Bài viết được viết bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Phùng Tuyết Lan - Trưởng đơn nguyên Nội trú Nhi 3, Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Các bệnh lý mạch máu ở trẻ em được phân chia thành 2 nhóm chính: u mạch và dị dạng mạch. U máu ở trẻ em tiến triển đặc trưng theo 2 giai đoạn: giai đoạn tăng sinh và giai đoạn thoái triển. Khác với u máu các dị dạng mạch máu (bất thường cấu trúc mao mạch, động mạch, tĩnh mạch, hệ bạch huyết, hoặc phối hợp các loại) thường phát triển tỷ lệ với cơ thể trẻ chứ không tự thoái triển.
1. U máu là bệnh gì?
Bản chất của u máu là lành tính và có thể tự thoái triển, tuy nhiên trong một số các trường hợp có thể có các biến chứng như viêm loét, biến dạng.
Hơn thế một số u có thể gây ảnh hưởng đến các chức năng sống hoặc có thể đi kèm các dị tật của cột sống, hệ thần kinh, hệ tuần hoàn, mắt. Các khối u máu nằm tại gan, não, đường tiêu hóa đôi khi có thể gây các biến chứng đe dọa tính mạng.
- Dịch tễ: u máu là loại u hay gặp nhất ở trẻ nhỏ, tỷ lệ mắc ước tính từ 4-10%, thông thường có tính chất tự phát nhưng cũng có báo cáo có thể có tính chất gia đình di truyền trội theo NST thường. U máu gặp ở nhiều hơn 2-3 lần ở trẻ gái, tỷ lệ mắc tăng ở trẻ đẻ non/trẻ có cân nặng thấp lúc đẻ, các yếu tố có nguy cơ trước sinh như mẹ nhiều tuổi, rau bám thấp, tiền sản giật, bất thường rau thai, sinh đẻ nhiều lần.
- Bệnh học: u máu đặc trưng bởi giai đoạn tăng sinh (tăng sinh mạch nhanh trong năm đầu tiên) và tiếp theo là giai đoạn thoái triển (thành phần mạch máu bị teo lại thay thế bằng mô xơ và mỡ). Các cơ chế của quá trình này chưa được hiểu rõ hết và đang được làm sáng tỏ dần, nhiều bằng chứng đưa ra giả thiết về vai trò của thiếu oxy tại chỗ trong bệnh sinh của u máu.
- Biểu hiện lâm sàng: đa phần u máu có biểu hiện lâm sàng trong những ngày đầu hay tháng đầu sau sinh. Một số trẻ biểu hiện những mảng kiểu giãn mao mạch trên da, xung quanh màu xanh nhạt. Các tổn thương lúc đầu có thể bị nhầm với các vết do gãi hay mảng bầm tím. Ít gặp hơn là các mảng đỏ giống dấu ấn nút rượu (Wine port stain).
Đa số các trường hợp tổn thương xuất hiện đơn độc, trong 20 % các trường hợp có thể có nhiều tổn thương. Vị trí thường gặp nhất của u máu là đầu và cổ, mặc dù có thể gặp ở bất cứ nơi nào trên da, niêm mạc hoặc các cơ quan khác. Kích thước u máu có thể dao động từ vài mm đến vài cm. Tổn thương có thể chỉ ở trên bề mặt hay nằm sâu hoặc phối hợp.
- Tiến triển: u máu đặc trưng bởi 2 giai đoạn phát triển, trong vài tháng đầu là giai đoạn tăng sinh nhanh sau đó sẽ phát triển chậm lại. Ít khi gặp u máu phát triển sau 1 năm. Tiếp theo giai đoạn tăng sinh là giai đoạn tự thoái triển thường sau 1 tuổi và có thể kéo dài vài năm. Các khối u nông thường thoái triển sớm hơn các khối u sâu. Biểu hiện đầu tiên của sự thoái triển là thay đổi màu sắc bắt đầu từ vùng trung tâm, từ màu đỏ sáng thành đỏ tối hoặc màu tím thành ghi, khối u trở nên mềm hơn và dẹt hơn. Tốc độ thoái triển hoàn toàn của u ước tính 10%/ năm, như vậy khoảng 50 % khối u sẽ thoái triển hoàn toàn lúc 5 tuổi, 90% lúc 9 tuổi. Cần nhấn mạnh rằng trong nhiều trường hợp dù khối u thoái triển hoàn toàn nhưng tổn thương da không trở lại bình thường. Khoảng 50 % các khối u máu sau khi thoái triển trở thành dạng tồn dư kiểu vết sẹo, da teo, da thừa, da mất màu, giãn mạch... và có thể gây biến dạng ở một số vị trí (môi, mắt, đầu...).
