Tài liệu giáo dục sức khoẻ PCOS

A. Giới thiệu hội chứng buồng trứng đa nang

Buồng trứng đa nang

Hội chứng buồng trứng đa nang là rối loạn nội tiết và chuyển hóa phổ biến, xảy ra trong khoảng 8-13% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản (ESHRE- Hiệp hội Sinh sản và Phôi học châu Âu, 2018). Hội chứng buồng trứng đa nang sẽ ảnh hưởng xuyên suốt cuộc đời của người phụ nữ từ lúc dậy thì cho đến lúc mãn kinh. Triệu chứng của hội chứng buồng trứng đa nang rất đa dạng, thể hiện ở nhiều cơ quan khác nhau, đôi khi dẫn đến chẩn đoán và can thiệp muộn, dẫn đến nhiều biến chứng sức khoẻ lâu dài như béo phì, đái tháo đường, bệnh lý tim mạch...

B. Dấu hiệu, triệu chứng của buồng trứng đa nang

Người mắc hội chứng buồng trứng đa nang có nhiều biểu hiện lâm sàng khác nhau, các biểu hiện thay đổi rất nhiều giữa các cá thể, chủng tộc và vùng miền. Trên từng cá thể, biểu hiện của hội chứng buồng trứng đa nang cũng có thể thay đổi tùy theo các giai đoạn khác nhau của cuộc sống.

Các triệu chứng thường gặp:

  • Vô sinh do nguyên nhân không phóng noãn
Que thử
  • Kinh nguyệt không đều, kinh thưa, vô kinh
Lịch
  • Thừa cân, béo phì: Thường gặp tình trạng béo phì trung tâm, béo phì vùng bụng với tỉ số eo/hông > 0.85 hoặc vòng bụng > 80 cm (WHO- Tổ chức y tế thế giới, 2008)
Thừa cân
  • Rậm lông: Phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang thường gặp tình trạng “rậm lông” ở mặt, ngực, bụng, lưng, ngón tay cái, ngón chân. Mặt khác nhiều người gặp phải tình trạng hói đầu do nang tóc yếu, tóc rụng nhiều, mỏng và thưa dần. Cả hai hiện tượng này đều xuất phát từ sự tăng lên các nội tiết tố nam trong cơ thể.
Rậm lông
  • Da dầu, mụn trứng cá: Nồng độ nội tiết tố nam tăng lên khiến da tiết nhiều dầu hơn bình thường, dẫn đên xuất hiện mụn trứng cá ở các vùng mặt, lưng, ngực...
Da mụn
  • Rụng tóc, hói đầu, dấu gai đen ở vùng cổ, gáy, cánh tay, ngực, đùi, các vạt da thừa ở nách hoặc vùng cổ
Rụng tóc
Dấu gai đen
  • Lo lắng, trầm cảm: Phụ nữ mắc hội chứng này sẽ thường xuyên thấy căng thẳng, lo âu do tình trạng kinh nguyệt rối loạn, tình trạng thừa cân, béo phì, mụn trứng cá... Tình trạng này kéo dài có thể gây trầm cảm.
Trầm cảm
  • Hình ảnh 2 buồng trứng to, nhiều nang trên siêu âm đường âm đạo: Có trên 20 nang trứng trên 1 buồng trứng và/hoặc thể tích mỗi bên buồng trứng ≥ 10ml.
Buồng trứng đa nang

-> Hội chứng buồng trứng đa nang được chẩn đoán khi người bệnh có 2 trong 3 tiêu chuẩn:

  • Rối loạn phóng noãn hay không phóng noãn thể hiện bởi chu kỳ kinh không đều, kinh thưa, vô kinh
  • Cường androgen (nội tiết tố nam) được chẩn đoán bằng thăm khám các dấu hiệu lâm sàng (mụn trứng cá, rậm lông, hói đầu, thừa cân...) hoặc xét nghiệm
  • Hình ảnh buồng trứng đa nang trên siêu âm

C. Hội chứng buồng trứng đa nang và tuổi vị thành niên

Hội chứng buồng trứng đa nang gặp ở khoảng 6-18% trẻ vị thành niên (ESHRE- Hiệp hội Sinh sản và Phôi học châu Âu, 2018).

Các dấu hiệu của hội chứng buồng trứng đa nang và các thay đổi sinh lý bình thường của tuổi dậy thì đôi khi có sự chồng chéo, dẫn đến nguy cơ bỏ sót chẩn đoán và can thiệp muộn.

Các dấu hiệu gợi ý hội chứng buồng trứng đa nang ở tuổi vị thành niên bao gồm: Rối loạn kinh nguyệt, chu kỳ kinh dài hoặc vô kinh nguyên phát (không có kinh sau 15 tuổi hoặc sau khi có phát triển vú 3 năm), mụn trứng cá mức độ nặng, rậm lông, thừa cân, béo phì hoặc xét nghiệm nồng độ nội tiết tố nam trong máu tăng cao.

Hình ảnh siêu âm buồng trứng có nhiều nang không có giá trị chẩn đoán hội chứng buồng trứng đa nang ở tuổi dậy thì.

Các trường hợp thanh thiếu niên có nguy cơ cao mắc hội chứng buồng trứng đa nang nhưng không đáp ứng các tiêu chuẩn chẩn đoán cần được đánh giá lại tại thời điểm 8 năm sau dậy thì.

Việc chẩn đoán, quản lý và điều trị sớm hội chứng buồng trứng đa nang ở thanh thiếu niên sẽ hạn chế các nguy cơ mắc các bệnh lý chuyển hóa, đái tháo đường, tiểu đường thai kỳ, bệnh lý tim mạch và mang lại lợi ích sức khỏe lâu dài.

D. Hội chứng buồng trứng đa nang và sức khoẻ sinh sản

Hội chứng buồng trứng đa nang có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ sinh sản của người phụ nữ. Nguyên nhân thường gặp là do rối loạn kinh nguyệt, rối loạn phóng noãn, kinh thưa dẫn đến khó thụ thai, giảm cơ hội có thai tự nhiên.

70% phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang có rối loạn/không có phóng noãn, nguy cơ hiếm muộn tăng 15 lần so với phụ nữ bình thường (Louwers và cs 2020).

Các can thiệp cải thiện lối sống, giảm cân, duy trì cân nặng khoẻ mạnh giúp cân bằng các rối loạn nội tiết, phục hồi phóng noãn và cải thiện cơ hội có thai tự nhiên ở những phụ nữ hiếm muộn có hội chứng buồng trứng đa nang.

Phụ nữ có hội chứng buồng trứng đa nang có nguy cơ cao mắc các bệnh lý đái tháo đường, rối loạn dung nạp đường huyết hơn nhóm phụ nữ không mắc hội chứng này và nên được thực hiện xét nghiệm tầm soát rối loạn dung nạp đường định kỳ mỗi 1 –3 năm hoặc trước khi có thai, trước khi thực hiện các biện pháp hỗ trợ sinh sản.

E. Hội chứng buồng trứng đa nang và thai kỳ

Thai kỳ ở những phụ nữ có hội chứng buồng trứng đa nang là thai kỳ nguy cơ cao, cần được theo dõi và quản lý chặt chẽ.

Hội chứng buồng trứng đa nang làm tăng nguy cơ sảy thai, đẻ non, tiểu đường thai kỳ, tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật...tăng các nguy cơ kết cục xấu thai kỳ của cả mẹ và thai nhi.

Buồng trứng đa nang 2

Tiểu đường thai kỳ là biến chứng thai kỳ thường gặp nhất ở phụ nữ có hội chứng buồng trứng đa nang, chẩn đoán sớm và điều trị cẩn thận làm giảm tỉ lệ biến chứng ở mẹ và thai nhi. Nguy cơ tiểu đường thai kỳ tăng cao khoảng 3-5 lần ở thai phụ có hội chứng buồng trứng đa nang (ESHRE- Hiệp hội Sinh sản và Phôi học châu Âu, 2018).

Thai phụ được chẩn đoán hội chứng buồng trứng đa nang trước khi mang thai nên làm xét nghiệm sàng lọc tiểu đường thai kỳ ở tuần thai 24-28 để có chẩn đoán xác định tình trạng tiểu đường thai kỳ và kế hoạch theo dõi thai kỳ phù hợp.

F. Hội chứng buồng trứng đa nang và mãn kinh

Hội chứng buồng trứng đa nang vẫn tồn tại ngay cả ở giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh. Các triệu chứng của buồng trứng đa nang vẫn tồn tại song song cùng với các triệu chứng của giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh.

Chẩn đoán hội chứng buồng trứng đa nang ở tuổi mãn kinh bao gồm tiền sử được chẩn đoán hội chứng buồng trứng đa nang, tiền sử rối loạn kinh nguyệt, tiền sử siêu âm có hình ảnh buồng trứng đa nang và dấu hiệu cường androgen.

Giai đoạn tiền mãn kinh thường bắt đầu ở cuối độ tuổi 40 hoặc đầu 50. Độ tuổi mãn kinh trung bình là 51. Những phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang thường mãn kinh muộn hơn khoảng 2 năm so với những người phụ nữ có buồng trứng bình thường (ESHRE- Hiệp hội Sinh sản và Phôi học châu Âu, 2018).

Ở giai đoạn này hội chứng buồng trứng đa nang làm tăng nguy cơ rối loạn dung nạp đường huyết, đái tháo đường type 2, bệnh lý tim mạch, rối loạn mỡ máu, đột quỵ... Việc duy trì chế độ ăn lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, duy trì cân nặng hợp lí giúp làm giảm nguy cơ mắc các bệnh lý này.

Phụ nữ mắc buồng trứng đa nang có nguy cơ ung thư nội mạc tử cung cao hơn 2-6 lần so với những người bình thường. Đặc biệt, nguy cơ càng gia tăng ở bệnh nhân thừa cân, béo phì, độ tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh. Do đó, những phụ nữ có hội chứng buồng trứng đa nang cần thăm khám phụ khoa định kỳ mỗi 6-12 tháng để tầm soát các bất thường đặc biệt như sàng lọc ung thư cổ tử cung, ung thư niêm mạc tử cung (ESHRE- Hiệp hội Sinh sản và Phôi học châu Âu, 2018).

G. Quản lý và điều trị hội chứng buồng trứng đa nang

Điều trị hội chứng buồng trứng đa nang tùy theo triệu chứng than phiền chính và mong muốn có con hay không của người bệnh.

a. Nhóm người bệnh không mong muốn có thai

Các vấn đề sức khỏe chính của nhóm người bệnh này là rối loạn kinh nguyệt/vô kinh, cường androgen (rậm lông, béo phì, mụn trứng cá, hói đầu) và hội chứng chuyển hóa (tiểu đường, tăng lipid máu).

(1) Điều trị rối loạn kinh nguyệt

Điều trị rối loạn kinh nguyệt cho người bệnh hội chứng buồng trứng đa nang bằng cách sử dụng progestogen hay viên tránh thai kết hợp dạng uống hàng ngày có thành phần ethinyl estradiol và các loại progestogen có tính kháng androgen (cyproterone, drospirenone). Cách điều trị này giúp điều hòa kinh nguyệt, do đó, làm giảm nguy cơ ung thư nội mạc tử cung.

(2) Thay đổi lối sống

Thay đổi chế độ ăn

Chế độ ăn lành mạnh nên áp dụng cho tất cả phụ nữ có hội chứng buồng trứng đa nang trong suốt cuộc đời, tuy nhiên không có chế độ ăn đặc biệt cho hội chứng buồng trứng đa nang.

Để đạt được mức giảm cân mong muốn trên những phụ nữ quá cân, có thể áp dụng chế độ ăn giảm 30% năng lượng hoặc giảm 500 – 750 Kcal/ngày (1200 – 1500 Kcal/ngày) và cân nhắc các yếu tố khác như nhu cầu năng lượng cần thiết cho từng cá nhân, cân nặng và mức độ hoạt động thể chất.

Chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế đồ ăn chế biến sẵn và độ ăn chứa nhiều đường, sử dụng nhiều ngũ cốc nguyên hạt, hoa quả, rau củ và thịt nạc trong chế độ ăn cộng với việc tập thể dục duy trì cân nặng hợp lý có thể giúp điều trị hội chứng buồng trứng đa nang, giảm lượng đường trong máu, cải thiện tình trạng kháng insulin, giúp cân bằng hormone.

Giảm 10% cân nặng cũng có thể giúp khôi phục lại chu kỳ kinh nguyệt và giúp kinh nguyệt đều đặn hơn.

Luyện tập thể dục

- Chế độ luyện tập thể cho phụ nữ có hội chứng buồng trứng đa nang:

+ Người lớn trong độ tuổi 18 – 64, mỗi tuần có ít nhất 150 phút hoạt động thể chất với cường độ trung bình hoặc 75 phút với cường độ mạnh, hoặc phối hợp cả 2, bao gồm các bài tập tăng sức cơ trong 2 ngày không liên tiếp mỗi tuần

+ Đối với thiếu niên, ít nhất 60 phút tập luyện mức độ trung bình đến nặng mỗi ngày, bao gồm các bài tập tăng sức cơ và hệ xương 3 lần mỗi tuần

- Nếu muốn giảm cân vừa phải, nhằm tránh tình trạng tăng cân trở lại và lợi ích cho sức khỏe hơn:

+ Ít nhất 250 phút/tuần cho các hoạt động trung bình, hoặc 150 phút/tuần với các hoạt động cường độ mạnh, hoặc phối hợp cả 2, với các bài tập tăng sức cơ đối với các nhóm cơ chính yếu trong 2 ngày không liên tiếp mỗi tuần

+ Giảm tối thiều thời gian thụ động, ngồi, hoặc nhìn vào màn hình

- Các hoạt động thể chất bao gồm:

+ Vận động thể chất trong thời gian rảnh

+ Các hoạt động di chuyển như đi bộ hay đạp xe

+ Công việc tay chân, công việc nhà

+ Trò chơi, các môn thể thao hoặc các buổi tập thể dục nên được thiết kế sẵn, phù hợp với các hoạt động hằng ngày hoặc các sinh hoạt gia đình và cộng đồng

+ Mỗi ngày, thực hiện 10000 bước đi là lý tưởng, tương đương với việc thực hiện các hoạt động sống hàng ngày phối hợp với 30 phút vận động theo các bài tập thể chất hoặc 3000 bước đi

- Một cách để hiện thực hóa mục tiêu là khởi đầu bằng 10 phút vận động mạnh, sau đó tăng dần đều đặn các hoạt động thể chất thêm 5% mỗi tuần, cho đến khi đạt và vượt mục tiêu khuyến cáo

- Các biện pháp tự theo dõi, bao gồm các thiết bị ghi nhận hoạt động thể chất, công nghệ đếm bước chân và đánh giá cường độ vận động thể lực, có thể sử dụng như phương án hỗ trợ giúp đầy mạnh lối sống lành mạnh

Thực phẩm

b. Nhóm người bệnh mong muốn có thai

Đối với nhóm người bệnh mong muốn có thai, điều trị chủ yếu là gây phóng noãn. Các can thiệp thay đổi chế độ ăn uống, vận động, giảm 5-10% cân nặng trong 6 tháng có thể giúp phục hồi chu kỳ kinh, phóng noãn tự nhiên.

Trong trường hợp mong con, hiếm muộn có thể sử dụng các thuốc uống hoặc thuốc tiêm kích thích buồng trứng và gây phóng noãn (Metformin, Clomiphen citrate, letrozole, gonadotropin) để tăng tỉ lệ thụ thai.

Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) hoặc nuôi trứng non (IVM) là chọn lựa tiếp theo nếu thất bại với thuốc gây phòng noãn.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

18 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec