Công dụng thuốc Hazitac 150

Hazitac 150 thuộc nhóm thuốc đường tiêu hóa, có tác dụng điều trị bệnh loét tá tràng cấp tính, loét dạ dày lành tính, trào ngược dạ dày - thực quản, loét dạ dày - tá tràng do thuốc. Thuốc Hazitac 150 được sử dụng dưới sự kê đơn của bác sĩ, người bệnh tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị tại nhà.

1. Thuốc Hazitac 150 là thuốc gì?

Thuốc Hazitac 150 có thành phần chính là hoạt chất Ranitidin 150mg dưới dạng Ranitidin Hydroclorid và các tá dược khác vừa đủ. Thuốc được điều chế dưới dạng viên nén tròn, bao phim màu trắng, hai mặt lồi, trơn cạnh và thành viên lành lặn, đóng gói thành hộp 3 vỉ, hộp 5 vỉ, hộp 10 vỉ x 4 viên.

2. Công dụng của thuốc Hazitac 150

2.1. Công dụng - chỉ định

Thuốc Hazitac 150 có chứa dược chất Ranitidin hydroclorid, thuộc nhóm thuốc đối kháng thụ thể H2 nên giúp làm giảm lượng acid có trong dạ dày của người bệnh.

Đối với người lớn, bao gồm cả người cao tuổi, thuốc Hazitac 150 được sử dụng để:

  • Điều trị và ngăn chặn các vết loét có trong dạ dày, tá tràng - nơi thức ăn từ dạ dày đổ vào ruột;
  • Phối hợp với các loại thuốc kháng sinh khác để điều trị bệnh nhiễm trùng trong dạ dày;
  • Giúp điều trị và phòng ngừa chứng loét dạ dày - ruột gây ra bởi các thuốc khác, ví dụ như thuốc kháng viêm không steroid;
  • Giúp làm ngưng chảy máu từ vết loét;
  • Giúp cải thiện các vấn đề gây ra bởi acid có trong thực quản hoặc quá nhiều acid ở trong dạ dày. Các bệnh này thường gây ra các triệu chứng như: đau, khó chịu, khó tiêu, ợ nóng;
  • Giúp phòng ngừa nguy cơ sặc acid trong quá trình gây mê.

Đối với trẻ nhỏ từ 3 đến 18 tuổi, thuốc Hazitac được dùng để:

  • Điều trị các vết loét có trong dạ dày - tá tràng
  • Giúp điều trị và phòng ngừa các vấn đề gây ra bởi acid có trong thực quản hoặc quá nhiều acid trong dạ dày. Các bệnh này thường gây đau, khó chịu, khó tiêu, ợ nóng.

2.2. Chống chỉ định thuốc Hazitac 150

Thuốc Hazitac 150 chống chỉ định sử dụng cho các trường hợp sau:

  • Người bị dị ứng, mẫn cảm với hoạt chất Ranitidin hydroclorid hay bất cứ thành phần nào có trong thuốc.

3. Cách sử dụng và liều dùng thuốc Hazitac 150

Cách dùng:

  • Thuốc được điều chế dưới dạng viên nén bao phim nên được sử dụng bằng đường uống, kèm với một lượng nước lọc vừa đủ. Lưu ý, trong quá trình uống không nên bẻ đôi, nghiền nát viên thuốc hoặc kết hợp với rượu, bia, đồ uống có ga.

Liều dùng:

  • Với người lớn, bao gồm cả người cao tuổi: Sử dụng 150mg vào buổi sáng và 150g vào buổi tối. Lưu ý, liều sử dụng chính xác còn phải tùy thuộc vào tình trạng dạ dày của người bệnh.
  • Với trẻ em từ 12 tuổi trở lên: Sử dụng liều lượng giống với người lớn
  • Với trẻ từ 3 đến 11 tuổi và có trọng lượng cơ thể lớn hơn 30kg:
    • Điều trị bệnh loét dạ dày hoặc tá tràng: Sử dụng 2mg/kg cân nặng cho liều thông thường. Sau đó có thể tăng lên thành liều 4mg/kg cân nặng, sử dụng 2 lần/ngày trong vòng 4 tuần. Lưu ý, thời gian cách nhau giữa 2 liều là 12 giờ và thời gian điều trị có thể kéo dài lên đến 8 tuần.
    • Điều trị chứng ợ nóng do có quá nhiều acid: Sử dụng 2,5mg/kg cân nặng cho liều thông thường, sau đó có thể tăng liều lên thành 5mg/kg cân nặng cơ thể, sử dụng 2 lần/này, mỗi liều cách nhau 12 giờ.

Trong trường hợp quên liều: Nếu phát hiện ra quên sử dụng thuốc, người dùng có thể uống ngay sau đó. Tuy nhiên, nếu thời điểm nhớ ra quá gần với thời điểm sử dụng liều thuốc tiếp theo, bỏ qua liều quên và tiếp tục uống liều tiếp theo đã được chỉ định trước đó. Lưu ý, không được sử dụng gấp đôi số liều để bù cho lượng thuốc đã quên.

Trong trường hợp quá liều: Khi phát hiện ra bản thân sử dụng thuốc quá liều, người dùng cần thông báo ngay cho bác sĩ về số lượng thuốc mà mình đã sử dụng cùng tình trạng hiện tại của bản thân để nhanh chóng được chẩn đoán và xử lý kịp thời.

4. Tác dụng phụ của thuốc Hazitac 150

Trong quá trình sử dụng, ngoài công dụng chính mà thuốc Hazitac 150 mang lại, người dùng còn có thể gặp phải một số tác dụng phụ không mong muốn khác như:

Các tác dụng phụ nghiêm trọng:

  • Phản ứng dị ứng: Phát ban, mày đay, ngứa, sưng môi, mặt, lưỡi hoặc các bộ phận khác trên cơ thể, đau ngực, thở dốc, khó thở, thở khò khè, sốt không rõ nguyên nhân, cảm giác choáng váng, đặc biệt là khi đứng lên.
  • Các triệu chứng ảnh hưởng đến thận: Đau lưng, sốt, đau khi đi tiểu, tiểu ra máu và những thay đổi trong kết quả xét nghiệm máu.
  • Đau ở vùng bụng nghiêm trọng, đây là triệu chứng có thể dẫn đến viêm tụy
  • Nhịp tim không đều hoặc chậm.

Các triệu chứng ít gặp:

  • Đau bụng, táo bón, cảm giác buồn nôn.

Các triệu chứng hiếm gặp:

  • Phát ban, tăng creatinin trong máu khi xét nghiệm chức năng thận, thay đổi chức năng gan.

Các triệu chứng rất hiếm gặp:

  • Thay đổi một số chất nhất định có trong máu, khiến cho cơ thể cảm thấy mệt mỏi bất thường, thở dốc, dễ xuất hiện các vết bầm tím hoặc bị nhiễm khuẩn
  • Lú lẫn, trầm cảm, ảo giác
  • Đau đầu, đôi khi tình trạng trở nặng
  • Cảm thấy mờ mắt, chóng mặt
  • Đau nhức cơ xương, khớp hoặc phù, dẫn đến tình trạng khó vận động
  • Sưng hoặc viêm mạch máu, có các dấu hiệu như phát ban, sưng khớp, xuất hiện các vấn đề ở thận
  • Xảy ra các vấn đề ở gan như: buồn nôn, nôn, chán ăn, ngứa, vàng da hoặc mắt, nước tiểu có màu đen, suy nhược toàn thân
  • Hồng ban đa dạng
  • Rụng tóc không rõ nguyên nhân
  • Tiêu chảy, bất lực, vú to
  • Đánh trống ngực, tăng nhịp tim.

Các triệu chứng không rõ tần suất:

  • Thở dốc.

Lưu ý: Khi thấy bản thân xuất hiện các triệu chứng trên hoặc bất kỳ triệu chứng nào bất thường nghi do dùng thuốc, người bệnh cần ngưng sử dụng và thông báo cho bác sĩ về tình trạng hiện tại của bản thân để có hướng xử trí nhanh chóng.

5. Tương tác thuốc Hazitac 150

Khi sử dụng thuốc, người bệnh cần ghi nhớ một số phản ứng tương tác giữa thuốc Hazitac 150 với các loại thuốc khác như:

  • Thuốc kháng viêm không steroid
  • Thuốc gây tê tại chỗ Lidocain
  • Thuốc điều trị bệnh tim: Propranolol, procainamid hoặc N-acetyl procainamid
  • Thuốc an thần, giảm lo âu: Diazepam
  • Thuốc điều trị bệnh động kinh Phenytoin
  • Thuốc điều trị các vấn đề về hô hấp như hen suyễn Theophylin
  • Thuốc chống đông máu Warfarin
  • Thuốc điều trị đái tháo đường Glipizide
  • Thuốc điều trị HIV Atazanavir hoặc delavirdine
  • Thuốc điều trị mất ngủ Triazolam
  • Thuốc điều trị ung thư phổi Gefitinib
  • Thuốc điều trị nấm hoặc tưa miệng Ketoconazol, viêm loét dạ dày Sucralfat
  • Với thuốc Midazolam thường được sử dụng trước khi người bệnh thực hiện các cơn phẫu thuật. Vì vậy, người dùng cần thông báo cho bác sĩ biết về việc bạn đang sử dụng Hazitac khi bác sĩ muốn cho bạn dùng thuốc có chứa Midazolam.

Lưu ý: Để giảm thiểu tối đa việc gặp phải các tương tác không mong muốn, người dùng cần thông báo cho bác sĩ về những loại thuốc, loại thực phẩm chức năng đang sử dụng để có được hướng kết hợp điều trị tốt nhất.

6. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Hazitac 150

Trước và trong khi sử dụng thuốc Hazitac 150, người dùng cần ghi nhớ một số lưu ý sau:

  • Sau khi sử dụng thuốc vài ngày, người dùng có thể thấy tình trạng bệnh được cải thiện. Tuy nhiên, người bệnh không được tự ý ngưng sử dụng thuốc mà không tham khảo ý kiến của bác sĩ bởi vì các triệu chứng ban đầu có thể tái phát trở lại khi ngưng thuốc.
  • Nếu người dùng đang có những vấn đề liên quan đến thận thì cần phải thông báo cho bác sĩ để có thể điều chỉnh lại liều lượng sao cho phù hợp.
  • Với phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú: Thông báo ngay cho bác sĩ và chỉ nên sử dụng thuốc Hazitac khi thực sự cần thiết và cân nhắc về lợi ích đạt được với nguy cơ có thể xảy ra
  • Ảnh hưởng của thuốc với các công việc: Hiện nay chưa có báo cáo nào chỉ ra thuốc gây ảnh hưởng đến khả năng lái xe, vận hành máy móc, làm việc trên cao, ...

Hy vọng với những thông tin chia sẻ trên sẽ giúp cho người đọc có thêm được kiến thức về công dụng thuốc Hazitac 150 trong việc điều trị bệnh loét tá tràng cấp tính, loét dạ dày lành tính, trào ngược dạ dày - thực quản, loét dạ dày - tá tràng do thuốc. Lưu ý, thuốc Hazitac 150 là thuốc được sử dụng dưới sự chỉ định của bác sĩ, người bệnh cần được chẩn đoán và kê đơn theo đúng với tình trạng cơ thể.

32 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan