Yếu tố nguy cơ và triệu chứng tắc động mạch phổi cấp

Tắc động mạch phổi cấp là một trong 3 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu có liên quan đến bệnh tim mạch hiện nay. Đây là căn bệnh thường gặp tuy nhiên lại rất khó để chẩn đoán chính xác bởi dễ nhầm lẫn với bệnh khác. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh nhân bị tắc động mạch phổi cấp có khả năng tử vong lên đến 30%.

1. Tắc động mạch phổi cấp là gì?

Hiện tượng tắc ít nhất một động mạch phổi hoặc nhánh động mạch phổi, thường do huyết khối từ tĩnh mạch sâu di chuyển lên được gọi là tắc động mạch phổi. Đây là một căn bệnh rất khó được chẩn đoán chính xác bởi rất dễ nhầm lẫn với bệnh khác. Tùy thuộc vào trang bị của từng cơ sở y tế, khả năng chẩn đoán và điều trị cũng sẽ có sự khác nhau, dù có trang thiết bị đầy đủ, tuy nhiên nếu không nghĩ đến thì cũng không thể chẩn đoán được tắc động mạch phổi. Nếu không được chẩn đoán và điều trị phù hợp thì bệnh nhân có tỷ lệ tỷ vong lên tới 30%.

Tắc nghẽn mạch phổi cấp tính thường bắt nguồn từ huyết khối có nguồn gốc trong hệ thống tĩnh mạch sâu chi dưới. Đôi khi, nó cũng bắt nguồn từ tĩnh mạch chậu hông, tĩnh mạch thận, các buồng tim bên phải hoặc tĩnh mạch chi trên, tuy nhiên khá hiếm gặp. Huyết khối lượng lớn có thể dừng tại các nhánh của động mạch phổi chính hoặc nhánh thùy và gây ra sự biến đổi bệnh lý về huyết động học sau khi đi vào phổi.


Tắc nghẽn động mạch phổi có nguy cơ gây tử vong cao
Tắc nghẽn động mạch phổi có nguy cơ gây tử vong cao

Huyết khối thuyên tắc phổi là một biến chứng của huyết khối tĩnh mạch nằm bên dưới. Huyết khối nhỏ được hình thành và ly giải liên tục trong hệ thống tuần hoàn tĩnh mạch trong điều kiện bình thường. Nếu trong động mạch phổi có sự xuất hiện của huyết khối, nó sẽ chặn lưu lượng máu đến phổi để nhận lấy oxy. Nồng độ oxy trong cơ thể giảm xuống một cách nguy hiểm nếu không đủ máu để nhận được oxy và di chuyển sang tim trái, đồng thời gây tổn thương cho tất cả các cơ quan trong cơ thể, bao gồm cả não, thận và tim. Mức độ nghiêm trọng của bệnh phụ thuộc vào lưu lượng máu không đến được phổi là bao nhiêu.

Bên cạnh đó, áp suất dội ngược lên tim phải do tắc nghẽn mạch phổi, khiến tim phải có thể bị phình to và co bóp trở nên nặng nề hơn. Huyết áp cũng bị giảm xuống nếu tim không thể bơm đủ máu.

Những tác động này đều có thể là nguyên nhân dẫn đến tử vong, hoặc là đột ngột hoặc sau khi tắc mạch phổi một thời gian mà không được điều trị.

Bên cạnh đó, có một số chất khác được coi là nguyên nhân gây tắc động mạch phổi như mỡ tủy xương sau gãy xương, một phần của khối u, bong bóng khí. Song huyết khối tĩnh mạch sâu vẫn là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tắc động mạch phổi, vì thế nên một số bác sĩ gắn liền hai vấn đề tắc động mạch phổi và huyết khối tĩnh mạch sâu với nhau.


Tắc nghẽn mạch làm tăng áp suất lên tim
Tắc nghẽn mạch làm tăng áp suất lên tim

2. Triệu chứng tắc động mạch phổi cấp

Triệu chứng thường gặp nhất ở bệnh nhân bị tắc động mạch phổi cấp là đau ngực kiểu màng phổi đột ngột với cơn đau thường tăng khi ho, hắt hơi, ăn uống, hít sâu, vặn mình...khó thở. Với một số trường hợp khác, các triệu chứng của bệnh lại không biểu hiện rõ ràng. Thay vào đó, những thay đổi huyết động nặng nề, tụt huyết áp, sốc, hôn mê có thể xuất hiện. Một triệu chứng khác của tắc động mạch phổi là tình trạng ho ra máu.

Để chẩn đoán tắc động mạch phổi, các bác sĩ dựa vào các yếu tố nguy cơ, lâm sàng và xét nghiệm. Tiêu chuẩn vàng của tắc động mạch phổi là MSCT, tuy nhiên chỉ những bệnh viện có cơ sở vật chất kỹ thuật tốt mới thực hiện được với chi phí cao.

Tùy vào tình trạng của người bệnh, sau khi chẩn đoán xác định, bác sĩ có thể dùng thuốc chống đông, tiêu sợi huyết (làm tan huyết khối), hoặc phẫu thuật.

3. Yếu tố nguy cơ của tắc động mạch phổi

Dưới đây là các yếu tố nguy cơ của tắc động mạch phổi, bao gồm:

  • Tuổi cao ( trên 70 tuổi)
  • Người bệnh nằm bất động lâu ngày, nằm trên giường bệnh trong khoảng thời gian dài sau khi phẫu thuật hoặc bị chấn thương nặng
  • Các vấn đề y tế như bệnh tim mạch
  • Bất thường mạch máu, chẳng hạn như giãn tĩnh mạch
  • Mắc một số bệnh khác như ung thư hoặc bệnh tim
  • Phụ nữ mang thai hoặc trong vòng 6 tuần sau sinh
  • Người bệnh hút thuốc
  • Béo phì

Béo phì làm tăng nguy cơ tắc động mạch phổi
Béo phì làm tăng nguy cơ tắc động mạch phổi

  • Di chuyển bằng xe hơi hoặc máy bay đường dài mà không dừng hoặc đi lại xung quanh
  • Sử dụng thuốc tránh thai hoặc thuốc hormone
  • Từng có tiền sử cục máu đông
  • Người bệnh không dùng thuốc làm loãng máu đã kê toa
  • Tình trạng di truyền như rối loạn đông máu
  • Sử dụng estrogen
  • Đau ngực kiểu màng phổi
  • Ngất
  • Tụt huyết áp hoặc sốc
  • Ho ra máu

Khả năng có cục máu đông càng cao khi càng nhiều yếu tố nguy cơ xuất hiện. Huyết khối tĩnh mạch sâu có thể được ngăn chặn nếu nhận biết được đối tượng có nguy cơ cao.

Tắc nghẽn động mạch phổi cấp là một tình trạng cấp cứu, đòi hỏi được chẩn đoán và điều trị kịp thời vì người bệnh có nguy cơ tử vong cao nếu không được điều trị. Do các triệu chứng lâm sàng của bệnh thường quy không đặc hiệu nên việc chẩn đoán bệnh còn gặp nhiều khó khăn. Cần thực hiện áp dụng các quy trình chẩn đoán phù hợp với từng cơ sở chữa trị bệnh.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe