Câu chuyện của những bệnh nhân ung thư xương vượt lên số phận nhờ tinh thần lạc quan và đột phá của y học

Những tưởng căn bệnh ung thư sẽ khiến nhiều người gục ngã, buông xuôi luôn từ đầu bởi quan niệm “ung thư là cửa tử” cận kề, nhưng trên thực tế đã có những người bệnh ung thư vượt qua tuyệt vọng, vượt qua cú sốc bệnh trọng để chiến thắng ung thư...

1. “Chiến binh nhí” ung thư xương hóm hỉnh, lạc quan

Trần Yến Nhi, 13 tuổi ở Hoàng Mai, Hà Nội là một cô bé hồn nhiên, luôn vui vẻ, hoạt bát. Nhi xuất hiện đau cẳng chân từ 1/2021 sau 1 lần va chạm nhẹ với bạn cùng lớp và được chẩn đoán ung thư đầu trên xương chày phải từ 2/2021.

“Chiến binh nhí” kể lại sau vài lần mẹ đưa con đi khám tại một số bệnh viện, gia đình con nhận kết quả con bị ung thư xương nhưng mẹ không muốn cho con biết. “Đến khi biết, con đã mượn điện thoại của mẹ tìm kiếm thông tin trên mạng về căn bệnh ung thư xương mà mình đang mắc. Con nhớ với căn bệnh này có 3 phương pháp điều trị gồm phẫu thuật, hoá trị và xạ trị. Bệnh này của con còn nhẹ hơn nhiều bạn vì khi con đi khám con thấy chân mình không sưng to như những bạn khác. Có nhiều bạn sưng to lắm”- Yến Nhi vừa trải qua ca phẫu thuật thay xương chân phải ở Bệnh viện Vinmec kể lại. Trước đó cô bé này đã điều trị hóa chất tiền phẫu MAP 6 đợt.

Mẹ Yến Nhi kể lại, dịch COVID-19 diễn ra khiến hành trình chữa bệnh của Nhi cũng bị ảnh hưởng. 28 ngày ở nhà là 28 ngày Nhi đối mặt với nguy cơ bệnh trở nặng, thế nhưng Nhi lại thành điểm tựa cho cả gia đình.

Nhi thường tự tìm hiểu thông tin về căn bệnh của mình. Mỗi khi thấy tôi buồn, lo cho sức khoẻ của con, Nhi lại lên phòng mở mạng tìm hiểu cặn kẽ thêm về bệnh ung thư xương mà con mắc phải rồi động viên mẹ là bệnh này chữa được, mà muốn khoẻ và chữa bệnh thì phải lạc quan mẹ ạ. Con còn bảo với tôi, nhiều lúc con đau nhưng mẹ đưa con vào viện nên con không kêu với mẹ vì con nghĩ nói mẹ lại lo cho con thêm. Con cũng không ngại vì đầu con tóc rụng hết, con cũng không sợ bạn bè trêu đâu mẹ”- chị Cúc mẹ của Nhi chia sẻ.

Thế nhưng cũng không phải trong hành trình chiến đấu với ung thư “chiến binh nhí” Yến Nhi không rơi nước mắt. Nhiều lần cơn đau khiến cô bé ôm lấy mẹ, ôm lấy bác sĩ nức nở... Tuy nhiên, khoảnh khắc đó chỉ là thoáng chốc rồi Nhi kiên cường vượt qua ngay, chả thế mà ấn tượng về bệnh nhân Yến Nhi của các bác sĩ Bệnh viện Vinmec là “cô bé không khỏe về thể chất nhưng khoẻ về tinh thần, luôn hóm hỉnh, vui tươi, lạc quan”. Và chính sự lạc quan đó của Nhi đã tiếp thêm nghị lực cho mẹ và quyết tâm cho các thầy thuốc...

Sau ca phẫu thuật tại Bệnh viện Vinmec, bệnh nhân được tiếp tục hóa chất và hoàn thành điều trị 2 tháng sau đó. Hiện tại, Yến Nhi đi lại bình thường, có thể đi xe đạp nhẹ nhàng hoặc chơi cầu lông. Kết quả tái khám, kiểm tra gần nhất của bệnh nhi không có dấu hiệu tái phát di căn.

2. Cô gái trẻ ung thư xương ngày nào đã vượt qua bạo bệnh, làm cô dâu viên mãn hạnh phúc

Ngày 2/3/2023 là ngày rất đỗi ngọt ngào của Lê Thị Hoà 27 tuổi. Bởi đó là ngày Hoà đã được khoác chiếc váy cưới rất xinh cùng chàng trai bên cạnh ra mắt quan viên hai họ và bạn bè thân hữu trong lễ cưới ấm cúng như cổ tích của cặp đôi đã cùng nhau vượt qua nhiều khó khăn để tiến tới hôn nhân.

Vợ chồng trẻ hạnh phúc trong ngày cưới bởi bác sĩ “sinh ra cô dâu lần thứ 2” đến dự

Đã có những giọt nước mắt hạnh phúc lăn dài khi cô dâu Lê Thị Hoà và chồng chào đón sự hiện diện của GS.TS.BS Trần Trung Dũng cùng các bác sĩ team ung thư xương bởi như cô viết trên facebook của mình thì “GS Dũng và team đã sinh ra Hoà lần thứ 2”

Gần 5 năm trước, ở tuổi 22 tươi đẹp và đang là sinh viên năm cuối của một trường Đại học, sau vài lần đi khám vì tình trạng “chân phải của em thỉnh thoảng bị đau dọc theo thân xương đùi, đau tăng lên vào buổi tối hay khi vận động nặng, nhìn bề ngoài chân không bị sưng đau hay biến dạng”, Hoà chuyển đến Bệnh viện Việt Đức điều trị. Một ngày hè tháng 7, các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức mổ xong khối u ở chân của Hoà đã gọi gia đình em vào nói chuyện.

Một lúc sau, không khí cực kỳ khác lạ lan toả trong gia đình em. Chị của Hòa thông báo rằng, em sẽ phải tháo khớp. Bản thân Hoà lúc đó chẳng hiểu sao tháo khớp rồi lại phải chuyển sang bệnh viện K Tân Triều. Chỉ đến khi tận mắt nhìn kết quả giải phẫu bệnh phẩm kết luận em bị ung thư xương ác tính, Hoà mới hiểu rõ.

Sang Bệnh viện K, ngay lập tức Hoà được truyền hóa chất tiền phẫu 3 đợt. Bệnh nhân đáp ứng hóa chất tốt, sau đó vào tháng 10/2019 bệnh nhân được phẫu thuật cắt bỏ đoạn đầu dưới xương đùi phải và tiếp tục truyền hóa chất hậu phẫu 6 đợt. Tuy nhiên sau khi điều trị hóa chất hậu phẫu, vùng chỏm xương đùi có vùng tổn thương mới, bệnh nhân được hội chẩn lại giữa các bác sĩ chuyên ngành ung thư cơ xương khớp tại Bệnh viện K và mời GS.TS.BS Trần Trung Dũng tham gia. Các bác sỹ quyết định phẫu thuật tháo bỏ toàn bộ xương đùi, thay thế bằng xương đùi nhân tạo cho bệnh nhân Hoà.

GS.TS.BS Trần Trung Dũng chia sẻ: “Xương đùi là xương dài nhất và nặng nhất của cơ thể, chịu trọng lực của toàn bộ thể khi cơ thể đi lại và vận động. Không những thế, xương đùi trực tiếp tham gia vào cấu tạo của khớp háng và khớp gối – hai khớp lớn và cũng phức tạp nhất cơ thể, khi xương đùi có vấn đề không thể bảo tồn được (như bị ung thư) thì thay toàn bộ xương đùi là điều rất khó để thực hiện. Nhưng với quyết tâm rất lớn, sau khi hội chẩn kỹ càng, chúng tôi quyết định phẫu thuật cho bệnh nhân để em không còn mặc cảm mà vững tin tiếp tục sống với những ước mơ, khát vọng của tuổi trẻ”- GS.TS.BS Trần Trung Dũng kể lại.

Thay xương đùi nhân tạo, bảo tồn chi: Mở thêm nhiều cánh cửa cho người bệnh ung thư xương

Nhận định đây là một ca phẫu thuật phức tạp, đầy khó khăn, để đảm bảo chức năng của xương đùi, khớp háng và gối, ekip phẫu thuật cần đặt dụng cụ chính xác đến từng cm theo đúng trục giải phẫu, sinh lý của bệnh nhân, đồng thời phải khâu phục hồi lại khối cơ mông và đùi như giải phẫu ban đầu để tạo độ vững cho khớp háng và gối, giúp bệnh nhân có thể đi lại được.

Sau 5 ngày sau mổ, vết thương của Hoà đã ổn định, không chảy dịch, còn đau ít vết mổ, vì lượng máu mất trong phẫu thuật không nhiều nên sức khỏe của Hoà bình phục rất tốt, ngồi dậy và nói chuyện với mọi người khá thoải mái. Mặc dù vẫn cần thời gian để tập phục hồi chức năng và điều trị thêm hóa chất, nhưng Hoà và bố mẹ rất hài lòng với ca phẫu thuật.

Một tháng sau đó, Hoà bỏ nạng có thể đi lại được. Sau 3 năm tái khám theo định kỳ không thấy có tổn thương tái phát tại chỗ hay di căn phổi.

Lê Thị Hoà là bệnh nhân đầu tiên do ekip của GS.TS.BS Trần Trung Dũng thực hiện thay xương đùi nhân tạo, bảo tồn chi cho bệnh nhân ung thư xương. Đây là ca phẫu thuật được thực hiện lần đầu tiên tại Việt Nam, cũng mở ra hy vọng bảo tồn chi thể cho các bệnh nhân bị ung thư xương nói chung, ung thư xương đùi nói riêng, đồng thời đây cũng là minh chứng cho sự tiến bộ cho nền Y học Việt Nam tiệm cận với các nước trên thế giới.

Sau khi điều trị thành công, Hòa mong muốn có thật nhiều sức khỏe để thực hiện 5 mục tiêu mà Hòa mong muốn, đó là giúp bố mẹ trả khoản nợ mà gia đình đã vay mượn cho em khi còn điều trị bệnh; Bản thân có thể đi du lịch nhiều hơn do khi còn là sinh viên, Hòa chưa có nhiều cơ hội đi du lịch thì phát hiện ra bệnh và điều trị bệnh liên tục trong gần 2 năm. Hiện cô đã có công việc ổn định, với vai trò là thư ký của GS.TS.BS Trần Trung Dũng tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao Vinmec... Điều này đã giúp cho những mong muốn của Hoà được dần hiện thực.

Đồng thời mong muốn khi có điều kiện Hoà sẽ lập quỹ từ thiện cho các bệnh nhân với mong muốn có thể giúp nhiều bệnh nhân giống mình, chia sẻ cho người bệnh niềm tin, niềm hy vọng và sự lạc quan để đối diện với bệnh tật. Hiện quỹ từ thiện này vẫn đang hoạt động và có nhiều thành viên từ Bắc vào Nam.

Còn mong muốn tổ chức đám cưới vào đầu tháng 3/2023 với người chồng đã đồng hành với em từ những ngày đầu phát bệnh của Hoà đã viên mãn toại nguyện.

Riêng mong muốn viết 1 cuốn sách về cuộc đời mình để dành cho những người có hoàn cảnh tương tự, có niềm tin vào cuộc sống và dũng cảm vượt qua mọi khó khăn của cô gái vốn mang trọng bệnh ung thư xương đang dần thành hiện thực...

3. Công nghệ mới giúp bệnh nhân ung thư xương nhanh chóng quay lại với cuộc sống bình thường

Từ một bệnh nhân có nguy cơ phải cắt chân vì mắc ung thư xương chày, chàng thanh niên Bùi Hoài Nam đã được các y bác sĩ của Trung tâm Chấn thương chỉnh hình và y học thể thao Vinmec ứng dụng kỹ thuật thuật phẫu thuật khớp tái tạo bằng xương tự thân qua xử lý bằng công nghệ nito lỏng. Đây cũng là bệnh nhân đầu tiên thực hiện kĩ thuật phẫu thuật khớp tái tạo bằng kỹ thuật này.

“Phép màu” khiến bệnh nhân ung thư xương được đi lại bình thường

Nhớ lại những tháng ngày đã qua, Nam kể cuối năm 2021, tự nhiên em cảm thấy mình đi lại khập khiễng, tưởng vết thương do bị ngã khi đá bóng nên gia đình cho Nam thăm khám ở bệnh viện tuyến huyện, 1 tuần sau tình trạng tệ hơn, chân Nam ngày càng sưng và bị tràn dịch. Say đó, gia đinh đưa Nam đến thăm khám tại một bệnh viện tuyến trung ương và được chẩn đoán: ung thư xương chày, có chỉ định cắt cụt chi.

Bác sĩ tại đây đã chỉ định điều trị hóa chất nhiều đợt cho Nam. Trong quá trình ấy không ít lần Nam đã có ý định buông xuôi vì những đau đớn của cơ thể, nhưng rồi thương bố mẹ vất vả, rồi cả gia đình thường xuyên động viên nên dần Nam đã “tạm quên” những ám ảnh của căn bệnh ung thư mà mình đang mắc phải để cố gắng vượt qua.

Điều trị một thời gian, qua lời giới thiệu của người quen, tháng 9/2022, gia đình đưa Nam đến Trung tâm Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao Vinmec thăm khám tiếp. Qua thăm khám cho bệnh nhân và làm các chỉ định cận lâm sàng, các chuyên gia của Trung tâm Chấn thương chỉnh hình và y học thể thao Vinmec đã chỉ định phẫu thuật cắt đoạn xương chứa khối u tái tạo bằng xương tự thân qua xử lý bằng công nghệ nito lỏng.

Ngay sau ca phẫu thuật, kết quả chụp xạ hình xương của bệnh nhân cho thấy không còn khối u xương, tế bào ung thư đã được làm sạch. Sau 2 tháng phẫu thuật, vị trí ghép xương ở phía dưới dễ hồi phục hơn đã liền được 90%. Sau 4 tháng, bệnh nhân đã có thể tập đi với một bên nạng và sau 8 tháng đã bỏ nạng, đi lại khá bình thường.

Qua 8 tháng theo dõi và điều trị cho bệnh nhân đến thời điểm hiện tại cho kết quả tiến triển tốt. Qua thăm khám lại cho bệnh nhân, chúng tôi thấy bệnh nhân đi lại khá bình thường dù vẫn còn mức độ đau nhẹ, chức năng cổ bàn chân và chức năng gối hoàn toàn trong giới hạn bình thường. Điều này cũng tương ứng với những tiên lượng của ekip trước khi tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân”- BSCKII Nguyễn Trần Quang Sáng - Trung tâm Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao Vinmec cho biết.

Sau gần 1 năm kể từ ngày điều trị, kết quả xét nghiệm cho thấy cơ thể Nam không còn tế bào ung thư. Trên phim chụp, mức độ liền xương ở đầu xương phía dưới đã đạt khoảng 100%, tỷ lệ liền ở trên được 70 - 80%.

“Con đã mong chờ ngày này lâu lắm rồi...”

Chia sẻ với chúng tôi khi đến tái khám tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao Vinmec, chàng thanh niên Bùi Hoài Nam đã không dấu được niềm vui, cậu kể: “Hiện cơ bản con đi lại bình thường, con rất vui khi nghe bác sĩ bảo khoảng 4 tháng nữa con có thể chạy, nhảy và đi đá bóng cùng bạn bè. Con đã chờ ngày này lâu lắm rồi, từ khi bị ngã sau trận bóng cuối cùng hồi năm 2021. Trong quá trình điều trị ghép xương, con phải nằm trên giường, ngồi xe lăn, rất bất tiện cho vận động, đi lại, học tập nhưng giờ sức khỏe của con tốt hơn, xương ghép ở chân đã ổn, con tự tin hơn và rất vui khi quay lại trường học để vui chơi với các bạn”.

Công nghệ phẫu thuật xử lý khối u dưới xương chày bằng nito lỏng là một giải pháp hoàn toàn mới. Nếu trước đây, chưa có biện pháp này, tất cả các bệnh nhân ung thư xương chày đều phải đối mặt với nguy cơ cắt cụt chi, mất chức năng đi lại bình thường, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý người bệnh.

Hiện nay với việc phẫu thuật bảo tồn chi nhờ công nghệ mới này, không chỉ giúp bệnh nhân giữ lại chân mà quá trình phát triển xương sau này sẽ được gần như hoàn toàn bình thường. Cùng với Nam, đã có không ít bệnh nhân ung thư xương được hưởng lợi từ việc ứng dụng thành công công nghệ phẫu thuật mới này tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình và y học thể thao Vinmec. Ngoài ứng dụng đối với bệnh nhân ung thư xương chày, công nghệ này đã ứng dụng với bệnh nhân ung thư xương mác, ekip của Trung tâm dự kiến tới đây sẽ ứng dụng trong cả điều trị ung thư xương đùi, xương mác.

Công nghệ nito lỏng giúp điều trị diệt khối u triệt để và đặc biệt không phải cắt bỏ chi thể của bệnh nhân ung thư xương, giúp tối đa bảo tồn hình thể của chi thể và bệnh nhân quay lại với cuộc sống sinh hoạt bình thường sớm nhất có thể”- BSCKII Nguyễn Trần Quang Sáng cho biết thêm

4. Vượt qua “cơn ác mộng” ung thư

“Ung thư giống như một cơn ác mộng mà khi vượt qua mới hiểu sự khắc nghiệt”, anh Lê Văn Hội đã từng có những phút giây tuyệt vọng, muốn buông xuôi trong quá trình điều trị, nhưng rồi khát vọng sống và trở về với các con, và phép màu của y học đã giúp anh hồi sinh

Đã từng tuyệt vọng

Tháng 8 năm ngoái, anh Lê Văn Hội trú tại Quảng Nam, bắt đầu đi tiểu buốt. Anh ngần ngại không đi khám và cũng không nghĩ đó là dấu hiệu của bệnh nan y hiểm nghèo. Hai tháng sau, cơn đau ngày càng nghiêm trọng, gia đình đưa anh Hội ra Bệnh viện Đà Nẵng thăm khám, sau đó anh được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai. Tại đây, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân mắc ung thư hạch thể hiếm, nhưng gia đình giấu không cho anh Hội biết về căn bệnh.

Khi anh Hội chuyển sang Bệnh viện Vinmec, anh Hội mới được vợ thông báo tình trạng bệnh. BS Phan Trúc, Viện Khoa học sức khỏe, Đại học VinUniversity đảm nhiệm điều trị cho anh Hội.

Từ 70kg cân nặng, anh giảm xuống còn 40 kg, cả tinh thần lẫn thể chất suy sụp nặng nề. "Ngày nào bác sĩ, người nhà cũng hỏi tôi những câu y hệt nhau, kiểu như trong người cảm thấy thế nào?", rồi động viên tôi cố gắng. Tuy nhiên, theo anh Hội “ung thư giống như một cơn ác mộng mà khi vượt qua mới hiểu sự khắc nghiệt”, do đó đã không ít lần anh bảo vợ cho anh về nhà, bởi chi phí điều trị có thể lên tới hàng tỷ đồng lại không thể chắc chắn 100%, còn làm khổ thêm mọi người,...

Từ ngày anh Hội nằm viện, vợ anh bỏ công việc, gửi 2 con nhỏ ở nhà với ông bà nội, ngoại để ở bên cạnh chăm sóc. Những lúc nhớ con, anh Hội gọi điện nhờ ông bà cho ngắm cháu, rồi lại được nghe gia đình kể các con anh hay hỏi "Bố đâu?".

Khát khao được sống để nuôi dạy và chứng kiến những bước trưởng thành của con cái, sự quan tâm của đại gia đình, sự tận tụy săn sóc của vợ và sự nhiệt tâm của các thầy thuốc ở Bệnh viện Vinmec là những động lực thúc đẩy tôi cố gắng chiến thắng bệnh tật...”- anh Hội chia sẻ.

Sự hồi sinh và phép màu của y học

Là người trực tiếp điều trị bệnh nhân Lê Văn Hội, BS Phan Trúc cho biết đây là ca bệnh khó. Khi nhập viện, thể trạng bệnh nhân rất yếu, phải phụ thuộc hoàn toàn vào hồi sức tích cực (ICU). Bác sĩ sử dụng Pet/CT - một kỹ thuật rất cao trong chẩn đoán hình ảnh ung thư, sử dụng một loại đường glucose đã biến đổi cấu trúc, có gắn chất phóng xạ phát sáng, để biết được tình trạng khối u đang tiến triển ở đâu.

Sau khi chụp, hình ảnh phát sáng rất nhiều trong cơ thể anh Hội, là những tế bào ung thư phát triển. Bệnh nhân còn bị biến chứng nhiễm trùng, sụt cân nghiêm trọng kèm viêm phổi. Khối u chèn ép thận hai bên, khiến người bệnh không thể đi tiểu, làm nước tiểu ứ lại, gây nhiễm trùng máu, sốc, bác sĩ phải dùng thuốc vận mạch, lọc máu, phải dùng oxy hỗ trợ thở, bên cạnh các chăm sóc hồi sức khác.

Giai đoạn 1 của qúa trình điều trị, bệnh nhân được chỉ định sử dụng thuốc miễn dịch, rồi chuyển sang dùng thuốc đích dạng uống. Tuy nhiên sau một thời gian, tình trạng lâm sàng của bệnh nhân chuyển biến xấu, kết quả chụp cắt lớt phát hiện khối lớn chèn ép tắc ruột hoàn toàn. Ban đầu các bác sĩ nghi ngờ khối u kháng trị với thuốc, làm u tiến triển. Tuy nhiên sau khi nghiên cứu tài liệu và các kết quả cận lâm sàng của bệnh nhân, ekip xác định đây là một khối máu tụ, cần thời gian để nó hấp thu, tuy nhiên do tắc ruột nên thuốc uống không hiệu quả, do đó, bác sĩ lại chuyển chiến lược điề trị thuốc miễn dịch và hoá chất bằng đường truyền tĩnh mạch trở lại với rủi ro lúc này rất lớn.

Tất cả chuẩn bị cho phương án xấu nhất. Kỳ diệu, khoảng 5 ngày, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân cải thiện. Hai tuần sau, khối u tiêu biến dần, bệnh nhân được giải phóng khỏi tắc nghẽn, đi tiểu được trở lại, thoát sốc và hồi phục dần. Sau ba tháng, kết quả điều trị khả quan, bệnh nhân được xuất viện trở về với gia đình thân yêu.

Hiện anh Hội có thể đi lại nhẹ nhàng và tự vệ sinh cá nhân và chăm chỉ luyện tập sức khoẻ nhẹ nhàng để chuẩn bị cho những lần tái khám tiếp theo

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

156 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan