Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Hoàng Thanh Nga - Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long. Bác sĩ có 10 năm làm việc trong lĩnh vực nhãn khoa.
Thể thủy tinh là một bộ phận trong suốt trong mắt giúp hội tụ ánh sáng lên võng mạc. Nếu vì một lý do nào đó thể thủy tinh không còn trong suốt và trở nên mờ đục sẽ ngăn ánh sáng đi qua gây mờ mắt, gây ra bệnh lý đục thủy tinh thể. Phẫu thuật Phaco (Phacoemulsification) được xem là giải pháp tối ưu giúp khôi phục thị lực cho bệnh nhân bị giảm thị lực do đục thủy tinh thể.
1. Tổng quan về thuỷ tinh nhân tạo
Trong giai đoạn đầu của bệnh đục thủy tinh thể, bệnh nhân sẽ có triệu chứng nhìn mờ do chỉ có một phần của thể thủy tinh bị ảnh hưởng. Nhưng khi đục thủy tinh phát triển khiến thị lực bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bác sĩ sẽ đề nghị bệnh nhân thực hiện phẫu thuật Phaco thay thủy tinh thể nhân tạo.
1.1 Thủy tinh thể nhân tạo là gì?
Thủy tinh thể nhân tạo (Intraocular lens) là một thấu kính nội nhãn có kích cỡ rất nhỏ được chế tạo phù hợp với mắt người, nhằm thay thế cho thủy tinh thể tự nhiên bị ảnh hưởng ở những người có vấn đề về thị lực.
Trong phẫu thuật Phaco thủy tinh thể tự nhiên bị đục sẽ bị tán nhuyễn và hút ra ngoài, sau đó được thay bằng thủy tinh thể nhân tạo.
1.2 Phân loại thủy tinh thể nhân tạo
Thủy tinh thể nhân tạo được phân làm 2 loại chính và mỗi loại đều có những ưu và nhược điểm riêng:
- Thủy tinh thể đơn tiêu cự: Mang lại tầm nhìn khá rõ khi nhìn xa. Bệnh nhân vẫn cần dùng thêm kính để hỗ trợ khả năng nhìn gần hoặc nhìn trung gian khi thực hiện các hoạt động đọc sách, dùng máy tính, xem tivi, dùng điện thoại...
- Thủy tinh thể đa tiêu cự: Giúp bệnh nhân có tầm nhìn tương đối rõ ràng ở các cự ly gần - vừa - xa mà không cần dùng kính hoặc ít khi cần đến kính. Tuy nhiên bệnh nhân đặt thủy tinh thể đa tiêu cự có thể gặp các vấn đề rối loạn thị giác như hiện tượng quầng, chói lóa, nhìn màu không sắc nét, giảm thị lực nhiều khi trời tối, khó sử dụng khi lái xe, dùng máy tính.
Mắt khác, thủy tinh thể nhân tạo đa tiêu cự hiện nay chủ yếu có 2 hoặc 3 tiêu cự, nên chỉ duy trì độ nét ở 2-3 khoảng cách cố định còn những khoảng cách xa hơn vẫn gây độ nhòe nhất định.
Xem thêm: Giải đáp những thắc mắc về mổ Phaco điều trị bệnh đục thủy tinh thể
2. Các loại thủy tinh thể nhân tạo được dùng trong phẫu thuật Phaco
Thủy tinh thể nhân tạo được xem là yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng thị giác và khả năng phục hồi của bệnh nhân sau phẫu thuật Phaco. Hiện nay trên thị trường có những loại thủy tinh thể nhân tạo được sử dụng phổ biến sau:
- Thủy tinh thể Hoya PY-60R: Thiết kế tiện lợi dễ dàng đặt vào mắt bệnh nhân.
- Thủy tinh thể Iflex: được làm bằng vật liệu tương hợp sinh học cao cấp với kết cấu là một khối liền, được mài nhẵn và gia công bề mặt cẩn thận.
- Thủy tinh thể IQ SN6WWF: tác dụng chống các tia sáng xanh gây hại cho võng mạc, giảm quang sai.
- Thủy tinh thể INFO và LUCIDIS: đều được làm từ chất liệu Acrylic ưa nước (với 26% là nước), có cấu trúc càng cong khép kín được thiết kế theo công nghệ EDOF giúp ổn định và định tâm tốt trong bao thủy tinh thể, tăng độ sâu trường ảnh, tạo ra trường nhìn xa liên tục (gần - xa - trung gian) kể cả khi đồng tử co nhỏ. Đây được xem là 2 loại thủy tinh thể nhân tạo có khả năng điều tiết gần giống với thủy tinh thể tự nhiên nhất.
- Thể thuỷ tinh nhân tạo TORIC: Nếu chỉ đặt thể thủy tinh nhân tạo thông thường thì sau mổ mắt, mắt vẫn bị nhìn mờ hoặc nhìn hình bị méo vì những loại thuỷ tinh thể khác không thể chỉnh loạn thị trên giác mạc. Riêng thủy tinh thể nhân tạo Toric giúp điều chỉnh chứng loạn thị giác mạc và cải thiện đáng kể thị lực nhìn xa, nhưng ở trường hợp nhìn gần bệnh nhân vẫn cần đeo kính hỗ trợ nhìn gần như kính lão. Một số thương hiệu thủy tinh thể nhân tạo Toric được cấp phép sử dụng bao gồm: Acrysof IQ Toric, Tecnis Toric và Trulign Toric...
Để biết mình phù hợp với loại thủy tinh thể nhân tạo nào, người bệnh nên đến các bệnh viện chuyên khoa mắt để được bác sĩ khám và tư vấn theo đúng nhu cầu.
Xem thêm: Những biến chứng của bao thủy tinh thể sau phẫu thuật phaco
3. Vì sao nên thực hiện phẫu thuật Phaco?
Đục thủy tinh thể là một trong những nguyên nhân gây mù lòa trên thế giới, thường xảy ra nhiều ở người trung niên và cao tuổi. Bệnh nhân bị đục thủy tinh thể thường đối mặt với việc suy giảm thị lực, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống và nhiều hoạt động thể chất, tinh thần khác như đọc sách, làm việc, lái xe, chơi thể thao..v..v..
Tuy nhiên đục thủy tinh thể có thể chữa trị được nếu được phát hiện và điều trị từ sớm. Hiện nay phương pháp hiệu quả nhất để điều trị đục thủy tinh thể là phẫu thuật thay thủy tinh thể nhân tạo (tức phẫu thuật Phaco). Nhìn chung, phẫu thuật Phaco mang lại những ưu điểm:
- Thời gian thực hiện ngắn (chỉ từ 5 - 7 phút).
- Vết mổ nhỏ nên không cần khâu.
- Ít đau đớn và không gây chảy máu.
- Thời gian hồi phục sau phẫu thuật nhanh, có thể về trong ngày.
- Điều chỉnh lại được hầu hết các tật khúc xạ (cận thị, loạn thị, viễn thị).
- Mức độ an toàn, tỉ lệ thành công cao, ít để lại biến chứng.
Tuy phẫu thuật thay thủy tinh thể đem lại thị lực cho người bệnh nhưng sau phẫu thuật người bệnh cần chú ý chăm sóc mắt sau phẫu thuật một cách khoa học để bảo vệ đôi mắt khỏe mạnh.
Lời khuyên từ bác sĩ chuyên khoa: Bệnh đục thủy tinh thể nếu để lâu ngày sẽ gây suy giảm thị lực, hoặc gây một số biến chứng ảnh hưởng đến chức năng thị giác. Vì vậy người bệnh nên đi khám sớm để xác định được mức độ đục thủy tinh thể cũng như các bệnh lý liêm quan để từ đó có phương pháp can thiệp phù hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.