​Rượu bia là nguyên nhân trực tiếp gây ra nhiều loại bệnh không lây nhiễm

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Bùi Ngọc Phương Hòa - Bác sĩ Nội đa khoa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Theo thống kê, rượu bia có thể là nguyên nhân gián tiếp gây ra 200 loại bệnh tật, chấn thương khác nhau. Ngoài những tác hại đối với sức khỏe con người, rượu bia còn là căn nguyên của nhiều vấn đề xã hội nghiêm trọng khác như: Bạo lực, mất trật tự an ninh, tội phạm, phân hóa xã hội.

1. Tình hình bệnh tật, tử vong do rượu bia tại Việt Nam?

Việt Nam là nước đang phải đối mặt với sự gia tăng trầm trọng của các bệnh không lây nhiễm. Theo WHO, năm 2012 ước tính cả nước ghi nhận 520.000 trường hợp tử vong do tất cả các nguyên nhân. Trong đó, tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% và rượu bia là một trong 4 yếu tố nguy cơ chủ yếu (bệnh tim mạch, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đái tháo đường).

Thống kê cũng cho thấy, các rối loạn do lạm dụng rượu bia nằm trong 10 nguyên nhân hàng đầu gây ra gánh nặng bệnh tật và tử vong ở nam giới. Đồng thời, nó cũng là yếu tố nguy cơ xếp thứ 5 trong 15 nguy cơ sức khỏe hàng đầu tại Việt Nam, là nguyên nhân gián tiếp gây ra các rối loạn tâm thần và hành vi, chấn thương, tai nạn, xơ gan hoặc thậm chí là ung thư....

2. Nhiều loại bệnh không lây nhiễm do bia rượu gây ra

Rượu bia là nguyên nhân gián tiếp của 200 loại bệnh tật, chấn thương không do lây nhiễm. Một số bệnh không lây nhiễm do bia rượu gây ra gồm:

  • Rối loạn tâm - thần kinh: Rối loạn này là do việc nghiện rượu và các hậu quả rối loạn tâm thần nặng, hội chứng “cai rượu” gây ra. Bên cạnh đó, người uống rượu quá nhiều có thể dẫn đến động kinh, trầm cảm, rối loạn lo âu, quan hệ tình dục không an toàn, chấn thương, bạo lực,... từ đó ảnh hưởng tới bản thân, gia đình và xã hội.
  • Nhiễm độc rượu ở bào thai: Đây là 1 trong những bệnh không lây nhiễm do bia rượu khá phổ biến. Phụ nữ mang thai sử dụng rượu bia có thể dẫn đến hội chứng nhiễm độc rượu ở bào thai khiến cho trẻ sinh ra bị dị tật, chậm phát triển, tổn thương hệ thần kinh.
  • Ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa: Uống nhiều rượu bia dẫn đến tổn thương gan, xơ gan. Từ đó khiến cho các tổn thương do virus viêm gan B, C; viêm tụy cấp tính hoặc mãn tính ngày một trầm trọng hơn.
  • Gây ung thư: Ethanol chứa trong rượu bia được Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Quốc tế xếp vào nhóm chất gây ung thư cao nhất. Những ung thư điển nhất nhất do bia rượu gây ra đó là ung thư khoang miệng, họng, thanh quản, thực quản, gan, ung thư vú hoặc ung thư đại - trực tràng. Nguy cơ gây ung thư sẽ tỷ lệ thuận với lượng rượu mà 1 người nạp vào cơ thể mỗi ngày.
  • Hệ miễn dịch suy giảm: Đây là bệnh không lây nhiễm do bia rượu. Khi hệ miễn dịch bị suy giảm có thể dẫn tới tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm như viêm phổi, lao, HIV.
  • Bệnh tim mạch: Rượu bia với bệnh tim mạch có tác động tích cực và tiêu cực. Cụ thể, sử dụng rượu bia ở mức thấp có khả năng làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch, nhưng nếu sử dụng rượu bia ở mức độ nhiều lại làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ và tăng huyết áp.
  • Đái tháo đường: Đây là bệnh không lây nhiễm do bia rượu. Giống như bệnh tim mạch, rượu bia có ảnh hưởng tích cực với đái tháo đường nếu uống với liều lượng thấp nhưng sẽ có tác động tiêu cực, làm trầm trọng thêm bệnh nếu uống rượu bia ở mức độ nhiều.
  • Chấn thương: Sử dụng rượu bia ở mức độ nhiều sẽ làm tăng nguy cơ tự tử và bạo lực gia đình, xã hội. Nguy cơ các chấn thương gia tăng theo mức tiêu thụ rượu bia.

Hiện nay, các bệnh không lây nhiễm do bia rượu khá phổ biến
Hiện nay, các bệnh không lây nhiễm do bia rượu khá phổ biến

3. Làm thế nào để hạn chế tối đa các bệnh không lây nhiễm do bia rượu?

Ngoài những tác hại đối với sức khỏe con người, rượu bia còn là căn nguyên của nhiều vấn đề xã hội nghiêm trọng khác như: Bạo lực, mất trật tự an ninh, tội phạm, phân hóa xã hội.

Tại Việt Nam, bạo lực gia đình là một vấn đề xã hội đang bị lên án mạnh mẽ. Có nhiều vụ việc đáng tiếc xuất phát từ việc sử dụng rượu bia, đây có thể coi là nguyên nhân lớn nhất gây ra khoảng 33,7% các vụ bạo lực gia đình mỗi năm tại Việt Nam.

Hiện nay, trẻ em cũng đang là nạn nhân trong việc sử dụng rượu bia của người lớn. Rất nhiều trường hợp em nhỏ bị xúc phạm, nhục mạ, mắng chửi, bỏ mặc, thiếu sự chăm sóc bảo vệ của người lớn hoặc phải chứng kiến bạo lực nghiêm trọng... khi trong gia đình có người nghiện rượu.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, 1 người nếu muốn bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và xã hội thì tốt nhất không nên uống rượu, bia vì không có ngưỡng nào là an toàn. Trong trường hợp có uống thì nên:

  • Không nên uống quá 2 đơn vị cồn/ngày (đối với nam giới) và 1 đơn vị cồn/ngày (đối với nữ giới). Không uống rượu bia quá 5 ngày/tuần.
  • Không tắm ngay sau khi uống rượu, bia vì có thể khiến một lượng lớn đường glucose có trong cơ thể giảm, dẫn tới hạ đường huyết đột ngột, gây đột quỵ, trụy tim mạch.
  • Nên ăn nhiều rau xanh và hoa quả, đậu nành vì nó rất giàu vitamin cũng như chất chống oxy hóa để bảo vệ gan, từ đó hạn chế tác hại của cồn trong rượu tới hoạt động của gan.
  • Không hút thuốc lá trong lúc uống rượu, bia vì điều này làm tăng nguy cơ ung thư thực quản và vòm họng.
  • Không dùng trà ngay sau khi uống rượu, bia vì có thể gây hại cho dạ dày nhiều hơn. Tuyệt đối không uống rượu, bia khi đói vì sẽ khiến bạn dễ say, nôn nao, khó chịu.
  • Nên uống nhiều nước khi uống rượu, bia vì điều này có thể giúp đẩy nhanh quá trình đào thải chất cồn ra khỏi cơ thể qua đường tiểu, từ đó không làm bạn bị quá say khi uống rượu.

Những người có thói quen uống rượu thường xuyên nên thăm khám sức khỏe định kỳ để tầm soát các bệnh lý dễ mắc phải. Đây có thể coi là biện pháp phòng ngừa hiệu quả các bệnh không lây nhiễm do bia rượu gây ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe