Cách dùng thuốc xịt mũi an toàn cho trẻ

Thuốc xịt mũi cho trẻ em được sử dụng để hỗ trợ và điều trị các triệu chứng trong bệnh viêm mũi, viêm xoang...gây ra. Sử dụng thuốc xịt mũi đúng cách và an toàn giúp tăng tác dụng hạn chế nguy cơ viêm nhiễm từ mũi họng lên tai của trẻ.

1. Thuốc xịt mũi cho trẻ có tác dụng gì?

Thuốc xịt mũi là một dạng thuốc để sử dụng trong điều trị các bệnh lý đường hô hấp. Thuốc xịt mũi là những loại thuốc được nhà sản xuất đóng thành lọ, có vòi xịt bắn ra các tia nước rất nhỏ, khi sử dụng thuốc xịt sẽ có ưu điểm hơn loại thuốc nhỏ mũi là thường dễ sử dụng và thuốc được phân chia nhỏ như các hạt nước li ti dễ xâm nhập vào khoang mũi, niêm mạc mũi xoang nên thuốc có tác dụng nhanh và kéo dài.

Có nhiều loại khác nhau thường được các bác sĩ chỉ định với một số tác dụng như:

  • Loại xịt mũi được dùng để vệ sinh mũi hàng ngày cho trẻ với thành phần chủ yếu là nước muối đẳng trương (như Xisat, Nasolspay, Nasomom...) có tính sát khuẩn nhẹ giúp loại bỏ tất cả bụi bẩn, các vảy trong mũi, làm loãng dịch nhầy đóng nghẹt trong mũi để dễ đào thải ra ngoài... nên giúp trẻ ngăn ngừa được các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp trên.
  • Một số dung dịch xịt mũi có muối ưu trương còn có tác dụng giảm phù nề niêm mạc mũi nên giúp trẻ thông mũi, giảm nghẹt mũi.
  • Xịt mũi có các thành phần chống viêm, giảm phù nề và kháng khuẩn tại chỗ: Được dùng giúp giảm các triệu chứng như ngạt mũi, chảy mũi...cho trẻ.

2. Cách sử dụng thuốc xịt mũi an toàn cho trẻ

Cách sử dụng thuốc xịt mũi này thường có cách xịt tương tự như nhau, việc dùng đúng cách giúp tăng tác dụng của thuốc, hạn chế nguy cơ viêm tai giữa, viêm đường hô hấp dưới, tổn thương mũi cho trẻ. Dưới đây là một số hướng dẫn xịt mũi đúng cách:

  • Bước 1: Chuẩn bị loại thuốc mà bạn cần sử dụng. Vệ sinh tay bằng xà phòng và nước sạch.
  • Bước 2: Nhẹ nhàng lắc bình xịt thuốc trước khi dùng. Tháo nắp bảo vệ ngoài cùng. Kích hoạt bơm thuốc khi lần đầu tiên sử dụng thuốc xịt mũi, cha mẹ cần nhớ kích hoạt bơm thuốc bằng cách lắc đều chai thuốc và xịt thuốc vào không khí nhiều lần cho đến khi bơm xịt ra các tia mịn, sau khi thấy các tia mịn thì bơm bây giờ đã sẵn sàng để sử dụng. Trong trường hợp lần sử dụng tiếp theo cách sau 24 giờ, bơm thuốc cũng nên được kích hoạt trở lại.
  • Bước 3: Xịt thuốc, nên xì mũi nhẹ nhàng trước khi xịt và lau sạch để làm sach hai hốc mũi.
  • Đối với trẻ lớn (hoặc người lớn): Để trẻ ngồi thẳng, cúi nhẹ đầu về phía trước, nghiêng đầu về một phía. Nhẹ nhàng đưa đầu vòi xịt vào trong hốc mũi (cùng bên với hướng đầu nghiêng) và dùng ngón tay ấn bơm. Lưu ý, không nên hướng đầu vòi xịt vào vách ngăn của 2 hốc mũi, vì việc xịt thuốc nhiều lần như vậy sẽ dễ khiến trẻ chảy máu mũi. Dùng tay có khăn sạch che lỗ mũi còn lại, để trẻ xì mũi và lau sạch dịch chảy ra bằng khăn sạch mềm. Lặp lại thao tác trên như với bên mũi còn lại.
  • Đối với trẻ nhỏ: Đặt trẻ nằm ngửa, nghiêng đầu trẻ sang một bên. Nhẹ nhàng đưa đầu vòi xịt vào lỗ mũi, giữ chai thuốc xịt mũi song song với mũi và ấn nhẹ. Nghiêng đầu trẻ về phía ngược lại và lặp lại quy trình trên với mũi còn lại. Lấy đầu xịt ra khỏi mũi trẻ, đợi vài giây, rồi nâng cao đầu của trẻ cho các dịch nhầy chảy ra ngoài và lau sạch bằng khăn giấy mềm. Hoặc có thể dùng dụng cụ hút mũi để hút dịch mũi ra ngoài.
  • Bước 4: Lau đầu xịt mũi bằng khăn sạch và đóng nắp bảo vệ. Không nên để đầu chai xịt chạm vào bất cứ vật gì, vì nó sẽ dễ nhiễm khuẩn và gây nhiễm trùng trong khoang mũi.

3. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc xịt mũi cho trẻ em

  • Chú ý lựa chọn thuốc xịt mũi đúng với độ tuổi của trẻ. Với những dung dịch muối đẳng trương có bổ sung thêm các thành phần tinh dầu như Nasomom không nên sử dụng cho trẻ dưới 30 tháng tuổi; dung dịch muối ưu trương chỉ an toàn cho trẻ trên 3 tháng tuổi. Ngoài ra, một số loại thuốc có trong thành phần thuốc xịt mũi không phải phù hợp với mọi lứa tuổi, nên dùng đúng chỉ định và đọc kỹ hướng dẫn.
  • Bạn nên dùng thuốc theo đúng liều lượng và thời gian hướng dẫn trên nhãn thuốc hoặc tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Việc sử dụng thuốc quá thời gian khuyến nghị có thể gây ra các vấn đề khác, chẳng hạn như thuốc xịt làm giảm tình trạng nghẹt mũi có thể làm cho tình trạng này trở nên nghiêm trọng hơn nếu dùng quá lâu.
  • Trong quá trình dùng xịt mũi cho trẻ nhưng thấy trẻ gặp dấu hiệu như bị chảy máu cam hoặc mũi bị kích ứng, các dấu hiệu bệnh không thuyên giảm thì bạn nên cho trẻ khám để bác sĩ có thể chỉ định thêm các thuốc khác hỗ trợ cho trẻ.
  • Khi dùng thuốc bạn không chia sẻ thuốc xịt mũi cho người khác hoặc không cho trẻ dùng thuốc của người khác, vì có thể khiến thuốc bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh.

Niêm mạc mũi của trẻ rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương nên khi dùng thuốc xịt mũi cha mẹ cần thực hiện nhẹ nhàng, đúng cách để hạn chế nguy cơ gây tổn thương cho trẻ, cũng như tăng tác dụng của thuốc xịt mũi.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

17.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan