Tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc là bệnh lý thường gặp do rối loạn mạch máu tại võng mạc, có thể gây suy giảm thị lực, thậm chí dẫn tới mù nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, đúng phác đồ.
1. Tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc là gì?
Võng mạc là lớp mô lót ở mặt trong của mắt, nhạy cảm với ánh sáng. Võng mạc làm nhiệm vụ chuyển đổi hình ảnh thị giác sang tín hiệu thần kinh, thông qua dây thần kinh thị giác gửi tín hiệu đến não bộ. Tĩnh mạch võng mạc có chức năng vận chuyển máu từ võng mạc trở về tim. Tĩnh mạch võng mạc gồm tĩnh mạch trung tâm và tĩnh mạch nhánh. Tĩnh mạch trung tâm võng mạc chạy bên trong dây thần kinh thị giác. Các tĩnh mạch nhỏ hơn chạy dọc trong lớp trong của võng mạc để đưa máu vào tĩnh mạch trung tâm võng mạc.
Tắc tĩnh mạch võng mạc là bệnh rối loạn mạch máu võng mạc thường gặp, là hiện tượng tắc nghẽn tĩnh mạch do cục máu đông hoặc dịch tích tụ, làm suy yếu chức năng của võng mạc và ảnh hưởng tới thị lực. Về lâm sàng, tắc tĩnh mạch võng mạc được chia thành tắc tĩnh mạch nhánh và tắc tĩnh mạch trung tâm:
- Bệnh tắc tĩnh mạch nhánh võng mạc là bệnh xảy ra khi một trong các tĩnh mạch nhỏ tại võng mạc bị tắc nghẽn bởi huyết khối. Tắc tĩnh mạch võng mạc nhánh chiếm khoảng 30% số ca tắc tĩnh mạch. Nếu tĩnh mạch bị tắc nghẽn dẫn lưu máu vùng hoàng điểm thì người bệnh sẽ bị phù hoàng điểm, làm giảm thị lực;
- Bệnh tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc là tình trạng ngưng trệ tuần hoàn trở về, xảy ra ở thân tĩnh mạch - nơi hội tụ của các nhánh tĩnh mạch. Bệnh không cấp tính nhưng dễ tái phát. Bệnh tắc tĩnh mạch võng mạc trung tâm thường gặp ở người trên 50 tuổi (tỷ lệ lên tới 90%) và tiên lượng lâu dài của bệnh khá xấu do gây ra nhiều biến chứng ở mắt.
Tắc tĩnh mạch võng mạc là bệnh có thể gây giảm sút thị lực trầm trọng, thậm chí dẫn tới mù lòa do những biến chứng nặng nề của bệnh trong trường hợp người bệnh không kịp thời phát hiện và điều trị bệnh.
2. Nguyên nhân gây tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc
Tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc thường xảy ra do các động mạch cứng lại, gây ra các cục máu đông. Những người bị hẹp, tổn thương mạch máu hoặc những người mắc các bệnh mạn tính dưới đây dễ bị tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc:
- Xơ vữa động mạch;
- Tăng nhãn áp;
- Đái tháo đường;
- Tăng huyết áp;
- Cholesterol cao;
- Phù hoàng điểm;
- Rối loạn máu ảnh hưởng tới đông máu;
- Người hút thuốc lá;
- Người trên 60 tuổi.
Ngoài ra, có khoảng 10% các ca tắc tĩnh mạch võng mạc không tìm ra nguyên nhân gây bệnh.
3. Triệu chứng tắc nghẽn tĩnh mạch trung tâm võng mạc
Tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc thường đột ngột xuất hiện ở một mắt. Triệu chứng bệnh có thể từ nhẹ đến nặng tùy mức độ tắc và vị trí tắc. Thậm chí, có trường hợp không có triệu chứng gì hoặc chỉ cảm thấy có một đốm đen ở mắt, không gây ảnh hưởng đến thị lực.
Trong khi đó, số khác có các triệu chứng cơ bản gồm: Đột nhiên nhìn kém, có cảm giác như nhìn qua sương mù hoặc có đám đen trước mắt, thị lực có thể bị suy giảm trầm trọng trong vòng vài phút hoặc sau 2 - 3 ngày. Vùng nhìn của người bệnh có thể bị thu hẹp lại, mất thị lực một phần hoặc hoàn toàn. Triệu chứng thay đổi thị lực có thể trong thời gian ngắn hoặc kéo dài dai dẳng tùy tình trạng toàn thân của bệnh nhân. Bệnh thường không gây đau, nhức mỏi, đỏ hay chảy nước mắt,...
Khi chẩn đoán, bác sĩ sẽ tra thuốc giãn đồng tử để soi đáy mắt. Hình ảnh thu được ở mắt của người bệnh là tĩnh mạch võng mạc giãn không đều, nếu xuất hiện võng mạc nhiều có thể khiến động mạch bị thu hẹp, có thể có xuất tiết bông, xốp trên võng mạc, phù võng mạc lan tỏa,... Ở giai đoạn có biến chứng, bệnh nhân bị phù hoàng điểm dạng nang, tân mạch mống mắt, tân mạch võng mạc, glocom tân mạch, teo thần kinh thị giác,... dẫn tới mù lòa.
4. Điều trị tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc
Bệnh tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc cần được điều trị ở các bệnh viện chuyên khoa mắt. Tại đây, các bác sĩ sẽ cho bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh như chụp mạch ký huỳnh quang võng mạc hay chụp cắt lớp võng mạc để xác định hình thái bệnh và có phương hướng điều trị phù hợp. Việc điều trị sớm giúp ngăn ngừa biến chứng của bệnh, đồng thời cải thiện thị lực cho bệnh nhân.
4.1 Điều trị nội khoa
- Sử dụng các loại thuốc chống ngưng kết tiểu cầu;
- Điều trị giảm rối loạn tính thấm và huyết động;
- Chống xuất huyết và xuất tiết;
- Sử dụng corticoid khi có phản ứng viêm.
4.2 Các phương pháp điều trị khác
- Điều trị quang đông võng mạc bằng laser: Tùy thuộc vào chỉ định của bác sĩ để kiểm soát xuất huyết và phù;
- Điều trị lạnh đông và thực hiện phẫu thuật khi có chỉ định;
- Quang đông, lạnh đông hoặc điện đông thể mi khi có biến chứng Glocom. Có thể phải cắt bỏ nhãn cầu nếu bị đau kéo dài.
Ngoài ra, do tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc có liên quan đến các bệnh lý toàn thân nên người bệnh cần đi khám chuyên khoa tổng thể để phát hiện, điều trị các bệnh lý như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường,... hoặc phát hiện và điều trị các bệnh lý phối hợp tại mắt để trị bệnh hiệu quả, triệt để.
5. Biện pháp phòng ngừa tắc tĩnh mạch võng mạc
- Điều trị hiệu quả các bệnh lý toàn thân gây tắc tĩnh mạch võng mạc như tăng huyết áp, tiểu đường,...;
- Khám mắt định kỳ (đối với người lớn tuổi, người bị cận thị hoặc có bệnh lý mạch máu) mỗi năm một lần; khám ngay khi cảm nhận thấy dấu hiệu bất thường để bác sĩ kịp thời đưa ra phương pháp điều trị phù hợp, có cơ hội bảo vệ, phục hồi thị lực;
- Thực hiện chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh để làm giảm mảng xơ vữa, giảm tình trạng tắc nghẽn dòng chảy của mạch máu. Cụ thể, nên ăn thức ăn ít béo, duy trì hoạt động thể chất thường xuyên, bỏ hút thuốc lá,...
Khi bị tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc, nếu không điều trị sớm thì sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm như mắc bệnh cườm nước, xuất huyết trong mắt, bong võng mạc hay thậm chí là mù lòa,... Vì vậy, cần phát hiện, điều trị bệnh sớm ngay khi có dấu hiệu bệnh để giảm tối đa nguy cơ gặp phải những biến chứng khó lường.
Video đề xuất:
Khám sức khỏe định kỳ tại Vinmec: Bảo vệ bạn trước khi quá muộn!
XEM THÊM
- Gói tầm soát tật khúc xạ
- Trẻ nhỏ cũng có thể mắc viễn thị
- Loạn thị cũng đáng lo như cận thị