Vi khuẩn nhuộm soi là gì?

Bài viết được viết bởi Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy Hằng - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Lấy bệnh phẩm là bước đầu tiên và cũng là quan trọng nhất trong cả quá trình xét nghiệm Vi sinh, lấy bệnh phẩm đúng sẽ cho kết quả chính xác.và ngược lại. Trong khi đó vi sinh vật lại có mặt ở mọi nơi nên lấy bệnh phẩm rất dễ bị ngoại nhiễm.

1. Vi khuẩn nhuộm soi là gì?

Vi khuẩn nhuộm soi là nhuộm vi khuẩn từ bệnh phẩm, soi dưới kính hiển vi có độ phóng đại lớn. Từ đó quan sát hình thể, tính chất bắt màu, kích thước và cách sắp xếp; đánh giá các loại tế bào và mối quan hệ giữa vi khuẩn với tế bào này (vi khuẩn nằm trong hay ngoài tế bào) để định hướng loại vi khuẩn.

Kỹ thuật này đơn giản, dễ thực hiện, nhanh có kết quả nhưng đòi hỏi người thực hiện phải có kinh nghiệm.

2. Cách thực hiện

2.1. Lấy bệnh phẩm

Bệnh phẩm là những vật phẩm lấy từ vị trí bị nhiễm khuẩn của người bệnh để tìm vi khuẩn gây bệnh. Do đó, tùy theo từng loại bệnh mà kỹ thuật lấy bệnh phẩm khác nhau. Bệnh phẩm có thể là phân (nhiễm khuẩn đường ruột), nước tiểu (nhiễm khuẩn đường tiết niệu), máu (nhiễm khuẩn huyết), dịch não tủy (viêm màng não),...

Vi sinh vật có mặt ở khắp mọi nơi (trong đất, nước, không khí và cả trên cơ thể con người). Để có kết quả xét nghiệm vi sinh chính xác, việc lấy bệnh phẩm là quan trọng nhất của quá trình thực hiện xét nghiệm. nếu lấy bệnh phẩm không đúng, mọi xét nghiệm ở giai đoạn sau sẽ trở nên vô nghĩa.

Lấy bệnh phẩm đúng phải đảm bảo 3 nguyên tắc:

  • Đúng chỗ: đúng vị trí có nhiều vi khuẩn và vi khuẩn đang nhân lên
  • Đúng lúc: đúng thời điểm có nhiều vi sinh vật trong bệnh phẩm (ví dụ: trước khi dùng kháng sinh hoặc sau khi dừng sử dụng kháng sinh 24h)
  • Đảm bảo kỹ thuật vô khuẩn: không đưa vi khuẩn từ ngoài vào bệnh phẩm và không gây nhiễm cho người bệnh.

Khi ra ngoài môi trường vi sinh vật rất nhanh chết nên bệnh phẩm lấy xong phải được vận chuyển nhanh nhất tới phòng xét nghiệm hoặc phải bảo quản ở môi trường và nhiệt độ thích hợp.


Mẫu bệnh phẩm được nhuộm màu
Mẫu bệnh phẩm được nhuộm màu

2.2. Thực hiện xét nghiệm

Có nhiều kỹ thuật nhuộm như nhuộm Gram, nhuộm Ziehl-Neelsen, nhuộm xanh methylene, nhuộm Giemsa, nhuộm thấm bạc ...

Có 2 phương pháp nhuộm được sử dụng nhiều nhất là nhuộm Gram để phát hiện vi khuẩn bắt màu Gram (+) và Gram (-) và nhuộm Ziehl-Neelsen để phát hiện các trực khuẩn kháng cồn kháng acid, bao gồm trực khuẩn lao.

Trong quá trình thực hiện xét nghiệm, phải luôn kiểm soát chất lượng bằng tiến hành nội kiểm (QC), ngoại kiểm (EQA).

2.3. Nhận định kết quả

Mỗi loại bệnh phẩm, mỗi loại xét nghiệm để tìm vi khuẩn khác nhau sẽ có nhận định kết quả khác nhau. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm nhuộm soi thường chỉ có giá trị chẩn đoán sơ bộ và định hướng cho các bước xét nghiệm tiếp theo. Chỉ trong một số trường hợp, khi các vi sinh vật có hình thể đặc biệt mới có giá trị chẩn đoán khẳng định.


Thực hiện soi vi khuẩn nhuộm qua kính hiển vi
Thực hiện soi vi khuẩn nhuộm qua kính hiển vi

3. Các vấn đề cần lưu ý

Lấy bệnh phẩm là bước đầu tiên và cũng là quan trọng nhất trong cả quá trình xét nghiệm Vi sinh, lấy bệnh phẩm đúng sẽ cho kết quả chính xác.và ngược lại. Trong khi đó vi sinh vật lại có mặt ở mọi nơi nên lấy bệnh phẩm rất dễ bị ngoại nhiễm.

Vì vậy, việc lấy bệnh phẩm phải do nhân viên y tế đã được huấn luyện thực hiện. Tốt nhất lấy bệnh phẩm xét nghiệm Vi sinh nên thực hiện tại cơ sở y tế, hạn chế lấy ở nhà, hoặc phải hướng dẫn cẩn thận người bệnh cách tự lấy bệnh phẩm.

XEM THÊM:

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe