Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Bùi Thị Hà - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Theo thống kê, số lượng trẻ sơ sinh bị nhiễm khuẩn đang ngày một tăng lên. Có rất nhiều con đường, nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn sơ sinh. Có thể là nhiễm trùng sơ sinh qua nhau thai, nhiễm trùng sơ sinh qua màng ối hoặc nhiễm trùng sơ sinh khi sinh con.
1. Những con đường lây nhiễm của bệnh lý nhiễm trùng sơ sinh
1.1.Nhiễm trùng sơ sinh do trong thai kỳ
Chủ yếu gặp các yếu tố nhiễm trùng từ phía người mẹ sau đó lây nhiễm cho trẻ qua đường máu, nhau thai, màng ối. Nhau thai là bộ phận gắn liền giữa mẹ và thai nhi, giúp cung cấp máu và các chất dinh dưỡng cũng như các kháng thể từ cơ thể mẹ sang cơ thể của trẻ. Do vậy, các nhiễm trùng ở mẹ có thể qua nhau thai mà lây nhiễm sang cho bé.
Nhiễm trùng sơ sinh qua nhau thai
Nhiễm trùng sơ sinh qua đường máu (lây từ mẹ sang con), thường gặp trong các trường hợp sau:
- Người mẹ bị sốt trước và trong khi có thai, xét nghiệm có CRP (+), chỉ số bạch cầu tăng cao.
- Người mẹ có các ổ nhiễm trùng ở tử cung như viêm nội mạc tử cung.
- Nhiễm khuẩn bánh rau
- Mẹ bị giang mai, HIV, rubella,...
Nhiễm trùng sơ sinh qua màng ối
Trẻ bị nhiễm trùng sơ sinh qua màng ối khi:
- Mẹ bị nhiễm trùng ối, màng ối, trong ối có mủ hay có mùi bất thường.
- Trường hợp bị cạn ối sớm, thời gian vỡ ối kéo dài trên 18 giờ.
- Thời gian chuyển dạ kéo dài trên 12 giờ.
- Người mẹ bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu sinh dục trước sinh nhưng điều trị chưa triệt để hoặc điều trị chưa đúng.
- Mẹ bị thăm khám âm đạo nhiều trong quá trình mang thai dẫn đến tổn thương và nhiễm trùng màng ối.
- Người mẹ bị hở cổ tử cung tạo điều kiện cho các vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào bên trong gây viêm nhiễm khuẩn túi ối.
1.2.Nhiễm trùng sơ sinh khi sinh con
Trong quá trình sinh con đặc biệt là sinh thường, trẻ sẽ phải đi qua đoạn ngang tử cung, âm đạo hay âm hộ. Điều đó cũng là một yếu tố thuận lợi khiến cho vi khuẩn dễ dàng xâm nhập và gây nên các nhiễm trùng ở trẻ.
Các yếu tố ngoài thai làm tăng nguy cơ nhiễm trùng sơ sinh cho trẻ bao gồm:
- Trường hợp mẹ bị nhiễm khuẩn vùng bộ phận sinh dục gây viêm da, niêm màng vùng kín sẽ dễ lây nhiễm sang trẻ trong quá trình chuyển dạ sinh thường.
- Trong quá trình chuẩn bị cho quá trình sinh, do chưa đảm bảo được vấn đề vệ sinh về phòng ốc, giường bệnh và các vật dụng trong phòng đẻ cũng sẽ làm tăng nguy cơ mắc nhiễm trùng sau sinh cho trẻ.
- Do các kỹ thuật thực hiện các thủ thuật trong cuộc đẻ như thở oxy, truyền tĩnh mạch, đặt nội khí quản hay đặt catheter.
- Bị nhiễm khuẩn chéo do nằm chung với người bệnh.
Các yếu tố nhiễm trùng từ phía thai:
- Trong quá trình sinh trẻ bị ngạt, có hiện tượng suy hô hấp, non tháng.
- Trẻ bị quá thấp cân so với tuổi thai.
- Chỉ số apgar thấp khi sinh, đặc biệt là trong 10 phút đầu của cuộc đẻ.
- Trẻ bị sang chấn do các kỹ thuật trong quá trình sinh.
1.3.Nhiễm trùng sau sinh
Sau sinh, trẻ bị nhiễm khuẩn chủ yếu do vấn đề chăm sóc và dinh dưỡng chưa đảm bảo. Việc lây nhiễm ở đây có thể là trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua không khí, dịch, nước bọt...khi mọi người bế ẵm, hôn thơm trẻ. Trẻ bị suy dinh dưỡng có sức đề kháng yếu sẽ dễ bị mắc các bệnh nhiễm trùng mà hay gặp là nhiễm trùng da và nhiễm trùng đường hô hấp.
Giữ vệ sinh cho trẻ chưa đúng cách: Không thay quần áo hay tã cho trẻ khi trẻ bị nôn trớ hay đi vệ sinh, không tắm vệ sinh người cho trẻ thường xuyên hoặc tắm cho trẻ không đúng kỹ thuật.
Chăm sóc vùng rốn chưa tốt. Ở trẻ sơ sinh, nhất là những ngày tuổi đầu đời, vùng rốn vẫn còn dây rốn nên rất dễ bị viêm nhiễm. Người mẹ cần lưu ý vệ sinh bằng dung dịch sát khuẩn cho trẻ, để vùng rốn thường xuyên được khô ráo và để rốn rụng tự nhiên.
Tiếp xúc với nhiều người lạ, khả năng giữ gìn vệ sinh trong giao tiếp với trẻ cũng sẽ bị hạn chế, đồng nghĩa với việc trẻ có nguy cơ tiếp xúc với nhiều nguồn bệnh và vi khuẩn hơn.
Mẹ mắc các vấn đề viêm nhiễm về da liễu hay các vùng thường xuyên tiếp xúc với trẻ như ngực nhưng không điều trị nên bị lây nhiễm sang cho trẻ trong quá trình chăm con.
Khi phát hiện trẻ có những biểu hiện bất thường như sốt, bỏ bú, quấy khóc, mẩn ngứa...không báo bác sĩ mà tự ý dùng thuốc khiến tình trạng nhiễm trùng xảy ra nhanh và nghiêm trọng hơn.
2. Khi nào thì nên đưa trẻ đi khám?
Nhiễm khuẩn sơ sinh không phải lúc nào cũng có các biểu hiện rõ ràng trên lâm sàng. Nó còn tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ cũng như thể trạng sức khỏe của trẻ tại thời điểm bị bệnh. Hãy cho trẻ đến gặp bác sĩ khi trẻ có những biểu hiện sau:
- Trẻ có biểu hiện sốt cao hoặc gai lạnh.
- Trẻ bị co giật.
- Trẻ bú khó hoặc thậm chí không bú được.
- Trẻ quá nhẹ cân so với tuổi
- Có biểu hiện khó thở.
- Có chảy máu hoặc bị đi ngoài.
- Vàng da, màu không thay đổi khi chiếu đèn.
- Đỏ tấy hoặc chảy mủ vùng rốn.
- Đột nhiên thấy trẻ có các mẩn đỏ hay nổi nốt trên da mà không rõ nguyên nhân.
Nhiễm trùng sơ sinh có rất nhiều con đường lây nhiễm và biểu hiện lâm sàng cũng đa dạng. Hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ kịp thời khi có những biểu hiện lạ để thăm khám phát hiện bệnh sớm và có hướng điều trị tốt.
Khoa nhi tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ tiếp nhận và thăm khám các bệnh lý mà trẻ sơ sinh cũng như trẻ nhỏ dễ mắc phải: sốt virus, sốt vi khuẩn, viêm tai giữa, viêm phổi ở trẻ,....Với trang thiết bị hiện đại, không gian vô trùng, giảm thiểu tối đa tác động cũng như nguy cơ lây lan bệnh. Cùng với đó là sự tận tâm từ các bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên môn với các bệnh nhi, giúp việc thăm khám không còn là nỗi trăn trở của các bậc cha mẹ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.