Trong một số các trường hợp u máu có thể phối hợp với các dị tật bẩm sinh tại não, tủy sống, cột sống, thận tiết niệu, sinh dục. Một số các trường hợp u máu có thể gặp tại các cơ quan như gan, hệ tiêu hóa, hệ thần kinh...U máu đa ổ tại gan thường gặp ở trẻ có nhiều u máu trên da (> 5 u), tiến triển đa phần không có triệu chứng.
- Biến chứng: Phần lớn các u máu trên da tiến triển thuận lợi không có biến chứng và không cần can thiệp. Tuy nhiên một số khối u có thể bị loét dẫn đến chảy máu, đau, nhiễm trùng, tạo sẹo, hoặc ảnh hưởng đến chức năng các cơ quan hay gây biến dạng trong hay sau giai đoạn tăng sinh. Các biến chứng phụ thuộc vào vị trí và kích thước khối u tại các cơ quan. Các khối u máu đường hô hấp có thể gây suy hô hấp, các khối u vùng quanh hốc mắt có thể gây ảnh hưởng đến thị lực.
Trong số ít trường hợp u máu đa ổ ở gan có thể có sân shunts lớn dẫn đến suy tim, hoặc các khối u lan tỏa tại gan biểu hiện gan to và gây suy hô hấp, chèn ép hệ thống tĩnh mạch trong ổ bụng. Các khối u đường tiêu hóa có thể gây ảnh hưởng phản xạ nuốt, chảy máu dạ dày/ruột, vàng da do chèn ép đường mật. Các khối u hệ thần kinh trung ương có thể gây di chứng thần kinh như liệt, rối loạn vận động. - Điều trị: Tiếp cận và xử trí u máu theo từng trường hợp, dựa trên kích thước, hình thái, vị trí tổn thương, nguy cơ biến chứng, tuổi của bệnh nhân, tốc độ tăng sinh của khối u, cân nhắc giữa biến chứng do điều trị và lợi ích.
Mục tiêu điều trị nhằm phòng ngừa và điều trị các biến chứng gây nguy hiểm tính mạng hay đe dọa chức năng các cơ quan, giảm thiểu các biến dạng tổn thương trên da cũng như tối thiểu hóa các lo lắng tâm lý của bệnh nhân và gia đình.
U máu không biến chứng và khu trú, nhất là ở các vị trí không ảnh hưởng đến thẩm mỹ đa phần sẽ không cần can thiệp, có thể theo dõi tiến triển bằng cách chụp ảnh thường xuyên. Chỉ định sử dụng thuốc tại chỗ hoặc toàn thân sẽ do bác sĩ chuyên khoa quyết định.
U máu nguy cơ biến chứng cao (các u máu lớn để lại sẹo, gây biến dạng, các khối u bị viêm loét, các khối u gây nguy hiểm tính mạng như u máu đường hô hấp hoặc gây ảnh hưởng chức năng như u máu vùng hốc mắt...) cần được bắt đầu điều trị tại các trung tâm chuyên sâu từ sớm (1 tháng tuổi). Các phương pháp sử dụng có thể đơn thuần hoặc phối hợp giữa điều trị toàn thân (Propranolol, Corticosteroid, Vincristine, Interferon alpha) và điều trị tại chỗ (phẫu thuật, laser, gây tắc mạch) tùy theo tính chất tổn thương và đáp ứng điều trị.
U máu là loại khối u mạch hay gặp nhất ở trẻ em, thường xuất hiện trong tháng đầu đời, vị trí hay gặp là đầu và cổ và có thể bị ở các cơ quan như gan, ống tiêu hóa, não. U máu phát triển qua 2 giai đoạn: tăng sinh trong vài tháng đầu và tiếp theo là thoái triển thường sau 1 tuổi và có thể kéo dài vài năm.
Đa phần các khối u máu không có biến chứng và không cần phải điều trị. Trẻ được phát hiện u máu cần được khám và theo dõi tại các cơ sở y tế để được tư vấn và can thiệp kịp thời.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa.
Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.