Phương pháp chẩn đoán điện (điện cơ) và ứng dụng chẩn đoán bệnh lý hệ thần kinh - cơ

Bài viết được thực hiện bởi Bác sĩ Vũ Dũng Kiên - Bác sĩ Chuyên khoa Thần Kinh - Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Chẩn đoán điện thường được gọi với tên điện cơ, điện cơ đồ, điện sinh lý thần kinh-cơ. Đây là phương pháp ghi lại hoạt động điện của các tế bào thần kinh và tế bào cơ, phát hiện các bất thường hoạt động điện giúp cho chẩn đoán bệnh lý thần kinh ngoại biên, bệnh lý cơ và khớp thần kinh-cơ (synap thần kinh-cơ).

1. Chức năng hệ thần kinh

Hệ thần kinh được chia thành hệ thần kinh trung ương (bao gồm não và tủy sống) và hệ thần kinh ngoại biên (bao gồm các tế bào nằm ở sừng trước tủy, rễ thần kinh, dây thần kinh). Hệ thần kinh ngoại biên bao gồm các đường (dây/sợi trục) dẫn truyền cảm giác và dẫn truyền vận động.


Hình 1: Sơ đồ hệ thần kinh
Hình 1: Sơ đồ hệ thần kinh

Chức năng vận động và cảm giác ngoại biên bình thường dựa trên sự toàn vẹn hệ thống vận động ngoại biên (bao gồm tế bào vận động nằm ở sừng trước tủy-rễ và dây thần kinh vận động-khớp thần kinh cơ và tế bào cơ), và hệ thống cảm giác ngoại biên (bao gồm thụ cảm thể cảm giác trên da-dây thần kinh cảm giác-tế bào cảm giác nằm ở hạch cảm giác). Các bất thường về vận động và cảm giác là hậu quả của sự mất toàn vẹn chức năng hệ vận động, cảm giác ngoại biên.


Hình 2: Hệ thần kinh ngoại biên (tế bào vận động sừng trước tủy, tế bào cảm giác hạch rễ sau, rễ và dây thần kinh vận động-cảm giác, synap thần kinh-cơ và cơ)
Hình 2: Hệ thần kinh ngoại biên (tế bào vận động sừng trước tủy, tế bào cảm giác hạch rễ sau, rễ và dây thần kinh vận động-cảm giác, synap thần kinh-cơ và cơ)

Để khảo sát sự toàn vẹn chức năng hệ thần kinh vận động và cảm giác ngoại biên, phát hiện các bất thường bệnh lý người ta sử dụng phương pháp dựa trên việc ghi nhận hoạt động điện của các tế bào thần kinh và tế bào cơ, gọi là phương pháp ghi chẩn đoán điện. Phương pháp này còn thường được gọi với tên ghi điện cơ, ghi điện cơ đồ, ghi điện sinh lý thần kinh-cơ

Tổn thương (mất toàn vẹn) hệ vận động và cảm giác ngoại biên gặp trong nhiều bệnh lý thuộc nhiều chuyên khoa (thần kinh, cơ-xương-khớp, nội tiết, chấn thương...), có nhiều nguyên nhân khác nhau (nhiễm độc, miễn dịch, vi khuẩn, virus, rối loạn chuyển hóa, di truyền...), biểu hiện triệu chứng đa dạng với các triệu chứng cảm giác (đau, tê bì, dị cảm ...) và triệu chứng vận động (yếu cơ, liệt, teo cơ...), các triệu chứng có thể cục bộ hoặc toàn thân. Bệnh nhân có thể gặp ở các khoa như khoa khám bệnh, khoa nội (thần kinh, cơ xương khớp, nội tiết...), đơn vị ICU, khoa ngoại (chấn thương, cột sống, vi phẫu thần kinh...).

Phương pháp ghi chẩn đoán điện bao gồm nhiều kỹ thuật, mỗi kỹ thuật có cách thực hiện và mục đích khác nhau, nhằm khảo sát chức năng từng phần hệ vận động và cảm giác ngoại biên, từ đó xác định bản chất tổn thương và định khu vị trí tổn thương trong bệnh lý thần kinh-cơ.

2. Các kỹ thuật thường quy

2.1 Khảo sát dẫn truyền

Nhằm đánh giá sự toàn vẹn sợi dẫn truyền vận động và cảm giác ngoại biên, bao gồm các kỹ thuật:

  • Đo tốc độ dẫn truyền vận động
  • Đo tốc độ dẫn truyền cảm giác
  • Ghi đáp ứng muộn (phản xạ H, sóng F)

Các kỹ thuật này dựa trên việc kích thích thân dây thần kinh vận động, cảm giác và ghi đáp ứng hoạt động điện tại cơ và thụ cảm thể cảm giác trên da.


Khảo sát dẫn truyền thần kinh và kỹ thuật inching giúp xác đinh tổn thương và định khu chính xác vị trí tổn thương dây thần kinh
Khảo sát dẫn truyền thần kinh và kỹ thuật inching giúp xác đinh tổn thương và định khu chính xác vị trí tổn thương dây thần kinh

2.2 Ghi điện cơ đồ

Nhằm đánh giá sự toàn vẹn sợi cơ, tình trạng chi phối sợi trục thần kinh cho sợi cơ. Kỹ thuật này dựa trên việc ghi hoạt động điện của một nhóm sợi cơ trong bắp cơ ở các trạng thái nghỉ, co cơ vừa và co cơ gắng sức, bằng một điện cực dạng kim đâm vào bắp cơ.


Ghi điện cơ đồ giúp đánh giá tình trạng chi phối thần kinh đến cơ và phát hiện các tổn thương sợi cơ.
Ghi điện cơ đồ giúp đánh giá tình trạng chi phối thần kinh đến cơ và phát hiện các tổn thương sợi cơ.

2.3 Test kích thích lặp lại

Nhằm đánh giá tình trạng dẫn truyền xung thần kinh qua khớp thần kinh-cơ (synap thần kinh-cơ).

Kỹ thuật này dựa trên việc kích thích thân dây thần kinh vận động với các tần số khác nhau, ghi đáp ứng hoạt động điện tại cơ bằng điện cực bề mặt.

Thực hiện các kỹ thuật trên kết hợp với thăm khám lâm sàng cho phép bác sĩ chẩn đoán định khu tổn thương (bệnh lý rễ và dây thần kinh, bệnh lý sợi cơ, bệnh lý khớp thần kinh-cơ hay bệnh lý tại tế bào vận động sừng trước tủy), đặc điểm bệnh lý thần kinh ngoại biên (tổn thương myelin hay sợi trục, tổn thương ưu thế sợi cảm giác hay sợi vận động, toàn thân hay cục bộ), đặc điểm tổn thương dẫn truyền qua khớp thần kinh-cơ (tổn thương trước synap hay sau synap).

3. Các kỹ thuật chuyên sâu

3.1 Kỹ thuật ghi điện thế cảm giác-thị giác-thính giác-cảm giác thân thể

Nhằm đánh giá sự toàn vẹn đường dẫn truyền thị giác, thính giác, cảm giác sâu ở tủy sống và vỏ não. Kỹ thuật này dựa trên việc kích thích thị giác (bằng ánh sáng), thính giác (bằng âm thanh), cảm giác sâu (bằng kích thích điện cường độ thấp) và ghi đáp ứng tại vỏ não.

3.2 Kỹ thuật ghi điện cơ sợi đơn

Nhằm đánh giá tình trạng dẫn truyền xung thần kinh qua synap thần kinh cơ. Kỹ thuật này dựa trên việc ghi hoạt động điện của một sợi cơ riêng biệt, bằng một loại điện cực dạng kim chuyên biệt có tiết diện rất nhỏ, qua đó đánh giá sự bất ổn dẫn truyền qua synap thần kinh-cơ. Kỹ thuật này không phân biệt bất thường dẫn truyền trước hay sau synap, nhưng có độ nhạy và độ đặc hiệu cao với bệnh lý synap.

3.3 Kỹ thuật inching

Nhằm xác định vị trí tổn thương cục bộ trên thân dây thần kinh vận động, cảm giác. Kỹ thuật này dựa trên việc kích thích trên dây thần kinh từng đoạn ngắn với khoảng cách 2-2.5cm, ghi đáp ứng điện tại cơ và thụ cảm thể cảm giác từ đó đánh giá và xác định chính xác vị trí tổn thương cục bộ của dây thần kinh.

3.4 Một số các kỹ thuật chuyên sâu khác

Một số kỹ thuật chuyên sâu khác được biết đến như: kỹ thuật đánh giá run (tremor), kỹ thuật đánh giá hệ thần kinh giao cảm (valsava), kỹ thuật đo mật độ sợi cơ (fiber density-FD)... Những kỹ thuật này đang được tiếp tục nghiên cứu và dần đưa vào áp dụng lâm sàng.

Khi xuất hiện các triệu chứng về cảm giác và vận động:

  • Đau
  • Tê bì
  • Dị cảm
  • Yếu cơ
  • Liệt
  • Teo cơ
  • Sụp mi, nhìn đôi
  • Nhìn mờ, giảm thính lực từng đợt tái phát hoặc liên tục mà không do bệnh lý tai, mắt.

Các triệu chứng có thể khởi phát đột ngột hoặc từ từ, sau một chấn thương, diễn tiến liên tục hay từng đợt tái phát. Bạn cần được ghi chẩn đoán điện hoặc bác sĩ của bạn sẽ gửi bạn đến ghi chẩn đoán điện với bác sĩ chuyên khoa thần kinh.

Hiện nay, Lab chẩn đoán điện tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City là nơi tiên phong triển khai các kỹ thuật chẩn đoán điện. Bệnh viện là một trong số ít địa chỉ triển khai các kỹ thuật chuyên sâu, với thiết bị hiện đại hãng NATUS (Mỹ), bác sĩ chuyên khoa sau thực hiện thăm khám, ghi và đọc kết quả.

Quý khách hàng có thể trực tiếp đến Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline TẠI ĐÂY để được hỗ trợ.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe