Bệnh Tiểu đường (đái tháo đường) là căn bệnh phổ biến hiện nay, đặc biệt là ở những nước phương Tây. Trước đây, bệnh đái tháo đường thường gặp ở người lớn tuổi, tuy nhiên ngày nay căn bệnh này càng có xu hướng trẻ hóa để lại hệ lụy không cho bản thân và gia đình người bệnh.
1. Tổng quan về bệnh đái tháo đường
Bệnh đái tháo đường hay còn gọi là tiểu đường, là tình trạng lượng đường trong máu tăng cao hơn so với mức bình thường, kể cả khi đói và đặc biệt tăng nhiều sau khi ăn. Sự rối loạn chuyển hóa insulin trong cơ thể, bị thiếu hoặc suy giảm insulin là nguyên nhân khiến lượng đường trong máu tăng cao.
Mặc dù, tiểu đường là bệnh mãn tính không lây, tuy nhiên tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường hiện đang tăng lên nhanh chóng, đặc biệt là ở những nước phương Tây, nơi có tỷ lệ mắc bệnh béo phì và đái tháo đường cao.
2. Tuổi nào có nguy cơ khởi phát tiểu đường?
Bệnh đái tháo đường được phân thành 3 loại là tuýp 1, tuýp 2 và tiểu đường thai kỳ. Tùy vào mỗi loại, độ tuổi khởi phát bệnh là khác nhau.
- Tiểu đường tuýp 1: Bệnh thường gặp ở trẻ em và người trẻ tuổi. Bệnh thường khởi phát đột ngột với những triệu chứng như tiểu nhiều, uống nhiều, thường xuyên khát nước, sụt cân nhanh. Tiểu đường tuýp 1 thường là do bẩm sinh mắc phải, bệnh tự miễn hoặc do nhiễm siêu vi.
- Tiểu đường tuýp 2: Bệnh thường gặp ở người trung niên, tuổi khởi phát tiểu đường là trên 40 tuổi, đặc biệt gia tăng nhanh chóng ở người từ 45 - 65 tuổi. Bệnh thường khởi phát một cách âm thầm và khó nhận biết, chủ yếu được phát hiện tình cờ qua thăm khám, xét nghiệm máu định kỳ. Tiểu đường tuýp 2 có thể do di truyền hoặc do bị thừa cân, béo phì, lười vận động, thường xuyên căng thẳng, stress, ...
- Tiểu đường thai kỳ: Bệnh đái tháo đường thai kỳ thường khởi phát trong thời gian mang thai. Nguyên nhân chủ yếu là do di truyền.
Phần lớn các trường hợp mắc bệnh tiểu đường là thuộc tuýp 2 và chủ yếu gặp ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của các loại hình thức ăn nhanh, thực phẩm ngọt và nền kinh tế công nghiệp hóa đã khiến cho tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường gia tăng nhanh chóng. Tuổi khởi phát tiểu đường có thể gặp ở cả trẻ em và người trẻ trong bất kỳ độ tuổi nào.
3. Các yếu tố làm tăng nguy cơ khởi phát tiểu đường
Các yếu tố sau đây được cho là làm tăng nguy cơ khởi phát tiểu đường sớm hơn ở trẻ em và người trẻ tuổi:
- Lười vận động, tập thể dục thể thao.
- Chế độ ăn uống nhiều tinh bột, dầu mỡ, đường gây béo phì, thừa cân, mỡ máu tăng cao.
- Các bệnh lý: Bệnh mạch máu, hội chứng buồng trứng đa nang.
- Từng bị tiểu đường trong thai kỳ.
- Di truyền, người thân trong gia đình bị bệnh đái tháo đường.
4. Điều trị và phòng ngừa bệnh đái tháo đường
Bệnh đái tháo đường nếu không được phát hiện và kiểm soát sớm có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Tùy vào loại tiểu đường mắc phải, bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng thuốc và tuân thủ chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp.
- Tiểu đường tuýp 1: Người bệnh bắt buộc sử dụng thuốc insulin, đồng thời tăng cường vận động và có chế độ dinh dưỡng tiết chế.
- Tiểu đường tuýp 2: Người bệnh được chỉ định dùng thuốc hạ đường huyết dạng viên, có thể cần sử dụng insulin, đồng thời tăng cường vận động và có chế độ dinh dưỡng tiết chế.
- Tiểu đường thai kỳ: Thai phụ bị bệnh đái tháo đường cần có chế độ dinh dưỡng tiết chế và tăng cường vận động nhẹ nhàng trong thai kỳ. Trường hợp tiết chế không giúp ổn định lượng đường huyết thai kỳ, thai phụ có thể được chỉ định tiêm Insulin.
Dưới đây là một số lưu ý giúp phòng ngừa bệnh đái tháo đường tuýp 2 ở trẻ em và người trẻ tuổi:
- Thường xuyên vận động, luyện tập thể dục, thể thao.
- Có chế độ ăn uống lành mạnh như giảm chất béo, ngọt, bột, tăng cường rau xanh, chất xơ.
- Hạn chế sử dụng thức ăn nhanh, nhiều năng lượng.
- Xét nghiệm máu và khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện và ngăn chặn sự tiến triển của bệnh.
Hiện nay, tuổi khởi phát tiểu đường ngày càng sớm hơn, bệnh có thể gặp ở cả trẻ em và người trẻ tuổi do chế độ sinh hoạt ăn uống mất cân đối.