Trẻ sơ sinh bị sứt môi nhẹ có cần phẫu thuật?

Sứt môi hở hàm ếch là một bệnh lý khá phổ biến ở trẻ sơ sinh. Tình trạng này không nguy hiểm đến tính mạng của trẻ nhưng gây ảnh hưởng đến khả năng ăn uống, phát âm, giao tiếp và hòa nhập xã hội sau này. Trẻ sơ sinh bị sứt môi nhẹ có cần phẫu thuật hay không? là câu hỏi được nhiều phụ huynh quan tâm.

1. Sứt môi hở hàm ếch là gì?

Sứt môi hở hàm ếch (khe hở môi vòm) là một trong những dị tật bẩm sinh thường gặp nhất, xuất hiện trong thời kỳ bao thai với nhiều nguyên nhân khác nhau. Tần suất sứt môi hở hàm ếch ở trẻ sơ sinh khá cao, ở Việt Nam, cứ khoảng 700 trẻ ra đời thì có khoảng 1 trẻ bị sứt môi hở hàm ếch. Việc cung cấp kiến thức đầy đủ cho phụ huynh có ý nghĩa quan trọng để trẻ được chăm sóc và điều trị toàn diện, đúng thời điểm, hạn chế di chứng.

Sứt môi (khe hở môi) là tình trạng mất sự liên kết giữa mô mềm của hàm trên với mũi. Các trường hợp sứt môi có thể gặp ở trẻ là:

  • Sứt môi một phần: môi trên có một vết lõm nhưng chưa kéo dài đến mũi.
  • Sứt môi toàn phần: có một đường hở dài từ bờ môi trên kéo dài đến nền mũi.
  • Sứt môi một bên: khe hở môi xảy ra ở một bên (phải hoặc trái).
  • Sứt môi hai bên: khe hở môi xảy ra ở cả hai bên.
  • Sứt môi đơn: khe hở chỉ xuất hiện ở môi trên mà không có ở vòm.

Hở hàm ếch (khe hở vòm) ở trẻ sơ sinh là tình trạng khiếm khuyết xảy ra do sự phát triển không bình thường của khẩu cái khi trẻ ở trong bào thai. Các trường hợp hở hàm ếch có thể gặp ở trẻ sơ sinh là:

  • Khe hở xương ổ: khe hở từ đường nướu của hàm trên vào vòm miệng (hoặc không).
  • Khe hở màng: khe hở xuất hiện ở khẩu cái mềm phía sau vòm miệng.
  • Hở hàm ếch một phần: lỗ nhỏ / đường hở xuất hiện ở khẩu cái mềm hoặc khẩu cái cứng, chưa chạm lỗ răng cửa.
  • Hở hàm ếch toàn bộ: khe hở từ khẩu cái mềm đến khẩu cái cứng, vượt qua lỗ răng cửa.
  • Hở hàm ếch đơn: là khe hở chỉ xảy ra ở vòm, không có ở môi.
  • Hở hàm ếch đi kèm với cả sứt môi.

2. Trẻ sơ sinh bị sứt môi nhẹ có ảnh hưởng gì không?

Dị tật sứt môi nhẹ ở trẻ sơ sinh không gây ảnh hưởng đến tính mạng, tuy nhiên vẫn ảnh hưởng sinh hoạt, giao tiếp hàng ngày của trẻ. Tùy vào mức độ sứt môi rộng hay hẹp, hoàn toàn hay không hoàn toàn, một bên hay hai bên mà trẻ bị sứt môi có thể chịu các ảnh hưởng liên quan thẩm mỹ,

  • Ảnh hưởng thẩm mỹ
  • Ảnh hưởng hoạt động chức năng: nói ngọng, khó bú, khó ăn, nghe kém
  • Ảnh hưởng tâm lý: tự ti, mặc cảm,...
  • Ảnh hưởng phát triển toàn diện của trẻ

3. Về nguyên nhân sứt môi hở hàm ếch ở trẻ sơ sinh

Sứt môi hở hàm ếch là một dị tật bẩm sinh xuất hiện trong thời kỳ bào thai. Sự rối loạn trong quá trình giáp dính của nụ mặt, nụ mũi, nụ hàm trên,... có thể tạo ra khe hở môi vào tuần thứ 6-8 và tạo ra khe hở vòm vào tuần thứ 9-10 của thai kỳ. Siêu âm có thể phát hiện dị tật khe hở môi từ tuần thứ 20.

Có hai nguyên nhân chính gây sứt môi hở hàm ếch ở trẻ:

  • Di truyền: Bố/mẹ bị sứt môi hở hàm ếch có thể là nguyên nhân trẻ sinh ra mắc dị tật tương tự.
  • Môi trường: Các yếu tố tác động đến phụ nữ mang thai, nhất là từ tuần lễ thứ 4 - 12 của thai kỳ, có thể gây ra dị tật sứt môi hở hàm ếch cho thai nhi. Các tác nhân đó bao gồm: tác nhân vật lý (như tia X), tác nhân hóa học (như Dioxin, Thalidomide), tác nhân vi sinh vật (nhiễm Rubella, cúm,...), thuốc / hóa chất,... Ngoài ra, thể trạng sức khỏe (suy dinh dưỡng, béo phì, stress,...) và lối sống (hút thuốc lá, uống rượu bia,...) của người mẹ trong thời kỳ mang thai cũng có thể tác động đến sự xuất hiện dị tật sứt môi hở hàm ếch ở trẻ.

4. Trẻ sơ sinh bị sứt môi nhẹ có cần phẫu thuật?

Điều trị toàn diện dị tật sứt môi hở hàm ếch cần sự phối hợp đa chuyên khoa: nhi khoa, dinh dưỡng, răng hàm mặt, tai mũi họng, chuyên gia ngôn ngữ, tâm lý và sự hợp tác của gia đình. Sau khi trẻ sinh ra, bác sĩ sẽ đánh giá mức độ khiếm khuyết để đưa ra hướng điều trị và chăm sóc thích hợp theo từng độ tuổi, giai đoạn phát triển của trẻ.

Trẻ bị sứt môi nhẹ ở giai đoạn sơ sinh chưa có chỉ định phẫu thuật can thiệp, phẫu thuật sứt môi sau một tuần tuổi không có cơ sở khoa học. Trẻ sơ sinh bị sứt môi cần được cho bú ở tư thế phù hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý cho đến 3 tháng tuổi.

Phẫu thuật điều trị sứt môi được đặt ra khi trẻ từ 3-6 tháng tuổi và đạt cân nặng nhất định đảm bảo cho cuộc phẫu thuật. Có thể áp dụng nguyên tắc ba số 10 (trẻ 10 tuần tuổi, nặng từ 10 pound, Hemoglobin (Hb) từ 10mg/ml) để lựa chọn thời điểm phẫu thuật sứt môi cho trẻ.

12-18 tháng tuổi là thời điểm thích hợp để thực hiện phẫu thuật khe hở vòm và đánh giá khả năng nghe đối với trẻ bị sứt môi kèm hở hàm ếch. Trẻ từ 4 đến 6 tuổi có thể thực hiện sửa sẹo mũi - môi thẩm mỹ và đóng dò vòm. Ở giai đoạn dậy thì đến thiểu niên, phẫu thuật chỉnh hình thẩm mỹ có thể được đặt ra kết hợp với hỗ trợ tâm lý để trẻ tự tin hòa nhập cộng đồng.

5. Chế độ chăm sóc trẻ sơ sinh bị sứt môi

Chăm sóc trẻ sơ sinh bị sứt môi là một quá trình đòi hỏi sự kiên nhẫn của bố mẹ khi trẻ chưa thể can thiệp phẫu thuật. Các vấn đề cần lưu ý khi chăm sóc trẻ bị sứt môi trong giai đoạn này bao gồm:

  • Vấn đề dinh dưỡng: Hầu hết trẻ sơ sinh bị sứt môi hở hàm ếch đều không bú mẹ được cũng như không thể bú bằng bình sữa thông thường, do đó trẻ cần được cho bú bằng bình sữa chuyên dụng. Có thể sử dụng sữa mẹ vắt ra hoặc sữa công thức để cho trẻ bú, tuy nhiên cần nhấn mạnh rằng sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ.

Nên chia nhỏ bữa bú trong ngày (10-12 cữ bú/ngày), thời gian mỗi lần bú không quá dài, tránh làm trẻ kiệt sức. Đảm bảo lượng sữa cần thiết theo nhu cầu năng lượng của trẻ để giúp trẻ tăng cân, đảm bảo cân nặng cho phẫu thuật điều trị sứt môi vào 3-6 tháng tuổi.

Tư thế cho trẻ bú cũng rất quan trọng, nên để trẻ ở tư thế ngồi hoặc đứng thẳng để đề phòng sữa chảy lên mũi.

  • Vấn đề môi trường: Cần đảm bảo môi trường sạch sẽ, tránh đưa trẻ đến gần các môi trường lây nhiễm; giữ vệ sinh da, mắt, rốn và giữ ấm cơ thể cho trẻ. Trước và sau khi chuẩn bị bữa bú cho trẻ, cần vệ sinh bình sữa và dụng cụ pha sữa/hút sữa. Sau mỗi lần bú cần vệ sinh miệng cho trẻ, nhất là ở vị trí môi bị khiếm khuyết.
  • Chủng ngừa: Trẻ cần được tiêm phòng vaccine đúng thời điểm.
  • Tái khám định kỳ: Điều này vô cùng quan trọng để trẻ được thăm khám, kiểm tra toàn diện và chuẩn bị cho những kế hoạch điều trị sau này.

Sứt môi hở hàm ếch là dị tật có thể gặp ở trẻ sơ sinh do nguyên nhân di truyền hoặc do các tác nhân môi trường làm ảnh hưởng đến phát triển của trẻ từ trong bào thai. Dù không nguy hiểm đến tính mạng của trẻ nhưng sứt môi hở hàm ếch có thể gây ra những ảnh hưởng liên quan đến thính lực, vấn đề răng miệng, ăn uống, phát âm,... khiến trẻ tự ti trong giao tiếp hay sinh hoạt hàng ngày. Một chế độ chăm sóc và điều trị đúng đắn có thể khắc phục được khiếm khuyết bẩm sinh này giúp trẻ phát triển bình thường và toàn diện.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan