Vitamin C và kháng sinh có liên quan gì đến nhau không?

Vitamin C là một chất rất cần thiết cho cơ thể, có tác dụng tăng sức đề kháng. Tuy nhiên không phải ai cũng biết cách sử dụng vitamin C sao cho đúng cách, đặc biệt do bản chất vitamin C là một loại acid nên có thể gây ra tương tác với một số loại kháng sinh.

1. Mối liên quan giữa vitamin C và kháng sinh

Vitamin C là chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể mà cơ thể không tự tổng hợp được. Loại vitamin này có bản chất là một loại acid, không bền, dễ tan trong nước nên không tích luỹ trong cơ thể. Vitamin C giúp cho cơ thể tăng sức đề kháng, vững bền thành mạch, chống lão hóa cải thiện da và tóc, khi thiếu vitamin C cơ thể sẽ suy giảm chức năng đề kháng dễ nhiễm khuẩn hơn, cho nên chúng ta cần bổ sung vitamin C mỗi ngày. Nguồn cung cấp vitamin C cho cơ thể chủ yếu là từ chế độ dinh dưỡng, từ rau củ (súp lơ, cải bắp, ớt chuông, bông cải xanh, khoai lang, khoai tây...), từ các loại quả (cam, quýt, bưởi, ổi, nho, kiwi, đào, lê, táo...). Ngoài ra, một số người sử dụng cách cung cấp vitamin C qua các viên uống bổ sung.

Kháng sinh là những hợp chất được tổng hợp hoặc bán tổng hợp có tác dụng giúp tiêu diệt vi khuẩn hay kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn khi cơ thể bị nhiễm trùng. Kháng sinh được sử dụng trong trường hợp có nhiễm khuẩn hay dự phòng nguy cơ nhiễm khuẩn ở những đối tượng có bệnh mà nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn cao.

Những kháng sinh nhóm Beta Lactam không bền trong môi trường axit. Dưới tác dụng của axit như vitamin C và một số loại acid khác sẽ làm cho vòng betalactam bị phá hủy, gây ra mất tác dụng của thuốc. Chính vì vậy nếu chúng ta sử dụng cùng lúc hoặc quá gần nhau các thực phẩm hay dược phẩm có chứa vitamin C cùng với kháng sinh nhóm beta lactam như kháng sinh penicilin, ampicilin, amoxicilin, augmentin (amoxicillin, kết hợp với acid clavulanic) , unacyl, cloxacillin, oxacillin... sẽ gây giảm liều lượng kháng sinh nhóm này được hấp thụ qua đường tiêu hóa. Kết quả làm giảm tác dụng của thuốc.

Hiện nay, đứng trước nguy cơ kháng thuốc kháng sinh rất cao nên việc sử dụng kháng sinh làm sao cho đúng rất quan trọng. Trong đó, việc không dùng cùng lúc kháng sinh và các chất có tính acid như vitamin C được khuyến cáo để tránh giảm hiệu lực của thuốc, gây ra tình trạng không đủ liều thuốc, làm cho vi khuẩn có cơ hội biến đổi gây kháng thuốc.

Viên thuốc 1
Dùng cùng lúc kháng sinh và vitamin C không được khuyến cáo sử dụng

2. Cần lưu ý gì khi sử dụng vitamin C và kháng sinh?

Khi đang uống các loại thuốc kháng sinh, nhất là các loại kháng sinh nhóm beta lactam, cần chú ý không được dùng nước hoa quả, các đồ uống có vị chua hay ăn cam, quýt các loại quả có chứa nhiều vitamin C.

Khi mắc các bệnh lý nhiễm khuẩn cũng được khuyến cáo nên bổ sung các chất có chứa nhiều vitamin C giúp tăng sức đề kháng và phục hồi cơ thể. Tuy nhiên nên giãn cách thời gian uống kháng sinh và vitamin C. Không sử dụng cùng lúc hoặc quá gần nhau để tránh tình trạng vitamin C làm mất tác dụng của thuốc.

Nhiều người thường có thói quen uống bất kỳ loại thuốc nào xong lại tiếp tục uống viên C sủi hoặc dùng nước của viên C sủi để uống các loại thuốc khác, trong đó có thể có kháng sinh. Tuy nhiên, chúng ta cần chú ý đây là cách dùng thuốc không chính xác dẫn đến những tương tác thuốc giữa kháng sinh và vitamin C, hay giữa các thuốc khác với vitamin C gây giảm tác dụng hoặc có những phản ứng bất lợi cho cơ thể. Các loại thuốc nên được uống với nước lọc hay nước đun sôi để nguội, nhằm tránh hiện tượng tương tác thuốc với các hợp chất trong loại nước khác.

Như vậy, kháng sinh và vitamin C có tương tác với nhau làm giảm tác dụng của của một số loại kháng sinh, từ đó gia tăng nguy cơ các loại vi khuẩn kháng thuốc.

Tốt nhất để đảm bảo tính an toàn, trước khi dùng bất cứ loại thuốc kháng sinh nào bạn nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ, dược sĩ. Việc dùng thuốc đúng quy định luôn mang đến hiệu quả cao và tốt cho sức khỏe.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

38.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan