Tìm hiểu xét nghiệm đánh giá độ lọc cầu thận

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi bác sĩ Xét nghiệm hóa sinh - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long

Độ lọc cầu thận là xét nghiệm đánh giá khả năng hoạt động của thận dựa vào việc đo lường các chất được thận thải ra như ure, creatinine,... có trong máu.

Xét nghiệm chỉ đánh giá mức độ tương đối chức năng thận do phụ thuộc nhiều yếu tố như lượng thức ăn, tuổi tác, giới tính, trạng thái tinh thần.

1. Độ lọc cầu thận là gì?

Độ lọc cầu thận (ĐLCT) - Glomerular Filtration Rate (GFR) là lưu lượng máu lọc qua cầu thận trong một đơn vị thời gian. Do các nephron hoạt động độc lập với nhau, nên ĐLCT của hai thận sẽ bằng ĐLCT của từng nephron nhân với tổng số nephron. Công thức tính độ lọc cầu thận như sau:

  • ĐLCT = N x ĐLCT của 1 nephron
  • ĐLCT = N x K x S x (PGC-PBC)-(GC- BC)

Với:

  • N: Số nephron trong cả hai thận
  • K: Hệ số siêu lọc
  • S: Diện tích lọc
  • PGC: Áp lực thuỷ tĩnh của mao mạch cầu thận
  • PBC: Áp lực thuỷ tĩnh của khoang Bowman
  • GC: Áp lực keo của mao mạch cầu thận
  • BC: Áp lực keo của khoang Bowman

Ở người, độ lọc cầu thận chỉ được gián tiếp đánh giá qua độ thanh lọc của một chất (clearance). Độ thanh thải/thanh lọc (Clearance) của moth chất (X) là hiệu quả lọc sạch một chất khỏi huyết tương, cho biết bao nhiêu mL huyết tương qua thân được lọc sạch trong 1 phút, được tính theo công thức:

Cx= ( Ux x V)/ Px (mL/phút)

Trong đó:

Cx là Độ thanh thải (Clearance) của 1 chất (mL/phút)

Ux là nồng độ chất đó trong nước tiểu (mg/ml)

Px là nồng độ chất đó trong máu (mg/ml)

V là lượng nước tiểu trong 1 phút (ml/phút)


Hình ảnh cầu thận
Hình ảnh cầu thận

2. Ý nghĩa của xét nghiệm đánh giá độ lọc cầu thận là gì?

Xét nghiệm đánh giá độ lọc cầu thận được sử dụng để đánh giá chức năng hoạt động của thận bằng cách đo lường lượng máu được lọc bởi thận trong một khoảng thời gian nhất định (đo một cách gián tiếp thông qua đánh giá độ thanh lọc của một số chất trong máu như creatinine, ure).

Cầu thận là bộ phận có nhiệm vụ lọc máu. Trường hợp cầu thận không thực hiện được đầy đủ chức năng lọc máu sẽ dẫn đến suy giảm chức năng của thận.

3. Các chỉ số được sử dụng trong đánh giá độ lọc cầu thận

3.1 Độ thanh lọc inuline

Inuline được xem là “tiêu chuẩn vàng” trong đánh giá ĐLCT - GFR về sự chuẩn xác và chính xác. Kỹ thuật đo độ thanh lọc Inuline của Homer Smith được thực hiện như sau:

  • Sau một đêm nhịn đói, bệnh nhân được yêu cầu uống khoảng 2 lít nước vào buổi sáng.
  • Truyền Inuline vào tĩnh mạch liên tục trong quá trình tiến hành đo độ thanh lọc.
  • Sau 1 giờ truyền tĩnh mạch, dùng nồng độ inuline được đo trong máu và trong nước tiểu để tính độ thanh lọc.
  • Kết quả đo cuối cùng sẽ là trung bình cộng của 4 lần đo. Chỉ số bình thường của độ thanh lọc inuline là ĐTL inuline = 130mL/phút /1,73 m2 da (nam) và 120mL/phút/1,73 m2 da (nữ).

Tuy là một xét nghiệm có độ chính xác cao, nhưng độ thanh lọc inuline có nhiều nhược điểm là inuline khó tìm kiếm, kỹ thuật tiến hành đo nồng độ inuline phức tạp. Do vậy, độ thanh lọc inuline chỉ dùng trong nghiên cứu, ít ứng dụng trên thực tế lâm sàng.


Độ thanh lọc inuline thường được dùng trong một số nghiên cứu
Độ thanh lọc inuline thường được dùng trong một số nghiên cứu

3.2 Độ thanh lọc creatinine huyết thanh

Xét nghiệm đánh giá độ lọc cầu thận thường được thực hiện thông qua việc đo lượng creatinine trong máu. Creatinine là sản phẩm được tạo ra trong quá trình vận động của cơ bắp mà thận cần lọc bỏ ra khỏi máu. Tuy nhiên, nếu hai quả thận hoạt động không tốt sẽ dẫn đến lượng creatinine tồn dư trong máu cao. Do hoạt động của thận còn bị tác động bởi nhiều yếu tố khác nên để đảm bảo độ chính xác, ngoài việc dựa vào kết quả đo lượng creatinine trong máu còn phải xem xét cùng với các yếu tố về tuổi tác, giới tính của người được xét nghiệm thông qua 2 công thức tính:

  • Công thức tính thanh lọc Creatinine từ nồng độ Creatinine máu và nồng độ Creatinine nước tiểu 24h.
  • Công thức ước lượng thanh lọc cầu thận dựa vào nồng độ Creatinine máu (được đề xuất bởi Cockcroft và Gault áp dụng cho người trưởng thành và không béo phì.

3.3 Độ thanh lọc urê máu

Ure được lọc tự do qua cầu thận, được tái hấp thu tại ống thận gần và xa. Lượng urê máu không chỉ tùy thuộc vào chức năng lọc của cầu thận mà còn tùy thuộc vào lưu lượng máu đến thận, quá trình sản xuất ure tại gan. Trong điều kiện thiếu nước và giảm thể tích máu lưu thông, urê được tăng tái hấp thu gây tăng ure máu. Urê máu còn tăng trong trường hợp ăn nhiều đạm, tăng chuyển hoá protein như sốt, dùng steroid, tăng tái hấp thu máu tại ống tiêu hóa trong xuất huyết tiêu hoá. Giảm urê gặp trong giảm ăn thức ăn đạm và bệnh gan nặng. Trị số bình thường của ure máu BUN là 10-15 mg/dl, ure huyết thanh là 20-30 mg/dl.

Urê trong huyết tương tăng khi độ lọc cầu thận giảm. Chỉ khi độ lọc cầu thận giảm dưới 60ml/ph thì urê máu mới bắt đầu tăng lên. Do đó, urê máu là một xét nghiệm không nhạy trong chẩn đoán giảm chức năng lọc cầu thận. Mặt khác do urê được tái hấp thu tại ống thận nên độ thanh lọc urê sẽ nhỏ hơn độ lọc cầu thận thực sự.

Chỉ số trung bình cộng của độ thanh lọc urê và độ thanh lọc creatinine: Do creatinine có đặc tính là thường được bài tiết thêm nên độ thanh lọc creatinine lớn hơn độ lọc cầu thận thực sự. Ngược lại, urê được tái hấp thu nên độ thanh lọc urê nhỏ hơn độ lọc cầu thận thực sự. Do đó, việc lấy số trung bình cộng của độ thanh lọc urê và độ thanh lọc creatinine sẽ làm tăng độ chính xác của độ thanh lọc hơn.


Xét nghiệm độ thanh lọc urê máu
Xét nghiệm độ thanh lọc urê máu

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

XEM THÊM:

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe