Phẫu thuật nội soi ghép xương mào chậu phục hồi thương tổn mất xương ổ chảo nhiều trong bệnh lý trật khớp vai tái diễn

Bài viết của các bác sĩ Khoa phẫu thuật chi trên - Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Sau lần trật đầu tiên, khớp vai sẽ có khả năng trật đi trật lại nhiều lần gây ra tình trạng trật khớp vai tái diễn. Theo nghiên cứu, có đến 90% trật khớp vai tái diễn nhiều lần sau lần bị đầu tiên, thường xảy ra ở người trẻ do nhu cầu hoạt động vai nhiều. Khi bị trật nhiều lần, sẽ gây rách rộng thêm các cấu trúc sụn viền và dây chằng bao khớp, lâu ngày làm khuyết xương, gãy mảnh xương, rách gân cơ chóp xoay dẫn đến khớp vai lỏng lẻo,... Vậy có cách nào điều trị dứt điểm tình trạng này? Hãy tìm hiểu về phương pháp phẫu thuật nội soi ghép xương mào chậu phục hồi thương tổn mất xương ổ chảo nhiều trong bệnh lý trật khớp vai tái diễn qua bài viết dưới đây.

Trật khớp vai tái diễn là một tình trạng bệnh lý không quá hiếm gặp đặc biệt ở lứa tuổi trẻ, điều này có thể được giải thích do khớp vai có cấu tạo được biệt và thường được các tác giải ví như chỏm cầu lăn trên mặt đĩa nông, khớp được giữ vững chủ yếu bởi hệ thống bao khớp và dây chằng xung quanh. Nhờ có cấu tạo đặc biệt này, khớp vai có biên độ vận động rộng nhất trên cơ thể tuy nhiên cũng dễ bị trật sau khi bị ngã hoặc va đập mạnh vùng vai. Theo thống kê của một số tác giả nước ngoài tỷ lệ trật khớp vai khoảng 11,2 / 100.000 mỗi năm và tỷ lệ mắc ước tính từ 2% đến 8% trong dân số nói chung.

Hình 1: Minh hoạ khớp vai bình thường và các kiểu trật khớp vai ra trước và ra sau
Minh hoạ khớp vai bình thường và các kiểu trật khớp vai ra trước và ra sau

1. Phương pháp điều trị trật khớp vai tái diễn

Đa số hình thái hay gặp nhất của trật khớp vai là trật ra trước, xuống dưới và tỷ lệ có thể chiếm tới 95% trong tổng số các hình thái trật khớp vai. Với các trường hợp trật khớp vai lần đầu đa số bệnh nhân sẽ được lựa chọn chỉ định điều trị bảo tồn với nắn trật và mặc áo cố định khớp vai. Tuy nhiên đối với những trường hợp trật khớp vai từ lần thứ 2 trở đi (gọi là trật khớp vai tái diễn) thì chỉ định này dường như không còn phù hợp nữa vì lúc đấy các cấu trúc phần cứng ( xương ổ chảo và chỏm xương cánh tay) và phần mềm xung quanh như sụn viền bao khớp đã bị tổn thương. Bệnh nhân bị trật vai tái diễn với số lượng và tần suất trật không quá nhiều, bác sĩ sẽ dựa trên phim chụp cộng hưởng từ và cắt lớp vi tính để xác định mức độ mất xương của ổ chảo và chòm xương cánh tay để có phương pháp điều trị cụ thể.

Ngày nay, đa số các phẫu thuật viên thường cân nhắc lựa chọn phương pháp mổ nội soi để khâu phục hồi lại sụn viền bao khớp bị rách. Phương pháp này được đánh giá cho tỷ lệ phục hồi khá cao về chức năng khớp vai với nguy cơ trật lại ít (theo rất nhiều các nghiên cứu của các tác giả trong và ngoài nước đã công bố). Tuy nhiên, với những trường hợp như trật lại sau phẫu thuật nội soi khớp vai, trật khớp vai quá nhiều lần hoặc gây mất xương bờ trước ổ chảo nhiều ( >20-25%) thì giải pháp nào sẽ là tối ưu để phục hồi lại sự ổn định của khớp vai? Bác sĩ nên mổ mở hay tiếp tục mổ nội soi?

2. Phẫu thuật nội soi ghép xương mào chậu phục hồi thương tổn mất xương ổ chảo nhiều trong bệnh lý trật khớp vai tái diễn

Với sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật, đã có rất nhiều phẫu thuật viên đã nghĩ ra nhiều phương pháp khác nhau theo các cách từ mổ mở cho đến phẫu thuật nội soi ghép xương. Các phương pháp này đa số đều cùng mục đích làm phục hồi lại khuyết hổng xương bờ trước ổ chảo nhiều, làm vững khớp vai tránh trật vai tiếp diễn. Tuy nhiên, đa số các phẫu thuật viên vẫn chủ yếu thực hiện theo phương pháp mổ mở.

Hình 2: Minh hoạ phẫu thuật Latarjet kinh điển
Minh hoạ phẫu thuật Latarjet kinh điển

Phẫu thuật mổ mở Latarjet được cho là một trong những phẫu thuật kinh điển nhất được sử dụng để điều trị trật khớp vai tái diễn nhất là trong các trường hợp mất xương ổ chảo nhiều. Phẫu thuật này được bác sĩ phẫu thuật người Pháp, Dr Michel Latarjet mô tả lần đầu tiên vào năm 1954. Kết quả tỷ lệ bệnh nhân bị trật lại sau khi sử dụng phương pháp này thường được các tác giả lấy làm tiêu chuẩn để so sánh với các phương pháp phẫu thuật mổ mở hay mổ nội soi làm vững khớp vai khác.

Trật khớp vai
Minh hoạ một số kỹ thuật mổ với các dạng tổn thương khác nhau của trật khớp vai tái diễn: Phẫu thuật khâu phục hồi trong tổn thương sụn viền bao khớp đơn thuần, kỹ thuật khâu phục hồi Bankart xương , kỹ thuật mổ mở ghép xương mào chậu

Nguyên liệu được dùng trong ghép xương bờ trước ổ chảo bị khuyết hổng thì có một số nguồn hay được sử dụng làm vật liệu xương ghép chứ không chỉ đơn thuần là dùng xương mỏm quạ ghép như trong phẫu thuật Latarjet hay dùng. Có những bác sĩ dùng xương tự thân (cắt mỏm quạ cùng bên hoặc lấy xương mào chậu của người bệnh), một số bác sĩ khác còn có thể sử dụng xương đồng loại. Trong các nguồn nguyên liệu ấy thì xương xốp tự thân lấy từ mào chậu là tối ưu nhất cho sự liền của mảnh xương ghép vào ổ chảo.

Đối với phương pháp mổ mở để ghép xương thì quy trình đơn giản hơn rất nhiều từ thao tác cho đến quan sát và cố định mảnh xương ghép và bờ trước dưới ổ chảo. Tuy nhiên, với phương pháp mổ nội soi ghép xương bờ trước ổ chảo thì đây là một thách thức rất lớn đối với các bác sĩ, kỹ thuật viên trong quá trình mổ.

Hình 4: Minh hoạ kỹ thuật nội soi ghép xương của một nhóm tác giả người nhật năm 2019
Minh hoạ kỹ thuật nội soi ghép xương của một nhóm tác giả người nhật năm 2019

3. Phẫu thuật nội soi ghép xương mào chậu tại Vinmec

Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, GS Trần Trung Dũng cùng các cộng sự Khoa phẫu thuật chi trên – Trung tâm chấn thương chỉnh hình và y học thể thao Vinmec đã điều trị thành công ca bệnh bị trật khớp vai tái diễn 20 năm. Bệnh nhân với tổn thương xương bờ trước ổ chảo 25 % được các bác sĩ thực hiện bằng phương pháp phẫu thuật nội soi ghép xương mào chậu tự thân phục hồi khuyết xương bờ trước ổ chảo.

Đây là kỹ thuật khó ngay cả đối với mổ mở vì khuyết xương ổ chảo lớn và bờ ổ chảo không cùng nằm trên một mặt phẳng. Các bác sĩ đã quyết định thực hiện nội soi ghép xương mào chậu điều trị cho trường hợp này. GS Trần Trung Dũng và các cộng sự đã dựa vào hình ảnh CT 3D để đo đạc tính toán kích thước mảnh ghép xương tương ứng với vị trí khuyết xương, vì không có 3D hỗ trợ sẽ không thể biết được xương khuyết bao nhiêu và cần ghép xương với kích thước như thế nào. Cùng với đó là vị trí mảnh ghép cũng cần đặt đúng vị trí khuyết xương của ổ chảo.

Đây là kỹ thuật khó lần đầu tiên được triển khai tại Việt nam .Nhờ có các bác sĩ, phẫu thuật viên giàu kinh nghiệm và sự hỗ trợ của công nghệ 3D ca mổ đã diễn ra thành công.

Hình 5: Hình ảnh CT 3D trước mổ được dựng hình và đo các thông số khuyết xương của ổ chảo
Hình ảnh CT 3D trước mổ được dựng hình và đo các thông số khuyết xương của ổ chảo
Hình 6: ảnh thực tế trong quá trình phẫu thuật: chuẩn bị mảnh ghép xương, khoan đóng neo để cố định mảnh ghép và chuẩn bị đưa mảnh ghép vào khớp vai
Ảnh thực tế trong quá trình phẫu thuật: chuẩn bị mảnh ghép xương, khoan đóng neo để cố định mảnh ghép và chuẩn bị đưa mảnh ghép vào khớp vai
Hình 7: Ảnh thực thế khi đưa mảnh ghép vào và kiểm tra mảnh ghép nằm đúng vị trí và bù lấp khuyết hổng xương
Ảnh thực thế khi đưa mảnh ghép vào và kiểm tra mảnh ghép nằm đúng vị trí và bù lấp khuyết hổng xương
Hình 8: Hình ảnh CT 3D sau mổ đã ghép xương mào chậu tương ứng với vị trí khuyết xương ổ chảo
Hình ảnh CT 3D sau mổ đã ghép xương mào chậu tương ứng với vị trí khuyết xương ổ chảo

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

572 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan