Ưu điểm của phương pháp ghi Holter huyết áp

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Ngô Đắc Thanh Huy - Bác sĩ tim mạch - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Hiện nay, ngoài việc đến bệnh viện, phòng khám thì bất cứ ai cũng có thể thực hiện đo huyết áp tại nhà để theo dõi chỉ số huyết áp của mình. Đặc biệt, để các chỉ số hiện lên chính xác nhất vào các thời điểm trong ngày thì có thể sử dụng phương pháp đo huyết áp 24 giờ bằng hệ thống đo Holter huyết áp.

1. Holter huyết áp là gì?

Trong số các bệnh lý thường gặp thì tăng huyết áp là căn bệnh đang có sự gia tăng ở mức báo động. Theo số liệu thống kê của Hội Tim mạch Việt Nam vào năm 2016 thì những người trên 25 tuổi có tỷ lệ tăng huyết áp đến 46.7%. Bệnh tăng huyết áp có thể là nguyên nhân gây tử vong hoặc tàn phế suốt đời cho người bệnh, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và công việc hàng ngày.

Để ngăn ngừa các biến chứng bệnh tăng huyết áp thì mỗi người nên chủ động theo dõi chỉ số huyết áp của bản thân, trong trường hợp cần thiết thì phải theo dõi và điều trị mỗi ngày.

Máy đo Holter huyết áp hiểu một cách đơn giản là máy theo dõi huyết áp lưu động (ABPM = ambulatory blood pressure monitoring) và tự động, máy này có thể giúp người bệnh theo dõi huyết áp liên tục 24 giờ trong bất cứ điều kiện nào, vào ban ngày, máy có thể đo khoảng 30 phút/lần và ban đêm khoảng 1 giờ/lần, trong quá trình đo, người bệnh có thể sinh hoạt, ăn, ngủ, nghỉ bình thường.

Với tính năng gọn nhẹ, người bệnh có thể mang theo máy đo Holter huyết áp bên mình mọi lúc mọi nơi, chỉ cần bỏ máy vào trong túi đeo bên hông là có thể đi lại, làm việc bình thường. Sau 24 giờ đo, chỉ cần nạp vào máy tính và bác sĩ chuyên trách sẽ in ra 1 bảng kết quả đo và biểu đồ huyết áp dao động trong ngày. Sẽ có khoảng hơn 70 lần đo trong 1 ngày, nhờ đó mà bác sĩ sẽ biết được chính xác chỉ số huyết áp của người bệnh và biết được thời gian nào huyết áp tăng cao hoặc tụt xuống thấp để điều chỉnh thuốc cho phù hợp.


Người bệnh có thể mang theo máy đo Holter huyết áp bên mình mọi lúc mọi nơi
Người bệnh có thể mang theo máy đo Holter huyết áp bên mình mọi lúc mọi nơi

2. Đối tượng cần tiến hành đo Holter huyết áp

Ngày nay, với mong muốn hạn chế tối đa các biến chứng do chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp muộn, các bác sĩ khuyến cáo mọi người nên tiến hành đo Holter huyết áp trong trường hợp:

  • Chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp thai kỳ
  • Đánh giá hạ huyết áp triệu chứng
  • Tăng huyết áp ẩn dấu
  • Tăng huyết áp giới hạn
  • Rối loạn thần kinh thực vật
  • Nghi ngờ tăng huyết áp ban đêm
  • Xác định hiệu quả của thuốc qua 24 giờ
  • Đái tháo đường type I, II
  • Bệnh nhân lớn tuổi
  • Đánh giá hạ huyết áp triệu chứng
  • Huyết áp dao động bất thường
  • Nghi ngờ “tăng huyết áp áo choàng trắng”
  • Cần thông tin để quyết định điều trị

Tiến hành đo Holter huyết áp trong trường hợp chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp thai kỳ
Tiến hành đo Holter huyết áp trong trường hợp chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp thai kỳ

3. Ưu điểm của phương pháp ghi Holter huyết áp là gì?

Là sự lựa chọn của các chuyên gia tim mạch trong việc chẩn đoán tăng huyết áp cho người bệnh, hệ thống đo Holter huyết áp thực sự đã mang đến vô vàn lợi ích thiết thực. So với các phương pháp theo dõi huyết áp thông thường, Holter huyết áp có nhiều ưu điểm nổi trội gồm:

  • Chỉ cần thực hiện 1 lần duy nhất: Người bệnh khi đo Holter huyết áp thì chỉ cần thực hiện 1 lần trong 1 ngày để chẩn đoán tăng huyết áp, tất cả các dữ liệu sẽ được máy ghi lại và bác sĩ sẽ đọc kết quả trên phần mềm hiện đại và chính xác nhất.
  • Độ chính xác cao: Với tổng số lần đo khoảng 70 lần/ngày, máy sẽ đo huyết áp của người bệnh liên tục trong 24 - 28 giờ, nhờ vậy mà thời điểm khi nào huyết áp lên cao hoặc xuống thấp sẽ được theo dõi chặt chẽ và chính xác nhất.
  • Độ an toàn tuyệt đối: Với thiết kế gọn nhẹ, người bệnh sẽ dễ dàng mang theo máy bên mình mà không hề có cảm giác khó chịu, khi đeo máy bên mình cả ngày sẽ an toàn tuyệt đối.
  • Vô cùng tiện lợi: Máy có thể giúp đo huyết áp cho người bệnh trong cả thời gian không có triệu chứng nào, khi làm việc, lúc nghỉ ngơi mà không cần có sự giám sát của nhân viên y tế.

4. Chuẩn bị khi đo Holter huyết áp

Để giúp có được kết quả đo Holter huyết áp chính xác nhất và luôn thoải mái trong quá trình đo, người bệnh nên có sự chuẩn bị thật kỹ càng, nên thực hiện theo các bước sau:

  • Nên tắm thật sạch trước khi đeo mày vì trong vòng 24 giờ tiến hành đo Holter huyết áp sẽ không được tắm.
  • Cần mặc áo có cánh tay rộng hoặc áo cộc tay
  • Khi đã đeo máy thì không được tự ý tháo, phải đeo liên tục trong 24 giờ
  • Vẫn có thể sinh hoạt bình thường trong suốt quá trình đeo máy, tuy nhiên nên tránh các hoạt động gắng sức và cố gắng giữ cho tay được duỗi trong thời gian đo.
  • Không va đập, không làm ướt máy
  • Ghi lại các triệu chứng bất thường (nếu có) trong thời gian đo và báo cho bác sĩ phụ trách tháo máy.

Tăng huyết áp là bệnh lý rất thường gặp nhưng lại có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng nếu không được chẩn đoán tăng huyết áp và điều trị kịp thời, chính vì thế, mỗi người nên chủ động tìm hiểu các kiến thức liên quan đến căn bệnh này. Bệnh nhân nên khám ngay kho có thể để chẩn đoán kịp thời và được tư vấn về huyết áp cũng như phương pháp điều trị dựa trên y học bằng chứng về chỉ số holter huyết áp.


Nên tắm thật sạch trước khi đeo mày vì trong vòng 24 giờ tiến hành đo Holter huyết áp sẽ không được tắm.
Nên tắm thật sạch trước khi đeo mày vì trong vòng 24 giờ tiến hành đo Holter huyết áp sẽ không được tắm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe