Thế nào là khối u lành tính?

Khối u lành tính không xâm lấn vào các mô lân cận hoặc lây lan sang những bộ phận khác của cơ thể giống như tế bào ung thư ác tính. Việc điều trị u lành có cần thiết hay không sẽ phụ thuộc vào tính chất và vị trí khối u xuất hiện.

1. Tổng quan về khối u lành tính

Nhìn chung, khối u là kết quả của quá trình các tế bào tăng trưởng bất thường và không hoạt động theo chức năng. Có hai dạng khối u khác nhau bao gồm: u lành tính và u ác tính (hay còn gọi là ung thư). Đa phần triển vọng của các khối u lành tính thường là rất khả quan. Nhưng nếu u lành chèn ép các cấu trúc quan trọng, ví dụ như mạch máu hoặc dây thần kinh, thì có thể là một vấn đề khá nghiêm trọng.

Quá trình hình thành khối u lành tính thường không rõ nguyên nhân. Tuy nhiên sự phát triển của một u lành có thể liên quan đến một số yếu tố như sau:

  • Độc tố môi trường, chẳng hạn như tiếp xúc với bức xạ;
  • Yếu tố di truyền;
  • Chế độ ăn uống;
  • Stress, căng thẳng;
  • Chấn thương;
  • Viêm hoặc nhiễm trùng.

Khối u lành tính và khối u ác tính
Khối u lành tính và khối u ác tính

2. Điều trị u lành tính

Trong hầu hết các trường hợp, việc điều trị u lành tính là không cần thiết. Thay vào đó, các bác sĩ chỉ cần theo dõi tích cực để đảm bảo rằng các khối u không gây ra bất cứ vấn đề bất thường nào.

Tuy nhiên điều trị u lành tính có thể sẽ được áp dụng khi cần kiểm soát các triệu chứng ảnh hưởng tới sức khỏe do khối u gây ra. Một trong những hình thức điều trị u lành tính phổ biến nhất là phẫu thuật. Phương pháp này sẽ giúp loại bỏ các khối u mà không làm hỏng các mô xung quanh. Ngoài ra, các liệu pháp điều trị khác cũng có thể được lựa chọn bao gồm dùng thuốc hoặc xạ trị.

Trắc nghiệm: Thử hiểu biết của bạn về bệnh ung thư

Ung thư là nguyên nhân gây tử vong hàng thứ 2 trên thế giới. Thử sức cùng bài trắc nghiệm sau đây sẽ giúp bạn có thêm kiến thức về yếu tố nguy cơ cũng như cách phòng ngừa bệnh ung thư.

Bài dịch từ: webmd.com

3. Các dạng khối u lành tính phổ biến

Có nhiều loại khối u lành tính khác nhau phát sinh từ nhiều cấu trúc trong cơ thể, trong đó một số dạng phổ biến nhất bao gồm:

3.1. U tuyến

U tuyến là khối u lành tính hình thành trong tế bào biểu mô của cấu trúc tuyến. Lớp biểu mô mỏng vừa bao phủ các cơ quan và cấu trúc của cơ thể, vừa là tập hợp các tế bào tạo nên các tuyến nội tiết và ngoại tiết. Những loại u tuyến thường hay phát triển ở:

  • Polyp trong đại tràng;
  • Gan;
  • Tuyến thượng thận;
  • Tuyến yên;
  • Tuyến giáp.

Trong trường hợp cần thiết thì u tuyến có thể được loại bỏ bằng phẫu thuật. Mặc dù hiếm gặp nhưng đôi khi loại khối u này cũng có nguy cơ trở thành ác tính. Ví dụ như ở đại tràng, tỷ lệ u tuyến lành tính chuyển biến sang ung thư là gần 1/10.

3.2. U xơ hay u sợi

U xơ là khối u của mô sợi hoặc mô liên kết và có thể phát triển ở bất kỳ cơ quan nào, song phổ biến nhất là trong tử cung. Mặc dù không phải là ung thư song u xơ tử cung có thể dẫn đến chảy máu âm đạo nặng và các vấn đề liên quan đến bàng quang hoặc đau tức vùng chậu.

Một loại khối u sợi khác gây ảnh hưởng đến các mô lân cận có tên là u xơ cứng. Những khối u xơ mô sợi cần phải được loại bỏ bằng phẫu thuật để kiểm soát các triệu chứng tác động đến sức khỏe.

3.3. U máu hay bướu mạch máu

Loại khối u lành tính này là sự tích tụ của các tế bào mạch máu trong da hoặc cơ quan nội tạng. U máu thường có dạng như một vết bớt hơi tái xanh hoặc cục bướu đỏ, xuất hiện chủ yếu ở đầu, cổ hoặc thân người (không bao gồm tay và chân). Hầu hết các bướu mạch máu sẽ tự biến mất đi theo thời gian, nhưng nếu chúng ảnh hưởng đến thị lực, thính giác hoặc khả năng ăn uống của bệnh nhân thì có thể cần điều trị bằng corticosteroid hoặc một số loại thuốc khác.

3.4. U mỡ

U mỡ phát triển từ các tế bào mỡ, là khối u lành tính phổ biến nhất ở người lớn và thường được tìm thấy trên cổ, vai, lưng hoặc cánh tay. Các khối u mỡ phát triển chậm, thường có hình tròn, mềm và di chuyển được khi chạm vào. U mỡ xuất hiện trên cơ thể người có thể là đặc điểm di truyền trong gia đình hoặc do tác động sau khi bị chấn thương. Nếu khối u mỡ gây đau hoặc phát triển nhanh chóng thì cần điều trị bằng cách tiêm steroid, hút mỡ hoặc phẫu thuật để loại bỏ.

Ngoài ra còn có hai loại khối u mỡ lành tính khác là: u nguyên bào mỡ (thường xảy ra ở trẻ nhỏ) và u đông miên (lipoma nâu).

3.5. U màng não tủy

Đúng như tên gọi, đây là những khối u phát triển từ màng bao quanh não và tủy sống. Khoảng 9/10 trường hợp u màng não tủy là lành tính, đa phần phát triển chậm nhưng vẫn có một số khác ngoại lệ. Việc điều trị u lành màng não tủy sẽ tùy thuộc vào vị trí xuất hiện và các triệu chứng mà chúng gây ra, chẳng hạn như: đau đầu, yếu cơ một bên, co giật, thay đổi tính tình và các vấn đề về thị giác.

Thông thường, bác sĩ sẽ lựa chọn theo dõi khối u trong một thời gian trước. Sau đó nếu cần phẫu thuật, thành công của phương pháp điều trị u lành màng não tủy sẽ được quyết định bởi những yếu tố sau:

  • Tuổi tác của bệnh nhân;
  • Vị trí hình thành khối u;
  • Các cấu trúc lân cận gắn liền với khối u (nếu có).

Trong trường hợp không thể loại bỏ được khối u, liệu pháp xạ trị có thể được áp dụng.

3.6. U cơ trơn

U cơ trơn là khối u phát triển từ cơ bắp hoặc cơ trơn nằm trong thành mạch máu, được tìm thấy ở các cơ quan nội tạng như dạ dày và tử cung (tương tự như u xơ tử cung). Ngoài ra, còn có một khối u lành tính hiếm gặp của cơ xương có tên là u cơ vân. Thông thường, những khối u này chỉ cần theo dõi đơn thuần. Tuy nhiên nếu xuất hiện các triệu chứng đòi hỏi phải chữa trị, bác sĩ sẽ thu nhỏ chúng bằng thuốc hoặc loại bỏ bằng phẫu thuật.

3.7. U tế bào hắc tố (nốt ruồi)

U tế bào hắc tố tăng trưởng trên da dưới hình dạng của các nốt ruồi có màu hồng, nâu hoặc đen. Một người có thể hình thành và phát triển các u tế bào hắc tố mới cho đến khoảng 40 tuổi. Nếu có nốt ruồi với hình dạng bất thường, thì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo khối u đã chuyển sang ác tính, gây nguy cơ ung thư da. Chính vì vậy, việc kiểm tra da thường xuyên là rất quan trọng, nhất là khi có nốt ruồi với các dấu hiệu khác thường như sau:

  • Thay đổi hình dạng theo thời gian;
  • Có bờ viền không đều;
  • Thay đổi màu sắc.

Để kiểm tra xem khối u tế bào hắc tố có phải là dấu hiệu cảnh báo ung thư hay không, đôi khi các bác sĩ cần tiến hành thủ thuật phá nốt ruồi nghi ngờ.


U tế bào hắc tố tăng trưởng trên da dưới hình dạng của các nốt ruồi có màu hồng, nâu hoặc đen
U tế bào hắc tố tăng trưởng trên da dưới hình dạng của các nốt ruồi có màu hồng, nâu hoặc đen

3.8. U dây thần kinh

Ba loại khối u phát triển từ các dây thần kinh bao gồm:

  • U tế bào thần kinh;
  • U xơ thần kinh;
  • U bao dây thần kinh.

Những khối u thần kinh lành tính này có thể xuất hiện trên khắp cơ thể - nơi có các dây thần kinh chạy qua. Ngoài ra còn có u sợi thần kinh - một rối loạn di truyền phá vỡ sự tăng trưởng của tế bào trong hệ thống thần kinh. Phẫu thuật là hình thức điều trị phổ biến nhất đối với các khối u thần kinh lành tính.

3.9. U xương sụn

U xương sụn là loại u xương lành tính phổ biến nhất, thường xuất hiện dưới dạng một hoặc nhiều cục bướu không đau gần các khớp, chẳng hạn như đầu gối hoặc vai. Bác sĩ sẽ chẩn đoán khối u lành tính này thông qua xét nghiệm hình ảnh chụp X-quang. Nếu khối u gây ra các triệu chứng đau hoặc tạo áp lực chèn ép dây thần kinh và mạch máu, phẫu thuật điều trị u lành là cần thiết trong trường hợp này.

3.10. U nhú (Mụn cóc)

U nhú là khối u phát triển từ tế bào biểu mô phủ lát tầng hoặc niêm mạc, có thể là lành tính hoặc ác tính. U nhú thường xuất hiện ở da, cổ tử cung, tuyến vú hoặc kết mạc (lớp màng nhầy bao phủ bên trong mí mắt). Những khối u này là hậu quả của việc tiếp xúc trực tiếp với virus gây u nhú ở người (Human Papilloma Virus - HPV). Một số loại u nhú lành tính sẽ tự biến mất, tuy nhiên cần phẫu thuật để loại trừ u nhú ác tính gây ung thư.

Để phát hiện và kiểm soát các khối u lành tính, ngăn ngừa tiến triển thành ung thư, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cung cấp cho khách hàng các gói tầm soát ung thư theo độ tuổi, giới tính và bệnh lý như: Tầm soát ung thư phổi, tầm soát ung thư dạ dày, tầm soát ung thư vú,...Nhằm mục đích kiểm soát sức khỏe phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.

Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.

Nguồn tham khảo: Webmd.com

XEM THÊM:

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe