Nam giới bị bệnh tiểu đường sẽ gây ra những ảnh hưởng nhất định đến vấn đề tình dục. Học cách tự kiểm soát lượng đường trong máu ở mức an toàn, khám bệnh định kỳ và nhận các tư vấn cần thiết từ các bác sĩ điều trị.
1. Rối loạn cương dương (ED) do tiểu đường
Với rối loạn cương dương, một người đàn ông không có khả năng giữ dương vật cương cứng trong suốt thời gian quan hệ tình dục. Đàn ông mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ mắc ED cao gấp ba lần người bình thường. Nam giới độ tuổi càng cao thì tỷ lệ mắc ED càng lớn.
Những trường hợp dưới đây không phải là ED:
- Thỉnh thoảng gặp sự cố khi cương cứng: Điều đó thực sự xảy ra với tất cả mọi người.
- Ít quan tâm đến tình dục: ED xảy ra khi một người đàn ông muốn quan hệ tình dục nhưng không thể cương cứng.
- Các vấn đề với xuất tinh: có thể là do có vấn đề trong cấu trúc của dương vật.
Nếu sự cố về cương dương xảy ra thường xuyên làm ảnh hưởng đến cuộc sống tình dục thì nên gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị.
Đàn ông mắc bệnh tiểu đường có nhiều khả năng mắc bệnh tim, ED có thể là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề về mạch máu. Nếu bị cả bệnh tim và ED thì nên gặp bác sĩ để được điều trị kịp thời. Một số loại thuốc ED không an toàn khi dùng cùng với một số loại thuốc tim mạch, vì vậy hãy cho bác sĩ biết về bất kỳ loại thuốc nào mà đang dùng.
2. Nguyên nhân của rối loạn cương dương (ED)
- Do đường huyết cao hoặc huyết áp cao làm tổn hại đến các dây thần kinh và mạch máu cần thiết để cương cứng.
- Một số loại thuốc điều trị huyết áp cao, trầm cảm hoặc dị ứng (đừng bỏ thuốc, nhưng hãy gặp bác sĩ để được tư vấn dùng một loại thuốc khác hoặc giảm liều).
- Điều trị ung thư tuyến tiền liệt hoặc sưng tuyến tiền liệt
- Phẫu thuật ảnh hưởng đến vùng chậu hoặc tủy sống
- Sử dụng thuốc lá hoặc rượu
- Rối loạn giấc ngủ
Điều quan trọng là đến gặp bác sĩ để tìm hiểu xem có bất kỳ nguyên nhân nào trong số những nguyên nhân này gây ra ED.
3. Điều trị rối loạn cương dương (ED)
Với đa số nam giới, vấn đề về ED là một vấn đề tế nhị và rất khó mở lời. Tuy nhiên là hơn 95% nam giới bị ED có thể được điều trị thành công.
- Thuốc: Nếu người bệnh có chức năng thần kinh bình thường có thể dùng các loại thuốc làm tăng lưu lượng máu đến dương vật. Đôi khi, những loại thuốc này không có tác dụng tốt đối với những người mắc bệnh tiểu đường và KHÔNG nên dùng với những người bị bệnh tim mạch nếu thuốc điều trị tim mạch chứa nitrat. Hãy chắc chắn kiểm tra với bác sĩ về bất kỳ tương tác thuốc có thể xảy ra.
- Testosterone: Đôi khi có testosterone thấp (T thấp) có thể gây ra ED. Đàn ông mắc bệnh tiểu đường có khả năng mắc T thấp gấp đôi so với những người đàn ông không mắc bệnh tiểu đường. Uống testosterone có thể giúp sự cương cứng bình thường hoặc giúp thuốc ED hoạt động tốt hơn. Tuy nhiên, nó cũng có thể gây hạ đường huyết và tăng huyết áp, vì vậy hãy đảm bảo kiểm tra thường xuyên để phát hiện và kiểm soát đường huyết và huyết áp.
- Thiết bị chân không: Đây là một ống nhựa vừa với dương vật, tạo ra chân không áp suất thấp làm cương cứng dương vật. Một vòng đàn hồi được trượt vào gốc dương vật để giữ máu và duy trì sự cương cứng. Với thiết bị này, khoảng 75% nam giới có thể cương cứng đủ để quan hệ tình dục.
- Tiêm hoặc thuốc đạn: Để cương cứng ngay trước khi quan hệ, nam giới có thể tiêm thuốc vào bên cạnh dương vật bằng kim rất nhỏ, hoặc đặt một viên thuốc nhỏ vào niệu đạo.
- Cấy ghép: Cấy ghép được thực hiện bằng phẫu thuật, thường được khuyến nghị nếu các phương pháp điều trị khác không có hiệu quả. Tuy nhiên, nếu gặp khó khăn trong việc kiểm soát lượng đường trong máu, khả năng bị nhiễm trùng sau phẫu thuật sẽ cao hơn và bác sĩ có thể khuyên không nên cấy ghép.
Đôi khi điều trị ED có thể gây cương cứng kéo dài. Nếu thời gian cương cứng kéo dài hơn 2 - 4 giờ, hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức. Tình trạng rất đau đớn này có thể dẫn đến biến chứng vĩnh viễn nếu không được điều trị kịp thời.
4. Các vấn đề sức khỏe khác liên quan đến bệnh tiểu đường ở nam giới
Ngoài ED, tổn thương thần kinh do bệnh tiểu đường có thể gây ra các vấn đề khác cho nam giới, bao gồm:
- Bàng quang hoạt động quá mức (đi tiểu thường xuyên, tiểu đêm nhiều, rò rỉ nước tiểu)
- Đi tiểu không tự chủ (rò rỉ nước tiểu)
- Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI)
- Xuất tinh ngược (tinh dịch được giải phóng vào bàng quang)
Tình trạng này cảnh báo cần thay đổi cách quản lý bệnh tiểu đường.
5. Điều trị bệnh tiểu đường
Luôn giữ cho lượng đường trong máu ổn định hoặc gần với mục tiêu để tránh làm giảm tổn thương thần kinh và mạch máu. Thói quen lành mạnh giúp duy trì cuộc sống lành mạnh, ăn thực phẩm tốt cho sức khỏe, kiểm tra lượng đường trong máu, kiểm soát huyết áp và mức cholesterol và gặp bác sĩ đúng hẹn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.