Thế nào là kháng nguyên, kháng thể?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Trần Quốc Tuấn - Trưởng đơn nguyên hồi sức - ICU - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc

Một số loại bệnh nhiễm trùng nhất định và một số rối loạn có thể xác định nhờ xét nghiệm kháng nguyên và kháng thể. Vậy kháng nguyên, kháng thể là gì?

I. Kháng nguyên

1. Định nghĩa kháng nguyên

Kháng nguyên (antigen) là những chất khi xâm nhập vào cơ thể người thì được hệ thống miễn dịch nhận biết và sinh ra các kháng thể tương ứng. Đây có thể là kháng thể dịch thể hoặc kháng thể tế bào có đặc tính kết hợp đặc hiệu hoặc kích thích đáp ứng miễn dịch với kháng nguyên ấy.

Đáp ứng này có thể dương tính hoặc âm tính. Đáp ứng dương tính nghĩa là cơ thể sinh globulin miễn dịch chống lại, kháng nguyên đã kích thích cơ thể sản xuất ra kháng thể đó. Đáp ứng âm tính là trạng thái khi cơ thể tiếp xúc với kháng nguyên, cơ thể dung nạp với kháng nguyên đó, nghĩa là các tế bào miễn dịch đã không đáp ứng để tạo ra kháng thể. Trạng thái này rất quan trọng trong việc cơ thể chấp nhận hay loại trừ các kháng nguyên sau khi xâm nhập vào cơ thể.

2. Phân loại kháng nguyên

2.1 Theo tính tương đồng gen học

  • Kháng nguyên khác loài (xanoantigen): Kháng nguyên của các loài khác nhau;
  • Kháng nguyên đồng loài (alloantigen) nhưng khác gen: Do tính đa dạng gen học mà từng cá thể khác nhau trong một loài có những gen khác nhau;
  • Tự kháng nguyên (antoantigen): Bình thường cơ thể không sinh ra kháng thể chống lại các tổ chức của mình. Trong một số trường hợp (do các yếu tố bên ngoài hoặc bên trong) làm biến đổi cấu trúc một số kháng nguyên bản thân, biến chúng thành tự kháng nguyên, hệ thống miễn dịch sinh kháng thể chống lại kháng nguyên bản thân, gây ra bệnh tự miễn.

2.2 Theo bản chất hóa học

  • Glucid: Polyosid là những đại phân tử, có tính sinh kháng thể mạnh;
  • Lipid: Các lipid đơn thuần không có tính kháng nguyên. Khi lipid gắn với protein hoặc với glucid thì mới kích thích được cơ thể sinh kháng thể;
  • Protein: Là loại kháng nguyên phổ biến nhất trong tự nhiên và có tính kháng nguyên tốt.

2.3 Theo cơ chế gây miễn dịch

  • Kháng nguyên phụ thuộc tuyến ức;
  • Kháng nguyên không phụ thuộc tuyến ức.

Kháng nguyên (antigen)
Kháng nguyên (antigen)

2.4 Theo quyết định kháng nguyên

  • Kháng nguyên đơn giá: Kháng nguyên trên phân tử chỉ chứa một loại quyết định kháng nguyên;
  • Kháng nguyên đa giá: Kháng nguyên trên phân tử chứa nhiều loại quyết định kháng nguyên;
  • Kháng nguyên chéo: Những loại kháng nguyên khác nhau nhưng chứa một hoặc nhiều loại quyết định kháng nguyên giống nhau. Kháng nguyên chéo hay gặp giữa các loại vi khuẩn như E.coli với Shigella hoặc với phế cầu;
  • Giá của kháng nguyên (hóa trị của kháng nguyên): Là số lượng tối đa các quyết định kháng nguyên có khả năng kết hợp cùng một lúc với kháng thể tương ứng.

2.5. Theo đặc tính miễn dịch của kháng nguyên

  • Kháng nguyên hoàn toàn (complete antigen) là những kháng nguyên có khả năng kích thích đáp ứng miễn dịch (sinh miễn dịch) và kết hợp đặc hiệu với kháng thể. Kháng nguyên này thường là polypeptid hoặc phức hợp protit;
  • Bán kháng nguyên (hapten) là những kháng nguyên không có khả năng kích thích sinh kháng thể nhưng khi gặp kháng thể thì kết hợp đặc hiệu. Bản chất các kháng nguyên này thường là acid nucleic, lipid hoặc polysaccharid.

II. Kháng thể

1. Định nghĩa kháng thể

Kháng thể (antibody) là những chất được sản xuất khi cơ thể con người nhận biết được sự xâm nhập của các sinh vật lạ. Kháng thể sẽ giúp tiêu diệt vi khuẩn có hại và bảo vệ cơ thể. Cơ thể nào có khả năng hình thành kháng thể càng mạnh thì khả năng miễn dịch chống lại các bệnh nhiễm khuẩn càng cao.

2. Phân loại kháng thể

Hiện nay qua nghiên cứu, các nhà khoa học nhận biết và phân loại một số loại kháng thể như sau:

  • IgG: Là kháng thể phổ biến nhất trong máu, trong sữa non và các dịch mô. IgG xuyên qua nhau thai, bảo vệ con trong những tuần lễ đầu đời sau khi sinh, khi hệ miễn dịch của trẻ chưa phát triển;
  • IgA: Chiếm khoảng 15 - 20% trong máu, trong sữa non, nước mắt và nước miếng nước bọt. Khi IgA được được tiết ra ở đâu thì chúng chống lại các tác nhân gây bệnh tại đó;
  • IgM: Là lớp miễn dịch đầu tiên được tổng hợp ở trẻ sơ sinh. Kết hợp với các kháng nguyên đa chiều như virus và hồng cầu, giúp tiêu diệt kháng nguyên xấu, bảo vệ cơ thể;
  • IgE: Chiếm tỷ lệ khá lớn và giữ vai trò trong phản ứng quá mẫn cấp cũng như trong cơ chế miễn dịch chống ký sinh trùng;
  • IgD: Chiếm tỷ lệ ít nhất chỉ 1% trên màng tế bào, dị hoá nhanh và rất dễ bị thuỷ phân bởi enzyme plasmin trong quá trình đông máu, vì vậy, IgD là kháng thể có ít chức năng nhất trong quá trình hoạt hoá kháng nguyên.

5 loại kháng thể hiện nay
5 loại kháng thể hiện nay

III. Sự khác biệt giữa kháng nguyên và kháng thể

Sau đây là một số khác biệt giữa kháng nguyên và kháng thể:

Kháng nguyên Kháng thể
Là bất kỳ chất nào kích thích hệ thống miễn dịch tạo ra kháng thể. Các kháng nguyên có thể là vi khuẩn, virus hoặc nấm gây nhiễm trùng và bệnh tật. Được gọi là Globulin miễn dịch, có dạng các phân tử hình chữ Y, là các protein được sản xuất bởi cơ thể giúp chống lại các vật thể lạ xâm nhập vào cơ thể.
Protein nói chung, có thể là chất béo, carbohydrate hoặc axit nucleic. Các kháng thể là các protein.
Kích hoạt sự hình thành các kháng thể. Các trang biến có lãnh thổ kháng nguyên.
Có ba loại kháng nguyên cơ bản (xanoantigen, alloantigen, antoantigen). Có năm loại kháng thể cơ bản (Immunoglobulin M, G, E, D và A).
Vùng của kháng nguyên tương tác với các kháng thể được gọi là Epitope. Vùng biến đổi của kháng thể đặc biệt liên kết với một Epitope được gọi là Paratope.
Là nguyên nhân tạo ra các phản ứng khi có dị ứng hoặc bệnh tật. Bảo vệ cơ thể bằng cách cố định hoặc phân tán vật liệu kháng nguyên.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe