Công dụng của thuốc Pazostin

Pazostin có chứa các thành phần chính là vitamin B1 và vitamin B6. Thuốc được bày bán ở hầu hết các nhà thuốc trên toàn quốc nên người bệnh có thể dễ dàng tìm mua để sử dụng theo đơn kê của bác sĩ. Vậy thuốc Pazostin chữa bệnh gì?

1. Thuốc Pazostin là gì?

Pazostin có chứa các thành phần chủ yếu là vitamin nhóm B, bao gồm vitamin B1, B6 và B12. Pazostin là thuốc kê đơn, được sử dụng trong các trường hợp đau nhức xương khớp hoặc đau thần kinh.

Về tác dụng dược động học của thuốc Pazostin được biết đến như sau:

  • Vitamin B1 được hấp thu một cách dễ dàng qua đường tiêu hóa và đào thải ra ngoài qua nước tiểu. Mỗi ngày cơ thể sử dụng khoảng 1mg vitamin B1.
  • Vitamin B6 cũng được hấp thu qua đường tiêu hóa, sau đó phần lớn được dự trữ ở gan và một phần ở cơ và não, trừ trường hợp mắc các hội chứng kém hấp thu. Vitamin B6 được thải trừ qua thận dưới dạng chuyển hóa, phần dư thừa vượt quá nhu cầu hằng ngày được đưa vào sẽ đào thải dưới dạng không biến đổi.

Vitamin B6 tồn tại trong cơ thể dưới 3 dạng: Pyridoxal, pyridoxin và pyridoxamin. Vitamin B6 là thành phần rất cần thiết đối với những bệnh nhân điều trị bằng isoniazid (pyridoxin được dùng để điều trị co giật hoặc hôn mê do ngộ độc isoniazid) hoặc phụ nữ uống thuốc tránh thai.

Chính nhờ những tác dụng như vậy mà thuốc Pazostin được chỉ định trong những trường hợp sau:

  • Sử dụng vitamin B1 trong phòng và điều trị bệnh Beriberi (bệnh thiếu vitamin B1).
  • Sử dụng thuốc Pazostin để hỗ trợ điều trị các trường hợp đau nhức dây thần kinh lưng, hông và dây thần kinh sinh ba.
  • Sử dụng cho các đối tượng mệt mỏi, kém ăn, suy dinh dưỡng và rối loạn tiêu hóa.
  • Sử dụng thuốc trong phòng và điều trị thiếu hụt vitamin B6, chẳng hạn như nghiện rượu, bỏng, sốt kéo dài, cường tuyến giáp, nhiễm khuẩn, suy tim sung huyết, cắt bỏ dạ dày, bệnh lý kém hấp thu liên quan đến gan - mật, bệnh đường ruột như viêm ruột, tiêu chảy,...

2. Cách sử dụng và liều dùng thuốc Pazostin

Do được bào chế dạng viên nên thuốc Pazostin được sử dụng theo đường uống. Bệnh nhân uống thuốc cùng với nước lọc, không nên uống thuốc Pazostin cùng với các loại đồ uống chứa cồn vì sẽ làm mất đi tác dụng của thuốc.

Về liều lượng sử dụng thuốc: Tùy thuộc vào mục đích sử dụng và lứa tuổi sẽ có liều lượng thuốc thích hợp. Tốt nhất bệnh nhân nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi quyết định sử dụng thuốc để phòng hay điều trị bệnh.

Để điều trị thiếu vitamin B1:

  • Người lớn: Sử dụng từ 4 - 6 viên/ngày, mỗi ngày chia 2 lần.
  • Trẻ em: Dùng từ 2 - 4 viên/ngày, mỗi ngày chia 2 lần.

Đối với những người có hấp thu tiêu hóa bình thường, uống mỗi ngày 2mg được coi là đủ để bổ sung dinh dưỡng. Trong thời kỳ mang thai và đang cho con bú, nên bổ sung từ 2 - 10mg mỗi ngày để cung cấp đủ vitamin cần thiết.

Trong trường hợp điều trị thiếu hụt pyridoxin ở người lớn:

  • Liều thông thường: Sử dụng từ 2,5 -10mg pyridoxin hydroclorid.
  • Trường hợp không còn triệu chứng lâm sàng về thiếu hụt, nên sử dụng thuốc hàng ngày trong nhiều tuần chế phẩm có chứa 2 - 5mg vitamin B6.

Trường hợp sử dụng Pazostin để điều trị thiếu hụt do thuốc gây nên:

  • Liều thông thường là từ 100 - 200mg/ngày, sử dụng trong 3 tuần.
  • Liều dự phòng: sử dụng từ 25 -100mg/ngày.
  • Đối với phụ nữ uống thuốc tránh thai, liều sử dụng từ 25 - 30mg/ngày.

Trường hợp điều trị co giật ở trẻ nhỏ lệ thuộc vào pyridoxin: Cần tiêm tĩnh mạch với liều từ 25 - 100mg. Sau khi tiêm thuốc từ 1 - 3 phút, triệu chứng co giật thường ngừng. Đối với trẻ nhỏ co giật có đáp ứng với pyridoxin thường phải uống pyridoxin suốt đời với liều 2 -100mg/ngày.

Để phòng thiếu máu hoặc viêm dây thần kinh do thiếu hụt pyridoxin ở những bệnh nhân dùng Isoniazid hoặc Penicilamin, nên sử dụng vitamin B6 hàng ngày với liều 10 - 50mg. Trường hợp để phòng co giật ở người bệnh dùng Cycloserin, bệnh nhân nên uống Pyridoxin với liều 100 - 300mg/ngày và chia làm nhiều lần.

Trường hợp co giật và hôn mê do ngộ độc isoniazid cấp, cho bệnh nhân uống một liều pyridoxin bằng với lượng isoniazid đã uống, sử dụng đồng thời với các thuốc chống co giật khác. Thông thường, bệnh nhân sẽ được tiêm tĩnh mạch với liều lượng từ 1 - 4g pyridoxin hydroclorid, sau đó tiêm bắp 1g, cứ 30 phút một lần cho tới khi hết liều.

Đối với điều trị do sử dụng quá liều cycloserin, sử dụng 300mg pyridoxin hydroclorid với liều 25mg/kg, 1/3 tiêm bắp, phần còn lại tiêm truyền tĩnh mạch trong 3 giờ.

3. Tác dụng phụ và chống chỉ định của thuốc Pazostin

Thuốc Pazostin không nên sử dụng cho những bệnh nhân có tiền sử quá mẫn cảm với bất cứ thành phần nào có trong thuốc.

Pazostin là một loại thuốc dễ dung nạp và không tích lũy trong cơ thể nên không gây thừa. Tác dụng phụ phổ biến, dễ gặp nhất là dị ứng, nguy hiểm nhất là shock khi tiêm truyền tĩnh mạch.

Ngoài ra, khi sử dụng thuốc với liều cao và dài ngày (trên 2 tháng) có thể gây bệnh thần kinh ngoại vi nặng, tiến triển từ dáng đi không vững và tê cóng bàn chân đến tê cóng, vụng về bàn tay. Nếu ngừng sử dụng thuốc, các triệu chứng này có thể hồi phục mặc dù vẫn còn để lại ít nhiều di chứng.

Thuốc Pazostin hiếm khi gây tác dụng phụ trên đường tiêu hóa như buồn nôn, nôn.

Pazostin chủ yếu chứa vitamin B1 và vitamin B6, được sử dụng cho những bệnh nhân bị thiếu hụt vitamin và sử dụng isoniazid. Những người suy nhược cơ thể, thiếu dinh dưỡng và những bệnh nhân sử dụng các thuốc đối kháng với pyridoxin nên sử dụng thuốc để đạt hiệu quả điều trị mong muốn và phòng ngừa biến chứng. Lưu ý, Pazostin là thuốc kê đơn, người bệnh cần sử dụng theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý điều trị tại nhà.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

67 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan