Tắc động mạch ngoại biên: Những điều cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lã Thị Thùy – Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Tắc động mạch ngoại biên, bệnh lý gây nhiều hậu quả nghiêm trọng, có thể dẫn tới tàn phế, hiện chưa được nhiều người biết đến.

1. Tắc động mạch ngoại biên là gì?

Tắc động mạch ngoại biên là bệnh lý tắc nghẽn ở các động mạch ngoại biên, do mảng xơ vữa và huyết khối. Các động mạch ngoại biên là các động mạch cấp máu cho các chi, không bao gồm động mạch nuôi tim và não.

Tắc động mạch ngoại biên là một bệnh lý thuộc nhóm bệnh mạch máu ngoại biên.

2. Nguyên nhân của bệnh tắc động mạch ngoại biên?

Nguyên nhân chính gây tắc động mạch ngoại biên là do các mảng xơ vữa. Mỡ và các chất khác lắng đọng trên thành mạch, làm lòng mạch bị hẹp lại. Những chất lắng đọng này tạo nên mảng bám vào lớp nội mạc thành mạch, tạo thành mảng xơ vữa. Mảng xơ vữa phát triển dần gây hẹp, thậm chí gây tắc nghẽn hoàn toàn lòng mạch.


Xơ vữa gây tắc động mạch ngoại biên
Xơ vữa gây tắc động mạch ngoại biên

3. Các yếu tố làm tăng nguy cơ bị tắc động mạch ngoại biên?

Tắc động mạch ngoại biên có các yếu tố nguy cơ có thể kiểm soát được và các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi, bao gồm:

  • Các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được như:
    • Tuổi: Tắc động mạch ngoại biên có xu hướng tăng lên cùng với sự gia tăng của tuổi thọ; với độ tuổi > 70 tuổi, khoảng 20% dân số bị tắc động mạch ngoại biên.
    • Tiền sử gia đình bị bệnh động mạch ngoại biên, bệnh tim mạch hay đột quỵ.
  • Những yếu tố nguy cơ có thể kiểm soát được như:
    • Hút thuốc lá: Là nguy cơ chính của bệnh tắc động mạch ngoại biên; những người hút thuốc có nguy cơ bị tắc động mạch ngoại biên sớm hơn khoảng 10 năm so với những người không hút thuốc.
    • Béo phì: Tăng nguy cơ lắng đọng mỡ dư thừa vào thành mạch (vữa xơ mạch máu).
    • Mỡ máu cao: Tăng nguy cơ vữa xơ mạch (do tăng lắng đọng chất béo ở thành động mạch).
    • Đái tháo đường: Lớp nội mạc mạch dễ bị tổn thương, từ đó làm tăng nguy cơ lắng đọng mỡ dư thừa vào thành mạch.
    • Tăng huyết áp: Áp lực trong thành mạch tăng lên, gây tổn thương thành mạch và gây lắng đọng mỡ vào thành mạch.
    • Ít vận động

4. Triệu chứng khi mắc bệnh tắc động mạch ngoại biên?

Gần 75% bệnh nhân bị tắc động mạch ngoại biên không biểu hiện triệu chứng, khiến bệnh không được phát hiện ra. Khi mắc bệnh, bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng sau:

  • Triệu chứng thường gặp nhất là chuột rút ở vùng đùi, hông và bắp chân, xuất hiện khi đi bộ, trèo cầu thang; triệu chứng này đỡ hoặc hết khi được nghỉ ngơi, nhưng đi tiếp thì lại đau (gọi là cơn đau cách hồi).
  • Đau: đau chân do tắc động mạch ngoại biên thường xuất hiện ở cơ chứ không phải ở khớp. Thông thường, cường độ đau tỉ lệ thuận với mức độ tắc. Riêng những bệnh nhân đái tháo đường thì có thể bị lẫn bởi triệu chứng đau, tê bì ở bàn chân hoặc đùi do biến chứng thần kinh của đái tháo đường.

Khi bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng sau nghĩa là bệnh đã nặng:

  • Đau chân không đỡ khi nghỉ ngơi.
  • Vết thương ở bàn chân, ngón chân khó lành.
  • Hoại tử bàn chân, ngón chân.
  • Chân bên bị bệnh lạnh hơn chân lành, hoặc lạnh hơn so với các phần chi phía trên.

Đau chân không đỡ khi nghỉ ngơi
Đau chân không đỡ khi nghỉ ngơi

5. Ý nghĩa của việc phát hiện sớm bệnh tắc động mạch ngoại biên?

Việc phát hiện sớm bệnh tắc động mạch ngoại biên có vai trò rất quan trọng. Ngoài giải quyết sớm tình trạng thiếu máu chi trước khi xảy ra những biến chứng nặng nề như phải cắt cụt chi do hoại tử, người bị tắc động mạch ngoại biên thường bị xơ vữa ở cả các động mạch khác, bao gồm các động mạch cấp máu cho tim và não. Trên thực tế, bệnh nhân bị tắc động mạch ngoại biên phải đối mặt với nguy cơ nhồi máu cơ tim hay đột quỵ cao gấp 6 - 7 lần so với người không mắc bệnh. Như vậy phát hiện sớm và điều trị kịp thời tắc động mạch ngoại biên không những tránh được cho bệnh nhân khỏi nguy cơ tàn phế mà còn giúp bảo vệ tính mạng cho người bệnh.

6. Điều trị tắc động mạch ngoại biên như thế nào?

Mục tiêu điều trị bệnh tắc động mạch ngoại biên là giảm triệu chứng đau và phòng tránh hậu quả xấu do bệnh gây ra. Dựa trên thăm khám cụ thể ở từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định phù hợp. Các phương pháp điều trị làm chậm sự tiến triển hay đẩy lùi triệu chứng của bệnh gồm có thay đổi lối sống, chế độ tập luyện, điều trị nội khoa. Riêng những trường hợp tổn thương nặng, người bệnh có thể cần đến các phương pháp can thiệp như đặt stent hoặc phẫu thuật để tránh biến chứng cắt cụt chi.

  • Chế độ luyện tập: luyện tập là phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho bệnh tắc động mạch ngoại biên. Dựa trên tình trạng cụ thể bác sĩ sẽ đề xuất chế độ tập luyện sao cho phù hợp. Mặc dù hiệu quả xuất hiện chậm, nhưng kiên trì luyện tập có thể làm giảm triệu chứng của bệnh sau vài tháng, và đây là biện pháp điều trị cơ bản cho tất cả các bệnh nhân bị tắc động mạch ngoại biên. Người bệnh có thể tập luyện và theo dõi tại các trung tâm phục hồi chức năng hoặc tự tập theo chế độ đã được bác sĩ chỉ định.
  • Thay đổi lối sống:
    • Mỡ máu cao xuất hiện ở nhiều bệnh nhân. Bên cạnh sử dụng thuốc điều trị, một chế độ ăn ít cholesterol và mỡ bão hoà rất cần thiết để làm giảm mỡ máu, hạn chế tình trạng vữa xơ.
    • Bỏ thuốc lá: bỏ hút thuốc giúp làm chậm tiến triển của bệnh cũng như hạn chế các bệnh liên quan đến tim mạch khác.
  • Điều trị bằng thuốc: để đạt kết quả tốt, bệnh nhân cần dùng thuốc tuân theo đúng chỉ định của bác sĩ.
  • Phương pháp can thiệp và phẫu thuật: với một số trường hợp, dựa trên mức độ và tính chất tổn thương, bác sĩ sẽ chỉ định can thiệp đặt stent động mạch hoặc phẫu thuật. Tuy nhiên sau khi được can thiệp, bệnh nhân cần phải kiên trì sử dụng thuốc theo đúng chỉ định cũng như duy trì luyện tập, điều chỉnh chế độ ăn mới có thể đạt hiệu quả cao nhất.

Bệnh nhân tắc động mạch ngoại biên cần kiên trì tập luyện
Bệnh nhân tắc động mạch ngoại biên cần kiên trì tập luyện

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe