Các vấn đề có thể gặp phải sau cắt túi mật

Phẫu thuật cắt túi mật là chỉ định bắt buộc để điều trị các bệnh về túi mật và đường mật. Vậy cắt túi mật có an toàn không, có ảnh hưởng đến sức khỏe không?

1. Phẫu thuật cắt túi mật trong những trường hợp nào?

Phẫu thuật cắt túi mật thường được chỉ định điều trị trong những trường hợp sau:

  • Sỏi mật lớn: Thành phần chính của sỏi mật là canxi, cholesterol và muối mật. Sỏi mật rắn và được hình thành từ cholesterol dư thừa trong dịch mật. Theo thời gian, sỏi mật tăng lên về số lượng và kích thước, có thể gây tắc nghẽn ống mật, viêm túi mật cấp. Trường hợp sỏi mật quá lớn và có nguy cơ tiến triển thành ung thư túi mật sẽ được chỉ định cắt túi mật.
  • Tắc ống mật mãn tính: Tắc nghẽn ống mật mãn tính sẽ khiến dịch mật bị ứ trệ, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa và gây ra một số biến chứng nguy hiểm đến tính mạng như xơ gan, suy gan, nhiễm trùng đường mật, viêm tụy cấp, ... Khi đó, người bệnh cần được phẫu thuật cắt túi mật.
  • Polyp túi mật: Trường hợp người bệnh có nhiều polyp túi, kích thước của polyp từ 2 - 4cm, hoặc polyp túi mật ác tính kèm theo sỏi mật, sẽ được chỉ định phẫu thuật cắt túi mật để tránh gây biến chứng nguy hiểm.
  • Vôi hóa túi mật: Vôi hóa túi mật được hình thành từ những đốm, hạt canxi trong thành túi mật. Vôi hóa túi mật khiến cho túi mật không còn khả năng co bóp và lưu thông dịch mật, gây viêm túi mật mãn tính và thậm chí có thể tiến triển thành ung thư túi mật. Do đó, bệnh nhân thường phải cắt túi mật để tránh nguy hiểm.

2. Các vấn đề có thể gặp phải sau cắt túi mật

Hầu hết người bệnh buộc phải cắt bỏ túi mật để điều trị các bệnh về túi mật nêu trên gây nguy hiểm cho sức khỏe. Tuy nhiên cần lưu ý một số vấn đề có thể gặp phải sau phẫu thuật như:

  • Các vấn đề về tiêu hóa: Sau khi cắt túi mật, gan tiếp tục sản xuất dịch mật với lượng không đổi và dịch mật đổ trực tiếp vào tá tràng, cho nên sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa trong thời gian đầu và gây ra một số triệu chứng như khó tiêu, đầy hơi, chán ăn, đau bụng, ngứa ngáy, .... Khi đã thích nghi, những triệu chứng này sẽ biến mất.
  • Dịch mật trào ngược gây viêm dạ dày: Dịch mật đổ trực tiếp xuống tá tràng và có thể trào ngược lên dạ dày gây viêm dạ dày, hoặc tràn vào ống tụy và gây viêm tụy.
  • Các vấn đề sau phẫu thuật: Việc phẫu thuật cắt túi mật có thể làm tổn thương ống dẫn mật, mạch máu, ruột, rò rỉ dịch mật gây nhiễm khuẩn phúc mạc. Nhiễm trùng vết mổ cũng có thể xảy ra gây sưng tấy đỏ, sốt, đau xung quanh vết thương. Một số trường hợp còn có thể bị xuất huyết sau phẫu thuật cần phải xử trí can thiệp nội khoa. Bên cạnh xuất huyết, bệnh nhân cũng có khả năng hình thành huyết khối tĩnh mạch sâu rất nguy hiểm vì cục máu đông có thể di chuyển đến phổi gây tắc mạch và tử vong.
  • Hội chứng sau cắt túi mật: Bệnh nhân sau phẫu thuật cắt túi mật có thể bị vàng da, đau bụng kéo dài. Nguyên nhân được cho là do đường mật bị tổn thương, sỏi mật còn sót, ....
  • Tái phát sỏi mật: Bệnh nhân cắt túi mật do sỏi mật vẫn có thể bị tái phát sỏi mật. Sỏi mật vẫn có thể tiếp tục hình thành và phát triển trong ống dẫn mật chủ hoặc ống gan.

Mặc dù bệnh nhân vẫn có thể sống hoàn toàn bình thường sau phẫu thuật cắt túi mật, tuy nhiên nhận biết các vấn đề sau phẫu thuật là rất quan trọng, làm cơ sở để bệnh nhân và gia đình cân nhắc trước khi quyết định can thiệp ngoại khoa này.

cắt túi mật
Bệnh nhân sau khi cắt túi mật có thể bị tái phát sỏi mật

3. Chăm sóc sức khỏe sau cắt túi mật

Hiện nay, phương pháp phẫu thuật cắt bỏ túi mật là mổ nội soi. Đây là phương pháp hiện đại, nhanh chóng và đơn giản, có tỉ lệ hồi phục nhanh và ít gây ra biến chứng. Tuy nhiên, bệnh nhân cần lưu ý chế độ ăn uống hợp lý, sinh hoạt khoa học để sức khỏe sớm hồi phục và hạn chế những biến chứng khó chịu do phẫu thuật cắt túi mật gây ra.

  • Các loại thực phẩm nên ăn: Thực phẩm chứa nhiều chất xơ (các loại hạt, đậu, ngũ cốc, ...), thực phẩm giàu vitamin (trái cây, rau xanh), thực phẩm ít béo.
  • Các loại thực phẩm không nên ăn: Các loại thịt nhiều mỡ hoặc được chế biến sẵn, thức ăn chiên xào, sữa và chế phẩm từ sữa, bánh kẹo ngọt, thức uống có gas hoặc chứa nhiều chất kích thích.
  • Sau phẫu thuật cắt túi mật không nên ăn đồ cứng để tránh ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.
  • Chia thực phẩm thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày để tránh khó tiêu, đầy hơi.
  • Tập thể dục nhẹ nhàng mỗi ngày, duy trì cân nặng hợp lý.

Sau phẫu thuật từ 7 - 10 ngày, nếu sức khỏe bệnh nhân ổn định, mật và gan không bị tổn thương, không thấy xuất hiện triệu chứng khó chịu nào thì người bệnh có thể ăn uống, sinh hoạt và tập luyện trở lại bình thường.

Phẫu thuật cắt túi mật là can thiệp ngoại khoa có khả năng ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Vì vậy, lưu ý các vấn đề sau phẫu thuật và xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt, tập luyện phù hợp là rất quan trọng để người bệnh sớm hồi phục, có sức khỏe tốt và sinh sống khỏe mạnh, bình thường khi không còn túi mật.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan