Ung thư tuyến giáp có thể đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh nếu phát hiện và điều trị chậm chễ. Dưới đây là một số hướng dẫn trực quan về ung thư tuyến giáp mà bạn nên quan tâm.
1. Thế nào là ung thư tuyến giáp?
Tuyến giáp là một cơ quan có hình con bướm nằm ở cổ, giữ vai trò sản xuất ra các hormone tuyến giáp đi vào trong máu và di chuyển đến mọi tế bào trong cơ thể. Hormone tuyến giáp có nhiệm vụ quan trọng trong việc giúp cơ thể duy trì các hoạt động bình thường, đồng thời giữ ấm và cung cấp năng lượng cho bạn. Ngoài ra, loại hormone này cũng góp phần hỗ trợ sức mạnh cơ bắp cũng như não, tim và một số cơ quan khác.
Khi bị ung thư tuyến giáp, các tế bào bị lỗi sẽ phát triển vượt tầm kiểm soát của cơ thể và lấn át cả những tế bào khỏe mạnh. Theo chuyên gia, ung thư tuyến giáp gồm có 4 loại chính, bao gồm:
- Ung thư tuyến giáp thể nhú;
- Ung thư tuyến giáp thể nang;
- Ung thư tuyến giáp thể tủy;
- Ung thư tuyến giáp không biệt hoá.
Nhìn chung, mức độ nghiêm trọng của ung thư tuyến giáp sẽ phụ thuộc vào loại mà bạn mắc phải cũng như diễn tiến của bệnh. Điều trị sớm sẽ tăng cơ hội sống sót cho người bệnh.
2. Triệu chứng điển hình của ung thư tuyến giáp
Ung thư tuyến giáp thường không có bất kỳ triệu chứng rõ rệt nào khi ở giai đoạn đầu. Dấu hiệu đầu tiên thường bắt là một nốt sưng nhỏ trên tuyến giáp, tuy nhiên vết sưng này chỉ có thể phát hiện được thông qua chụp CT hoặc X-quang. Nghiên cứu cho biết, khoảng 90% các trường hợp xuất hiện nốt này là lành tính (không phải ung thư) và có thể không cần hoặc ít phải trị liệu.
Cho đến khi bệnh tiến triển nặng hơn, ung thư tuyến giáp triệu chứng rõ rệt hơn và dễ nhận thấy như:
- Xuất hiện khối u hoặc sưng tấy ở cổ, đặc biệt tốc độ phát triển rất nhanh;
- Cảm thấy đau ở phía trước cổ, cơn đau lan đến tai;
- Người bệnh bị ho hoặc khàn tiếng liên tục mà không rõ lý do;
- Cảm thấy khó nuốt hoặc khó thở.
Tuy nhiên, những triệu chứng trên có thể dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác ngoài ung thư tuyến giáp. Tốt nhất bạn nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán cụ thể.
3. Làm thế nào để chẩn đoán ung thư tuyến giáp?
Trong buổi khám bệnh, bác sĩ có thể bắt đầu tiến hành khám sức khoẻ và yêu cầu bạn cung cấp một số thông tin về bệnh sử của gia đình. Nhìn chung, để xác định được ung thư tuyến giáp nguyên nhân do đâu, bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán sau:
- Nội soi thanh quản giúp phát hiện các phát triển bất thường trên thanh quản của người bệnh, chẳng hạn như các nốt sưng;
- Chụp CT scan, MRI hoặc siêu âm để tìm kiếm các vấn đề bất thường;
- Sinh thiết bằng cách lấy mẫu mô tuyến giáp và kiểm tra tế bào ung thư.
4. Ung thư tuyến giáp thể biệt hoá
Thể biệt hoá là dạng ung thư tuyến giáp phổ biến nhất, trong đó các tế bào ung thư có xu hướng trông rất giống với các tế bào bình thường khác. Các u nhú thường phát triển ở một trong hai thuỳ của tuyến giáp. Mặc dù đôi khi khối u có thể lan sang các hạch bạch huyết ở cổ, nhưng việc điều trị loại ung thư này có tỷ lệ thành công khá cao. Bên cạnh đó, ung thư tuyến giáp thể biệt hoá còn có dạng nang khi cơ thể bị thiếu i - ốt, tuy nhiên nó không lây lan sang các hạch bạch huyết.
5. Ung thư tuyến giáp tuỷ (MTC)
Ung thư tuyến giáp tuỷ thường bắt đầu từ các tế bào C trong tuyến giáp. Những tế bào ung thư có thể lan đến gan, phổi và các hạch bạch huyết trước khi bệnh được phát hiện. Nhìn chung, ung thư tuyến giáp tuỷ là loại khá hiếm gặp, bao gồm 2 dạng là di truyền và không di truyền trong gia đình. Đối với MTC di truyền, cha mẹ có thể truyền bệnh ung thư sang cho con thông qua gen của mình (chiếm khoảng 25% các trường hợp). Loại MTC di truyền thường xuất hiện ở cả hai thuỳ của tuyến giáp khi người bệnh còn nhỏ tuổi hoặc trong giai đoạn thanh niên.
6. Ung thư tuyến giáp không biệt hoá
Ung thư tuyến giáp không biệt hoá là dạng rất hiếm gặp, chỉ chiếm khoảng 2% trong tổng số trường hợp mắc ung thư tuyến giáp và thường xuất hiện ở nữ giới lớn tuổi. Dạng ung thư này có xu hướng phát triển và lây lan nhanh chóng đến cổ cũng như nhiều bộ phận khác trong cơ thể.
Sở dĩ, loại ung thư tuyến giáp này được gọi là “không biệt hoá” bởi các tế bào trông khác hoàn toàn với những tế bào tuyến giáp bình thường. Ngoài ra, loại ung thư này cũng rất khó điều trị, thậm chí nó có thể phát triển thành dạng ung thư u nhú hoặc u nang.
7. Các phương pháp được sử dụng trong điều trị ung thư tuyến giáp
Phẫu thuật là tuyến phòng thủ đầu tiên đối với các trường hợp mắc ung thư tuyến giáp. Bác sĩ có thể giúp người bệnh loại bỏ một số hoặc tất cả các hạch bạch huyết hoặc các tuyến xung quanh khối u, tuỳ thuộc vào mức độ cũng như loại ung thư tuyến giáp.
Thông thường, phẫu thuật sẽ được chỉ định cho những trường hợp có khối u dễ tiếp cận. Tuy nhiên, nếu các khối u phát triển với kích thước lớn và lan rộng ra nhiều nơi khác trong cơ thể, bác sĩ sẽ đề nghị tiến hành hoá trị, xạ trị, i - ốt phóng xạ hoặc liệu pháp nhắm trúng đích để điều trị cho các loại tế bào ung thư cụ thể.
8. Bệnh ung thư tuyến giáp nguyên nhân do đâu?
Hiện nay, nguyên nhân chính xác dẫn đến bệnh ung thư tuyến giáp vẫn chưa được tìm hiểu rõ. Tuy nhiên, một số điều kiện có thể làm tăng nguy cơ mắc phải loại ung thư này, bao gồm:
- Đã thực hiện phương pháp xạ trị quanh cổ hoặc đầu khi còn nhỏ tuổi;
- Người có độ tuổi từ 25 – 65;
- Chế độ ăn uống thường ngày quá ít hoặc thiếu hụt i - ốt;
- Nữ giới và người châu Á;
- Đã từng mắc bệnh bướu cổ trước đó;
- Tiền sử cá nhân hoặc gia đình mắc bệnh tuyến giáp/ ung thư tuyến giáp;
- Mắc các tình trạng di truyền như MEN2A, MEN2B hoặc FMTC.
9. Cần làm gì sau khi điều trị ung thư tuyến giáp?
Ngay sau khi thực hiện phẫu thuật hoặc các phương pháp điều trị khác để loại bỏ tế bào ung thư tuyến giáp, người bệnh cần phải đi tái khám kiểm tra xem liệu ung thư có tái phát không. Ngoài ra, người bệnh cũng cần ghi nhớ tất cả các lịch hẹn khám và báo ngay cho bác sĩ nếu có bất kỳ triệu chứng bất thường nào. Điều này đặc biệt quan trọng vì ung thư tuyến giáp có thể phát triển chậm trở lại, đôi khi lên đến 10 – 20 năm sau lần điều trị đầu tiên.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán ung thư tuyến giáp
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com