Khám chuyên sâu tăng huyết áp của Trung tâm Tim mạch – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Bài viết của Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Tuyết Trinh - Bác sĩ Nội Tim mạch - Trung Tâm Tim Mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Bệnh tăng huyết áp là bệnh lý nguy hiểm và được ví như kẻ giết người thầm lặng. Việc thăm khám chuyên sâu bệnh tăng huyết áp sẽ giúp người bệnh phòng ngừa được biến chứng, cải thiện tỷ lệ tử vong và nâng cao chất lượng cuộc sống.

1. Bệnh tăng huyết áp là “kẻ giết người thầm lặng”

Tăng huyết áp được ví như kẻ giết người thầm lặng và có thể gây nhiều biến chứng nặng nề, nguy hiểm cho người bệnh. Tỷ lệ mắc tăng huyết áp trên thế giới ước tính là 20% dân số (Theo tổ chức y tế thế giới). Tại Mỹ (theo thống kê của CDC – Center for disease Control and Prevention) tỷ lệ người mắc bệnh tăng huyết áp là gần 30%, tương đương 58,4 triệu người; tỷ lệ này tăng dần theo tuổi, nghĩa là có khoảng nửa dân số Mỹ trên 60 tuổi bị tăng huyết áp. Tại Việt Nam, tỷ lệ tăng huyết áp cũng gia tăng theo sự phát triển của nền kinh tế. Theo công bố của Bộ y Tế dự kiến đến 2025 sẽ có khoảng gần 10 triệu người bị tăng huyết áp.

Tăng huyết áp có thể gây nhiều biến chứng nặng nề để lại hậu quả, gánh nặng cho bản thân người bệnh, gia đình và xã hội như: Nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực (bệnh mạch vành), suy tim, rối loạn nhịp, tai biến mạch não, suy thận, chảy máu mũi, xuất huyết củng mạc mắt, mù mắt...Nếu được chẩn đoán và điều trị đúng, kiểm soát tốt huyết áp thì tỷ lệ biến chứng nói trên không xảy ra hoặc sẽ giảm đi rất nhiều và chất lượng cuộc sống sẽ cải thiện tốt.

2. Khám chuyên sâu tăng huyết áp để phòng ngừa biến chứng

Thực tế tại nước ta, số người biết bị tăng huyết áp vẫn rất thấp. Bên cạnh đó, tỷ lệ người bệnh tăng huyết áp được điều trị chỉ chiếm 34% và được kiểm soát tốt huyết áp chỉ chiếm khoảng 11 % (theo khảo sát của Viện tim mạch Việt Nam 2008).

Nhiều người đặt ra câu hỏi rằng: “Tại sao lại cần phải kiểm soát huyết áp?” Các nghiên cứu đa trung tâm lớn tại Mỹ, châu Âu và nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, khi điều trị, kiểm soát tốt tăng huyết áp, tức là điều trị có hiệu quả bệnh tăng huyết áp có thể làm giảm biến chứng tim mạch.

Thực tế, bệnh tăng huyết áp thường không có triệu chứng báo trước. Khi có những dấu hiệu như đau đầu, chóng mặt, mất ngủ, khó thở...là lúc huyết áp đã gây ra biến chứng cho người bệnh ở một các cơ quan trong cơ thể. Lúc này, huyết áp đo được thường rất cao và việc điều trị gặp rất khó khăn, phức tạp và chi phí tốn kém rất nhiều, do vừa phải kiểm soát huyết áp, vừa phải điều trị biến chứng mà nó gây ra. Vì thế, ai cũng nên tự kiểm tra huyết áp của mình thường xuyên bằng cách đo tại nhà, tại nơi làm việc.. để biết chỉ số huyết áp của chính mình. Khi huyết áp ≥ 140/90 mmHg (ở người lớn trên 18 tuổi) được nhận định là tăng huyết áp. Lúc này cần có kế hoạch theo dõi, điều trị để phòng biến chứng.

Việc điều trị và kiểm soát huyết áp cần đảm bảo đúng và an toàn. Nếu không kiểm soát tốt thì người bệnh có thể gặp những biến chứng, tác dụng phụ do dùng thuốc. Để biết cách đo huyết áp, biết những kiến thức về bệnh tăng huyết áp và biến chứng thì bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa tim mạch để xác định mức huyết áp, tư vấn kế hoạch theo dõi lâu dài. Đặc biệt, bạn cần chú ý không nên tự mua thuốc, không nên dùng thuốc theo đơn của người khác. Ngoài ra, bạn không nên tự ý bỏ thuốc hay thay đổi thuốc mà chưa tham khảo ý kiến bác sĩ.

tăng huyết áp
Xác định mức huyết áp bằng máy theo dõi huyết áp 24 giờ (Holter huyết áp)

Ngoài bệnh tăng huyết áp, người bệnh còn nhiều yếu tố đi kèm cũng góp phần làm tăng nguy cơ biến chứng như: rối loạn mỡ máu, đái tháo đường và thói quen cố hữu trong cuộc sống mà chính người bệnh không biết mức nguy hại của nó với cuộc sống.

Những yếu tố này cũng góp phần làm cho biến chứng tim mạch nặng nề và phức tạp hơn. Do vậy, để có hiệu quả kiểm soát tốt huyết áp, phòng biến cố nguy hiểm, người bệnh cần có kiến thức về bệnh, hiểu được những yếu tố bất lợi để từ đó có lối sống phù hợp.

tăng huyết áp
Xác định rối loạn nhịp bằng máy theo dõi điện tim 24 giờ (Holter điện tim)

Ngày nay, tại các bệnh viện, các cơ sở khám bệnh thường có chuyên khoa tim mạch. Tại đây, các bác sĩ sẽ giúp cho người bệnh biết mức huyết áp của mình, biết được những yếu tố nguy cơ đang đe dọa bản thân người bệnh mà người đó không hay biết. Đặc biệt, bác sĩ sẽ hướng dẫn giúp bạn thực hiện chế độ sinh hoạt phù hợp với từng người bệnh, chế độ ăn uống lành mạnh giúp nâng cao hiệu quả điều trị và theo dõi định kỳ đầy đủ.

tăng huyết áp
Làm nghiệm pháp gắng sức xác định đau thắt ngực do thiếu máu cơ tim cục bộ


Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có đầy đủ phương tiện và các bác sĩ sẽ giúp xác định mức độ huyết áp và những yếu tố nguy cơ, bệnh lý đi kèm. Sau đó giúp bạn có kế hoạch theo dõi, điều trị huyết áp, đồng thời điều trị bệnh mắc kèm như đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, rối loạn nhịp, suy tim, suy thận..., khám định kỳ lâu dài. Việc điều trị theo dõi lâu dài đồng hành cùng người bệnh sẽ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

16 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan