Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trần Thanh Phước - Bác sĩ Nhi - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Bạch hầu là bệnh nhiễm trùng, nhiễm độc cấp tính gây dịch, tác nhân gây bệnh là vi khuẩn bạch hầu (Corynebacterium diphtheria). Bệnh có vắc xin dự phòng và thuộc nhóm B theo luật phòng chống bệnh truyền nhiễm.Nếu không chủng ngừa, phát hiện trễ có thể để lại di chứng nặng nề, thậm chí tử vong. Cách phòng bệnh tốt nhất là tiêm vắc-xin bạch hầu theo đúng lịch.
1. Tổng quan về bạch hầu
Nhiễm vi khuẩn bạch hầu C. diphtheriae xảy ra từ người sang người thông qua các giọt bắn và tiếp xúc gần. C. diphtheriae xâm nhập qua đường mũi, miệng rồi định vị ở niêm mạc đường hô hấp trên, sau thời gian ủ bệnh 2 - 5 ngày, ở những chủng có khả năng tiết độc tố, độc tố được sản xuất, bám vào màng tế bào rồi xuyên qua màng đi vào máu và phát tán đến các cơ quan. Ở cơ tim bị nhiễm độc, nồng độ carnitine giảm và điều này có liên quan đến bệnh lý của cơ tim.
Hoại tử mô rất dữ dội tại nơi vi khuẩn phát triển, sự đáp ứng viêm tại chỗ kết hợp với sự hoại tử mô tạo thành một mảng chất tiết mà trên lâm sàng được gọi là giả mạc hay màng giả, màng này có khả năng lan nhanh, khi độc tố sản xuất nhiều thì vùng viêm càng lan rộng và sâu. Màng giả bám rất chắc vào niêm mạc; màng bao gồm: các chất viêm, tế bào hoại tử, fibrin, hồng cầu, bạch cầu, tế bào biểu bì, tế bào mủ; màng này lành tự nhiên trong giai đoạn bệnh hồi phục .Vi khuẩn bạch hầu tìm thấy rất nhiều ở màng giả, nhưng thông thường không tìm thấy trong máu và các cơ quan nội tạng.
Độc tố có thể gây tổn thương bất kỳ cơ quan nào hay mô nào, nhưng tổn thương chủ yếu là tim, hệ thần kinh và thận. Một lượng rất nhỏ độc tố có thể gây hoại tử ngoài da. Mặc dù kháng độc tố bạch hầu có thể trung hoà độc tố trong máu, hoặc độc tố chưa được hấp thụ vào tế bào, nó không có hiệu quả khi độc tố đã ngấm vào tế bào.
Triệu chứng
Có khá nhiều triệu chứng xuất hiện trong 2 đến 5 ngày sau khi phơi nhiễm. Ban đầu người nhiễm bệnh sẽ bị đau họng, ho và sốt kèm ớn lạnh. Các triệu chứng này tăng dần từ nhẹ đến nặng hơn. Chính vì triệu chứng khá phổ biến nên cha mẹ dễ nhầm tưởng trẻ chỉ đơn giản đang bị cảm lạnh, chứ không phải đang phơi nhiễm với vi khuẩn bạch hầu.
Tùy thuộc vào vị trí vi khuẩn gây bệnh, bệnh bạch hầu sẽ có các biểu hiện khác nhau:
- Bệnh bạch hầu mũi trước: Bệnh nhân sổ mũi, chảy mũi ra chất mủ nhầy đôi khi có lẫn máu. Khi khám, có thể thấy màng trắng ở vách ngăn mũi. Thể bệnh này thường nhẹ do độc tố vi khuẩn ít thâm nhập vào máu.
- Bệnh bạch hầu họng và amidan: Bệnh nhân mệt mỏi, đau cổ họng, chán ăn, sốt nhẹ. Sau 2-3 ngày sẽ xuất hiện một đám hoại tử tạo thành lớp giả mạc màu trắng xanh, dai và dính chắc vào amiđan, hoặc có thể lan rộng bao phủ cả vùng hầu họng. Thường thể bệnh này các độc tố ngấm vào máu nhiều và có thể gây tình trạng nhiễm độc toàn thân. Một số bệnh nhân có thể sưng nề vùng dưới hàm và sưng các hạch vùng cổ làm cổ bạnh ra như cổ bò. Những trường hợp nhiễm độc nặng, bệnh nhân sẽ phờ phạc, xanh tái, mạch nhanh, đờ đẫn, hôn mê. Nếu không được điều trị tích cực, bệnh nhân có thể tử vong trong vòng 6-10 ngày.
- Bạch hầu thanh quản: Đây là thể bệnh tiến triển nhanh và rất nguy hiểm. Bệnh nhân thường biểu hiện bằng dấu hiệu sốt, khàn giọng, ho ông ổng. Khi khám, bác sĩ có thể thấy các giả mạc tại ngay thanh quản hoặc từ hầu họng lan xuống. Nếu không được xử trí kịp thời, các giả mạc này có thể gây tắc đường thở làm bệnh nhân suy hô hấp và có nguy cơ tử vong nhanh chóng.
- Bạch hầu các vị trí khác: Thường rất hiếm gặp và nhẹ, vi khuẩn bạch hầu có thể gây loét ở da, niêm mạc như niêm mạc mắt, âm đạo hay ống tai.
Chẩn đoán phân biệt với một số bệnh tương tự: Cần lưu ý phân biệt với bệnh viêm họng có giả mạc mủ khác hoặc viêm amydan có hốc mủ.
Xét nghiệm: Loại mẫu bệnh phẩm: Ngoáy họng lấy chất dịch nhầy ở thành họng hoặc giả mạc tại chỗ viêm.
Phương pháp xét nghiệm:
- Thường chỉ dùng phương pháp soi kính hiển vi: Làm tiêu bản nhuộm Gram soi kính hiển vi; trực khuẩn bắt màu Gram (+), hai đầu to. Hoặc nhuộm Albert; trực khuẩn bắt màu xanh.
- Có thể phân lập vi khuẩn bạch hầu trên môi trường đặc hiệu nhưng chậm có kết quả, ít khi dùng phương pháp tìm kháng thể trong máu bệnh nhân.
2. Tác nhân gây bệnh
Tên tác nhân: Corynebacterium diphtheriae thuộc họ Corynebacteriaceae. Vi khuẩn bạch hầu có 3 týp là Gravis, Mitis và Intermedius.
Hình thái: Hình thể vi khuẩn đa dạng, gram (+). Điển hình là trực khuẩn có một hoặc 2 đầu phình to nên còn gọi là trực khuẩn hình chuỳ, dài 2-6 μm, rộng 0,5-1μm. Không sinh nha bào, không di động.
Khả năng tồn tại trong môi trường bên ngoài:
- Vi khuẩn có sức đề kháng cao ở ngoài cơ thể và chịu được khô lạnh. Nếu được chất nhày bao quanh bảo vệ thì vi khuẩn có thể sống trên đồ vật vài ngày đến vài tuần; trên đồ vải có thể sống được 30 ngày; trong sữa, nước uống sống đến 20 ngày; trong tử thi sống được 2 tuần.
- Vi khuẩn bạch hầu nhạy cảm với các yếu tố lý, hoá. Dưới ánh sáng mặt trời trực tiếp, vi khuẩn sẽ bị chết sau vài giờ, ánh sáng khuyếch tán sẽ bị diệt sau vài ngày. Ở nhiệt độ 580C vi khuẩn sống được 10 phút, ở phenol 1% và cồn 60 độ có thể sống được 1 phút. Chuột lang có cảm nhiễm cao đối với vi khuẩn bạch hầu.
Bản chất của ngoại độc tố bạch hầu là một protein có tính kháng nguyên đặc hiệu, độc tính cao, không chịu được nhiệt độ và focmol. Ngoại độc tố của các typ vi khuẩn bạch hầu đều giống nhau. Ngoại độc tố khi được xử lý bằng nhiệt độ và focmol sẽ mất độc lực, được gọi là giải độc tố (anatoxine) dùng làm vắc xin.
3. Đặc điểm dịch tễ học
Bệnh lưu hành rộng rãi trên toàn cầu và tạo ra nhiều vụ dịch bạch hầu nghiêm trọng, đặc biệt ảnh hưởng đến trẻ em dưới 15 tuổi khi chưa có vắc-xin giải độc tố dự phòng (trước năm 1923).
Bệnh bạch hầu xuất hiện trong những tháng lạnh, có tính mùa, tản phát và dễ phát triển thành dịch. Trên thế giới đã từng có thời kỳ gián đoạn tiêm chủng vắc-xin cho trẻ em, khiến bệnh phát triển và bùng nổ thành dịch bạch hầu lớn, khiến hàng chục ngàn người nhiễm bệnh, trong đó con số tử vong lên tới hàng ngàn trường hợp.
Ở Việt Nam, khi chưa thực hiện tiêm vắc-xin, bệnh thường xuất hiện và gây dịch bạch hầu tại hầu hết các tỉnh vào khoảng tháng 8 - tháng 10, nhất là ở những thành phố đông dân cư. Nhờ thực hiện tốt việc tiêm vắc-xin dự phòng, tỷ lệ mắc bạch hầu ở Việt Nam đã giảm xuống còn 0,14/100.000 dân vào năm 2000.
Những ngày gần đây, bệnh bạch hầu xuất hiện trở lại và diễn biến phức tạp. Tính đến ngày 26/06/2020, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã tiếp nhận 15 trường hợp nghi ngờ, trong đó có 6 ca dương tính bạch hầu, 4 ca đang được điều trị theo dõi. Một bé gái 9 tuổi, người dân tộc Mông được chẩn đoán bạch hầu ác tính biến chứng tim và thận đã tử vong sau hơn 2 giờ nhập viện.
Ngoài Đắk Lắk và Đắk Nông thì TP.HCM là địa phương mới nhất vừa ghi nhận dịch bạch hầu. Sau khi phát hiện nam học viên 20 tuổi dương tính với vi khuẩn bạch hầu, cơ quan chức năng đã nhanh chóng cách ly 16 người tiếp xúc gần.
4. Phương thức truyền nhiễm và miễn dịch
- Người bệnh và người lành mang vi khuẩn bạch hầu vừa là ổ chứa, vừa là nguồn truyền bệnh.
- Thời gian ủ bệnh ít nhất là từ 2 - 5 ngày.
- Thời kỳ lây truyền kéo dài khoảng 2 tuần, không cố định, từ lúc khởi phát đến cuối thời kỳ ủ bệnh.
- Phương thức lây truyền qua đường hô hấp, do tiếp xúc với bệnh nhân hoặc người lành mang vi khuẩn bạch hầu.
- Bệnh còn lây lan do tiếp xúc với đồ vật có dính chất bài tiết của người nhiễm vi khuẩn.
- Mọi lứa tuổi đều có thể bị mắc bệnh, sau khi khỏi bệnh sẽ không bị mắc lại.
Tính cảm nhiễm và miễn dịch:
- Kháng thể miễn dịch của mẹ truyền sang con có tác dụng miễn dịch bảo vệ và thường sẽ hết tác dụng trước 6 tháng tuổi. Mọi lứa tuổi đều có thể bị mắc bệnh nếu chưa có miễn dịch đặc hiệu. Bệnh nhân mắc bạch hầu sau khi khỏi bệnh sẽ không bị mắc lại vì cơ thể được miễn dịch lâu dài.
- Đối với các thể nhiễm khuẩn ẩn tính cũng tạo được miễn dịch. Tính miễn dịch của kháng độc tố, kể cả miễn dịch được tạo thành sau khi tiêm vắc xin giải độc tố (toxoid) sẽ bảo vệ được cơ thể đối với bệnh bạch hầu, nhưng không ngăn ngừa được sự nhiễm khuẩn tại chỗ vùng mũi họng.
- Để đánh giá mức độ cảm thụ của bệnh, kể cả đánh giá hiệu quả tiêm vắc xin bạch hầu, người ta làm phản ứng Shick. Nếu phản ứng Shick (+), có nghĩa là cơ thể không có kháng thể bạch hầu và cần phải tiêm vắc xin. Trường hợp phản ứng Shick (-), có nghĩa là trong cơ thể đã có kháng thể trung hoà độc tố và không cần tiêm vắc xin.
5. Biện pháp phòng ngừa bệnh lây lan
- Tuyên truyền giáo dục sức khỏe, cung cấp thông tin cần biết về bạch hầu họng để sớm phát hiện, cách ly, phòng bệnh và chủ động tiêm ngừa đầy đủ.
- Tuân thủ việc đeo khẩu trang đầy đủ vì bệnh lây qua đường hô hấp.
- Vệ sinh nơi ở sạch sẽ, thông thoáng và đủ ánh sáng.
- Bắt buộc phải khai báo, cách ly và điều trị bệnh nhân.
- Xét nghiệm vi khuẩn và theo dõi người tiếp xúc mật thiết trong vòng 7 ngày.
- Sát trùng, tẩy uế và diệt khuẩn phòng bệnh, vật dụng phải được luộc sôi hoặc phơi nắng.
- Tổ chức tiêm vắc-xin bạch hầu đầy đủ cho cả trẻ em và người lớn.
6. Chủng ngừa vắc-xin bạch hầu
Vắc-xin dự phòng sử dụng độc tố (toxoid) bạch hầu đã được làm mất độc tính, có vai trò rất quan trọng trong việc dự phòng.Tại Việt Nam hiện nay không có vắc xin đơn phòng bệnh bạch hầu, chỉ có vắc xin những vắc xin phối hợp trong đó có thành phần kháng nguyên bạch hầu như:
Ở Chương trình Tiêm chủng quốc gia (TCMR):
- Vắc xin 5 trong 1 phòng bệnh bạch hầu – ho gà – uốn ván – Hib – viêm gan B (DPT-VGB-Hib): tiêm khi trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi.
- Vắc xin bạch hầu – ho gà – uốn ván: tiêm khi trẻ 16-18 tháng tuổi.
- Vắc vắc xin bạch hầu – uốn ván cho nhóm đối tượng người lớn có nguy cơ cao, chỉ được sử dụng trong chiến dịch khi có dịch bệnh chứ không tiêm phổ cập.
Về vắc xin dịch vụ:
- Vắc xin 6 trong 1 : Infanrix hexa (Bỉ) và Hexaxim (Pháp)phòng bệnh bạch hầu – ho gà – uốn ván – bại liệt – Hib – viêm gan B hoặc vắc xin 5 trong 1 phòng bệnh bạch hầu – ho gà – uốn ván – Hib – bại liệt : tiêm khi trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi và khi trẻ 16-18 tháng tuổi.
- Vắc xin 4 trong 1 – Tetraxim ( Pháp) phòng bệnh bạch hầu – ho gà – uốn ván – bại liệt: khi trẻ 4-6 tuổi.
- Vắc xin phòng bệnh 3 trong 1: Adacel ( Pháp) và Boostrix ( Bỉ) phòng bạch hầu – ho gà – uốn ván: đối với trẻ trên 4 tuổi và người lớn, thường được khuyến cáo tiêm nhắc mũi vắc xin này mỗi 10 năm một lần.
Đối tượng tiêm chủng vắc-xin bạch hầu là cả trẻ nhỏ lẫn người lớn, gần như không có chống chỉ định. Sau khi được tiêm chủng đầy đủ, cơ thể sẽ sinh ra kháng thể, giúp tránh khỏi bệnh bạch hầu. Tuy nhiên nếu không tuân thủ phác đồ tiêm chủng lặp lại, cường độ miễn dịch có thể bị giảm, nồng độ kháng thể trong máu xuống thấp cũng có thể nhiễm vi khuẩn. Chính vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo mọi người nên tiêm phòng nhắc lại sau mỗi 10 năm để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm bạch hầu họng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.