Công dụng thuốc Lopetab

Lopetab 2mg nằm trong danh sách các loại thuốc thiết yếu của Tổ chức Y tế Thế giới, được sử dụng để giảm triệu chứng tiêu chảy nguyên nhân gây ra bởi bệnh viêm ruột và hội chứng ruột ngắn.

1. Tác dụng của thuốc Lopetab

Lopetab 2mg chứa thành phần chính là Loperamide, thuộc nhóm thuốc đường tiêu hóa, được chỉ định trong điều trị các bệnh sau đây:

  • Thuốc làm giảm triệu chứng tiêu chảy cấp không đặc hiệu, tiêu chảy mạn tính nguyên nhân do viêm đường ruột.
  • Được sử dụng để làm giảm khối lượng phân ở các bệnh nhân có thủ thuật mở thông hồi tràng.
  • Được sử dụng trong điều trị triệu chứng của tiêu chảy cấp ở người lớn và trẻ em trên 12 tuổi.
  • Dùng trong điều trị triệu chứng của các đợt tiêu chảy cấp nguyên nhân do hội chứng ruột kích thích (sử dụng cho người trưởng thành trên 18 tuổi).

Lưu ý: Loperamide không nên được sử dụng làm thuốc điều trị chính trong các trường hợp tiêu chảy ra máu, đợt cấp của viêm loét đại tràng hoặc viêm ruột do vi khuẩn.

Cơ chế hoạt động của thuốc:

Thành phần Loperamide hoạt động bằng cách tác động lên các thụ thể mu-opioid để làm chậm chuyển động của ruột. Do đó, làm chậm các cơn co thắt trong ruột, phân ít nước hơn và giảm số lần đi đại tiện, cải thiện chứng tiêu chảy.

2. Liều lượng và cách dùng thuốc Lopetab

Cách dùng thuốc lopetab: Lopetab 2mg được bào chế dưới dạng viên nén và sử dụng theo đường uống. Tiêu chảy có thể dẫn đến mất nước. Do vậy người bệnh nên uống nhiều nước và khoáng chất để cung cấp chất điện giải cho cơ thể.

Liều lượng:

Liều lượng trong điều trị tiêu chảy cấp:

  • Dành cho người lớn sử dụng liều lượng thuốc khởi đầu là 4mg, giảm liều lượng xuống 2mg sau mỗi lần đi tiêu phân lỏng, liều dùng tối đa là 16mg/ ngày.
  • Dành cho trẻ em từ 8 - 12 tuổi sử dụng 2mg ngày 3 lần; với trẻ em từ 6 - 8 tuổi sử dụng liều 2mg ngày 2 lần; thời gian sau dùng liều 1mg/ 10kg sau mỗi lần đi tiêu phân lỏng, liều tối đa của một ngày không được vượt quá liều của ngày đầu tiên.

Liều lượng trong điều trị tiêu chảy mãn tính: Đối với người lớn: 4 - 8mg/ngày 1 lần hoặc chia làm nhiều lần. Đối với trẻ em: Cần hỏi ý kiến bác sĩ.

Quá liều và xử lý:

Các triệu chứng thường gặp nhất khi sử dụng quá liều thuốc Loperamide bao gồm buồn ngủ, nôn và đau bụng hoặc nóng rát. Nếu dùng liều cao quá mức có thể gây ra các vấn đề trầm trọng hơn về tim như nhịp tim bất thường.

Xử lý: Điều trị theo triệu chứng.

Chống chỉ định:

  • Không được dùng Lopetab cho trẻ em dưới 12 tuổi và người già.
  • Không được dùng ở bệnh nhân mắc bệnh viêm đại tràng giả mạc hoặc viêm loét đại tràng cấp nguyên nhân do kháng sinh phổ rộng.
  • Không được dùng cho bệnh nhân lỵ cấp với triệu chứng như xuất hiện máu trong phân và sốt cao.
  • Không dùng thuốc cho trường hợp người bệnh bị viêm loét đại tràng cấp.
  • Không được dùng cho bệnh nhân bị viêm ruột do vi trùng xâm lấn.
  • Phải ngưng sử dụng thuốc khi xuất hiện các triệu chứng như tắc ruột, táo bón, căng chướng bụng.
  • Chống chỉ định cho người bệnh bị dị ứng với thành phần của thuốc hoặc bị tiêu chảy cấp nhiễm trùng nguyên nhân do các vi khuẩn có khả năng tấn công sâu vào niêm mạc ruột như Salmonella, E.coli, Shigella.
  • Không dùng thuốc cho bệnh nhân bị suy gan nặng.

3. Tác dụng phụ thuốc Lopetab

Một số tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng thuốc bao gồm: Chóng mặt, mệt mỏi, đau vùng thượng vị, táo bón, khô miệng, buồn ngủ, nổi mẩn da.

Tác dụng phụ hiếm gặp khác như: Gây megacolon độc, liệt ruột, phù mạch, phản vệ hoặc phản ứng dị ứng, hoại tử biểu bì nhiễm độc, hội chứng Stevens – Johnson, ban đỏ đa dạng, bí tiểu và đột quỵ do nhiệt.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Lopetab

Người bệnh không nên sử dụng Loperamide nếu bị dị ứng với thuốc hoặc đang gặp các vấn đề như: Tiêu chảy với sốt cao, đau bụng mà không tiêu chảy, viêm loét đại tràng, tiêu chảy do nhiễm trùng do vi khuẩn, phân có máu.

Nếu sau một thời gian sử dụng thuốc mà tình trạng tiêu chảy của người bệnh không cải thiện hoặc bệnh xuất hiện các triệu chứng khác như trong phân có máu, sốt hoặc bụng khó chịu thì nên báo với bác sĩ về tình trạng của mình để có hướng điều trị khác phù hợp hơn.

Loperamide nên được dùng thận trọng cho những người bị suy gan.

Ngoài ra, nên thận trọng khi sử dụng thuốc Lopetab điều trị cho những người bị nhiễm HIV/ AIDS giai đoạn nặng, vì các trường hợp nhiễm megacolon độc hại do vi rút và vi khuẩn đã được ghi nhận. Nếu trong quá trình dùng thuốc, người bệnh thấy bụng căng tức thì nên ngừng điều trị bằng Loperamide.

Với phụ nữ mang thai: Loperamide không được khuyến cáo sử dụng trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú. Thành phần Loperamide có trong thuốc được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) xếp vào nhóm thai kỳ C (nhóm thuốc có thể có nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi).

Với phụ nữ đang cho con bú: Thuốc có thể tồn tại trong sữa mẹ và không được khuyến cáo cho các bà mẹ đang cho con bú.

5. Tương tác thuốc

  • Loperamide là một hoạt chất chống tiêu chảy, làm giảm chuyển động của ruột. Do đó, khi kết hợp với các loại thuốc chống co thắt khác, nguy cơ táo bón sẽ tăng lên, bao gồm các thuốc thuộc nhóm Opioid khác, thuốc kháng cholinergic, thuốc kháng histamine, thuốc chống loạn thần.
  • Nồng độ của Loperamide tăng lên khi dùng chung với chất ức chế P-glycoprotei, bao gồm Quinidine, Ritonavir và Ketoconazole.
  • Abametapir: Nồng độ trong huyết thanh của Loperamide có thể được tăng lên khi nó được kết hợp với Abametapir.
  • Abatacept, Abemaciclib: Sự chuyển hóa của Loperamide có thể được tăng lên khi kết hợp với Abatacept.
  • Acarbose: Nguy cơ hoặc mức độ nghiêm trọng của hạ đường huyết có thể tăng lên khi Loperamide được kết hợp với Acarbose.
  • Acebutolol: Loperamide có thể làm tăng hoạt động loạn nhịp tim của Acebutolol.
  • Acetyldigitoxin: Acetyldigitoxin có thể làm tăng hoạt động loạn nhịp tim của Loperamide.
  • Alloin: Hiệu quả điều trị của Alloin có thể giảm khi sử dụng kết hợp với Loperamide.

Trên đây là những thông tin về thuốc Lopetab, người bệnh nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và dùng theo liều lượng đã được bác sĩ chỉ định để đạt hiệu quả tốt nhất.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan