Tìm hiểu về thoái hóa điểm vàng thể ướt

Điểm vàng là một phần của võng mạc, do đó khi bị thoái hóa sẽ ảnh hưởng đến thị lực trung tâm. Bệnh thoái hóa điểm vàng ở mắt bao gồm 2 thể là thể ướt và thể khô. Vậy thoái hóa điểm vàng là gì và triệu chứng thoái hóa điểm vàng thể ướt bao gồm những gì?

1. Thoái hóa điểm vàng là gì?

Điểm vàng, hay còn gọi là hoàng điểm, là một phần của võng mạc với nhiệm vụ giúp mắt nhìn rõ ràng theo đường nhìn trực tiếp (hay còn gọi là thị lực trung tâm). Bệnh thoái hóa điểm vàng ở mắt sẽ khiến thị lực trung tâm bị ảnh hưởng, bao gồm 2 thể là thoái hóa điểm vàng thể ướt và thoái hóa điểm vàng thể khô.

Trong đó, thoái hóa điểm vàng thể ướt là một rối loạn tại mắt kéo dài, dẫn đến giảm thị lực hoặc xuất hiện điểm mù ở thị lực trung tâm, thường do rò rỉ dịch hoặc máu từ mạch máu vào điểm vàng. Thoái hóa điểm vàng thể ướt ít phổ biến nhưng lại nghiêm trọng hơn thể khô và thể bệnh này luôn bắt đầu bằng thoái hóa điểm vàng thể khô. Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời thoái hóa điểm vàng thể ướt có thể giúp kiểm soát tốt tình trạng mất thị lực, đặc biệt một số trường hợp được điều trị sớm đã phục hồi thị lực hoàn hoàn.

2. Triệu chứng bệnh thoái hóa điểm vàng thể ướt

Các triệu chứng của thể bệnh thoái hóa điểm vàng ở mắt này thường xuất hiện đột ngột và diễn tiến xấu đi rất nhanh chóng, có thể bao gồm:

  • Thay đổi bất thường ở khả năng nhìn, chẳng hạn như nhìn các đường thẳng thành đường cong;
  • Giảm thị lực trung tâm ở 1 hoặc cả 2 mắt;
  • Bệnh nhân cần cường độ ánh sáng mạnh hơn bình thường khi đọc hoặc làm các công việc cần nhìn gần;
  • Mắt khó thích nghi trong môi trường có cường độ ánh sáng yếu, như khi bước vào nhà hàng hoặc rạp chiếu phim;
  • Tăng độ mờ của các từ in;
  • Khó nhận diện khuôn mặt;
  • Xuất hiện điểm mờ hoặc điểm mù xác định rõ trong tầm nhìn của mắt.

Lưu ý: Bệnh thoái hóa điểm vàng ở mắt không ảnh hưởng đến thị lực ngoại biên, do đó không gây mù lòa hoàn toàn.

Bệnh nhân cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa mắt nếu có những vấn đề sau:

  • Nhận thấy những thay đổi của thị lực trung tâm;
  • Mất khả năng nhìn chi tiết mọi thứ xung quanh.

Những thay đổi trên có thể là dấu hiệu đầu tiên của bệnh thoái hóa điểm vàng ở mắt, đặc biệt ở người trên 60 tuổi.

3. Nguyên nhân thoái hóa điểm vàng thể ướt

Cho đến nay các nhà khoa học vẫn chưa xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh thoái hóa điểm vàng thể ướt, nhưng tất cả các trường hợp đều xuất phát từ thoái hóa điểm vàng thể khô. Thống kê cho thấy trong tất cả các trường hợp mắc bệnh thoái hóa điểm vàng ở mắt liên quan đến tuổi tác thì có khoảng 20% ​​là thể ướt.

Thoái hóa điểm vàng thể ướt có thể diễn tiến theo những cơ chế khác nhau:

  • Mất thị lực do mạch máu phát triển không đều. Đôi khi các mạch máu tân sinh bất thường từ lớp hắc mạc và xâm lấn vào hoàng điểm, được gọi là tân mạch màng đệm. Màng mạch là lớp mạch máu giữa võng mạc và lớp vỏ cứng bên ngoài của mắt, hay còn được gọi là củng mạc. Những mạch máu này có thể bị rò rỉ dịch hoặc máu, từ đó ảnh hưởng đến chức năng của võng mạc;
  • Mất thị lực do dịch bất thường tích tụ ở phía sau mắt. Khi dịch rò rỉ từ hắc mạc, chúng có thể tích tụ ở giữa lớp tế bào mỏng, được gọi là biểu mô sắc tố võng mạc, và võng mạc hoặc trong tích tụ trong các lớp võng mạc. Điều này có thể dẫn đến những bất thường trong các lớp cấu trúc của điểm vàng, qua đó gây mất thị lực hoặc biến dạng hoàng điểm.

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ khởi phát bệnh thoái hóa điểm vàng ở mắt:

  • Tuổi tác: Thoái hóa điểm vàng thể ướt xảy ra phổ biến những người trên 55 tuổi;
  • Tiền sử gia đình và di truyền: Bệnh thoái hóa điểm vàng thể ướt có liên quan đến di truyền. Các nhà nghiên cứu đã xác định được một số gen liên quan đến bệnh lý này;
  • Sắc tộc: Bệnh thoái hóa điểm vàng ở mắt xảy ra phổ biến hơn ở người da trắng;
  • Thói quen hút thuốc lá: Hút thuốc lá chủ động hoặc thụ động đều làm tăng đáng kể nguy cơ khởi phát các thể bệnh thoái hóa điểm vàng ở mắt;
  • Béo phì: Nghiên cứu chỉ ra rằng béo phì làm tăng khả năng thoái hóa điểm vàng giai đoạn đầu hoặc giai đoạn trung gian, sau đó sẽ tiến triển thành một dạng bệnh nghiêm trọng hơn;
  • Tiền sử bệnh tim mạch: Nếu mắc các bệnh ảnh hưởng đến tim và mạch máu, bệnh nhân sẽ có nguy cơ bị thoái hóa điểm vàng cao hơn.

4. Biến chứng thoái hóa điểm vàng thể ướt là gì?

Những người bị thoái hóa điểm vàng thể ướt sẽ tiến triển dần gây mất thị lực trung tâm. Hệ quả là làm tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm và chứng tự cô lập với xã hội. Khi tình trạng mất thị lực nghiêm trọng hơn, bệnh nhân có thể xuất hiện ảo giác thị giác (ảo thị), và được gọi là hội chứng Charles Bonnet.

5. Phòng ngừa thoái hóa điểm vàng thể ướt như thế nào?

Vấn đề đầu tiên và cũng rất quan trọng là chúng ta phải khám mắt định kỳ để phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh thoái hóa điểm vàng ở mắt. Đồng thời áp dụng các biện pháp sau đây để giảm thiểu tối đa nguy cơ phát triển thoái hóa điểm vàng thể ướt:

  • Quản lý tốt các tình trạng bệnh lý khác: Ví dụ, nếu có tiền sử bệnh lý tim mạch hoặc tăng huyết áp thì bệnh nhân cần uống thuốc và tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ để kiểm soát chúng tốt hơn;
  • Không hút thuốc lá: Những người nghiện thuốc lá có khả năng bị thoái hóa điểm vàng cao hơn người không hút thuốc. Do đó, bệnh nhân cần từ bỏ thói quen xấu này hoặc có thể yêu cầu bác sĩ tìm ra các biện pháp để cai nghiện thuốc lá;
  • Duy trì cân nặng lý tưởng và tập thể dục thường xuyên: Nếu cần giảm cân, bạn hãy giảm lượng calo nạp vào và tăng cường vận động mỗi ngày;
  • Xây dựng chế độ ăn giàu trái cây và rau quả: Những thực phẩm này chứa các nhóm vitamin chống oxy hóa, qua đó giúp giảm nguy cơ phát triển các thể bệnh thoái hóa điểm vàng ở mắt;
  • Khẩu phần ăn phải bao gồm các loại cá: Acid béo Omega-3, được tìm thấy trong các loại cá, có thể kiểm soát nguy cơ mắc bệnh thoái hóa điểm vàng thể ướt. Bên cạnh cá, các loại hạt, như hạt óc chó, cũng rất giàu acid béo Omega-3.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe