Bài viết được viết bởi ThS, BS. Nguyễn Vĩnh Toàn, Khoa Liên Chuyên Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Nội soi thanh quản là phương pháp chẩn đoán hình ảnh được sử dụng phổ biến khi bệnh nhân có triệu chứng ho, đau họng, xác định dị vật... Có 3 hình thức nội soi thanh quản: trực tiếp, gián tiếp, ống mềm. Vậy quy trình thực hiện nội soi như thế nào? Có gây ra biến chứng gì không? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về phương pháp chẩn đoán hình ảnh này.
1. Nội soi thanh quản là gì?
Nội soi thanh quản là phương pháp thăm khám mà trong đó, bác sĩ sẽ sử dụng một thiết bị nhỏ để đưa vào cổ họng của bạn nhằm mục đích đánh giá họng, thanh quản và các cấu trúc liên quan khác.
Phương pháp này thường được chỉ định khi bạn có một vài triệu chứng như ho hoặc đau họng, nhằm mục đích tìm hoặc có thể lấy đi những dị vật bị mắc ở trong đó hoặc nhằm mục đích sinh thiết.
2. Khi nào cần nội soi thanh quản?
- Khi bác sĩ cần đánh giá kỹ hơn những bất thường liên quan đến họng với các triệu chứng như đau họng, ho, khàn tiếng hoặc hơi thở hôi;
- Khi bị hóc xương hoặc mắc dị vật ở họng;
- Khi bạn thấy khó thở;
- Khi bạn bị đau tai;
- Ngoài ra bác sĩ cũng có thể dùng nội soi để thăm khám và phát hiện sớm ung thư;
- Mục đích bấm sinh thiết.
3. Có mấy loại soi thanh quản?
- Soi thanh quản gián tiếp: Đây là loại đơn giản nhất. Bác sĩ sẽ dùng một cái gương nhỏ và đèn đeo trán để nhìn vào họng của bạn. Đây là một cái gương có cán dài, giống như loại mà bác sĩ nha khoa hay dùng và đặt vào vị trí cuống họng. Khi đó, bác sĩ sẽ chiếu đèn qua miệng của bạn và nhìn qua gương này. Việc thăm khám như vậy có thể kéo dài từ 5 – 10 phút. Bạn sẽ được yêu cầu ngồi trên ghế khám. Bác sĩ có thể xịt một chút thuốc tê vào họng của bạn để hạn chế phản xạ buồn nôn.
- Soi thanh quản trực tiếp ống cứng: Đây là phương pháp thường được sử dụng nhất trong thăm khám tai mũi họng. Bác sĩ sẽ sử dụng ống nội soi đưa qua miệng xuống họng. Quá trình nội soi thanh quản ống cứng có thể kéo dài từ 10 – 15 phút.
- Soi thanh quản ống mềm: Khi thăm khám bằng phương pháp này, bác sĩ sẽ sử dụng một ống soi nhỏ đưa qua mũi và xuống họng. Thời gian thăm khám khoảng 10 phút. Bạn sẽ được xịt thuốc tê vào trong mũi, đôi khi cả thuốc co mạch để mở rộng mũi. Trong quá trình khám này, bạn cũng vẫn có thể có phản xạ buồn nôn.
4. Những biến chứng có thể gặp trong quá trình soi thanh quản
Soi thanh quản ít khi xảy ra biến chứng, tuy nhiên vẫn có những nguy cơ nhất định. Một vài nguy cơ bao gồm:
- Đau hoặc sưng ở vùng miệng, lưỡi hoặc cổ họng;
- Chảy máu mũi hoặc miệng;
- Khàn tiếng;
- Buồn nôn, nôn;
- Nhiễm trùng.
Nếu bạn được chỉ định dùng thuốc gây mê hoặc gây tê, bạn có thể cảm thấy buồn nôn hoặc là buồn ngủ sau đó. Bạn có thể cảm thấy khô miệng hoặc đau họng. Đây là những biểu hiện rất thường gặp của thuốc tê.
Nhưng nếu sau khi hoàn thành thực hiện soi thanh quản mà bạn vẫn cảm thấy đau, sốt, ho hoặc nôn máu, có vấn đề về nuốt hoặc thở, hoặc đau ngực. Khi đó bạn cần đến gặp lại bác sĩ ngay.
Để kết quả chẩn đoán được chính xác, bạn nên đến các cơ sở y tế uy tín, có trang thiết bị hiện đại để khám. Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là cơ sở y tế chất lượng cao tại Việt Nam với đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, được đào tạo bài bản, chuyên sâu trong nước và nước ngoài, giàu kinh nghiệm.
Hệ thống thiết bị y tế hiện đại, tối tân, sở hữu nhiều máy móc hiện đại trên thế giới giúp phát hiện ra nhiều căn bệnh khó, nguy hiểm trong thời gian ngắn, hỗ trợ việc chẩn đoán, điều trị của bác sĩ hiệu quả nhất. Không gian bệnh viện được thiết kế theo tiêu chuẩn khách sạn, mang đến cho người bệnh sự thoải mái, thân thiện, yên tâm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.