Thị lực của bạn ở tuổi trưởng thành và trung niên

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Bích Nhĩ - Bác sĩ Chuyên khoa Mắt - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang. Bác sĩ có 10 năm kinh nghiệm về chuyên ngành mắt.

Thị lực, cũng như nhiều yếu tố khác của cơ thể, sẽ chịu tác động của thời gian. Vậy thời gian tác động lên thị lực như thế nào?

1. Thị lực là gì?

Thị lực là khả năng nhận biết và phân biệt rõ hai điểm riêng biệt ở gần nhau của mắt. Góc được tạo ra giữa hai điểm này gọi là góc thị giác.

2. Sự tác động của thời gian lên thị lực

Thị lực của con người khi bước vào tuổi trưởng thành đạt ở ngưỡng cao nhất, sau đó sẽ dần suy giảm theo thời gian. Tuy nhiên sự suy giảm này diễn ra rất từ từ, rất chậm, và phải khi con người ở tuổi trung niên mới bắt đầu cảm nhận rõ rệt.

Sự thay đổi thị lực theo thời gian (thị lực kém dần đi) là điều tất yếu tự nhiên, nhưng có những thay đổi là bình thường, có những thay đổi sẽ cần thăm khám và can thiệp điều trị nhất định.

2.1 Những thay đổi bình thường của thị lực

Những thay đổi bình thường của thị lực bao gồm:

  • Giảm độ tập trung của mắt, thị lực kém đi, khó có thể nhìn nhận rõ những vật ở gần.

Khó nhìn nhận những vật ở gần là biểu hiện của cận thị
Khó nhìn nhận những vật ở gần là biểu hiện của cận thị
  • Khó phân biệt được màu sắc, khó nhận ra giới hạn của các vật thể có màu trùng với màu của phông nền phía sau.
  • Cần ánh sáng mạnh hơn để có thể nhìn rõ hơn, cần nhiều thời gian để điều tiết hơn khi thay đổi giữa các môi trường có cường độ ánh sáng khác nhau.

2.2 Những thay đổi bất thường của mắt và thị lực

Trên thực tế mất thị lực không phải là một yếu tố bình thường khi con người già đi, nhưng theo thời gian thì nguy cơ mắc các vấn đề và bệnh lý về mắt có liên quan tới tuổi tác ngày càng tăng lên, kéo theo nguy cơ xảy ra tình trạng mất thị lực. Các vấn đề và bệnh lý về mắt có liên quan tới tuổi tác bao gồm:

  • Thoái hóa điểm vàng: Đây là nguyên nhân dẫn tới mất thị lực tại Hoa Kỳ. Ước tính có khoảng 11 triệu công dân Hoa Kỳ mắc các dạng khác nhau của thoái hóa điểm vàng, và con số này có thể tăng gấp đôi lên tới gần 22 triệu người vào năm 2050. Tuổi tác là một yếu tố nguy cơ lớn của thoái hóa điểm vàng.
  • Đục thủy tinh thể: Thủy tinh thể vốn trong suốt, dần trở nên mờ đục hoặc trắng đục, một phần rồi dần dần lan ra toàn bộ thủy tinh thể. Đục thủy tinh thể là tình trạng phổ biến đối với người cao tuổi. Tuy nhiên đục thủy tinh thể có thể điều trị được, và phẫu thuật thay thủy tinh thể nhân tạo là biện pháp hữu hiệu xử lý tình trạng đục thủy tinh thể.
  • Bệnh võng mạc đái tháo đường: Là nguyên nhân gây mất thị lực phổ biến nhất ở những người mắc đái tháo đường. Các mạch máu ở võng mạc bị tổn thương, chảy máu, dẫn tới ảnh hưởng tới thị lực và cuối cùng là gây mất thị lực vĩnh viễn.
  • Glôcôm: Glôcôm là một nguyên nhân phổ biến gây mất thị lực. Glôcôm có nhiều dạng khác nhau, các triệu chứng sẽ tùy dạng glaucoma gặp phải, từ âm thầm gây tổn thương mắt mà không có biểu hiện trong thời gian dài, cho tới đột ngột biểu hiện triệu chứng rầm rộ.

3. Có thể làm những gì để bảo vệ thị lực?


Sinh hoạt điều độ, hợp lý để bảo vệ thị lực tốt
Sinh hoạt điều độ, hợp lý để bảo vệ thị lực tốt

Có thể tham khảo một số hướng dẫn sau nhằm bảo vệ tối đa thị lực cho bản thân:

  • Không hút thuốc lá.
  • Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên.
  • Duy trì trị số huyết áp ở ngưỡng bình thường.
  • Kiểm soát nồng độ đường huyết nếu mắc đái tháo đường.
  • Đeo kính có khả năng bảo vệ mắt trước tia cực tím khi đi ra ngoài trời.
  • Thực hành chế độ ăn cân bằng, lành mạnh, giàu dinh dưỡng.
  • Đeo đồ bảo hộ đầy đủ khi thực hiện các hoạt động có nguy cơ tổn thương tới mắt.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe