Vắc - xin phòng cúm hiện nay đa phần vẫn được sản xuất dựa trên kĩ thuật sử dụng tới trứng (dù đã xuất hiện các loại vắc - xin mới được sản xuất bằng phương pháp hoàn toàn không sử dụng trứng), do đó tồn tại những e ngại khi sử dụng vắc - xin phòng cúm cho những người bị dị ứng với trứng.
1. Tổng quan về khuyến cáo sử dụng vắc - xin phòng cúm đối với những người bị dị ứng trứng
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (Centers for Disease Control and Prevention - CDC) và đơn vị thành viên là Ủy ban cố vấn về thực hành tiêm chủng (Advisory Committee on Immunization Practices - ACIP) của Hoa Kỳ không thay đổi khuyến cáo về sử dụng vắc - xin phòng cúm đối với những trường hợp bị dị ứng trứng trong mùa cúm 2019 - 2020. Các khuyến cáo đã được đưa ra từ mùa cúm 2018 - 2019 vẫn được giữ nguyên.
Dựa trên những khuyến cáo này, những người bị dị ứng trứng sẽ không còn cần phải theo dõi các phản ứng dị ứng sau khi sử dụng vắc - xin phòng cúm trong 30 phút nữa. Những người có tiền sử dị ứng trứng với bất kì mức độ nào đều nên sử dụng vắc - xin phòng cúm đã được cấp phép, đúng khuyến cáo, và phù hợp với lứa tuổi. Những người có tiền sử phản ứng dị ứng nặng với trứng (chẳng hạn như xuất hiện nhiều triệu chứng dị ứng ngoài phát ban) nên sử dụng vắc - xin phòng cúm tại các cơ sở y tế có bác sĩ chuyên khoa giám sát và có đủ trang thiết bị để xử trí cấp cứu trong trường hợp xảy ra các phản ứng dị ứng nặng và nghiêm trọng.
Đa số các vắc - xin phòng cúm đường tiêm và vắc - xin phòng cúm dạng xịt đường hô hấp được sản xuất theo quy trình kĩ thuật có sử dụng đến trứng. Chính vì thế mà những vắc - xin này trong thành phần có chứa một lượng nhỏ protein từ trứng, chẳng hạn như ovalbumin. Tuy nhiên các nghiên cứu đã thử nghiệm việc sử dụng cả hai loại vắc - xin (vắc - xin phòng cúm đường tiêm và vắc - xin phòng cúm dạng xịt đường hô hấp) trên cả hai nhóm đối tượng sử dụng là những người bị dị ứng trứng và những người không bị dị ứng trứng. Kết quả chỉ ra những phản ứng dị ứng nặng ở những người bị dị ứng trứng là rất hiếm xảy ra. Một nghiên cứu gần đây tiến hành bởi Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ đã cho thấy tỉ lệ xảy ra phản ứng phản vệ sau khi sử dụng tất cả các loại vắc - xin là 1,31 trong 1 triệu liều vắc - xin được sử dụng.
Đối với mùa cúm 2019 - 2020, có hai loại vắc - xin sản xuất theo phương pháp mới hoàn toàn không sử dụng tới trứng (nghĩa là thành phần hoàn toàn không có liên quan tới trứng) được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (Food and Drug Administration - FDA) Hoa Kỳ cấp phép lưu hành là:
- Flublok Quadrivalent: là vắc - xin phòng cúm tứ liên, được phê chuẩn sử dụng cho người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên.
- Flucelvax Quadrivalent: là vắc - xin phòng cúm tứ liên, được phê chuẩn sử dụng cho những người từ 4 tuổi trở lên.
Các khuyến cáo trong mùa cúm 2018 - 2019 của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ về việc sử dụng vắc - xin phòng cúm đối với những người bị dị ứng trứng:
- Những người có tiền sử dị ứng trứng mà chỉ biểu hiện phát ban sau khi tiêu thụ trứng có thể sử dụng vắc - xin cúm. Bất kì loại vắc - xin phòng cúm nào được cấp phép, đúng khuyến cáo, phù hợp với độ tuổi và tình trạng sức khỏe của người sử dụng đều có thể được lựa chọn, ví dụ như bất kì dạng nào của vắc - xin phòng cúm bất hoạt (inactivated influenza vaccine - IIV) hay vắc - xin phòng cúm tái tổ hợp (recombinant influenza vaccine - RIV).
- Những người đã xảy ra phản ứng với trứng mà biểu hiện thêm các triệu chứng khác ngoài phát ban, chẳng hạn như phù mạch (angioedema), rối loạn hô hấp, mê sảng, hoặc nôn tái diễn; hoặc những người phải sử dụng đến epinephrine hoặc các can thiệp cấp cứu y khoa khác, cũng có thể sử dụng bất kì loại vắc - xin phòng cúm nào đã được cấp phép, đúng khuyến cáo, phù hợp với lứa tuổi và tình trạng sức khỏe (ví dụ như bất kì dạng nào của vắc - xin phòng cúm bất hoạt hay vắc - xin phòng cúm tái tổ hợp). Việc sử dụng vắc - xin nên được thực hiện tại các cơ sở y tế có bác sĩ chuyên khoa giám sát, và có thể nhận diện cũng như xử trí kịp thời nếu xảy ra tình huống dị ứng nghiêm trọng.
- Tiền sử đã xảy ra phản ứng dị ứng nặng đối với vắc - xin phòng cúm, bất kể nghi ngờ dị ứng với thành phần nào có trong vắc - xin, là chống chỉ định sử dụng vắc - xin phòng cúm trong tương lai.
2. Những người như thế nào được nhận định là bị dị ứng với trứng?
Những người có thể ăn được trứng ít chế biến (chẳng hạn như món trứng khuấy - scrambled egg) mà không xảy ra phản ứng thì rất hiếm khi là người bị dị ứng trứng. Những người thực sự bị dị ứng trứng vẫn có thể tiêu thụ thành phần trứng trong các sản phẩm nướng (ví dụ như các loại bánh), tuy nhiên có thể sử dụng các sản phẩm có chứa trứng trong thành phần không có nghĩa loại trừ hoàn toàn được tình trạng dị ứng trứng.
Dị ứng trứng có thể được xác nhận bằng việc có tiền sử xảy ra phản ứng bất lợi với trứng hoặc thức ăn chứa trứng, bằng thử nghiệm dị ứng hoặc bằng xét nghiệm máu tìm kháng thể E kháng trực tiếp với protein của trứng.
Có khoảng 1,3% trẻ em và 0,2% người trưởng thành bị dị ứng trứng.
3. Đối với người bị dị ứng trứng, nếu bị phản ứng sau khi sử dụng vắc - xin phòng cúm, thì sau bao lâu phản ứng sẽ xuất hiện?
Các phản ứng dị ứng có thể xuất hiện rất nhanh, ngay sau khi sử dụng vắc - xin, và cũng có những trường hợp phải mất một thời gian các triệu chứng mới xuất hiện. Trong một nghiên cứu về dữ liệu an toàn vắc - xin trên hơn 25,1 triệu liều vắc - xin thuộc các loại khác nhau đã sử dụng cho cả trẻ em và người lớn trong hơn 3 năm, chỉ có 33 trường hợp xảy ra phản ứng phản vệ. Thống kê dữ liệu về thời gian xuất hiện triệu chứng đầu tiên còn được lưu lại cho thấy 8 ca có biểu hiện đầu tiên trong vòng 30 phút kể từ khi sử dụng vắc - xin, và 21 ca biểu hiện triệu chứng sau hơn 30 phút (bao gồm 1 trường hợp đặc biệt biểu hiện triệu chứng đầu tiên vào ngày hôm sau).
Trung tâm vắc-xin – Phòng khám Đa khoa Quốc tế Vinmec Times city và chuỗi Bệnh viện, phòng khám Đa khoa Quốc tế Vinmec cung cấp dịch vụ tiêm vắc-xin phòng cúm. Để đăng ký tiêm phòng tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: Cdc.gov