Trẻ tiêu chảy: Khi nào nên đi khám?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS.Nguyễn Thái Ngọc Châu - Bác sĩ Nhi sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc

Bệnh tiêu chảy là bệnh đường ruột thường gặp do virus, vi khuẩn, ký sinh trùng gây ra. Trẻ được cho là bị tiêu chảy là khi đi tiêu phân lỏng nhiều nước, 3 lần hoặc nhiều hơn trong một ngày. Phụ huynh nên đưa trẻ đi khám khi thấy biểu hiện bệnh của trẻ không có dấu hiệu giảm đi.

1. Bệnh tiêu chảy có nguy hiểm không?

Tiêu chảy là một trong những nguyên nhân gây tử vong ở trẻ nhỏ - trung bình 3 - 5 triệu trẻ/năm. Tiêu chảy còn có thể gây suy dinh dưỡng và nhiễm trùng, gây tốn kém về kinh tế cho nhiều gia đình. Nguyên nhân tiêu chảy cấp phổ biến ở trẻ em là do sai lầm về dinh dưỡng, viêm dạ dày – ruột, nhiễm khuẩn toàn thể và do một số nguyên nhân khác, khác nhau tùy theo tuổi.

  • Phổ biến:

Trẻ < 1 tuổi:

Sai lầm dinh dưỡng

Viêm dạ dày ruột

Nhiễm khuẩn toàn thể

Sử dụng kháng sinh sai

Trẻ 1 - 5 tuổi:

Viêm dạ dày ruột

Ngộ độc thức ăn

Nhiễm khuẩn toàn thể

Sử dụng kháng sinh sai

Trẻ trên 5 tuổi:

Viêm dạ dày ruột

Ngộ độc thức ăn

Sử dụng kháng sinh sai

  • Ít gặp

Trẻ < 1 tuổi:

Viêm đại tràng nhiễm độc ở bệnh Hirschsprung

Thiếu disaccharidase

Hội chứng sinh dục – thượng thận

Trẻ 1 - 5 tuổi:

Ngộ độc thức ăn

Trẻ trên 5 tuổi:

Cường giáp


Tiêu chảy ở trẻ là bệnh có thể gây tử vong
Tiêu chảy ở trẻ là bệnh có thể gây tử vong

2. Các triệu chứng của bệnh tiêu chảy

  • Nhìn chung trẻ thường cảm thấy mệt mỏi, biếng ăn
  • Tính chất phân: Lỏng, màu vàng hoặc xanh, có thể kèm đàm, máu hay thức ăn không tiêu.
  • Buồn nôn hoặc nôn thức ăn
  • Sốt: Có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao, đôi khi có thể co giật
  • Đau bụng, mót rặn khi đi cầu
  • Các triệu chứng mất nước: khát nước, khô miệng, tiểu ít, mắt trũng, khóc không nước mắt, thóp trũng ở trẻ nhỏ, dấu véo da mất chậm, li bì.

3. Khi nào phụ huynh cần đưa trẻ đi khám bác sỹ?


Đưa trẻ đi khám và điều trị kịp thời
Đưa trẻ đi khám và điều trị kịp thời

  • Khi trẻ vẫn còn đi ngoài do tiêu chảy quá 3 ngày
  • Ói hoặc đi tiêu nhiều lần trong ngày
  • Đau bụng, quấy khóc nhiều
  • Các triệu chứng mất nước (chóng mặt, choáng váng, đánh trống ngực, nước tiểu ít, khô miệng,...)
  • Sốt cao liên tục trên 38,5 độ C
  • Đi tiêu lẫn máu
  • Nghi ngờ bị tiêu chảy do tả

4. Điều trị trẻ bị tiêu chảy bằng cách nào?

Bù nước: là việc làm quan trọng nhất. Các loại dung dịch bù nước có thể kể đến bao gồm dung dịch orezol, nước muối đường, nước cháo muối, nước dừa muối. Cho trẻ uống chậm, từng ngụm nhỏ.

Chế độ ăn uống: Tiếp tục bú sữa mẹ nếu trẻ đang bú. Hạn chế ăn rau, uống nước ngọt, cam vắt. Các thức ăn nấu cho trẻ cần được nấu kỹ, nhuyễn, chia thành nhiều lần trong ngày.

Các thuốc hỗ trợ: Thuốc hạ sốt, kháng sinh, men vi sinh.

Cách thức phòng ngừa tiêu chảy:

  • Không nên cho trẻ ăn quá sớm, chỉ nên cho trẻ ăn dặm khi trẻ được 4 - 5 tháng tuổi, nuôi trẻ bằng sữa mẹ đến 18-24 tháng tuổi.
  • Vệ sinh sạch sẽ: Sử dụng nước sạch trong ăn uống và sinh hoạt, rửa tay trước khi ăn, chế biến thực phẩm và sau khi đi vệ sinh
  • Thực hiện ăn chín, uống sôi (không ăn rau sống, uống nước lã, không ăn thức ăn ôi thiu, hải sản tươi sống, gỏi cá, tiết canh).
  • Vệ sinh nhà tiêu sạch sẽ
  • Hạn chế lây lan mầm bệnh bằng cách không đổ chất thải, nước giặt, rửa và đồ dùng của người bệnh xuống ao, hồ, sông, giếng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe