Bài viết được viết bởi ThS.BS Đoàn Trung Hiệp - Trưởng khoa Xạ trị và Kỹ thuật viên Nguyễn Văn Nam - Trung tâm Xạ trị - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Năm 2015, ước tính có 93.000 người Mỹ được chẩn đoán ung thư đại tràng. Ung thư trực tràng - ống hậu môn đứng hàng thứ 3 ở cả nam và nữ. Trong đó, 39.610 người sẽ được chẩn đoán ung thư trực tràng. Đặc biệt nếu bạn được chẩn đoán ung thư đại trực tràng trước tuổi 50 hoặc nếu có một vài loại ung thư khác có truyền trong gia đình của bạn thì bạn và người thân có nguy cơ cao bị ung thư đại trực tràng có tính gia đình, người thân của bạn cần được đi khám sàng lọc sớm hơn những người khác.
1. Điều trị ung thư trực tràng – ống hậu môn
1.1. Xạ trị
Xạ trị thường được sử dụng kết hợp với phẫu thuật và hóa trị liệu để điều trị. Hiện nay trong điều trị ung thư trực tràng thấp, xạ trị là một phần không thể thiếu kết hợp với hóa chất, phẫu thuật mang lại hiệu quả cao nhất cho người bệnh.
Mục tiêu trong điều trị ung thư là:
- Tiêu diệt tối đa bệnh tích (có thể dùng hóa chất, tia xạ, phẫu thuật hoặc kết hợp các biện pháp với nhau)
- Bảo tồn chức năng cơ quan lân cận, đảm bảo chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Trong ung thư trực tràng, bảo tồn cơ thắt hậu môn là một trong những mục tiêu quan trọng nhất, nhằm duy trì được chức năng đại tiện một cách tự nhiên. Tuy nhiên, trong những trường hợp u nằm vị trí thấp, xâm lấn rộng, phẫu thuật viên sẽ bàn luận với bệnh nhân về việc phải cắt rộng hết ống hậu môn nhằm giảm nguy cơ tái phát sớm để cứu bệnh nhân. Trong trường hợp cắt hết ống hậu môn, bạn sẽ được bác sĩ phẫu thuật tạo một cái hậu môn khác ở thành bụng, bạn sẽ được hướng dẫn đeo một túi chứa phân ngay miệng cái “Hậu môn nhân tạo” này.
Chỉ định xạ trị trong quản lý ung thư đại trực tràng, ống hậu môn:
- Trong ung thư đại tràng: Chỉ định xạ trị chỉ đặt ra khi phẫu thuật không thể tiến hành ngay được do u xâm lấn vào cơ quan xung quanh mà không thể cắt bỏ. Vai trò chính trong điều trị ung thư đại tràng là phẫu thuật, sau đó điều trị hóa chất.
- Trong ung thư trực tràng: khi u lớn, xâm lấn rộng, có hạch di căn cần phải xạ trị hoặc hóa xạ trị đồng thời nhằm làm khối u nhỏ đi, dễ bóc tách trong phẫu thuật qua đó giúp tăng tỷ lệ chữa khỏi, tăng khả năng bảo tồn cơ thắt hậu môn cho người bệnh. Một số trường hợp khác, xạ trị hoặc hóa xạ trị có thể được thực hiện sau phẫu thuật nhằm giảm nguy cơ tái phát tại chỗ, tại vùng tiểu khung.
- Ung thư ống hậu môn: hầu hết có chỉ định xạ trị, trong một số trường hợp xạ trị có thể giúp nhiều bệnh nhân tránh phẫu thuật, bảo tồn ống hậu môn.
1.2. Phẫu thuật
Phẫu thuật thường đóng một vai trò chủ đạo trong điều trị. Đối với những ung thư đại trực tràng, phẫu thuật là điều trị chữa bệnh chính. Các phẫu thuật viên sẽ xác định xem vùng đại tràng cần để phẫu thuật loại bỏ là bao nhiêu. Bởi vì khối u có thể lan tràn và xâm lấn sang các hạch bên cạnh, một số hạch thì thường được loại bỏ ngay lúc phẫu thuật.
Đối với ung thư hậu môn, phẫu thuật ít được sử dụng ngay khi chẩn đoán bởi vì hiệu quả tiếp cận “bảo tồn cơ quan” của xạ trị và hóa chất là có giá trị.
1.3. Hóa trị (Điều trị hóa chất)
Trong khi phẫu thuật và xạ trị trực tiếp điều trị tập trung vào vùng ruột và khung chậu, hóa chất thường được dùng nhằm tăng cường tỷ lệ chữa bệnh. Bác sĩ ung bướu sẽ đánh giá và xác định những loại thuốc gì có thể hiệu quả tốt nhất.
Hóa trị là một loại thuốc mà nó có thể tiêu diệt phá hủy các tế bào ung thư bằng những phương pháp khác nhau. Thông thường có 2 hoặc nhiều hơn các thuốc sẽ được sử dụng kết hợp để cho kết quả tốt nhất. Liều dùng và lịch điều trị sẽ thay đổi khác nhau. Nếu hóa trị được dùng kết hợp xạ trị, tốt nhất bạn nên được truyền hóa chất từ sáng hoặc trước xạ 2 giờ giúp tăng hiệu quả xạ trị.
2. Xạ trị ung thư trực tràng – ống hậu môn
Xạ trị ngoài: là phương pháp điều trị sử dụng máy phát tia bức xạ năng lượng cao chiếu từ khoảng cách 60 - 80cm vào khối u trong cơ thể bệnh nhân. Nguồn xạ có thể là do máy Cobalt-60, hay máy gia tốc tuyến tính phát ra.
Trước khi bắt đầu điều trị, bạn sẽ được lên một lịch điều trị bao gồm việc chụp CT mô phỏng, đánh dấu vị trí tham chiếu trên da (thông thường là xăm một dấu mực nhỏ trên da) nhằm cho phép kỹ thuật viên xạ trị chính xác vào khối u hằng ngày.
Thông thường, xạ trị thường kéo dài vài tuần và điều trị 5 ngày trong một tuần (thứ 2 đến thứ 6). Điều này cho phép bác sĩ của bạn đưa đủ liều tia xạ vào trong cơ thể bạn để tiêu diệt tế bào u. Trong khi cho các tế bào khỏe mạnh có thời gian để hồi phục mỗi ngày. Thời gian phát tia chỉ khoảng 90-120 giây, tuy nhiên tổng thời gian từ lúc bạn vào phòng máy đến khi ra khỏi phòng máy gia tốc sẽ khoảng 10-13 phút gồm thời gian bạn thay quần áo bệnh nhân, thời gian đặt tư thế trên máy, thời gian hiệu chỉnh bàn máy, thời gian chụp xác minh tâm chiếu hàng ngày, thời gian phát tia và thời gian bạn thay đồ cá nhân để hoàn thành một phân liều xạ hàng ngày.
Trước khi bạn vào phòng máy, bạn sẽ được nhân viên y tế của chúng tôi đánh giá chuyên môn trước xạ trị: bao gồm hỏi bạn các triệu chứng, khó chịu có thể bạn đang có như viêm đau da vùng xạ, đau rát hậu môn, vùng sinh dục-hậu môn, tiểu tiện, cảm giác ngon miệng, buồn nôn, nôn, đo và lấy các chỉ số sinh tồn như mạch, huyết áp, thân nhiệt...
Hàng tuần bạn sẽ được kiểm tra cân nặng 1 lần vào một ngày nhất định, bác sĩ sẽ khám bệnh một lần mỗi tuần. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào bạn cần báo ngay cho bác sĩ, kỹ thuật viên hoặc điều dưỡng để hỗ trợ, điều trị thích hợp.
Các kĩ thuật xạ trị điều trị ung thư đại trực tràng và hậu môn bao gồm xạ trị tương thích ba chiều (3DCRT - Three Dimenssion Conformal Raddiation Therapy), xạ trị điều biến liều (IMRT – Intensity Modulated Radiation Therapy), xạ trị dưới hướng dẫn hình ảnh (IGRT – Image Guide Radiation Therapy), xạ trị điều biến thể tích cung tròn (VMAT- Volumetric Modulated Arc Therapy). Bác sĩ xạ trị có thể cung cấp nhiều thông tin chi tiết hơn về các kỹ thuật xạ trị khác nhau này.
- Những tác dụng phụ có thể gặp
- Đau bụng, rối loạn đại tiện: Xạ trị vào bụng và tiểu khung có thể gây ra vấn đề về đại tiện thường xuyên hơn, như tiêu chảy, đau quặn quanh rốn.
- Rối loạn tiểu tiện: tiểu nhiều lần, tiểu rắt, tiểu buốt. Có thể tiểu máu nhưng rất hiếm vì liều xạ trực tràng thấp hơn liều chịu đựng của bàng quang. Tuy nhiên những triệu chứng này sẽ lui dần sau khi kết thúc điều trị.
- Một số bệnh nhân có cảm giác mệt mỏi hoặc giảm vị giác. Đây chỉ là những dấu hiệu tạm thời xuất hiện trong quá trình điều trị.
- Buồn nôn, nôn: một số bệnh nhân xuất hiện buồn nôn, nôn, ruột dễ kích thích. Các phản ứng này thường chỉ thoáng qua, nếu nó không giảm bác sĩ sẽ kê thuốc hỗ trợ giúp bạn.
- Viêm da do xạ trị vùng chiếu tia: Thường da vùng chậu hông vùng dưới rốn, mặt thắt lưng hông. Đối với những bệnh nhân ung thư hậu môn là rõ rệt, nhưng kích ứng da tạm thời thường là tác dụng phụ chủ yếu do xạ trị. Nếu phản ứng da nghiêm trọng thì việc điều trị của bạn có thể hoãn lại. Hãy cho bác sĩ và nhóm điều trị (gồm cả điều dưỡng và kỹ thuật viên) biết về bất kỳ triệu chứng mới nào bạn trải qua trong thời gian điều trị. Các phản ứng da thay đổi tùy từng bệnh nhân, hầu hết bệnh nhân xạ trị tiểu tiểu khung không bị hoặc nếu có chỉ ở mức độ rất nhẹ và tự hồi phục sau kết thúc xạ trị.
- Những tác dụng phụ xảy ra khác nhau ở tất cả các bệnh nhân. Hãy hỏi bác sĩ về những gì bạn có thể mong đợi từ quá trình điều trị đặc biệt này.
Những tác dụng phụ này thường được kiểm soát bởi thuốc và sự thay đổi trong chế độ ăn của bạn. Hãy cho bác sĩ và điều dưỡng biết về những tác dụng phụ nếu bạn đang gặp phải để họ có thể giúp bạn cảm thấy tốt hơn khi gặp những tác dụng phụ này.
Chăm sóc bản thân trong quá trình điều trị
- Điều quan trọng là chăm sóc chính bản thân bạn tốt nhất có thể trong suốt quá trình điều trị xạ trị bởi vì một phần cơ thể của bạn gần với khối u cũng sẽ nhận liều tia xạ, mặc dù liều tia không nhiều như đối với vùng ung thư. Những phần cơ thể bình thường này cần thời gian và sự hỗ trợ để làm lành. Một chế độ ăn cân bằng, nhưng hoạt động thể chất vừa đủ và dành thời gian thư giãn, nghỉ ngơi là điều rất quan trọng trong điều trị ung thư. Theo dõi yêu cầu từ bác sĩ của bạn, nếu bạn không chắc chắn một điều gì đó thì cần hỏi bác sĩ hoặc điều dưỡng bất kỳ câu hỏi nào về quá trình điều trị. Đảm bảo việc cho bác sĩ biết về bất kỳ vitamin hoặc chế độ ăn bổ sung nào mà bạn đang dùng hiện tại nhằm đảm bảo đó là an toàn cho bạn trong suốt quá trình điều trị xạ trị.
- Bạn cần có chăm sóc da đặc biệt trong quá trình điều trị hoặc là sau khi điều trị kết thúc. Tránh ánh nắng mặt trời tiếp xúc trực tiếp trên vùng da điều trị, tránh nóng hoặc lạnh.
- Không dùng thuốc mỡ hoặc thuốc rửa trên da tổn thương nếu không có sự kiểm tra của bác sĩ hoặc điều dưỡng. Bạn cũng nên đảm bảo vệ sinh sạch sẽ da khắp vùng điều trị tia xạ với nước ấm và xà phòng trung tính.
Quá trình điều trị hoàn thành và sự hồi phục có thể là một thách thức. Hãy tìm kiếm sự giúp đỡ bên ngoài từ gia đình, bạn bè trước đó. Nếu bạn cần thêm sự hỗ trợ thì hãy cho nhóm điều trị cho bạn biết.
- Một số câu hỏi hay gặp
Q1: Trong thời gian xạ trị tôi có phải cách ly khỏi gia đình, công việc và người thân không? Tôi lo lắng phóng xạ sẽ ảnh hưởng đến người khác?
Trả lời: Xạ trị ngoài điều trị ung thư đại trực tràng là biện pháp điều trị an toàn, hiệu quả. Tia phóng xạ được phát ra chỉ trong 90-120 giây khi bạn nằm ở phòng máy và tia xạ sẽ “thấm” vào khối u để tiêu diệt chúng, tia xạ này sẽ mất hoạt tính trên đường nó di chuyển trong cơ thể bạn. Tia xạ này chỉ tác động tại vùng chiếu tia. Do đó, bạn hãy duy trì hoạt động như bình thường nếu sức khỏe cho phép.
Q2: Trong thời gian xạ trị tôi có phải kiêng đồ ăn đặc biệt gì không?
Trả lời: Nếu bạn không có bệnh nội khoa mạn tính kết hợp mà yêu cầu chế độ ăn đặc biệt thì bạn duy trì chế độ ăn khỏe: ăn đủ năng lượng, cân bằng các thành phần thức ăn, đặc biệt tăng ăn rau quả tươi, ăn nhiều bưởi, tăng chất xơ non, kiêng ăn đồ cay, nóng, dễ kích thích, hạn chế bia rượu, cà phê, chè đặc. Ngoài ra bạn cần uống đủ nước- tức là uống nước đến khi đi tiểu trong là đủ. Tuyệt đối tránh táo bón, nếu bạn đi ngoài khó do phân cứng hãy báo bác sĩ ngay để thêm thuốc làm mềm phân, nhuận tràng. Bưởi là loại quả rất tốt vì cung cấp vitamin C, vỏ tép bưởi giúp nhuận tràng tự nhiên rất tốt.
Q3: Tôi phải chuẩn bị như thế nào trước mỗi ngày xạ trị?
Trả lời: Bạn cần nhớ lịch hẹn xạ trị. Sau khi mô phỏng xong kĩ thuật viên xạ trị sẽ gửi bạn giấy hẹn xạ trị hàng ngày. Bạn cần đến sớm trước ít nhất 15 phút trước giờ xạ để nhân viên y tế thực hiện các công việc chuẩn bị trước xạ. Bạn nên đi đại tiện sạch phân trước khi đến xạ trị, nếu quá trình đại tiện gặp khó khăn hãy báo bác sĩ cho thêm thuốc nhuận tràng, mềm phân giúp bạn. Nếu cần thiết có thể bạn sẽ được thụt tháo bằng thuốc, bằng nước sạch để tháo hết phân trong trực tràng ra trước xạ. Bạn cũng nên uống 200-300ml nước 30 phút trước xạ trị nhằm làm bàng quang căng nước tiểu trước xạ. Khi bàng quang căng nước tiểu sẽ đẩy các quai ruột lên cao khỏi vùng chiếu xạ giúp giảm đáng kể liều xạ vào ruột, giảm nguy cơ viêm ruột xạ trị. Ngoài ra bàng quang căng nước tiểu còn giúp duy trì vị trí u giống như khi bạn được chụp CT mô phỏng làm tăng độ chính xác của tia xạ.
Q4: Tôi có thể đi làm văn phòng trong thời gian xạ trị được không?
Trả lời: Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào sức khỏe trước xạ trị của bạn, nhu cầu công việc, đặc thù công việc và độc tính xạ trị. Thông thường, trong quá trình xạ trị bạn vẫn có thể làm việc văn phòng với mức độ vừa phải, công việc không quá bận rộn, áp lực thấp. Bạn không nên ngồi một tư thế quá lâu, cần thay đổi tư thế mỗi 2 giờ, uống đủ nước, vận động thể chất đều.
Q5: Chế độ tập luyện thể chất của tôi có thay đổi gì không?
Trả lời: Bạn nên duy trì nhịp sống năng động, cởi mở, cân bằng. Mỗi ngày bạn nên đi bộ nhanh 5km/h trong 30-60 phút/ngày hoặc đạp xe dạo 20-30 km/h trong 30-60 phút. Bạn nên chia khối lượng tập ra hai lần/ngày sẽ dễ thích nghi và lợi ích sức khỏe tốt hơn. Tổng thời gian tập vận động thể chất được khuyên từ 250 phút/tuân trở lên. Tập luyện giúp bạn cân bằng hơn, ăn ngủ điều độ hơn, giảm nguy cơ táo bón, tăng cường hệ miễn dịch cơ thể...
Bạn sẽ tái hòa nhập cuộc sống sau điều trị tốt hơn nếu bạn tập luyện đều mỗi ngày trong quá trình điều trị. Trước khi bắt đầu quá trình tập luyện hãy tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị xem việc tập luyện của bạn có chống chỉ định hay cần lưu ý đặc biệt gì không.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.