Nên ăn uống gì để tan sỏi mật?

Hiện nay sỏi túi mật đang là một trong những căn bệnh phổ biến. Người bệnh cần xây dựng một chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý tăng hiệu quả điều trị và giúp ngăn ngừa khả năng tái phát sỏi mật. Do đó, người bệnh sỏi mật nên ăn gì, kiêng ăn gì để tan sỏi mật và phòng ngừa được sỏi mật đang là vấn đề được quan tâm.

1. Mối liên hệ giữa chế độ ăn uống của người bệnh và sỏi mật

Túi mật có vai trò là nơi dự trữ mật, dịch mật giúp tiêu hóa thức ăn. Sau mỗi bữa ăn, túi mật giải phóng dịch mật dự trữ của nó vào đường dẫn mật, đi qua ống mật chủ và vào ruột non để trộn với thức ăn.

Dịch mật có thành phần chính là cholesterol và acid mật. Ở người bình thường, nồng độ acid mật đủ để phân hủy cholesterol trong hỗn hợp và giữ ở dạng lỏng. Tuy nhiên, ở người có chế độ ăn giàu chất béo có thể làm mất sự cân bằng này, khiến cho gan sản xuất ra nhiều cholesterol hơn lượng acid mật có thể xử lý được, dẫn tới dư thừa cholesterol, lượng cholesterol này bắt đầu đông đặc thành các tinh thể và hình thành sỏi mật. Khoảng 80% các loại sỏi mật được gọi là sỏi cholesterol và được tạo ra theo cách này, 20% còn lại là do cơ thể gia tăng nồng độ bilirubin (thiếu máu tan máu, tế bào hồng cầu bị phá hủy, bệnh lý viêm gan,...), canxi cùng với sắc tố mật bilirubin hình thành sỏi được gọi là sỏi sắc tố.

Cho đến nay, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, ở người giảm cân nhanh thông qua tác động vào chế độ ăn, nhịn ăn thường xuyên, chế độ ăn mà cực kỳ ít chất béo cũng có thể góp phần gây ra sỏi mật. Vì khi cơ thể ăn ít chất béo, túi mật ít hoạt động hơn bình thường, vì vậy cholesterol trong cơ thể có nhiều thời gian để đông đặc hơn.

Ngoài ra, các yếu tố khác bao gồm: sử dụng thuốc tránh thai hoặc liệu pháp thay thế hormone, phụ nữ đang mang thai, người có tiền sử gia đình sỏi mật, người mắc bệnh đái tháo đường, người không hoạt động thể chất... cũng có thể làm gia tăng nguy cơ sỏi mật.

2. Ăn uống gì để tan sỏi mật?

Người sỏi mật cần có chế độ ăn uống đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, lành mạnh,. Dưới đây là một số thực phẩm người bệnh có thể tham khảo:

2.1. Chất béo không bão hòa

Chế độ ăn cho người bệnh sỏi mật cần tiêu thụ chất béo không bão hòa, giàu omega 3 từ cá hồi, dầu thực vật như dầu oliu, dầu đậu nành, bơ hoặc các loại hạt như mè, óc chó, hạnh nhân,....Hạn chế ăn các chất béo bão hòa: phủ tạng động vật, đồ chiên, xào rán, thức ăn nhanh,...

2.2. Thực phẩm giàu chất xơ và các loại vitamin ( Vitamin C, vitamin tan trong dầu A,D,E,K)

Người bệnh sỏi mật nên ăn nhiều rau xanh các loại ( duy trì khoảng 400 – 500g/ngày là hợp lý), ăn, hoa quả tươi, ngũ cốc nguyên hạt như bánh mì đen, yến mạch, gạo nâu,.... Đây là nhóm thức ăn cung cấp nguồn chất xơ dồi dào cùng các loại vitamin, khoáng chất dễ hòa tan giúp cho cơ thể phòng ngừa hình thành sỏi cholesterol hoặc sỏi bùn trong cơ thể.

2.3. Sữa ít béo

Những loại sữa ít béo và các chế phẩm từ sữa ít béo sẽ đảm bảo dinh dưỡng cho người bệnh sỏi mật mà không làm tăng cholesterol. Một số sản phẩm điển hình được khuyên nên sử dụng như sữa tươi tách kem, sữa bột tách béo, sữa tách bơ ( rất giàu choline) và sữa chua. Ngoài ra, sữa đậu nành, sữa gạo cũng được rất nhiều chuyên gia khuyên người sỏi mật nên dùng.

2.4. Đạm thực vật

Người bệnh sỏi mật tốt nhất nên ưu tiên ăn các loại đạm thực vật thay vì đạm động vật. Bổ sung đạm thực vật từ các loại hạt như: hạt mè, hạt hướng dương; các loại rau có màu xanh thẫm, các loại đậu,... Trường hợp người bệnh có nhu cầu ăn đạm thịt, thì nên lựa chọn các loại cá hoặc các loại thịt nạc, thịt trắng từ gia cầm, tuy nhiên cần loại bỏ phần da và không tiêu thụ nước luộc thịt vì trong nước luộc này chứa nhiều chất béo bão hòa, khó tiêu.

2.5. Uống đủ nước mỗi ngày

Mọi người đều cần uống đủ nước và duy trì uống khoảng 2l nước mỗi ngày. Đối với người bệnh đang có sỏi mật thì việc uống nước càng trở nên cần thiết hơn. Nước tham gia vào quá trình trao đổi chất trong cơ thể, giúp cơ thể đào thải bớt độc tố còn tồn đọng trong cơ thể.

3. Sỏi túi mật nên kiêng ăn gì?

Cơn đau do sỏi mật thường xảy ra sau bữa ăn, đặc biệt là những bữa ăn giàu chất béo. Vì vậy, về chế độ ăn dành cho người bị sỏi mật là không nên ăn quá 200mg cholesterol/ngày, chế độ ăn này cũng đặc biệt quan trọng đối với các trường hợp sau phẫu thuật cắt túi mật vì khi đó chức năng tiêu hóa còn kém, đòi hỏi một chế độ ăn lành mạnh. Do đó, người bệnh cần lưu ý tránh ăn những loại thực phẩm sau đây:

3.1. Các loại thịt đỏ, lòng đỏ trứng và nội tạng động vật

Đây là nhóm thực phẩm chứa rất nhiều cholesterol, khó tiêu thụ, người bệnh dễ cảm thấy đầy chướng bụng, khó tiêu, lâu ngày ảnh hưởng tới chức năng gan mật, cơ thể mất cân bằng giữa lượng acid mật và cholesterol, quá tải đối với hệ thống gan mật, từ đó làm hình thành sỏi và tăng kích thước sỏi.

3.2. Chất béo bão hòa

Người bệnh sỏi mật không nên loại bỏ hoàn toàn mỡ ra khỏi chế độ ăn. Bởi vì nếu không có mỡ thì túi mật ít hoạt động hơn, tăng nguy cơ lắng đọng và hình thành sỏi mới.

Do đó, thay vì ăn các loại thực phẩm chứa acid béo no như mỡ động vật, đồ chiên xào rán, thức ăn nhanh, người bệnh nên bổ sung các thực phẩm chứa acid béo không no như: bơ, hạt óc chó, dầu oliu, dầu hướng dương, dầu mè,... Đặc biệt, người bệnh viêm túi mật do sỏi, người sau phẫu thuật cắt túi mật cũng rất cần chú ý chế độ ăn uống, không ăn chất béo bão hòa, tránh gánh nặng lên hệ thống gan mật.

3.3. Tinh bột tinh chế

Những thực phẩm chứa nhiều đường, tinh bột tinh chế, nhiều chất béo và có hàm lượng calo cao. Do vậy người bệnh cần hạn chế ăn đồ ăn vặt, socola, bánh mì ngọt, các loại bánh kẹo,....

3.4. Sữa béo

Khác với sữa ít béo, các loại sữa béo nguyên kem, nguyên bơ và phô mai có thể ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa người sỏi mật, dễ gây ra đầy hơi, khó tiêu nên người bệnh có sỏi mật nên hạn chế sử dụng.

3.5. Thức uống kích thích

Các loại đồ uống như rượu, bia, cà phê, trà, soda cũng nên hạn chế sử dụng, do ảnh hưởng tới quá trình chuyển hóa chất trong cơ thể, đặc biệt là tới hệ thống gan mật, lâu ngày sẽ dẫn đến tình trạng gan nhiễm mỡ, tăng men gan. Từ đó suy giảm chức năng tiết mật của gan. Với người bệnh sau cắt túi mật càng cần lưu ý, tốt nhất là nên ngừng sử dụng rượu, bia, thuốc lá để bảo vệ sức khỏe.

4. Lời khuyên khi chế biến các món ăn cho người bệnh bị sỏi mật

Người bệnh sỏi mật cũng cần lưu ý về các cách chế biến thực phẩm sao cho phù hợp để có được một thực đơn khoa học. Việc chế biến không đúng cách cũng có thể làm gia tăng lượng cholesterol và chất béo xấu trong món ăn. Người bệnh có thể tham khảo một số lời khuyên trong chế biến thức ăn dưới đây:

  • Người bệnh nên hạn chế các món ăn chiên xào, nếu có nên thay dầu ăn từ mỡ động vật bằng dầu thực vật và dùng giấy thấm dầu để giảm lượng dầu ngấm trong món ăn;
  • Ưu tiên nấu ăn bằng các phương pháp nướng không dầu, hấp, và luộc;
  • Khi nấu các món luộc, hầm nên hớt bọt nổi bên trên;
  • Đối với người bệnh viêm túi mật, viêm đường mật do sỏi, sau cắt túi mật nên tham khảo ý kiến từ chuyên gia dinh dưỡng, bác sĩ chuyên khoa để có chế độ.

Xây dựng một chế độ ăn phù hợp và lối sống lành mạnh sẽ giúp cơ thể phòng ngừa hình thành sỏi mật, làm chậm quá trình phát triển của sỏi. Đồng thời làm giảm tình trạng ứ trệ dịch mật, từ đó giúp hỗ trợ điều trị và phòng ngừa bệnh hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan