Phân loại ung thư thanh quản

Ung thư thanh quản là loại ung thư khá phổ biến hiện nay, chiếm 2% tổng số các loại ung thư thường gặp. Tiên lượng ung thư thanh quản thường tốt hơn so với các căn bệnh ung thư khác nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

1. Tổng quan về bệnh ung thư thanh quản

Thanh quản là một phần của hệ hô hấp, nằm giữa hạ họng (đáy lưỡi) và thực quản/khí quản. Thanh quản có cấu trúc như một hình lăng trụ tam giác, ở lỗ trên của ống có nắp đậy bảo vệ ngăn không cho đồ ăn, thức uống rơi xuống phổi. Ở 1⁄4 dưới của ống thanh quản có một chỗ hẹp được tạo ra bởi hai thanh đai ở hai bên, đây là bộ phận di động khép lại khi phát âm và mở ra khi con người hít thở. Thanh quản chức năng giúp dẫn không khí ra vào phổi, giúp bảo vệ đường hô hấp bằng cách tạo phản xạ ho, sặc khi có vật lạ rơi vào thanh quản nhằm tống vật lạ ra ngoài. Một chức năng quan trọng khác của thanh quản giúp phát âm, khi dây thanh quản bị tổn thương có thể gây khàn tiếng hoặc mất hẳn tiếng.

Ung thư thanh quản là khối u nằm trong lòng thanh quản, chủ yếu là ung thư biểu mô, ung thư thư liên kết rất hiếm gặp. Ung thư thanh quản là loại ung thư khá phổ biến hiện nay. Trong phạm vi vùng tai mũi họng thì ung thư thanh quản đứng hàng thứ 4 sau ung thư vòm họng, ung thư xoang và ung thư hạ họng. Theo thống kê nhiều nước trên thế giới thì ung thư thanh quản chiếm 2% tổng số các loại ung thư thường gặp.


Thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư thanh quản
Thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư thanh quản

Nguyên nhân chính gây bệnh cho đến nay vẫn chưa được làm rõ, nhưng nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, các yếu tố quan trọng góp phần phát sinh ung thư thanh quản là thuốc lá, rượu; các yếu tố nghề nghiệp như phải làm việc trong môi trường độc hại, tiếp xúc với hóa chất, bụi mỏ có chrome, nickel; những người có tiền sử xạ trị vùng cổ từ trước, người mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản,... Tỷ lệ nam giới mắc bệnh cao hơn nhiều so với nữ giới do ít tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ gây bệnh.

Tiên lượng ung thư thanh quản rất nặng nề ở giai đoạn muộn nên việc phát hiện sớm có vai trò rất quan trọng. Các triệu chứng của ung thư thanh quản là rối loạn giọng nói như giọng khàn, cứng, kéo dài và tăng dần; đau họng hoặc có cảm giác nghẹn cổ họng, ho kéo dài, khó thở,...Người bệnh nên sớm đến các cơ sở y tế để khám nếu có các triệu chứng trên.

2. Phân loại ung thư thanh quản

Ung thư thanh quản xuất phát từ nội thanh quản gồm các tầng là: mặt dưới thanh thiệt, băng thanh thất, thanh thất Morgagni, dây thanh và hạ thanh môn hoặc ở vùng bờ thành thanh quản. Tùy thuộc vào vị trí và độ lan rộng của khối u, có thể phân loại ung thư thanh quản như sau:

2.1. Ung thư thượng thanh môn

Loại ung thư thanh quản này thường phát sinh cùng một lúc ở cả băng thanh thất và mặt dưới của thanh thiết. Giai đoạn đầu, hình ảnh về ung thư thanh quản rất khó đánh giá do đáy băng thanh thất và dây thanh còn bình thường. Lúc này phải chụp CT scan mới đánh giá được độ thâm nhiễm vào phía sâu của ung thư.

Nếu ung thư thanh quản xuất phát từ thanh thất Morgagni thường là thể tăng sinh hoặc loét, ung thư lan nhanh vào các vùng lân cận như lên trên băng thanh thất, xuống dưới dây thanh và hạ thanh môn, ra ngoài sụn giáp,... Loại ung thư thanh quản này chiếm 8-10% ung thư thanh quản. Các triệu chứng thường xuất hiện muộn, khi bệnh nhân có triệu chứng khàn tiếng là khối u đã lan vào niêm mạc dây thanh và sụn phễu.


Khàn tiếng là triệu chứng thường gặp của bệnh ung thư thượng thanh môn
Khàn tiếng là triệu chứng thường gặp của bệnh ung thư thượng thanh môn

2.2. Ung thư thanh môn

Đây là loại ung thư thanh quản thường gặp nhất. Thường gặp là ung thư thể tăng sinh, hiếm gặp thể thâm nhiễm hoặc loét. Các triệu chứng rối loạn giọng nói như nói khàn, nói mệt, ho xuất hiện sớm. Nếu đi khám ngay khi xuất hiện triệu chứng, tổn thương thường còn giới hạn ở mặt trên hoặc bờ tự do của dây thanh.

Do mô liên kết dưới niêm mạc của dây thanh thường dày đặc và màng lưới bạch mạch thương thớt nên ung thư dây thanh thường tiến triển chậm qua nhiều tháng, có khi tới hàng năm. Ung thư biểu mô của dây thanh thường khu trú ở một bên thời gian khá lâu rồi mới lan sang phía dây thanh đối diện.

Các dấu hiệu trong giai đoạn muộn là ho khạc đờm nhầy lẫn máu, khó chịu ở họng, đau vùng cổ, cảm giác như có dị vật, khó thở thanh quản, có thể đau lan lên tai. Hình ảnh về ung thư thanh quản ở dây thanh giai đoạn muộn là khối u lan rộng che lấp lòng thanh quản gây ra rối loạn về nuốt; khi khối u lan ra ngoài thanh quản đến hạ họng sẽ gây nuốt vướng, nghẹn, nuốt tắc.

2.3. Ung thư hạ thanh môn

Đây là loại ung thư thanh quản ít gặp hơn hai loại trên. Ung thư thường là thể thâm nhiễm ở phía dưới dây thanh, lan rộng và sâu xuống phía dưới niêm mạc, được cánh sụn giáp chắn nên khó lan ra ngoài. Do bờ tự do của dây thanh vẫn bình thường nên khó thấy hình ảnh về ung thư thanh quản nếu sinh thiết qua soi gián tiếp. Muốn lấy được chính xác thương tổn phải soi thanh quản trực tiếp, đôi khi phải mở cả sụn giáp để lấy được mẫu thương tổn để làm xét nghiệm.

Tiên lượng ung thư thanh quản ở hạ thanh môn nếu không được can thiệp kịp thời thì ung thư phát triển nhanh sang phía đối diện, vượt qua mép trước thanh quản sau đó lan xuống dưới sụn nhẫn. U cũng có thể lan lên trên và ra sau khớp nhẫn phễu làm cho dây thanh bị cố định.


Ung thư hạ thanh môn được chỉ định nội soi thanh quản nhằm lấy được chính xác thương tổn
Ung thư hạ thanh môn được chỉ định nội soi thanh quản nhằm lấy được chính xác thương tổn

3. Chẩn đoán xác định và tiên lượng ung thư thanh quản

Nếu được phát hiện sớm, phẫu thuật kịp thời, người bệnh có thể phục hồi phát âm tốt, tỷ lệ bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn lên đến 80%. Các triệu chứng của ung thư thanh môn thường xuất hiện sớm, người bệnh đi khám sớm nên tỷ lệ phát hiện bệnh cao. Còn các loại ung thư thượng thanh môn và ung thư hạ họng do triệu chứng kín đáo, không rầm rộ nên người bệnh thường bỏ qua, thường đi khám khi bệnh ở giai đoạn muộn.

Để phát hiện bệnh, ngoài thăm khám lâm sàng, nhìn, sờ vùng trước thanh quản, sụn giáp, soi thanh quản, khám toàn thân,...Bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng giúp chẩn đoán xác định bao gồm:

  • Chụp cộng hưởng từ (MRI)
  • Chụp film cổ nghiêng
  • Chụp tomo thanh quản
  • Chụp CT Scanner phát hiện độ mờ, độ lan rộng của u
  • Siêu âm vùng cổ
  • Sinh thiết tổ chức u để chẩn đoán giải phẫu bệnh, làm hạch đồ xác định tế bào học.

Nếu không được điều trị, tiên lượng ung thư thanh quản khá xấu, người bệnh thường chỉ kéo dài cuộc sống được từ một năm hoặc 18 tháng. Người bệnh tử vong do ngạt thở cấp tính, biến chứng của bệnh viêm phế quản phổi, suy kiệt cơ thể hoặc chảy máu ồ ạt.


Chụp MRI giúp chẩn đoán tình trạng bệnh ung thư thanh quản
Chụp MRI giúp chẩn đoán tình trạng bệnh ung thư thanh quản

4. Ung thư thanh quản điều trị như thế nào?

Nguyên tắc điều trị ung thư thanh quản đó là phối hợp giữa các phương pháp phẫu thuật, xạ trị, hóa chất và miễn dịch. Sự thành công của điều trị phụ thuộc vào giai đoạn của khối u. Điều trị ở giai đoạn sớm, bác sĩ sẽ phẫu thuật cắt dây thanh, người bệnh vẫn có thể bảo tồn được giọng nói. Nếu đã ở giai đoạn muộn, bác sĩ phải cắt thanh quản bán phần hoặc toàn phần kết hợp với phẫu thuật nạo vét hạch cổ. Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được xạ trị hậu phẫu và điều trị hóa chất phối hợp. Để giúp bệnh nhân phục hồi giọng nói sau phẫu thuật cắt bỏ thanh quản, bác sĩ có thể thực hiện lắp van thanh âm khí thực quản, tập giọng nói thực quản hoặc dùng dụng cụ thanh quản điện.

Để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh ung thư thanh quản, bỏ thuốc lá là biện pháp vô cùng quan trọng. Các nghiên cứu cho thấy, số người bị ung thư thanh quản hút thuốc lá là 12% so với số người không hút chỉ chiếm 2%. Ngoài ra, cần điều trị triệt để bệnh trào ngược dạ dày thực quản để tránh gây viêm nhiễm vùng hầu họng, hạn chế rượu bia, chất kích thích như cà phê, nước giải khát có ga,... Đặc biệt, cần đi khám sớm khi có triệu chứng khàn tiếng kéo dài, dùng các thuốc điều trị viêm thanh quản không đỡ, xuất hiện triệu chứng khó thở.


Khách hàng có thể thực hiện Tầm soát, và phát hiện sớm ung thư vòm họng, hạ họng, thanh quản tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec
Khách hàng có thể thực hiện Tầm soát, và phát hiện sớm ung thư vòm họng, hạ họng, thanh quản tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec

Nếu không được điều trị sớm, bệnh nhân ung thư thanh quản thường có thời gian sống ngắn. Người bệnh có thể tử vong do ngạt thở cấp tính, suy kiệt, biến chứng viêm phế quản phổi hoặc chảy máu ồ ạt,... Vì vậy, điều kiện tiên quyết trong việc chống bệnh là phòng bệnh hiệu quả bằng cách bỏ thuốc lá, hạn chế uống rượu bia, điều trị dứt điểm các bệnh lý liên quan, nâng cao nhận thức tầm quan trọng của việc tầm soát ung thư vòm họng cũng như việc khám sức khỏe định kỳ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe