Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Huỳnh Kim Long - Bác sĩ hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Chấn thương vùng bụng do tai nạn giao thông chiếm tỷ lệ cao lên đến 70% so với các nguyên nhân khác nếu không được cứu chữa kịp thời. Vậy làm thế nào để sơ cứu chấn thương bụng đúng cách làm giảm thiểu nguy cơ tử vong trước khi bệnh nhân được đưa đến bệnh viện?
1. Chấn thương bụng là gì?
Chấn thương vùng bụng là một cấp cứu thường gặp, bao gồm chấn thương bụng kín và chấn thương bụng hở. Chấn thương bụng thường nằm trong bệnh cảnh đa chấn thương nặng, nguyên nhân do chấn thương trực tiếp hoặc vết thương đâm xuyên. Chấn thương bụng thường gặp chủ yếu với nguyên nhân tai nạn giao thông, tai nạn trong lao động, tai nạn trong sinh hoạt hằng ngày. Số ít các chấn thương bụng hở do dao, kéo hoặc vật nhọn đâm xuyên vào người nạn nhân.
Nguy cơ tử vong cao nếu có vỡ các tạng đặc như gan, lách, mạch máu ... hoặc kèm tổn thương khác trong vỡ xương chậu, chấn thương sọ não. Khi xác định có chấn thương bụng nên xử trí nhanh và liên hệ y tế hỗ trợ để chuyển nạn nhân đến bệnh viện gần nhất có thể.
Bên trong ổ bụng chứa nhiều cơ quan quan trọng của hệ tiêu hóa, hệ tiết niệu, một số cơ quan khác như tuyến thượng thận và mạch máu lớn. Trong đó, đặc biệt quan trọng là các tạng như gan nằm dưới sườn phải và dưới mũi ức, lách nằm ở dưới sườn trái. Khi có vết thương hoặc chấn thương vùng này nên lưu ý vì các tạng vỡ sẽ chảy máu ồ ạt gây nguy hiểm tính mạng ngay. Ngoài ra, vỡ xương chậu có thể gây mất đến 2/3 lượng máu của cơ thể, hoặc hơn và nguy cơ tử vong cao, do vậy nếu bệnh nhân gặp chấn thương vùng này cần ổn định nạn nhân và nhờ y tế can thiệp hỗ trợ.
Hiện nay, chấn thương bụng kín thường gặp hơn so với chấn thương bụng hở, đôi khi cũng xuất hiện những tổn thương phối hợp bao gồm cả hai loại chấn thương vùng bụng.
2. Nhận biết chấn thương vùng bụng
Cơ chế chấn thương vùng bụng xảy ra do sự giảm tốc đột ngột khiến các tạng trong cơ thể di chuyển với tốc độ khác nhau dẫn đến rách tạng. Ngoài ra, sự đè nghiến khi tai nạn xảy ra hoặc sự tăng áp lực đột ngột trong khoang bụng cũng có nguy cơ làm các tạng bị tổn thương.
Để nhận biết được bệnh nhân có bị chấn thương vùng bụng hay không thường gặp khó khăn bởi người bệnh có thể bị nhiều tổn thương phối hợp, đánh lạc hướng người sơ cứu.
Các trường hợp chấn thương bụng hở dễ nhận biết khi thấy như sau: Vết thương rách da, có lòi tạng, mạc nối lớn, chảy máu ra ngoài, hoặc xây sát thành ngực, bụng nạn nhân kêu đau, bụng chướng.
Trường hợp chấn thương bụng kín, cần nghĩ đến chấn thương bụng khi thấy:
- Nguyên nhân sang chấn va đập trực tiếp vào thành bụng
- Vết xây xát, bầm tím thành ngực bụng hoặc ở vùng bụng
- Nạn nhân đau bụng, bụng chướng ...
- Sau chấn thương bệnh nhân choáng, vã mồ hôi, đi ngoài hoặc nôn máu đỏ tươi
3. Sơ cứu chấn thương bụng đúng cách
3.1 Sơ cứu chấn thương bụng cho người gặp nạn
Các chấn thương vùng bụng thường có nguy cơ tử vong cao nếu không được cứu chữa kịp thời. Sau đây là một số điều bạn nên biết về sơ cứu cho người gặp nạn nghi ngờ chấn thương bụng:
- Để nạn nhân nằm thoải mái ở nơi thoáng mát, rộng rãi để theo dõi và xử trí
- Nới lỏng quần áo, thắt lưng
- Nằm nghiêng an toàn nếu bệnh nhân nôn hoặc có xu hướng nôn và nên cho nằm nghiêng trái
- Thực hiện các quy trình ABC: Đường thở (Airway), hô hấp (Breathing), tuần hoàn (Circulation) và các xử trí khác nếu cần thiết
- Nếu có sốc nên để đầu thấp, chân cao, ủ ấm tạm thời nạn nhân. Vết thương hở, chảy máu băng bó bằng gạc vô trùng hoặc quần áo sạch
- Phần tạng lộ ra ngoài: ruột, mạc nối lớn ... tuyệt đối không cố gắng đẩy vào trong mà dùng gạc sạch đậy lên trên và cho tưới nước muối sinh lý liên tục. Nếu không có thể dùng bát, chậu nhỏ bằng nhựa, thủy tinh ... úp lên trên và giữ kín để chuyển đi, điều này giúp hạn chế phần nào sự nhiễm trùng.
- Các dị vật, vũ khí đâm xuyên không được tháo ra mà để nguyên vì nếu cố tình lấy dị vật ra có thể làm bệnh nhân mất máu nhiều hơn, nguy hiểm đến tính mạng của họ. Chú ý tuyệt đối không cho nạn nhân ăn uống trong lúc này.
- Không di chuyển nạn nhân cho đến khi có cứu trợ y tế đến chăm sóc nếu nạn nhân chưa ổn định.
3.2 Gọi hỗ trợ y tế
Gọi hỗ trợ cấp cứu y tế: 115 hoặc cơ sở y tế gần nhất. Khi gọi nên cung cấp thông tin y tế đầy đủ về nạn nhân, tình trạng vết thương để được tư vấn xử trí và chuẩn bị đồ, nhân viên phù hợp cho việc cấp cứu. Nếu các chấn thương quá nặng không nên tự ý di chuyển nạn nhân mà nên đợi xe cứu thương cùng đội ngũ y bác sĩ chuyên nghiệp đến xử lý, tránh trường hợp đưa người bị nạn đi cấp cứu khiến tình trạng tổn thương của họ nguy hiểm hơn. Lưu ý thông báo rõ nếu nghi ngờ vỡ tạng đặc, vết thương đâm xuyên hoặc lòi tạng, bệnh nhân tình trạng sốc.
Chấn thương bụng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu như không được cấp cứu kịp thời. Vì thế, trong các trường hợp khẩn cấp cần gọi hỗ trợ y tế, sơ cứu kịp thời để người bệnh tránh được nguy hiểm đến tính mạng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: Cục quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế