Quy trình, biến chứng của gây tê tủy sống

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thiều Trung - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc, Bác sĩ chuyên khoa I Trần Thị Ánh Hiền - Khoa Gây mê phẫu thuật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Gây tê tủy sống hay còn gọi là gây tê dưới màng cứng là phương pháp vô cảm hiệu quả, chắc chắn cao, tương đối đơn giản, ít gây tai biến và biến chứng nhưng cần tôn trọng các nguyên tắc căn bản như vô trùng, thuốc có độ tinh khiết tuyệt đối, kim nhỏ và nhất là chăm sóc bệnh nhân chu đáo. Các câu hỏi thường gặp ở bệnh nhân như gây tê tủy sống có biến chứng gì hay gây tê tủy sống có gây đau lưng không sẽ được giải đáp dưới đây.

1. Gây tê tủy sống là gì?

Gây tê tủy sống gọi chính xác là gây tê khoang dưới màng nhện là phương pháp gây tê vùng được thực hiện bằng cách đưa lượng thuốc tê thích hợp vào khoang dưới màng nhện khiến thuốc tê hòa vào dịch não tủy. Thuốc tê ban đầu có nồng độ lớn nhưng khi hòa chung với dịch não tủy thì nồng độ nhỏ hơn so với ban đầu và tác dụng vào các rễ thần kinh gây nên mất cảm giác và liệt vận động. Đây là phương pháp vô cảm đặc biệt trong lĩnh vực gây mê hồi sức nên chỉ những người có nhiều kinh nghiệm và nắm vững nguyên tắc mới nên thực hiện.


Gây tê tủy sống được thực hiện tại cơ sở y tế uy tín
Gây tê tủy sống được thực hiện tại cơ sở y tế uy tín

2. Cơ chế tác dụng của thuốc tê trong gây tê tủy sống

Khi chích thuốc tê vào dưới màng cứng thì thuốc tê sẽ ngấm vào các rễ thần kinh tủy sống và các nhánh nối giao cảm ở phía trên và dưới vùng chọc kim, ở đoạn từ tủy đi ra ngoài, chui qua khoang dưới màng cứng có tác dụng cắt đứt đường dẫn truyền xung động thần kinh làm xuất hiện nhanh chóng tình trạng liệt các dây thần kinh cảm giác, vận động và hệ thần kinh giao cảm chi phối cả hai chi dưới, thành bụng và các cơ quan trong ổ bụng.

Một số yếu tố ảnh hưởng đến tính lan rộng của thuốc sự vô cảm gồm có:

  • Vị trí tiêm
  • Tư thế người bệnh
  • Liều lượng thuốc tiêm
  • Thể tích thuốc tiêm
  • Tốc độ và lực bơm thuốc tê
  • Thời gian tác dụng phụ thuộc vào từng loại thuốc tê
  • Trọng lượng riêng của thuốc tê

Vị trí gây tê ảnh hưởng đến cơ chế tác dụng của thuốc tê
Vị trí gây tê ảnh hưởng đến cơ chế tác dụng của thuốc tê

3. Gây tê tủy sống thực hiện như thế nào?

Trước khi gây tê tủy sống cần khám toàn diện bệnh nhân để xem xét đánh giá tình trạng bệnh nhân và giải thích cho bệnh nhân hiểu rõ. Đêm trước khi mổ cho bệnh nhân thuốc an thần.

Tư thế chọc dò tủy sống gồm:

  • Tư thế ngồi: Dễ làm vì liên đốt sống dãn rộng nhưng không dùng khi tình trạng huyết động không ổn định.
  • Tư thế nằm sấp: Khó chọc dò nhất nên chỉ dùng khi mổ ở tư thế nằm sấp và bệnh nhân không thể nằm tư thế khác.
  • Tư thế nằm nghiêng: Thường dùng nhất và có thể áp dụng với tất cả phương pháp gây tê tủy sống. Bệnh nhân nằm nghiêng, cong lưng tôm, cột sống song song với bàn mổ, hai vai và hai gai chậu thẳng góc với mặt bàn mổ, đùi gập trước bụng, đầu cổ cong về trước.

Đường chọc dò tủy sống có thể là đường giữa, đường bên hoặc đường bên thắt lưng cùng. Vị trí chọc dò là đường ngang hai mào chậu đi qua giữa đốt thắt lưng 4-5 từ đó tính lên hoặc xuống tùy vào yêu cầu nơi chọc dò. Quy trình chọc dò như sau:


Gây tê tủy sống dưới sự hỗ trợ của máy siêu âm
Gây tê tủy sống dưới sự hỗ trợ của máy siêu âm

  • Dùng thuốc tê như lidocaine 1% 1-2 ml gây tê tại chỗ trong da hoặc dưới da.
  • Đâm kim vào kẽ giữa hai gai sau đốt sống, đẩy kim đi nhích lần từ ngoài vào trong sâu. Đẩy kim từ từ vào trong, để mặt vát của kim nằm ngang, khi vào độ sâu 4-5 cm mũi kim sẽ chạm vào mô đặc, chắc của dây chằng vàng, đâm sâu thêm 4-5 mm nữa mũi kim sẽ đâm thủng màng cứng và vào khoang dưới màng cứng.
  • Lúc này sẽ có cảm giác không còn sức cản nữa, rút cây thông nòng thấy dịch não tủy trong vắt như nước suối.
  • Khi thấy dịch não tủy chảy ra không lẫn máu, gắn ống chích có sẵn thuốc tê vào chốt kim.
  • Bơm nhẹ nhàng từ từ khoảng 1-2 ml trong 2-3 phút.
  • Nếu muốn mức tê lên cao có thể làm động tác dùng bơm, rút ra một ít dịch não tủy để hòa lẫn dung dịch thuốc tê rồi tiếp tục bơm vào nhắc lại vài lần.
  • Sau khi bơm thuốc tê xong, rút kim chọc dò tủy sống ra, sát trùng chỗ chọc kim, dán băng vô trùng và đặt bệnh nhân theo yêu cầu của cuộc phẫu thuật.
  • Theo dõi các dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân một cách chặt chẽ, liên tục và xử trí những tai biến có thể xảy ra và theo dõi mức tê cao thấp.

4. Những tai biến của gây tê tủy sống

Gây tê tủy sống có thể gây ra những tai biến, biến chứng như:

Nhức đầu: Là biến chứng thường gặp sau gây tê tủy sống do dịch não tủy thoát ra ngoài theo lỗ chọc dò. Nhức đầu thay đổi theo tư thế, đau vùng đỉnh và hai bên thái dương, nằm xuống hay để đầu thấp sẽ đỡ đau. Nhức đầu sẽ tự khỏi sau trung bình vài ngày, để giảm thiểu biến chứng cần dùng kim chọc dò càng nhỏ càng tốt thuốc

Đau lưng: Không nhiều hơn sau khi gây mê nếu chọc dò tủy sống đường giữa chính xác, không gây tổn thương những tổ chức cạnh cột sống.

Hạ huyết áp: Thường gặp sau gây tê tủy sống 20-30 phút do liệt thần kinh giao cảm gây giãn mạch vùng tê, giữ máu ở ngoại biên. Giảm huyết áp nhẹ khi gây tê tủy sống không cần can thiệp nhưng nếu nhiều cần truyền dịch nhanh, để chân cao, cho thở dưỡng khí và dùng atropin tĩnh mạch nếu kèm mạch chậm.

Hô hấp giảm: Thực tế gây tê tủy sống không ảnh hưởng tới chức năng hô hấp, hô hấp chỉ giảm khi mức tê quá cao làm liệt một phần cơ liên sườn hay cơ hoành gặp ở ảnh hưởng của nhóm tiền mê thuộc nhóm morphinique như morphine, dolosal,...

Nôn mửa: Do gây tê tủy sống làm giảm huyết áp gây thiếu dưỡng khí não.

Bí tiểu: Gặp ở sau mổ do hệ thống thần kinh điều khiển đi tiểu chưa được phục hồi trọn vẹn thường biến mất sau vài ngày.


Người bệnh xuất hiện triệu chứng đau lưng
Người bệnh xuất hiện triệu chứng đau lưng

Nhiễm trùng: Thường do không đảm bảo nguyên tắc, dụng cụ vô trùng.

Di chứng thần kinh: rất hiếm gặp như liệt dây thần kinh VI, tổn thương chùm đuôi ngựa hoặc viêm dày dính màng não tủy, viêm rễ thần kinh.

Tốt nghiệp chương trình đào tạo Bác sĩ Nội trú, Bác sĩ Trần Thị Ánh Hiền đã trải qua nhiều môi trường làm việc khác nhau như Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh và Bệnh viện Pháp Việt trước khi về làm việc tại Đơn nguyên Gây mê Giảm đau – Khoa Gây mê phẫu thuật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Để tìm hiểu thêm, quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY

Video đề xuất:

Kỹ thuật gây tê mặt phẳng cơ dựng sống (ESP): Giảm đau trọn vẹn, không cần morphin

XEM THÊM:

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe