Công dụng thuốc Rapez

Thuốc Rapez thường được bác sĩ kê đơn sử dụng trong những trường hợp mắc viêm thực quản hồi lưu, loét dạ dày hoặc loét tá tràng,... Để dùng thuốc Rapez an toàn và sớm cải thiện bệnh, bạn cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ.

1. Rapez là thuốc gì?

Rapez thuộc nhóm thuốc đường tiêu hoá, được dùng chủ yếu để đẩy lùi nhanh chóng và hiệu quả các tình trạng như loét miệng nối, loét dạ dày, viêm thực quản hồi lưu,... Hiện nay, thuốc Rapez được nghiên cứu và sản xuất bởi Sirago Pharma Pvt., Ltd - Ấn Độ với dạng bào chế viên nén bao tan trong ruột.

Trên thị trường hiện nay phân phối 2 loại chính là thuốc Rapez 10 và thuốc Rapez 20. Tuỳ từng mục đích điều trị và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc Rapez phù hợp nhất.

Trong mỗi viên nén Rapez có chứa hoạt chất chính là Rabeprazole sodium hàm lượng 10 hoặc 20mg cùng sự kết hợp của một số tá dược khác. Thành phần dược chất Rabeprazole sodium được biết đến với các tác dụng nổi bật sau:

  • Khả năng ức chế tiết acid dạ dày.
  • Hoạt động chống loét mạnh, giúp cải thiện các sang thương ở niêm mạc dạ dày, chẳng hạn như stress do bị nhúng trong nước, stress do nhiễm lạnh, dùng Ethanol – HCl và Cysteamine hoặc thắt môn vị.

2. Chỉ định, chống chỉ định sử dụng thuốc Rapez

Hiện nay, thuốc Rapez được bác sĩ kê đơn sử dụng chủ yếu để điều trị các vấn đề tiêu hoá sau:

Không sử dụng thuốc Rapez cho các trường hợp bệnh nhân dưới đây khi chưa có chỉ định của bác sĩ:

  • Người bệnh bị dị ứng hoặc có tiền sử quá mẫn với hoạt chất Rabeprazole sodium hay bất kỳ thành phần nào có trong thuốc.
  • Phụ nữ đang trong thai kỳ.
  • Bà mẹ đang nuôi con bú.

3. Liều lượng và khuyến nghị cách dùng thuốc Rapez hiệu quả

3.1. Liều lượng sử dụng thuốc Rapez

Liều thuốc Rapez dành cho người lớn theo khuyến cáo chung của bác sĩ là 10mg/ ngày, có thể cân nhắc tăng lên 20mg/ ngày dựa trên mức độ bệnh. Đối với tình trạng loét tá tràng, bệnh nhân nên điều trị bằng thuốc Rapez trong vòng 4 – 8 tuần. Các trường hợp bị viêm thực quản hồi lưu và loét dạ dày có thể điều trị bằng thuốc Rapez trong vòng từ 6 – 12 tuần.

Bạn cần sử dụng chính xác liều dùng thuốc Rapez theo chỉ dẫn của bác sĩ hoặc tham khảo kỹ lời khuyên dùng thuốc được ghi trên bao bì sản phẩm. Tránh tự ý tính toán, thay đổi liều dùng hoặc dừng thuốc trước thời hạn khuyến cáo.

3.2. Hướng dẫn sử dụng thuốc Rapez hiệu quả

Mỗi loại thuốc sẽ có cách sử dụng khác nhau, dựa trên dạng bào chế. Thông thường, các đường dùng thuốc chính hiện nay bao gồm đường uống, bôi ngoài da, đặt trong cơ thể hoặc đường tiêm. Đối với Rapez, bệnh nhân có thể dùng thuốc bằng đường uống do thuốc được bào chế dưới dạng viên nén bao tan trong ruột.

Khi uống thuốc, bạn nên uống cùng cốc nước lọc khoảng 240ml, tránh dùng chung với các đồ uống khác như nước có gas, nước chứa cồn, nước ngọt hoặc cà phê,... Những thức uống này có thể làm ảnh hưởng đến dược lực học và dược động học của hoạt chất Rabeprazole sodium hay bất kỳ thành phần tá dược khác trong thuốc.

Trong trường hợp trót bỏ lỡ 1 liều thuốc Rapez, bạn cần uống bù thuốc càng sớm càng tốt. Thông thường, bạn có thể uống bù liều đã quên cách khoảng 1- 2 giờ so với thời gian mà bác sĩ yêu cầu. Tuy nhiên, nếu đã quá gần với giờ uống liều thuốc kế tiếp, bạn nên bỏ qua liều đã lỡ và dùng thuốc tiếp theo đúng thời gian quy định. Tuyệt đối không uống gấp đôi liều lượng thuốc Rapez.

Đối với trường hợp uống quá liều thuốc Rapez và gặp phải các phản ứng đáng chú ý, bệnh nhân nên ngừng điều trị và thông báo ngay cho bác sĩ để được hướng dẫn xử trí. Hiện nay, các biện pháp khắc phục quá liều thuốc thường được cân nhắc sử dụng, bao gồm dùng than hoạt tính, rửa dạ dày hoặc thúc nôn,...

4. Tác dụng phụ khi dùng thuốc Rapez

Trong quá trình điều trị các vấn đề tiêu hoá bằng thuốc Rapez, bệnh nhân có thể gặp phải các tác dụng phụ ngoại ý sau:

  • Thay đổi huyết học.
  • Nổi mẩn đỏ hoặc nổi mề đay.
  • Ảnh hưởng đến chức năng gan.
  • Tiêu chảy.
  • Táo bón.
  • Có cảm giác nặng bụng hoặc chướng bụng.
  • Nhức đầu.

Nhìn chung, những tác dụng phụ không mong muốn này thường tự biến mất sau khi bệnh nhân ngưng dùng thuốc Rapez. Tuy vậy, một số phản ứng hiếm gặp khác chưa được đề cập vẫn có nguy cơ xảy ra. Khi đó, bạn cần báo ngay cho người phụ trách y khoa để sớm có biện pháp điều trị.

5. Lưu ý và thận trọng khi sử dụng thuốc Rapez

Dưới đây là một số lời khuyên quan trọng dành cho hầu hết bệnh nhân khi điều trị bằng thuốc Rapez:

  • Trước tiên phải loại trừ khả năng ác tính của tình trạng loét dạ dày.
  • Thận trọng khi dùng thuốc Rapez cho các đối tượng như: Người cao tuổi, người bị suy gan, suy thận, nhược cơ, hôn mê gan, mẫn cảm dị ứng với các thành phần của thuốc hoặc trẻ em dưới 15 tuổi.
  • Thuốc Rapez có thể làm ảnh hưởng đến thai kỳ và sức khỏe của trẻ sơ sinh, do đó phụ nữ đang mang thai hoặc người mẹ đang nuôi con bú không nên dùng thuốc này. Nếu thực sự cần thiết, những đối tượng trên chỉ nên dùng khi tham khảo kỹ ý kiến của bác sĩ về mặt lợi và hại mà thuốc Rapez mang lại.
  • Luôn kiểm tra kỹ hạn sử dụng, màu sắc và kết cấu của thuốc. Nếu thuốc Rapez đã hết hạn hoặc có dấu hiệu chảy nước hay nấm mốc, bạn cần loại bỏ thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
  • Bảo quản thuốc tại nơi khô thoáng, cao ráo, nhiệt độ dưới 30 độ C và tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.
  • Không để thuốc ở khu vực có độ ẩm cao như phòng tắm – nơi dễ sản sinh ra các loại vi khuẩn và nấm mốc làm hỏng thuốc.

Việc kết hợp dùng cùng lúc 2 hoặc nhiều loại thuốc với nhau có thể xảy ra phản ứng tương tác thuốc. Có 2 trường hợp tương tác chính, bao gồm hiện tượng đối kháng hoặc hiệp đồng giữa các loại thuốc. Đối với Rapez, khi sử dụng chung với các loại thuốc sau có thể gây ra các phản ứng tương tác bất lợi, cụ thể:

  • Phối hợp dùng chung Rapez với thuốc Digoxin có thể làm tăng nồng độ Digoxin trong máu.
  • Dùng chung Rapez với thuốc Phenytoin có thể làm kéo dài chuyển hoá và bài tiết của Phenytoin.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ về việc dùng cùng lúc thuốc Rapez với một số loại thực phẩm nhất định hoặc rượu, bia, thuốc lá,... Thực tế, một số thực phẩm và đồ uống có chứa các chất khác, dễ gây hiện tượng hiệp đồng hoặc đối kháng khi dùng chung với thuốc Rapez.

Nhằm tránh nguy cơ xảy ra tương tác giữa các thuốc, bệnh nhân cần báo cho bác sĩ biết danh sách các loại dược phẩm hiện đang sử dụng. Không ngoại trừ trường hợp sử dụng thực phẩm chức năng, khoáng chất hay vitamin bổ sung.

Tóm lại, Rapez là thuốc kê đơn được bác sĩ chỉ định sử dụng trong những trường hợp mắc viêm thực quản hồi lưu, loét dạ dày hoặc loét tá tràng,... Người bệnh cần dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

34 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan