Một trong những tác dụng phụ của quá trình điều trị ung thư ban đầu có thể gặp là hội chứng ly giải khối u. Hội chứng ly giải u rất nguy hiểm vì có thể làm tổn thương các cơ quan quan trọng, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân. Vì vậy, những bệnh nhân ung thư bị hội chứng ly giải u cần được theo dõi chặt chẽ.
1. Định nghĩa hội chứng ly giải khối u
Hội chứng ly giải khối u hay gọi tắt là hội chứng ly giải u, là một trong những tác dụng phụ của quá trình điều trị ung thư, thường xuất hiện giai đoạn đầu. Khi đáp ứng với phác đồ điều trị, những tế bào khối u sắp chết bị vỡ ra và giải phóng vào máu một lượng lớn các chất kali, photpho, axit lactic, axit nucleic (chủ yếu là axit uric).
2. Hội chứng ly giải khối u có nguy hiểm không?
Khi hội chứng ly giải u xảy ra, tế bào khối u giải phóng lượng lớn các chất sẽ làm tăng nồng độ các chất này trong máu và dẫn đến những chuyển hóa trong cơ thể có hại cho các cơ quan chức năng, cụ thể: tăng axit uric làm suy thận, suy thận làm tăng kali trong khi tăng photpho làm giảm kali sẽ dẫn đến rối loạn cân bằng điện giải.
Những chuyển hóa trên làm các cơ quan trong cơ thể như thận, gan, tim bị tổn thương nghiêm trọng và vĩnh viễn, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh. Vì vậy, hội chứng ly giải u rất nguy hiểm nếu không được theo dõi chặt chẽ, đặc biệt là trẻ em đối tượng có nguy cơ cao.
3. Các yếu tố nguy cơ đối với hội chứng ly giải khối u
Hội chứng ly giải khối u thường xảy ra ở những bệnh nhân ung thư sau:
- Bạch cầu cấp (dòng lympho) hoặc bạch cầu mạn (dòng tủy)
- U lympho Burkitt, bạch cầu cấp Burkitt
Ngoài ra, một số bệnh nhân ung thư khác cũng có thể mắc phải hội chứng ly giải khối u nếu có các yếu tố nguy cơ sau:
- Khối u tiến triển nhanh và nhanh chóng đáp ứng với điều trị bằng hóa trị.
- Các chỉ số khối u bao gồm kích thước, số lượng tế bào bạch cầu, nồng độ LDH và các giá trị tủy xương có liên quan khác.
Trên bệnh nhân ung thư có những yếu tố làm tăng nguy cơ hội chứng ly giải u xảy ra như:
- Huyết áp thấp
- Trước điều trị có nồng độ axit uric hoặc photphat cao.
- Chức năng thận suy giảm, nồng độ axit nước tiểu cao, xét nghiệm nước tiểu có tính axit, mất nước, tiểu ít.
- Lách to, có khối trung thất.
4. Biểu hiện của hội chứng ly giải khối u
Biểu hiện của hội chứng ly giải khối u thường xảy ra trong 1 - 3 ngày đầu tiên sau khi điều trị ung thư. Một số trường hợp tế bào khối u chuyển hóa nhanh có thể biểu hiện sớm hơn, trước khi điều trị.
Các triệu chứng của hội chứng ly giải khối u chủ yếu là biểu hiện cho thấy cơ thể bị mất cân bằng chuyển hóa, cụ thể:
- Chán ăn, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng.
- Rối loạn nhịp tim, co giật.
- Đau lưng, co thắt cơ, chuột rút.
- Mệt mỏi, cơ thể yếu, có thể ngất xỉu.
- Phù nề cơ thể do giữ nước.
Tuy nhiên, trước khi các triệu chứng này xảy ra, phần lớn các trường hợp mất cân bằng chuyển hóa đều được điều trị.
5. Chẩn đoán và điều trị hội chứng ly giải khối u như thế nào?
Vì các chất được giải phóng vào máu và khiến nồng độ thay đổi nên bác sĩ có thể tiến hành xét nghiệm máu để chẩn đoán hội chứng ly giải khối u, dựa vào các chỉ số sau:
- Nồng độ kali tăng cao
- Nồng độ axit uric tăng cao
- Nồng độ photpho tăng cao
- Nồng độ canxi giảm thấp
Điều trị dự phòng là biện pháp tốt đối với hội chứng ly giải khối u bao gồm các phương pháp sau:
- Truyền bù dịch đường tĩnh mạch: Được thực hiện trước và trong suốt quá trình điều trị bằng hóa trị, có tác dụng hỗ trợ chức năng thận và phòng ngừa mất cân bằng chuyển hóa. Đây là phương pháp điều trị dự phòng trên bệnh nhân là trẻ em có nguy cơ hội chứng ly giải u cao. Với trường hợp bệnh nhân có lượng tiểu ít cần được theo dõi và bù dịch đầy đủ.
- Hóa trị giảm axit uric, photpho: Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể được điều trị dự phòng giảm axit uric và photpho trước khi chuyển sang giai đoạn điều trị tích cực nhằm làm chậm quá trình ly giải khối u, giúp duy trì tình trạng cân bằng hóa trong cơ thể và ngăn ngừa chức năng thận bị tổn thương.
Bệnh nhân ung thư bị hội chứng ly giải khối u được điều trị bằng những biện pháp sau:
- Theo dõi các triệu chứng và xét nghiệm máu, nước tiểu: Được thực hiện trong thời gian đầu điều trị và luôn theo dõi chặt chẽ để xử trí y tế kịp thời, đặc biệt trên những bệnh nhân là trẻ em có nguy cơ cao.
- Điều trị đặc hiệu tình trạng mất cân bằng điện giải: Điều trị bằng các biện pháp hỗ trợ chức năng thận. Bù dịch tĩnh mạch là biện pháp điều trị quan trọng, tuy nhiên cần lưu ý một số chất trong dịch truyền phải được loại bỏ.
- Chạy thận nhân tạo: Trong một số trường hợp bệnh nhân đã được điều trị dự phòng hội chứng ly giải khối u bằng truyền bù dịch, thuốc làm giảm axit uric, thuốc lợi tiểu nhưng thận vẫn bị tổn thương, thậm chí là ngừng hoạt động, khi đó chạy thận nhân tạo được thực hiện để bảo vệ chức năng thận đến khi lành.
Trên những bệnh nhân ung thư có nguy cơ hội chứng ly giải u cần được theo dõi chặt chẽ vì hội chứng có thể tiến triển rất nhanh, làm mất cân bằng chuyển hóa trong cơ thể, tổn thương nghiêm trọng đến các cơ quan, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
Hội chứng ly giải u vốn là một tình trạng nguy hiểm, do đó việc điều trị đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh và đảm bảo sức khỏe người bệnh được tốt.
Với đội ngũ bác sĩ tay nghề cao, đạt được nhiều thành tựu trong việc điều trị các bệnh lý về ung thư, hiện Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ chăm sóc y tế chất lượng cao mà khách hàng hoàn toàn có thể tin tưởng.
Quy trình thăm khám và điều trị tại Vinmec được thực hiện theo tiêu chuẩn nhất định dưới sự hỗ trợ của các bác sĩ, chuyên gia cùng hệ thống trang thiết bị máy móc hiện đại trên thế giới. Do đó, giúp mang đến kết quả chẩn đoán được chính xác cũng như hiệu quả điều trị trên bệnh nhân vô cùng tích cực.