đường liên quan đến kháng insulin

1.1 Chứng gai đen và da người tiểu đường

Chứng gai đen là một sự dày lên như nhung của các nếp gấp da, tăng sắc tố, chủ yếu ở các vùng cổ, nách và bẹn, đôi khi có thể kèm theo sự tăng sừng. Nó có mặt ở 74% bệnh nhân béo phì trưởng thành và có thể dùng để dự đoán sự tăng insulin máu. Sự hiện diện của chứng gai đen là một chỉ số tiên lượng cho khả năng bị bệnh tiểu đường loại 2. Chứng gai đen liên quan đến bệnh tiểu đường loại 2 khởi phát âm ỉ và có biểu hiện ban đầu là tăng sắc tố và nó cho biết tình trạng kháng insulin.

1.2 Acrochordrons và da người tiểu đường

Acrochordons (polyp tuyến biểu mô, da nhãn, u nhú) là những khối u mọc ra từ da bình thường trên một cuống hẹp, thường nằm ở mí mắt, cổ, nách và bẹn, lành tính, nhưng đôi khi có thể hoại tử. Các nhà khoa học đã tìm thấy có mối quan hệ rõ ràng giữa tăng insulin máu và acrochordons.

1.3 Diabetic Dermopathy (DD) và da của người bị tiểu đường

Diabetic Dermopathy (DD) là một tình trạng da đặc trưng bởi các mảng vảy màu nâu nhạt hoặc hơi đỏ, hình bầu dục hoặc tròn, hơi lõm vào và thường xuất hiện nhiều nhất trên ống chân. Tổn thương thường tự lành và biến mất trong vòng 1-2 năm, để lại teo sắc tố tại vị trí ban đầu .

1.4 U vàng phát ban và da người tiểu đường

U vàng phát ban biểu hiện ở mông, khuỷu tay và đầu gối, khởi phát đột ngột với các nốt sần vàng trên nền đỏ da. Những tổn thương này có thể là dấu hiệu đầu tiên trên da của người bị tiểu đường. Các tổn thương của u vàng phát ban có xu hướng tự khỏi trong vòng vài tuần.

da của người bị tiểu đường
Hình ảnh da của người bị tiểu đường mắc chứng gai đen

2. Các biểu hiện da của người bị tiểu đường liên quan đến ĐTĐ type 1

2.1 Da người tiểu đường và Necrobiosis Lipoidica

Necrobiosis lipoidica (NL) là một bệnh u hạt mãn tính hiếm gặp ở da. Tổn thương NL điển hình trên da người tiểu đường phổ biến nhất ở mặt trước cẳng chân, ống chân thường bắt đầu dưới dạng các sẩn, mảng hoặc nốt màu nâu đỏ hoặc có lông và tiến triển nhanh chóng thành các mảng màu nâu vàng, teo da. Các tổn thương có thể tự loét hoặc do chấn thương.

Trong số những bệnh nhân NL, 11–65% mắc bệnh tiểu đường loại 1 tại thời điểm chẩn đoán qua da, 90% những người NL không mắc bệnh tiểu đường cuối cùng sẽ phát triển thành bệnh tiểu đường (chủ yếu là bệnh tiểu đường loại 1).

2.2 Bệnh bạch biến

Bệnh nhân bạch biến có các mảng da và tóc mất sắc tố. Một nghiên cứu năm 2009 báo cáo rằng trên 50 bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường loại 1 có 4% đối tượng mắc bệnh bạch biến.

2.3 Bọng nước tiểu đường

Bọng nước tiểu đường được tìm thấy ở 0,5% số người mắc bệnh tiểu đường loại 1, thường gặp nhiều hơn ở nam giới và những người mắc bệnh thần kinh ngoại biên lâu năm. Các tổn thương phát sinh tự phát và chủ yếu ở lưng và hai bên cẳng chân và bàn chân. Đôi khi, cũng có ở cánh tay và bàn tay. Các tổn thương là những bọng nước vô trùng có kích thước từ vài mm đến vài cm trên nền da thường không viêm, không gây đau.

Bọng nước tiểu đường thường xuất hiện trên da của người bị tiểu đường đã mắc bệnh nhiều năm. Tuy nhiên, tình trạng này có thể là dấu hiệu đầu tiên của bệnh tiểu đường. Tổn thương tự khỏi sau 2–5 tuần.

3. Các bệnh về da khác liên quan đến đái tháo đường

3.1 Bệnh vẩy nến

Bệnh vẩy nến đặc trưng bởi các sẩn và mảng đỏ da có vảy da, thường xảy ra ở những vùng dễ cọ sát, tì đè như da đầu, khuỷu tay, đầu gối, bàn tay, bàn chân, thân và móng tay. Khoảng 9% những người bị bệnh tiểu đường (loại 1 hoặc loại 2) bị bệnh vẩy nến.

3.2 Lichen phẳng

Tổn thương điển hình với sẩn hoặc mảng ngứa, màu tím, đa giác và bề mặt phẳng, đường kính từ 2 đến 4 mm, thường phân bố đối xứng, ở những nơi như trên nếp gấp của cổ tay, chân, thân mình, quy đầu dương vật, niêm mạc miệng và âm đạo.

3.3 Khô da ở người tiểu đường

Khô da là vấn đề về da phổ biến thứ hai trong các biểu hiện về da của người bị bệnh tiểu đường. Vì vậy, việc vệ sinh và dưỡng ẩm cho da là một trong những việc quan trọng để tránh khô da trên bệnh nhân bị tiểu đường.

3.4 Bệnh xơ cứng bì tiểu đường

Bệnh xơ cứng bì tiểu đường làm cho da ở sau cổ, vai, cánh tay và lưng trên của người bệnh trở nên dày và cứng hơn.

Bệnh xơ cứng bì tiểu đường được cho là một rối loạn hiếm gặp về da của người bị bệnh tiểu đường. Tình trạng này có xu hướng xảy ra ở những người: béo phì, sử dụng insulin, kiểm soát lượng đường trong máu kém, có các biến chứng tiểu đường khác.

da của người bị tiểu đường
Bệnh xơ cứng bì tiểu đường được cho là một rối loạn hiếm gặp về da của người bị bệnh tiểu đường

3.5 U hạt vòng ở da người tiểu đường

U hạt vòng là một bệnh da lành tính, mạn tính, tổn thương ở lớp bì, thường không triệu chứng cơ năng hoặc đôi khi có ngứa nhẹ, không đau. Dạng điển hình: thương tổn cơ bản là sẩn, nốt xếp thành chuỗi hình tròn hoặc vòng cung ly tâm, thường ở mu bàn tay, bàn chân, cùi chỏ, đầu gối.

3.6 Bệnh da thủng lỗ mắc phải

Bệnh da thủng lỗ mắc phải biểu hiện dưới dạng các nốt sẩn và nốt sần hình vòm với các nút tăng sừng. Viêm da thủng lỗ mắc phải gặp trên da người bệnh tiểu đường ở cả loại 1 và loại 2. Các tổn thương của bệnh da thủng lỗ mắc phải thường thấy thân trên và các chi và thường kèm ngứa.

3.7 Loạn dưỡng móng

Loạn dưỡng móng biểu hiện như sự dày lên và biến dạng của móng quá mức, có thể gây tích tụ các mảnh vụn và nhiễm trùng ngón chân, sau đó được điều trị như một vết loét da tiểu đường.

3.8 Giãn mạch quanh móng

Giãn mạch quanh móng biểu hiện như ban đỏ ở quanh móng tay, mạch máu giãn ra có thể nhìn thấy bằng mắt thường, đầu ngón tay đau và lớp biểu bì dày lên.

3.9 Nhiễm nấm Candida

Da của người bị bệnh tiểu đường thường có nguy cơ nhiễm nấm Candida nhất là Candida albicans cao hơn người thường vì lượng đường trong máu cao tạo điều kiện cho nấm Candida phát triển. Biểu hiện của bệnh là các mảng màu đỏ với dịch tiết dính màu trắng đặc trưng và mụn mủ ở xung quanh. Ngoài ra, còn có một số bệnh nấm da cũng thường gặp ở người bệnh đái tháo đường như: nấm da đầu, nấm móng,...

3.10 Nhiễm trùng da

Nhiễm trùng da là một bệnh lý về da của người bị tiểu đường khá phổ biến và có tính chất nghiêm trọng hơn hẳn những biểu hiện về da khác.

Một trong các biến chứng hàng đầu của đái tháo đường là loét da tiểu đường. Do nồng độ đường trong máu cao nên khả năng máu lưu thông kém, máu có độ nhớt lớn và áp suất cao làm tổn thương mạch máu và thần kinh từ đó làm giảm khả năng hồi phục tái tạo các vết thương nhỏ và giảm cảm giác da, vết thương nhỏ, do đó có thể tiến triển thành vết loét da tiểu đường ngày càng lớn hơn. Loét bàn chân là một trong những loại phổ biến nhất của loét da tiểu đường. Thêm vào đó việc lượng đường trong máu tăng cao tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi dẫn đến rối loạn chức năng tế bào bạch cầu làm trầm trọng thêm các vết loét da tiểu đường do bị bội nhiễm.

Có rất nhiều biểu hiện trên da ở người bệnh tiểu đường. Vì thế, người bệnh cần chú ý các biểu hiện bất thường và tái khám sức khỏe định kỳ, phòng ngừa các biến chứng bệnh tiểu đường gây ra.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan