Khi kiểm tra phát hiện ở tinh hoàn có khối u, đa số nam giới sẽ rất lo lắng đến nguy cơ mắc ung thư tinh hoàn và thắc mắc u tinh hoàn có nguy hiểm không? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp một số thông tin liên quan đến bệnh u tinh hoàn cũng như giúp giải đáp thắc mắc trên.
1. U tinh hoàn là gì?
U tinh hoàn là một khối u bất thường được hình thành bên trong tinh hoàn của nam giới.
Bất kỳ nam giới ở độ tuổi nào, từ trẻ sơ sinh, thanh thiếu niên cho đến đàn ông trưởng thành đều có nguy cơ bị u tinh hoàn. Bệnh gặp phổ biến ở nam giới có độ tuổi từ 25 - 35. Theo thống kê, có đến 90% các khối u tinh hoàn khi phát hiện đều được chẩn đoán là ung thư tinh hoàn.
Các khối u này tại tinh hoàn có thể nằm ở một bên hoặc ở cả hai bên. Khi được phát hiện thấy các khối u, chứng tỏ đây là một dấu hiệu cảnh báo của một hoặc nhiều vấn đề bất thường tại tinh hoàn như:
- Tinh hoàn bị chấn thương
- Các bệnh lý tiềm ẩn khác ở tinh hoàn
- Rối loạn chức năng hoạt động của tinh hoàn.
Nguyên nhân dẫn đến u tinh hoàn:
- Tình trạng tinh hoàn ẩn: Trong đó, tinh hoàn ẩn là tình trạng tinh hoàn không nằm trong bìu mà lại nằm trong ổ bụng. Theo thống kê, có đến 80 - 85% bệnh nhân bị tinh hoàn ẩn có thể tiến triển thành ung thư tinh hoàn.
- Nam giới gặp các vấn đề về rối loạn nhiễm sắc thể giới tính.
- Nam giới thường xuyên phải làm việc và tiếp xúc lâu dài với môi trường kín, nóng bức, môi trường chứa nhiều chất phóng xạ hay các chất độc hại.
- Sau giai đoạn dậy thì, người bệnh đã từng mắc các bệnh lý như viêm tinh hoàn, bệnh quai bị...
- Thoát vị bẹn
- Tràn dịch màng tinh hoàn.
2. Các triệu chứng của u tinh hoàn
Ở giai đoạn đầu, khối u với kích thước nhỏ, phát triển một cách âm thầm, không có triệu chứng rõ rệt, không gây khó chịu hay đau nhức cho người bệnh nên khó phát hiện. Tuy nhiên, cũng tồn tại một số những dấu hiệu nhận biết dưới đây:
- Sờ thấy một khối u cứng, cảm giác đau hoặc không đau tại một bên hoặc cả hai bên tinh hoàn
- Vùng quanh tinh hoàn có sưng to
- Có cảm giác đau ở vùng bẹn bìu hoặc lan lên vùng bụng dưới
- Cảm giác nặng tức, vướng hoặc tụ dịch vùng bìu
- Đau có lan sang vùng thắt lưng, ngực, đôi khi ngực căng tức
- Khi khối u có kích thước lớn, các dấu hiệu sẽ trở nên rõ ràng hơn. Bắt đầu thấy nặng và vướng một bên hoặc 2 bên tinh hoàn, bên tinh hoàn có khối u sẽ bị xệ thấp hơn. Nếu khối u không gây đau, người bệnh thường có thể dễ bị bỏ qua không phát hiện sớm để đi khám.
Khác với u tinh hoàn ở người lớn, u tinh hoàn ở trẻ sơ sinh khó phát hiện hơn. Khối u to dần lên, không gây đau và khó chịu cho trẻ, quá trình bệnh diễn ra khá âm thầm không có các triệu chứng bệnh lý đặc biệt cho đến khi khối u lớn chiếm chỗ tinh hoàn hoặc di căn sang hạch bạch huyết hay các cơ quan khác. Hơn nữa u tinh hoàn ở đối tượng này rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý lành tính vùng bìu bẹn như nang thừng tinh, nước màng tinh hoàn... những bệnh lý này thường không được can thiệp sớm, có khả năng tự hết nên rất dễ gây nguy cơ u tinh hoàn được chẩn đoán muộn gây chèn ép tinh hoàn và di căn đến cơ quan khác.
Các giai đoạn phát triển của u tinh hoàn như sau:
- Giai đoạn 1: Khối u nằm ẩn trong tinh hoàn, chưa có di căn ở hạch và các cơ quan khác hoặc đã di căn sang hạch bạch huyết.
- Giai đoạn 2: Xuất hiện các triệu chứng di căn sang hạch nhưng chưa di căn sang các cơ quan khác.
- Giai đoạn 3: Đã có dấu hiệu khối u di căn sang các cơ quan lân cận như gan, phổi...
Cách tự kiểm tra tại nhà nhằm phát hiện ra các bất thường ở tinh hoàn bao gồm:
- Đứng trước gương, quan sát xem vùng bìu có các dấu hiệu sưng viêm hay không
- Dùng 2 tay để kiểm tra bằng cách: Một tay dùng ngón cái đặt phía trên tinh hoàn, ngón giữa kẹp chặt tinh hoàn ở bên dưới, làm tương tự tay kia với bên tinh hoàn còn lại.
- Nắn nhẹ hai bên tinh hoàn, nếu thấy kích thước 2 bên không đều nhau thì cũng chưa vội để lo lắng vì đa số tinh hoàn 2 bên thường có kích thước khác nhau.
- Người bệnh có thể kiểm tra tinh hoàn vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, dễ thực hiện nhất là khi tắm.
3. U tinh hoàn có nguy hiểm không?
Khi được thăm khám phát hiện u tinh hoàn, có thể là u lành tính hoặc u ác tính. Trường hợp được chẩn đoán là u lành tính thì người bệnh không cần phải lo lắng. Nhưng đa số, u tinh hoàn đều là các khối u ác tính phát triển thành ung thư tinh hoàn. Tuy nhiên, điều đáng mừng là người bệnh khi được chẩn đoán ung thư tinh hoàn có thể điều trị được với tỷ lệ thành công cao.
Ung thư tinh hoàn có thể không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng của người bệnh. Nhưng bệnh lý này có thể làm suy giảm sức khỏe và ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng sinh sản của nam giới.
Nguyên nhân làm cho u tinh hoàn tăng nguy cơ gây nguy hiểm cho người bệnh là sự di căn sớm qua hệ thống mạch máu và hệ bạch huyết. Vì vậy cho nên trước đây, khi được chẩn đoán mắc u tinh hoàn người bệnh thường được tiên lượng rất xấu và tỷ lệ cao hơn 70% sẽ tử vong. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều phương pháp can thiệp và điều trị sớm nên giảm thiểu đáng kể tỷ lệ biến chứng nặng và tử vong do u tinh hoàn. Tỷ lệ chữa khỏi bệnh lên tới 70 - 80% nếu người bệnh được phát hiện sớm và điều trị phù hợp.
4. Điều trị u tinh hoàn
Tùy thuộc vào tình trạng của khối u là lành tính hay ác tính để chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.
Trong trường hợp khối u là lành tính, không có dấu hiệu gây nhiễm trùng hay ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản cũng như đời sống tình dục của người bệnh thì không cần tác động. Nếu khối u xuất hiện các dấu hiệu của nhiễm khuẩn như đau, sưng tấy... làm người bệnh khó chịu ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày thì có thể sử dụng các thuốc kháng sinh, giảm đau.
Trường hợp khối u tinh hoàn là ung thư tinh hoàn thì cần được can thiệp kịp thời nhằm hạn chế các biến chứng khác đặc biệt như sự di căn sang các cơ quan khác. Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, tuổi tác những như tiến triển bệnh mà người bệnh có thể được can thiệp bằng các phương pháp sau:
- Phẫu thuật: Có thể được chỉ định cắt một bên tinh hoàn có khối u nhằm hạn chế nguy cơ di căn đến các cơ quan khác. Việc cắt bỏ một bên tinh hoàn của người bệnh thực chất sẽ không ảnh hưởng đến chức năng sinh sản hoặc đời sống tình dục của nam giới, nên không quá lo lắng về vấn đề này.
- Xạ trị: Người bệnh được chỉ định dùng phương pháp này khi u tinh hoàn đã diễn tiến sang ung thư tinh hoàn và đã bắt đầu xâm lấn sang các hạch bạch huyết ở khu vực xung quanh.
- Hóa trị: Dành cho các trường hợp bệnh đã tiến triển sang giai đoạn di căn xa sang các cơ quan khác trong cơ thể.
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan đến u tinh hoàn cũng như giải đáp thắc mắc của rất nhiều nam giới rằng u tinh hoàn có nguy hiểm không? Nhằm giúp phát hiện sớm nguy cơ bị u tinh hoàn, nam giới nên duy trì thói quen thường xuyên tự kiểm tra tinh hoàn tại nhà. Khi phát hiện bất kỳ các dấu hiệu bất thường như viêm, sưng tấy, không thấy tinh hoàn... thì nên đi khám ngay để chẩn đoán và có phương án điều trị đúng cách, kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.