Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Võ Công Hiền - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Chụp mạch máu cộng hưởng MRA có thể cung cấp các hình ảnh mang lại giá trị chẩn đoán cao, giúp bác sĩ xác định nguồn gốc các tổn thương mạch máu, từ đó có phương pháp điều trị phù hợp.
1. Chụp mạch máu cộng hưởng từ MRA là gì?
Có thể nhiều người đã nghe nói đến kỹ thuật chụp cộng hưởng từ MRI nhưng vẫn còn xa lạ với thuật ngữ chụp mạch máu cộng hưởng từ MRA. Chụp mạch máu cộng hưởng từ MRA (Magnetic Resonance Angiography) là một dạng chụp cộng hưởng từ MRI đặc biệt, giúp khảo sát tim và các mạch máu trong cơ thể.
Chụp mạch máu cộng hưởng từ MRA là kỹ thuật an toàn, không xâm lấn. Trong quá trình chụp, người bệnh sẽ nằm bên trong máy quét hình ảnh cộng hưởng từ. Máy có dạng một ống lớn, giống như đường hầm. Trong nhiều trường hợp, để giúp hình ảnh mạch máu thu được rõ nét hơn, người bệnh sẽ được tiêm thuốc tương phản từ đường tĩnh mạch.
Chụp MRA có thể cung cấp các hình ảnh mang lại giá trị chẩn đoán cao, giúp bác sĩ xác định nguồn gốc các tổn thương mạch máu và lên kế hoạch điều trị phù hợp. Trong nhiều trường hợp, chụp mạch máu cộng hưởng từ MRA có thể cung cấp những thông tin mà các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác như siêu âm, X-quang, chụp cắt lớp CT không thể cung cấp được. Khi chụp MRA, bệnh nhân không bị ảnh hưởng bởi tia bức xạ cũng như không bị ảnh hưởng gì về mặt sinh học. Thuốc tương phản từ được sử dụng rất hiếm khi gây tác dụng phụ.
Do các ưu điểm vượt trội, chụp cộng hưởng từ mạch máu MRA ngày càng được sử dụng rộng rãi. Chụp MRA hiện nay thường được chỉ định để phát hiện:
- Nguyên nhân các chứng phình, hẹp hoặc tắc động mạch não.
- Nguyên nhân chứng phình hoặc bóc tách động mạch chủ, mạch máu mang máu từ tim đến các bộ phận của cơ thể.
- Để tìm ra nguyên nhân của đột quỵ
- Nguyên nhân gây hẹp hoặc tắc nghẽn các mạch ở cánh tay hoặc chân, hẹp các mạch máu dẫn đến tim, phổi, thận,...
2. Chụp MRA thực hiện như thế nào?
2.1. Trước khi chụp mạch máu cộng hưởng từ MRA
- Nhân viên tiếp nhận bệnh sẽ hướng dẫn người bệnh thay trang phục, tháo răng giả, tháo các trang sức như đồng hồ, nhẫn, dây chuyền, hoa tai,... Thẻ tín dụng, thẻ ATM cũng sẽ được cất giữ ở bệnh ngoài vì các loại thẻ này có thể bị xóa mất dữ liệu khi vào phòng máy.
- Kỹ thuật viên sẽ dùng dụng cụ chuyên dùng để kiểm tra các dị vật và thiết bị kim loại có thể có trong cơ thể. Nếu có các dị vật kim loại nhỏ nằm trong các cơ quan có mô lỏng lẻo như mắt, tim, phổi, não hoặc cạnh các mạch máu lớn thì không nên chụp MRA, nếu ở các vị trí khác thì có thể chụp bình thường.
- Người bệnh cần thông báo cho nhân viên y tế nếu có mang các thiết bị trong cơ thể như: van tim nhân tạo, stent mạch máu, các dị vật kim loại như nẹp vít kết hợp xương, mảnh đạn, vòng tránh thai, các khớp, chỏm xương nhân tạo,... Các thiết bị này có khả năng gây nhiễu hình ảnh cộng hưởng từ nên cần kỹ thuật chụp đặc biệt. Người bệnh cũng cần thông báo với bác sĩ nếu đang mang thai hoặc nghi ngờ đang mang thai. Để đảm bảo an toàn cho thai nhi, không nên chụp cộng hưởng từ cho phụ nữ mang thai 3 tháng đầu.
- Không chụp cộng hưởng từ ở các bệnh nhân được đặt các thiết bị điện tử như máy tạo nhịp nhân tạo, máy khử rung, máy trợ thính,...Từ trường mạnh có thể làm hư hỏng các thiết bị này.
- Bệnh nhân có thể ăn, uống, sử dụng thuốc như bình thường. Không cần nhịn đói trước khi chụp.
- Nếu cần tiêm thuốc tương phản từ, nhân viên y tế sẽ hỏi người bệnh về tiền sử dị ứng thuốc. Một số tác dụng phụ sau khi sử dụng thuốc tương phản từ như cảm thấy ngứa ran, ấm ở môi, vị kim loại trong miệng, đau đầu, buồn nôn,...Các triệu chứng này thường nhanh chóng biến mất. Thuốc tương phản từ không gây độc cho cơ thể.
2.2. Trong quá trình chụp MRA
- Kỹ thuật viên sẽ hướng dẫn người bệnh nằm trên bàn chụp với tư thế phù hợp, để tránh làm mờ ảnh, người bệnh phải nằm im trong quá trình chụp.
- Trong quá trình chụp, người bệnh sẽ nghe tiếng ồn phát ra từ máy, người bệnh có thể được cung cấp nút bịt tai hoặc đeo tai nghe để giảm tiếng ồn.
- Người bệnh sẽ ở trong phòng chụp MRI một mình, tuy nhiên người bệnh luôn được quan sát và có thể liên lạc với kỹ thuật viên thông qua hệ thống liên lạc.
3. Ý nghĩa của chụp mạch máu cộng hưởng từ MRA
Sau khi chụp mạch máu cộng hưởng từ thực hiện xong, bác sĩ sẽ tiến hành phân tích kết quả hình ảnh thu được.
Kết quả chụp mạch máu được xác định là bình thường khi:
- Các mạch máu có hình dạng, kích thước bình thường, lưu lượng máu ổn định, không tìm thấy hình ảnh cục máu đông hoặc tích tụ mảng bám lớn.
- Thành mạch máu bình thường, không có tắc nghẽn trong dòng chảy hoặc phình ra trong các mạch máu.
Kết quả mạch máu là bất thường khi:
- Có hình ảnh tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn mạch máu do cục máu đông, sự tích tụ chất béo và canxi hình thành mảng bám trên thành mạch...
- Có hình ảnh chỗ phình động mạch trong thành mạch máu
- Có hình ảnh tổn thương trên thành mạch máu
Chụp mạch máu cộng hưởng từ MRA thường ít sử dụng trong các trường hợp cấp cứu vì thời gian chụp lâu hơn các kỹ thuật khác. Tuy nhiên chụp MRA đặc biệt hữu ích trong tầm soát các bệnh nhân có nguy cơ mắc các bệnh lý mạch máu, đặc biệt là phình, hẹp, tắc mạch máu não, nhồi máu cơ tim. Rất nhiều bệnh nhân đã được cứu sống vì được tầm soát bằng chụp MRA và được điều trị kịp thời.
Xem thêm: Hướng dẫn thực hiện quy trình đảm bảo an toàn cộng hưởng từ
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.