Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Đỗ Thị Hoàng Hà - Bác sĩ Xét nghiệm hóa sinh - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Xét nghiệm SGOT (hay còn gọi là AST) là xét nghiệm men gan được thực hiện rất phổ biến không chỉ được chỉ định ở những bệnh nhân nghi ngờ các vấn đề về gan mà còn là xét nghiệm thường quy đầu tay trong mỗi lần khám sức khỏe định kỳ. Kết quả xét nghiệm SGOT cùng với các xét nghiệm men gan khác có vai trò quan trọng trong định hướng chẩn đoán nguyên nhân cũng như mức độ nghiêm trọng của nhiều loại bệnh lý khác nhau.
1. SGOT là gì?
Do là cơ quan đảm nhận nhiệm vụ chuyển hóa các chất trong cơ thể, nên gan có một hệ thống enzym rất hoàn chỉnh để giúp xúc tác các phản ứng sinh hóa và thực hiện các chức năng này. Khi tế bào gan bị tổn thương men gan sẽ tăng do đó lượng enzym giải phóng vào máu nhiều. Đó là lí do tại sao chỉ số men gan có thể xem là một dấu hiệu cảnh báo cho sức khỏe của gan.
Bình thường các men này nằm bên trong các tế bào gan, khi tế bào gan bị hoại tử do viêm gan, xơ gan, ung thư gan... các men này sẽ tràn vào máu làm nồng độ của chúng trong máu tăng cao.
Transaminase hay Aminotransferase là các enzym nội bào có nhiệm vụ xúc tác phản ứng trao đổi chuyển gốc NH2 (chuyển nhóm amin) giữa các amin với nhau, đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình chuyển hóa các acid amin. Trong đó hai transamine quan trọng nhất là AST (GOT) và ALT (GPT).
SGOT (Glutamic-oxaloacetic transamine) hay còn gọi là AST (Aspartate aminotransferase) là một men Transamine, có nhiều trong bào tương và ti thể của nhiều loại tế bào, nhiều nhất là tế bào gan, sau đó là tế bào cơ tim, cơ xương, thận, não, tủy, phổi, bạch cầu và hồng cầu.
2. Xét nghiệm SGOT có mục đích gì?
Xét nghiệm SGOT không thực hiện riêng lẻ mà thường được thực hiện cùng xét nghiệm SGPT. SGPT(Glutamic-pyruvic transaminase) hay còn gọi ALT (Alanine aminotransferase) là một men Transamine tập trung chủ yếu trong các tế bào gan. Dựa kết quả xét nghiệm men gan tăng ít hay nhiều so với giá trị bình thường, men SGOT hay SGPT tăng ưu thế hơn, sẽ giúp bác sĩ định hướng chẩn đoán các nguyên nhân làm tăng men gan.
Men aspartate aminotransferase (AST) được phân bố rộng rãi trong mô, chủ yếu ở gan, tim, cơ và thận do đó nồng độ men trong huyết thanh tăng cao trong các bệnh liên quan đến các mô này. Các bệnh gan mật như xơ gan, ung thư biểu mô di căn, và viêm gan do vi rút cũng làm tăng nồng độ AST huyết thanh. Sau nhồi máu cơ tim, nồng độ AST huyết thanh tăng cao và đạt đỉnh 2 ngày sau khi khởi phát.
Nồng độ AST huyết thanh có thể giảm ở các bệnh nhân chạy thận nhân tạo hay thiếu vitamin B6. Có 2 isoenzyme của AST được phát hiện, ở tế bào chất và ty thể. Chỉ có isoenzyme tế bào chất xuất hiện trong huyết thanh bình thường, trong khi isoenzyme ty thể cùng với isoenzyme tế bào chất được phát hiện trong huyết thanh của bệnh nhân có bệnh mạch vành và bệnh gan mật.
Giá trị bình thường của SGOT (AST) là từ < 40 UI/L với nam và < 35 UI/L với nữ, giá trị của SGPT (ALT) cũng ở mức độ này, tuy nhiên tùy theo hệ thống máy xét nghiệm và các hóa chất khác nhau mà phòng xét nghiệm đó sử dụng có thể cung cấp các khoảng tham chiếu khác nhau.
Ngoài ra hoạt độ enzyme AST trong hồng cầu nhiều gấp 4-8 lần trong huyết thanh, do đó nếu trong quá trình lấy mẫu thực hiện xét nghiệm có hiện tượng vỡ hồng cầu có thể làm tăng hoạt độ AST. Ngoài ra với người bệnh có sử dụng các loại thuốc tăng huyết áp, thuốc tiểu đường, thuốc trợ tim, điều trị tăng mỡ máu, thuốc ngừa thai, người lớn tuổi cũng có thể dẫn đến hoạt độ AST trong máu tăng.
Ngoài các bệnh lý về gan, men gan còn có thể tăng trong các bệnh lý khác ngoài gan. Nếu kết quả xét nghiệm men gan tăng dưới 5 lần giới hạn trên của mức bình thường, và chỉ số men SGOT > SGPT, có thể bệnh nhân đang trong tình trạng vận động thể lực nặng, bệnh nhược giáp, các bệnh về cơ, tán huyết,... Nếu chỉ số men SGOT <SGPT, bệnh nhân có thể bị cường giáp, bệnh celiac, viêm gan,...
Nếu kết quả xét nghiệm men gan cho thấy men gan tăng >1000 UI/L, có thể là những đợt viêm gan bùng phát hoặc bệnh lý bất thường đang xảy ra cấp tính, rất đặc trưng cho hội chứng hủy tế bào gan, thường gặp nhất là các đợt viêm gan siêu vi. Các transaminase tăng rất cao, rất sớm và nhanh ngay cả trước khi xuất hiện vàng da. Mức độ tăng song song với mức độ hủy hoại tế bào gan.
- Nếu men SGOT < SGPT: Do sự phân bố của GPT trong tế bào nên trong các bệnh lý viêm gan do hủy hoại tế bào gan , bệnh nhân có thể bị tổn thương gan do thiếu máu, thắt động mạch gan, hội chứng Budd-Chari, tắc mật cấp, xơ gan, viêm gan tự miễn, viêm gan virus cấp, viêm gan do thuốc hoặc độc chất, thì nồng độ GPT > GOT. Nếu trong quá trình diễn tiến của bệnh, nồng độ GOT dần tăng lên ngang bằng với nồng độ GPT thì chứng tỏ diễn tiến bệnh nặng hơn, tình trạng tế bào gan bị hủy hoại tăng lên, người bệnh tiên lượng xấu.
- Nếu men SGOT > SGPT:, bệnh nhân có thể bị viêm gan do thuốc (hoặc độc chất) trên nền bệnh viêm gan do rượu, tình trạng ly giải cơ vân cấp hoặc đợt bùng phát của bệnh Wilson .
- Trong bệnh lý nhồi máu cơ tim, nồng độ GOT tăng rõ rệt và thường bắt đầu tăng sau 10 giờ xuất hiện cơn đau thắt ngực, nồng độ tăng tương ứng với mức độ nặng của bệnh tuy nhiên thường không tăng quá 10 lần so với giá trị bình thường. Nồng độ GPT có tăng nhưng không cao và đặc hiệu như GOT,
Nồng độ chính xác của men gan SGOT hay SGPT không tương đồng với mức độ tổn thương gan hoặc giúp tiên lượng bệnh. Như trong bệnh viêm gan A, men gan của bệnh nhân có thể tăng rất cao, có khi lên đến hàng nghìn UI/L nhưng hầu hết bệnh nhân sẽ hồi phục hoàn toàn và không để lại di chứng. Trong khi ở những bệnh nhân viêm gan siêu vi B mạn tính, mức tăng men gan thường không cao, nhưng một tỷ lệ người bệnh viêm gan B mạn sẽ tiến triển thành xơ gan, ung thư gan,...
3. Một số nguyên nhân thường gặp gây tăng men gan
- Bệnh gan do rượu: xét nghiệm men gan cho thấy SGOT/SGPT >2 lần, kèm tăng GGT (Ɣ-glutamyl transferase, cũng là một loại men gan) do rượu ethanol bị oxy hóa thành acetaldehyt bởi enzym alcol dehydrogenase là một chất rất độc gây hủy hoại tế bào, đồng thời cũng hủy cả các transminase, đặc biệt là GPT do đó các enzym này không tăng cao. Phân tích tế bào máu phát hiện tăng thể tích hồng cầu do thiếu acid folic. Khai thác tiền căn bệnh nhân có tình trạng nghiện rượu mạn.
- Viêm gan do virus B và C: xét nghiệm SGOT/SGPT <1, bệnh nhân có nhiều nguy cơ như sử dụng ma túy, quan hệ nhiều bạn tình, tiêm chích, truyền máu. Để chẩn đoán xác định, bệnh nhân cần thực hiện thêm các xét nghiệm như HbsAg, antiHBs, BHV DNA, anti HCV, HCV RNA,...
- Viêm gan do thuốc: có nhiều thuốc gây tăng men gan như Paracetamol, Diclofenac, Naproxen, Phenylbutazone, Phenytoin, Acid Vaproic, Tetracyclin, Isoniazid, Trimethoprim, các thuốc hạ cholesterol máu nhóm statin,...Đối với tình trạng tăng men gan do thuốc, men gan sẽ trở về bình thường sau vài tuần hoặc vài tháng ngừng thuốc. Khi xét nghiệm men gan, bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ tất cả các thuốc đang sử dụng, kể cả thảo dược, thuốc đông y, thực phẩm chức năng,... Các thông tin này có thể giúp bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân và đưa ra phương pháp điều trị chính xác hơn.
- Bệnh gan thoái hóa mỡ: kết quả xét nghiệm men gan SGOT/SGPT <1, bệnh nhân có rối loạn lipid, tăng đường huyết đói. Thường gặp ở người bệnh béo phì, rối loạn lipid máu, đái tháo đường.
- Các bệnh lý viêm gan mạn, xơ gan, ung thư gan tiên phát hoặc di căn thường kèm theo mức độ hủy tế bào gan vừa phải hoặc rối loạn tính thấm màng nên nồng độ các transminase tăng vừa phải.
- Bệnh Wilson: xét nghiệm men gan SGOT/SGPT >2,2; đồng niệu 24 giờ >100μg, ceruloplasmin/máu <200 mg/L. Người bệnh có tình trạng ứ đọng đồng trong cơ thể, xơ gan, rối loạn ngoại tháp, tán huyết, tổn thương thận và xuất hiện vòng Kayser-Fleischer ở mắt.
- Bệnh gan tự miễn: cùng với tăng men gan là tình trạng tổn thương da ở niêm mạc, thận, bệnh thường gặp ở nữ. Để chẩn đoán chính xác cần sinh thiết thận. Các nguyên nhân thường gặp khác là bệnh ứ sắt mô (hemochromatosis), bệnh lý về cơ do lao động nặng hoặc sử dụng một số thuốc gây ly giải cơ, bệnh tán huyết, bệnh thiết α1-antitrypsin, bệnh Crohn và viêm loét kết tràng..
4. Khi nào thì nên đi xét nghiệm hoạt độ AST?
- Khi bệnh nhân có những triệu chứng liên quan đến tổn thương gan (thường xuyên mệt mỏi, nôn và thường xuyên cảm thấy buồn nôn, tiểu đường, vàng da, nghiện rượu, gia đình có tiền sử bị bệnh gan, người có tiền sử tiếp xúc với virus viêm gan)
- Người rối loạn giấc ngủ, stress, căng thẳng kéo dài liên tục.