Các bệnh lý tiêu hóa thường gặp ở bệnh nhân tim mạch và cách khắc phục

Bài viết được viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Huyền Nhung - Bác sĩ Nội Tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Bệnh tim mạch (Heart Disease) là bệnh lý do rối loạn của tim và mạch máu. Bệnh bao gồm các bệnh mạch vành, tăng huyết áp, bệnh động mạch ngoại vi, thấp tim, bệnh van tim, bệnh cơ tim, loạn nhịp tim... Các bệnh lý tim mạch hiện là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu.

Việc điều trị các bệnh lý này thường đòi hỏi phải sử dụng cùng lúc nhiều loại thuốc khác nhau như thuốc hạ huyết áp, thuốc chống ngưng tập tiểu cầu, thuốc điều trị suy tim, thuốc chống đông, thuốc lợi tiểu, thuốc mỡ máu... Trong quá trình điều trị, vừa do các biến chứng của bệnh, vừa do tác dụng phụ của các loại thuốc điều trị hay do các rối loạn tâm thần kinh mà người bệnh thường xuyên gặp phải các vấn đề về tiêu hóa. Trong bài viết sau đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu thêm thông tin về các bệnh lý tiêu hóa thường gặp ở bệnh nhân tim mạch và cách khắc phục.

1. Viêm loét dạ dày, hành tá tràng

Là tình trạng xảy ra khi mất cân bằng giữa hoạt động ăn mòn của dịch vị và tác dụng bảo vệ của chất nhầy trên niêm mạc dạ dày. Lượng chất nhầy trong dạ dày không đủ để bảo vệ biểu mô bề mặt khỏi tác động phá hủy của axit clohydric. Viêm dạ dày có thể là cấp hoặc mạn tính.

Trong các bệnh lý tim mạch, đặc biệt là những trường hợp bệnh nhân bị bệnh lý mạch vành, nhồi máu cơ tim..., thường xuyên phải sử dụng các loại thuốc kháng kết tập tiểu cầu như aspirin, clopidogrel... liên tục trong một khoảng thời gian kéo dài, thậm chí là cả đời. Các loại thuốc này kích ứng trực tiếp lên niêm mạc dạ dày gây ra các triệu chứng khó chịu cho người bệnh như buồn nôn, ợ hơi, ợ chua, đau bụng trên rốn, cảm giác đầy bụng, khó tiêu... Đặc biệt khi người bệnh có nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori ( vi khuẩn HP) trước đó thì tình trạng viêm loét dạ dày, hành tá tràng có thể xảy ra nhanh chóng hơn, thường xuyên hơn, mức độ nghiêm trọng hơn, thậm chí có biến chứng xuất huyết dạ dày, thủng dạ dày do ổ loét. Việc điều trị lâu dài bệnh lý tim mạch bằng những thuốc này là không thể tránh khỏi, vì vậy, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề sau để hạn chế tác dụng phụ này của thuốc :

  • Uống thuốc sau khi ăn no: các loại thuốc có kích ứng trực tiếp niêm mạc dạ dày như aspirin, clopidogrel cần được uống sau ăn no.
  • Cần tầm soát, phát hiện tình trạng nhiễm vi khuẩn HP dạ dày khi mắc các bệnh cần phải sử dụng thuốc aspirin hoặc clopidogrel kéo dài (nhồi máu cơ tim, cơn đau thắt ngực ổn định, không ổn định...). Việc diệt vi khuẩn HP sẽ làm giảm nguy cơ xuất hiện các biến chứng viêm loét dạ dày khi dùng thuốc.
  • Sử dụng thêm một số nhóm thuốc làm hạn chế tác dụng phụ trên dạ dày của thuốc như nhóm thuốc bao niêm mạc dạ dày (Gastropugit, Phosphalugel, Sucrafat...), các thuốc ức chế tiết acid dạ dày như Rabeprazol, Pantoprazol. Tuy nhiên, khi sử dụng các nhóm thuốc này, người bệnh cần hết sức lưu ý vì có một số nhóm thuốc ức chế tiết acid dạ dày có thể làm giảm tác dụng của các thuốc tim mạch như Omeprazol, Esomeprazol làm giảm tác dụng của Clopidogrel... Vì thế người bệnh cần tới các cơ sở y tế chuyên khoa, thăm khám lâm sàng bởi các thầy thuốc để được chỉ định sử dụng loại thuốc làm giảm tác dụng phụ của thuốc chống kết tập tiểu cầu phù hợp nhất.

2. Xuất huyết tiêu hóa

Đây là một trong số những biến chứng về tiêu hóa thường gặp nhất ở bệnh nhân có rối loạn nhịp tim hoặc có stent mạch vành phải dùng thuốc chống đông hoặc thuốc chống ngưng tập tiểu cầu. Thông thường, các loại thuốc chống đông hay aspirin thường gây xuất huyết tiêu hóa cao do loét dạ dày. Tuy nhiên trong một số trường hợp, có thể có xuất huyết tiêu hóa thấp. Đặc biệt, việc sử dụng thuốc chống đông làm tăng nguy cơ xuất huyết tiêu hóa cao gấp 2 lần so với việc sử dụng aspirin liều thấp hoặc thuốc kháng ngưng tập tiểu cầu Clopidogrel. Tỷ lệ xuất huyết tiêu hóa cao tăng lên ở những bệnh nhân cao tuổi, nhiều bệnh lý nền kèm theo.

Biểu hiện của biến chứng này bao gồm đau bụng trên rốn, nôn máu, đi ngoài phân đen, phân máu, hoa mắt, chóng mặt, thậm chí choáng ngất. Đây là một trong số những biến chứng nặng, có thể nguy hiểm đến tính mạng. Vì thế khi thấy có những biểu hiện trên, người bệnh cần phải tới khám ngay tại các cơ sở y tế gần nhất để nhận được sự điều trị và chăm sóc y tế phù hợp. Biến chứng này có thể được khắc phục bằng cách :

  • Xét nghiệm và diệt vi khuẩn HP (nếu có) trong dạ dày trước khi người bệnh bắt đầu điều trị lâu dài bằng aspirin, Clopidogrel.
  • Sử dụng kèm các thuốc bảo vệ dạ dày (thuốc bao niêm mạc dạ dày, PPI...) cùng với thuốc kháng kết tập tiểu cầu. Người bệnh cũng cần lưu ý là một số thuốc giảm tiết acid dạ dày như Omeprazol, esomeprazol có thể làm giảm tác dụng của thuốc kháng kết tập tiểu cầu Clopidogrel. Vì thế trước khi sử dụng các loại thuốc này, người bệnh cần thăm khám và tư vấn bởi các bác sĩ chuyên khoa.
Xuất huyết tiêu hóa
Xuất huyết tiêu hóa có nhiều triệu chứng

3. Bệnh lý trào ngược thực quản

Bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản có thể gặp ở tất cả các đối tượng, tất cả các lứa tuổi, đặc biệt là ở những bệnh nhân có bệnh lý nền tim mạch, thường xuyên phải sử dụng các loại thuốc chống ngưng tập tiểu cầu có tác dụng phụ lên dạ dày. Để khắc phục tình trạng này, bạn cần :

  • Nghỉ ngơi, tránh căng thẳng, stress.
  • Tập luyện thể dục đều đặn 30 phút/ngày.
  • Tránh ăn các đồ ăn chua, cay, nước ngọt có gas, đồ ăn sinh hơi, đồ ăn nhiều dầu mỡ.
  • Không nằm ngay sau khi ăn, nên ngồi nghỉ ngơi ít nhất 2 giờ.
  • Làm test thở hoặc xét nghiệm phân, nội soi dạ dày để xác định tình trạng nhiễm HP trước khi bắt đầu sử dụng thuốc aspirin hoặc clopidogrel kéo dài. Nếu có test vi khuẩn HP dương tính, người bệnh cần được diệt vi khuẩn HP trước khi bắt đầu dùng thuốc.

4. Chứng khó tiêu chức năng và hội chứng ruột kích thích

Bệnh lý tim mạch là một bệnh mãn tính, đi cùng người bệnh cả đời. Vì thế không thể tránh khỏi việc người bệnh bị ảnh hưởng bởi các stress tâm lý. Đây là nguyên nhân khiến bệnh nhân tim mạch có thể dễ dàng bị mắc các chứng rối loạn tiêu hóa chức năng. Tuy nhiên biểu hiện của bệnh lý này có thể nhầm lẫn với rất nhiều bệnh lý nguy hiểm khác của đường tiêu hóa như ung thư thực quản, ung thư dạ dày, ung thư đại tràng... Vì thế, khi người bệnh có các biểu hiện như : đầy hơi, chướng bụng, buồn nôn, ợ hơi, ợ chua, ợ nóng, đau bụng, đi ngoài ra máu..., người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám bởi các bác sĩ chuyên khoa, nội soi dạ dày, nội soi đại tràng để loại trừ các bệnh lý ác tính.

5. Các bệnh lý về gan: tăng men gan, xơ gan

Các bệnh lý tim mạch khi diễn tiến lâu ngày sẽ dẫn tới biến chứng xơ gan do suy tim. Việc sử dụng cùng lúc nhiều loại thuốc như thuốc tăng huyết áp, thuốc đái tháo đường, thuốc hạ mỡ máu... cũng là nguyên nhân thường gặp gây tăng men gan. Thông thường, tình trạng xơ gan do suy tim có thể được cải thiện khi người bệnh được điều trị ổn định tình trạng suy tim. Tình trạng tăng men gan do thuốc thường được điều trị ổn định khi người bệnh tạm ngừng các loại thuốc có độc tính với tế bào gan. Người bệnh nên kiểm tra xét nghiệm chức năng gan, siêu âm ổ bụng định kỳ 6 tháng/lần bởi các bác sĩ chuyên khoa để được phát hiện sớm tình trạng xơ gan, tăng men gan và được điều trị kịp thời, tránh những tổn hại đáng tiếc về sức khỏe.

Trên đây là những tình trạng bệnh lý tiêu hóa thường gặp nhất ở bệnh nhân tim mạch. Hiện nay các bệnh viện thuộc hệ thống bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec được trang bị đầy đủ các loại máy móc, trang thiết bị hiện đại nhất và thực hiện được tất cả các phương pháp nội soi, siêu âm, xét nghiệm chẩn đoán các tình trạng bệnh lý nói trên, nhằm đảm bảo giá trị chẩn đoán rất cao (> 95%) cũng như đảm bảo an toàn cho người bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

363 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan