Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Võ Thiện Ngôn - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng
Són tiểu gây ra nhiều phiền toái cho người bệnh. Bệnh thường xảy ra ở phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ sau sinh. Vậy són tiểu là gì và tại sao phụ nữ sau sinh lại lại bị són tiểu nhiều?
1. Són tiểu là gì?
Són tiểu là tình trạng rỉ nước tiểu ra bên ngoài mà tiểu không tự chủ. Bệnh này trong y học được gọi là tiểu không kiểm soát. Són tiểu không phải là một bệnh tuổi già, nó có thể xảy ra với người già nhưng hoàn toàn không phải do tuổi tác gây ra. Bệnh són tiểu sau khi sinh không cũng không phải dấu hiệu của bệnh lý thực sự.
Hiện nay, trên thế giới có khoảng 50 triệu người mắc chứng bệnh này và cứ 10 phụ nữ trong độ tuổi từ 20 – 55 tuổi thì có từ 1 – 3 người bị bệnh són tiểu. Trong số những người mắc bệnh són tiểu thì có khoảng 20 – 50% số người bị són tiểu mức độ nặng.
Bệnh són tiểu gây ra những phiền toái khó chịu và khiến người bệnh luôn cảm thấy tự ti, xấu hổ. Không chỉ vậy, bệnh són tiểu còn khiến người bệnh cảm thấy mất vệ sinh và gây ra mùi khó chịu trên cơ thể. Tuy nhiên bệnh són tiểu hoàn toàn có thể chữa được.
Trắc nghiệm: Những điều cần biết về kiêng cữ sau sinh
Sau sinh, cơ thể sản phụ sẽ có rất nhiều sự thay đổi, việc thực hiện tốt các kiêng cữ sau sinh và bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể sẽ giúp ích rất nhiều trong quá trình hồi phục sức khỏe. Bài trắc nghiệm dưới đây sẽ giúp mọi người có cái nhìn tổng quan về kiêng cữ sau sinh và thực hiện sao cho phù hợp nhất.Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa, Tạ Quốc Bản , chuyên khoa Sản phụ khoa , Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc
2. Tại sao phụ nữ bị són tiểu sau khi sinh?
Những nguyên nhân dẫn đến bệnh són tiểu ở phụ nữ sau sinh liên quan trực tiếp đến việc sinh nở và mãn kinh. Những nguyên nhân chủ yếu là do sinh nở nhiều lần, sinh con to, nặng cân. Những người khi sinh bị rách cửa mình nhiều khi sinh hay có cắt mổ tử cung và mổ sa sinh dục từ trước cũng có thể bị són tiểu.
Bên cạnh những nguyên nhân này thì vẫn có những nguyên nhân dẫn đến són tiểu mà không phải do sinh nở hay mãn kinh. Đó là những nguyên nhân như béo phì, cao huyết áp, nhiễm trùng tiểu hay bệnh tiểu đường. Không chỉ vậy, việc táo bón hay ho kéo dài cũng có thể gây ra són tiểu. Những nguyên nhân do chế độ sinh hoạt không điều độ như uống quá nhiều nước, cà phê hay rượu bia, hút thuốc lá cũng dễ dẫn đến bệnh són tiểu. Ngoài ra, việc xạ trị vùng chậu hay các chấn thương ở cột sống cũng có thể gây ra bệnh són tiểu.
3. Những biểu hiện của bệnh són tiểu
Bệnh són tiểu có thể xảy khi có bất cứ tác động nào lên bàng quang, dù là nhỏ. Người bệnh có thể bị rỉ nước tiểu khi cười, ho hoặc rặn, hắt hơi. Khi chạy nhảy hay mang vật nặng cũng có thể bị són tiểu. Có những người còn bị són tiểu khi đang giao hợp, bởi vì mỗi tác động lên bàng quang đều có thể gây ra són tiểu cho người bệnh.
Ngoài những biểu hiện són tiểu, người bệnh còn có thể mắc chứng tiểu tiện bất thường. Người bệnh bị đi tiểu lắt nhắt nhiều lần trong ngày, tiểu đêm và đái dầm cũng là một biểu hiện của bệnh. Đôi khi nước tiểu tự trào ra và gây ra việc bị ướt quần cả ngày. Có khi người bệnh lại bị khó tiểu và phải rặn, có lúc lại buồn tiểu khi vừa tiểu xong nhưng đi lại không ra giọt nào. Cảm giác buồn tiểu của người bệnh không rõ ràng.
4. Hiện tượng són tiểu ở cuối thai kỳ
Phụ nữ mang thai ở những tháng cuối cũng có thể bị són tiểu. Nguyên nhân là do bụng bầu đôi khi sẽ tác động một áp lực nhỏ lên đường dẫn tiểu và có thể làm một vài giọt nước tiểu chảy ra ngoài một cách không kiểm soát. Hiện tượng này có thể xảy ra nhiều và trầm trọng hơn vào những ngày sắp sinh.
Đây là một hiện tượng khá bình thường khi mang thai nhưng bạn cũng cần phân biệt són tiểu và rỉ ối khi đang trong thai kỳ. Rỉ ối là hiện tượng khi mang thai nước ối bị chảy ra ngoài khi sản phụ đứng dậy hoặc khi chuyển tư thế từ nằm sang ngồi. Nước ối thường trong và không có mùi như nước tiểu.
5. Điều trị bệnh són tiểu như thế nào?
Để điều trị són tiểu kịp thời và triệt để, bạn cần đến gặp bác sĩ hoặc những chuyên gia để nhận được những lời tư vấn và chẩn đoán chính xác nhất cũng như đưa ra phác đồ điều trị đúng đắn.
Bên cạnh đó bạn cũng cần thay đổi chế độ sinh hoạt từ việc uống đủ nước, không uống quá nhiều nước hay cà phê, bia rượu. Không để tình trạng táo bón kéo dài và bắt đầu chế độ giảm cân, ăn uống lành mạnh. Quan trọng hơn hết đó là tập việc nhịn tiểu và tập đi tiểu theo giờ. Bạn cũng có thể luyện tập những bài tập thể dục cho cơ ở vùng kín, những bài tập này có thể nâng cao sức khỏe các cơ và hạn chế việc són tiểu.
Nếu són tiểu nặng thì có thể người bệnh sẽ phải thực hiện mổ, nội soi hoặc ngả âm đạo. Đặt thông tiểu ngắt quãng cũng là một biện pháp giúp điều trị bệnh són tiểu.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.