Dương vật không cứng được lâu không chỉ khiến nam giới căng thẳng, lo lắng và mất tự tin về bản thân, mà còn ảnh hưởng đến chất lượng đời sống tinh thần, tình cảm và tình dục. Vậy vì sao dương vật khó cứng và khó duy trì lâu?
1. Tổng quan
1.1. Quá trình cương cứng
Dương vật của nam giới muốn cương cứng đòi hỏi phải có sự phối hợp hoạt động của các hormone, cơ bắp, dây thần kinh và mạch máu đi kèm với điều kiện kích thích tình dục. Các tín hiệu thần kinh từ não gửi đến bộ phận sinh dục nhằm điều khiển cơ bắp thư giãn và cho phép máu chảy vào các mô bên trong “cậu bé”.
Một khi máu đã lấp đầy dương vật và đạt được sự cương cứng, các mạch máu sẽ đóng lại để sự cương cứng được duy trì. Sau khi kết thúc hưng phấn tình dục, các mạch máu mở ra và cho phép máu chảy đi.
1.2. Vấn đề cương cứng ở nam giới
Đôi lúc, một người đàn ông có thể gặp khó khăn trong việc đạt được hoặc duy trì sự cương cứng đủ mạnh và lâu để quan hệ tình dục. Các vấn đề này còn được gọi là rối loạn cương dương (ED) hoặc bất lực chức năng sinh lý.
Trường hợp này sẽ không nghiêm trọng nếu như chúng chỉ xảy ra với tần suất khoảng 20% tổng thời gian sống. Tuy nhiên, nếu tình trạng dương vật khó cứng hoặc dương vật không cứng được lâu xuất hiện thường xuyên, chiếm gần 50% thời gian sống thì có khả năng báo hiệu một vấn đề về sức khỏe sinh lý cần được thăm khám chuyên môn.
1.3. Dương vật khó cứng ở giới trẻ
Theo một số nghiên cứu, 26% nam giới từ 17 - 40 tuổi gặp rắc rối khi cương cứng ở mức độ từ trung bình đến nặng. Những số liệu thống kê gần đây cho thấy rối loạn cương dương ở nam giới có xu hướng ngày càng trẻ hóa, do đó thanh niên từ 20 - 30 tuổi cũng có thể gặp phải tình trạng dương vật không cứng được lâu.
Các vấn đề cương cứng ở nam giới trẻ tuổi có liên quan nhiều đến lối sống và tinh thần hơn là ảnh hưởng từ bệnh lý. Đây là đối tượng sử dụng nhiều thuốc lá, rượu bia và chất kích thích hơn những người đàn ông lớn tuổi. Ngoài ra, giới trẻ cũng thường xuyên lo lắng và căng thẳng hoặc dễ rơi vào trạng thái trầm cảm.
2. Nguyên nhân dương vật không cứng được lâu
2.1. Bệnh lý
Thường gặp ở những quý ông lớn tuổi, dương vật khó cứng xảy ra do rối loạn ở dây thần kinh và các mạch máu liên quan, là hệ quả của một số bệnh lý như:
- Bệnh tim hoặc xơ vữa/cứng động mạch;
- Huyết áp hoặc cholesterol tăng cao;
- Đa xơ cứng thần kinh (Multiple Sclerosis - MS);
- Bệnh gan hoặc thận;
- Cong dương vật (Peyronie);
- Tiểu đường, béo phì, Parkinson, ...
2.2. Tâm lý
Những vấn đề liên quan đến cảm xúc có thể khiến nam giới ở mọi lứa tuổi không thể bị kích thích tình dục, hay nói cách khác là dương vật không cứng. Cụ thể:
- Lo lắng về “bản lĩnh” tình dục của bản thân;
- Căng thẳng kéo dài do kinh tế, công việc và xã hội;
- Mâu thuẫn trong các mối quan hệ;
- Phiền muộn hoặc trầm cảm.
2.3. Các yếu tố tác động khác
Một số nguyên nhân khác có thể khiến dương vật không cứng được lâu bao gồm:
- Tác động của thuốc chẹn beta, lợi tiểu, giãn cơ hoặc chống trầm cảm;
- Chấn thương tủy sống hoặc bộ phận sinh dục;
- Khiếm khuyết sinh dục bẩm sinh;
- Đã từng điều trị tuyến tiền liệt.
2.4. Lối sống
Nhiều nguyên nhân của vấn đề rối loạn cương cứng có liên quan đến lối sống không lành mạnh, chẳng hạn như lạm dụng bia rượu, hút thuốc lá lâu dài, ăn uống không khoa học và lười vận động.
3. Chẩn đoán và điều trị
3.1. Chẩn đoán
Để xác định nguyên nhân khiến dương vật không cứng được lâu, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm sau:
- Công thức máu (CBC) để kiểm tra số lượng tế bào hồng cầu (RBC);
- Đo nồng độ hormone nam testosterone và prolactin;
- Theo dõi sự cương dương vật vào ban đêm khi ngủ (NPT);
- Siêu âm Duplex (kết hợp siêu âm cơ bản với siêu âm Doppler);
- Phân tích nồng độ protein và testosterone trong nước tiểu.
Ngoài ra, bác sĩ sẽ kiểm tra dương vật, trực tràng và tuyến tiền liệt, cũng như chức năng hệ thống thần kinh của bệnh nhân. Bên cạnh đó, một số thông tin liên quan đến thời điểm bắt đầu các triệu chứng và tiền sử bệnh án, sức khỏe tổng quát của người bệnh cũng sẽ được khai thác. Dựa trên kết quả chẩn đoán, phương pháp điều trị sẽ được đưa ra thích hợp với từng nguyên nhân cụ thể.
3.2. Điều trị
Mức độ nghiêm trọng của tình trạng rối loạn cương dương thường được phân loại theo 3 thang điểm: nhẹ, trung bình và nặng. Bước đầu tiên trong quá trình điều trị là xác định triệu chứng dương vật khó cứng của bệnh nhân đang ở mức độ nào.
Sau đó, có thể lựa chọn một hoặc kết hợp những biện pháp sau đây:
- Tiêm thuốc alprostadil (Caverject, Edex) vào thể hang xốp của dương vật;
- Tiêm thuốc vào Prostaglandin E1 (MUSE) niệu đạo;
- Dùng thuốc uống sildenafil (Viagra) hoặc tadalafil (Cialis);
- Phẫu thuật cấy ghép dương vật;
- Sử dụng thiết bị hỗ trợ bơm hút chân không.
4. Đề phòng dương vật khó cứng
Dương vật khó cứng hoặc dương vật không cứng được lâu là do lưu lượng máu tiếp tế đến “cậu bé” không đầy đủ và ổn định. Vì vậy cải thiện sức khỏe hệ tuần hoàn đóng vai trò quan trọng nhằm ngăn ngừa rối loạn cương dương. Bệnh nhân cần điều chỉnh lối sống lành mạnh hơn bằng cách:
- Ngừng hút thuốc lá và chất kích thích, giảm bia rượu;
- Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi và tìm đến chuyên gia tâm lý nếu cần thiết;
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, tránh chất béo không lành mạnh, quá nhiều đường và muối;
- Tập thể dục thường xuyên, ưu tiên các bài tập cardio như chạy bộ, đạp xe, bơi lội hoặc aerobics;
- Chia sẻ với bạn tình về vấn đề đang gặp phải.
Ngoài ra, điều trị và phòng ngừa những căn bệnh mãn tính, chẳng hạn như tiểu đường và tim mạch, cũng như dùng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ có thể giúp cải thiện tình trạng dương vật không cứng được lâu.
Nhìn chung, các vấn đề rối loạn cương dương khá phổ biến và có thể xảy ra với nam giới ở mọi lứa tuổi. Dương vật khó cứng khiến phái mạnh không còn ham muốn hoặc kích thích, cũng như khó đạt được cực khoái và thỏa mãn về đời sống tình dục. Việc nhận biết các dấu hiệu cảnh báo và thăm khám kịp thời sẽ giúp những phương pháp điều trị tình trạng dương vật không cứng được lâu phát huy hiệu quả.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com; webmd.com